MÙA KHÔNG CÓ DÃ QÙY
Tôi cho rằng hôm ấy trời Đà Lạt sẽ không dịu dàng quang đãng và mây trên đỉnh Lang Biang sẽ không đẹp lung linh như thế nếu ngày hôm đấy bọn chúng tôi, 9 người - ở cái tuổi không trẻ cũng chẳng già, háo hức rủ nhau tổ chức một chuyến du lịch mà Há – người bạn gốc Hoa đã gọi: Chuyến đi lịch sử.
Có lẽ là tôi nói ngoa – có lẽ là tôi phóng đại và cũng có lẽ là tôi quá sức thi vị hóa chuyến đi chơi tép riu của mình, rõ ràng là tép riu so với các chuyến đi của người khác, quá cảnh hoặc xuyên Việt, tàu hỏa 5 sao hay du thuyền Đông Nam Á mà người tham dự phải liên tục xòe những tờ bạc có in hình ông Tổng thống hói đầu. Chúng tôi – 9 người – đã cùng nhau học cấp 2 (cấp 2 và cấp 3 cái nào hoành tráng hơn nhỉ?) cuối cùng sau 10 năm người này chờ người kia đã gắng gượng dùng hết cái sức gần cuối của cuộc đời dắt díu nhau làm một cuộc cách mạng nho nhỏ để kỷ niệm - kỷ niệm cái gì cũng không biết – hoặc là không cần biết cũng không chừng – đi chơi cái coi.
Đọc đến đây có lẽ có người biểu tôi là rườm rà, nói dai nói dài, ừ thì người già đâu có biết làm cái gì hơn là ôn lại kỷ niệm, nhất là những kỷ niệm đẹp (có mà điên mới ngồi nhớ hòai đến cái vụ việc làm đau lòng tức ngực thời tuổi trẻ), Nhà nước đâu có đóng thuế mấy người ngồi nhớ kỷ niệm đâu. Mà nếu không nhớ nổi thì người ta gọi mình là mắc cái bệnh A A gì đó, quên tuốt luốt. Vậy sao mình không tranh thủ lúc chưa mắc A A gì đó, nhớ chút cho vui.
Sáng hôm đó tôi dậy lúc chưa 3 giờ, dù hẹn xe 4 giờ, mà chính xác hơn tôi có ngủ được đâu, dù 10h đêm thì mọi thứ đã được sắp xếp ngăn nắp, chỉ chờ Alô là bước chân đi được liền. Tôi có thói quen xấu là khó ngủ khi phải chuẩn bị một điều gì, mà Đà Lạt thì luôn luôn níu kéo, luôn luôn thôi thúc, rủ rê tôi, cứ như kiếp trước tôi đã được sinh ra và lớn lên ở đó, cứ như là một phần con người tôi đã được cất giữ ở đó rồi. Ai mà không biết có khi cho rằng hồi xưa tôi yêu một thằng cha căng chú kiết nào ở Đà Lạt, đâu có biết rằng mãi khi con trai tôi được 3 tuổi, nghĩa là tôi đã 30 tròn, tôi mới biết được Đà Lạt đẹp như thế nào. Và tôi đã yêu mãi Đà Lạt 20 năm nay, như một mối tình thật sự.
4g kém 15 tôi đi một mình ra Bưu điện, chồng thì còn ngủ mà con dậy khóa cửa mặt mũi nhăn nhó, chẳng dám bảo nó chở mẹ đi, mẹ thì đi chơi chớ có phải công việc gì mà hành hạ con, không phải xuất cổng tòng phu, phu ngủ tòng tử là may lắm rồi. Đành phải xách một giỏ một túi nặng trĩu đi, không dám cả việc mang đôi dép cao cho nó cải thiện thước tất một chút, đành chấp nhận lùn cho yên tâm về an toàn lao động, 8 đứa còn lại đứa nào mà chẳng biết mình lùn, cố thêm 5 phân cũng đâu có đi thi hoa hậu được.
Em lái xe béo tốt chả kém chị mày, nhăn nhở hỏi chị đi có một mình à, anh đâu rồi. Chị nghe mà thấy chán như con gián, lâu lâu trốn chồng đi du hí cũng bị nhắc nhở bổn phận phu xướng phụ tùy, có ai thèm hỏi ông chồng sao đi chơi không dắt vợ theo đâu, hóa ra đàn bà mà đi chơi một mình là sự kiện nổi bật sao chớ. Chị trả lời tưng tửng bảo bỏ vô tủ khóa lại rồi, lạnh lùng bảo em đánh xe xuống lẻ một đón ông anh cùng lớp. Từ xa đã thấy nhà anh bật đèn sáng trưng, chị vợ cười toe toét tiễn chồng ra cửa cứ như sắp lên máy bay sang Đức. Đàn ông sướng thế đấy, chả bù cho mình cứ lủi thủi đi trong đêm như ăn trộm. Chán mớ đời.
Xe đi ngang nhà Nga thấy tối om om, em này bị chồng cấm cửa không cho đi chơi thì đành ở nhà phục vụ đồng chí chồng vậy. Ghé nhà Hương đón, con mụ vừa đi vừa la oai oái như có đâu năm bảy đứa con khóc lóc đòi bú. May là chưa chồng mà còn lề mề như vậy, có thêm một đống quân sĩ không biết phải đợi đến mấy giờ. Chạy vòng qua đón Hoa, chị nàng đủng đỉnh như bà hoàng, vẫy tay rất điệu chào anh chồng thụt thò sau cửa, 1 – 1 cho cái gọi là bình đẳng giới tính rồi nhé, ngang cơ vợ chồng anh Trừ. Xe chạy đến nhà Há thì tắt máy chờ hai thằng cha đàn ông đang nhẩn nha trang điểm – thấy ghét. Đếm đến số 2001 mới thấy hai ông già đủng đỉnh ra cửa. Nói thực là nếu không phải chờ sái cổ thì sẽ gọi là hai bạn mình, nhưng mà chờ mãi , xức đến nửa lọ dầu gió xanh vì mõi gáy nên nỗi căm tức ấp ủ triền miên.
Mặt Mỹ cứ dài ra như mặt ngựa vì thiếu người, hỏi thì bảo là đau răng, cứ cho là đau răng đi, đỡ tranh chấp một suất ăn nơi xứ lạ quê người, bước chân ra đất khách phải đề phòng cả thằng bạn thân nhất, tre trẻ có khi còn phải đề phòng nó bán ra Trung Quốc như chơi. May là già. Mỹ mà đọc đến đoạn này không phải chửi thầm mà là chửi vang trời lên ấy chứ. Cha tổ con bạn trời gầm, suốt ngày suy nghĩ lung tung.
Xe chạy quá xa mà không thấy Tuyết, Luận đâu, lại la ó vang trời bảo em lái xe béo tốt quay đầu. Lần này thì xe chạy chậm mà bấy nhiêu con mắt dòm ngó láo liên, sau cùng cũng phát hiện hai em bé nhỏ đang ngồi thu lu dưới tấm biển báo hớt tóc, vậy mới nói, nhà cửa không ngồi mà cứ đi hoang cho nó khổ cuộc đời. May mà tìm thấy chứ nếu không cho 2 em chờ tới sáng nhé. Đến trạm thu phí mình nhắc Mỹ gọi cho Chính, Mỹ làu bầu: Còn xa vầy gọi chi bà. Mình lẩm bẩm: 4 cây số nhe cha nội. Chính nhảy tót lên xe nhanh nhẹn, hình như va đầu vô thành xe. Thằng cha này dù sao ngó cũng trẻ trung hơn 3 thằng cha còn lại. Có ai đó nói là vợ chở ra đường đón xe. Lại thêm một vé máy bay đi Đức đây mà. Đàn ông sướng thật. Cứ nhìn Tuyết ngồi thu lu chờ xe thì biết là đàn bà và đàn ông Việt Nam muôn đời vẫn chả bao giờ có bình đẳng giới. Cái mà thiên hạ học hỏi tổ chức thi cử chỉ là để có chuyện mà làm thôi.
Xe chạy đến gần chân đèo Bảo Lộc thì Mỹ nhận được điện thoại của Cẩu. Đáng ghét. Muốn gì thì nói một tiếng, trễ mấy cũng chờ. Im thin thít như thóc luộc rồi bây giờ hỏi.
Trời hơi mờ sáng, mây óng ả bay lượn vòng quanh những ngọn cây ở đèo Bảo Lộc, giống như trong bài thơ mây ôm ấp núi núi ôm mây của Bác Hồ. Đó là vì tôi thường hay đi nên mới nhìn thấy chớ đối với các ông bà ngoại trên xe thì là trời còn tối om om. Tôi thích cái tĩnh lặng của đường đèo, nơi mà người ta thường có 2 phản ứng: Một là giả vờ ngủ cho nó qua cái đoạn đường cong cong gợi cảm chết người, vừa nhìn vừa run. Giống như nhìn một phụ nữ thật sex mà có thằng chồng cầm con dao mã tấu bén ngót đứng cạnh bên. Hai nữa là giả bộ nói chuyện ầm ỉ liến thoáng để xóa đi cái nôn nao kèm sợ hãi.
Tôi cũng không biết mình sẽ phản ứng như thế nào, thường thì tôi hay đọc kinh, đằng nào đi xe mà tôi chả đọc kinh, đọc xong rồi thấy mình thư thái, nghĩ cho cùng thì sống chết đã được xếp trước rồi, chỉ mong sao lúc chết đừng xấu quá, bà con anh em có tới nhìn cũng thấy đỡ tủi thân tủi phận. Thật là chết thì không sợ chỉ sợ xấu thôi, và thật ra cũng có nghĩa là đừng xấu thêm đó mà.
Đường đèo không dài lắm, cũng đủ để tôi đọc hết một hồi kinh cầu bình an cho cả đoàn và nhớ lại chuyện xảy ra đêm hôm trước. Chỉ huy trưởng bảo em cứ đi chơi thoải mái, cuộc sống còn được bao lâu đâu, biết mình còn đi được mấy lần. Cảm tạ trời đất có ông chồng tư tưởng thoáng, chả bao giờ ngăn cản vợ đi chơi, chứ nếu mà cái tư tưởng Đạo giáo Khổng Tử cứ sống mãi trong lòng dân tộc thì chắc có lẽ mình cứ phải cắm cúi sàng gạo, giã thóc ngày này sang ngày nọ. Thằng con trai làu bàu mẹ muốn đi mấy ngày thì đi, chả biết thằng này giống ai, suốt ngày cứ như nhà đạo đức học, làm mẹ mày cảm thấy mình trẻ hơn con, lâu lâu thằng con còn giảng bài cho mẹ già nữa mới gớm.
Tối hôm qua D bảo có đi Đà Lạt chơi thì nhớ ghé thác Dambri, ôi trời không bao giờ nghe lời xúi dại, cái thác đó công nhận là hoành tráng thật nhưng mà để đi xuống thác nếu bằng thang máy thì chán chết, nó làm cái èo xuống tận chân. Mà nếu muốn thơ mộng thì phải đi thang bộ, mấy năm trước còn sung sức, leo thang vèo vèo. Năm nay tình hình sức khỏe cứ đỏng đảnh như mấy em chanh cốm, leo hết cái cầu thang 37 lần ngoắt nghéo đó có nước lăn đùng ra chết. Lại phiền bạn bè thuê xe chở xác về và phiền thêm mấy em bác sĩ mổ tử thi, phiền thêm nữa là nếu quả tim hở van ¾ này đứt bóng không toàn vẹn lại nghe thiên hạ chì chiết bà đó chắc yêu nhiều quá nên chết vỡ tim. Vậy cho nên để không phải phiền bạn bè, phiền bác sĩ và phiền bàn dân thiên hạ thì ta cứ lờ tịt cha nó các thác Dambri hoành tráng đó, ai chưa đi kệ họ, không can chi đến tui.
Theo kế hoạch là đến cà phê Trâm Anh sẽ vô thưởng thức của từ thiện, không may là mấy em Trâm Anh quen thói ngủ nướng, chưa thấy mặt trời chưa buồn thức dậy nên đành phải tủi hổ ra lệnh cho xe tới luôn, bỏ quên cái cảm giác ngắm ngôi nhà xinh đẹp mỗi lần đi ngang thị trấn sương mù này. Sao mà mình lắm kỷ niệm quá nhỉ?
Điện thoại của Chính liên tục réo, từ khi ông ngoại này lên xe tới giờ điện thoại reo vang như chương trình ca nhạc nước ngoài theo yêu cầu. Cứ nghe cái kiểu dặn dò ỉ ôi kia là biết ngay thợ săn đang giương cung, con mồi chắc là em chanh cốm nào đó mới cần hoàng tử bạch mã dặn đi ăn sáng, chứ nếu già già thì mụ ấy đã tự động leo vào hàng bún riêu ngồi chễm chệ húp xoàn xoạt giờ này rồi. Đọc tới đây nhà ngoại giao ráng cố gắng đừng vừa cười vừa chửi nhé. Tiên sư bố con mụ bạn lúc nào cũng chăm chăm nhảy disco vào cổ người khác, nhưng yên chí đi, chỉ nhảy ở cổ thôi chớ không đi guốc vào bụng đâu, lỡ vào rồi không tìm được lối ra thì nguy to.
Hoa than đau lưng, đuổi Chính xuống ghế sau để có chỗ nằm. Tuổi già thật là tệ hại, mặt mũi thì đếm được cả tỷ nếp nhăn. Da dẻ dù có tô có quét mấy cũng chẳng che giấu được những đốm sạm, vùng nám. Lưng, gối thì kêu răng rắc như xích líp thiếu mỡ bò. Mắt mũi thì ầm ừ phản đối đòi hỏi liên doanh mắt kính Sài gòn. May là chuyến này còn ráng mà đi chơi, nếu không sợ là mai mốt đến lúc chịu đi mỗi em vác theo cây gậy dò đường. Thảm thương thay cho em nào tưởng mình còn sống đến năm 95 tuổi, đâu có biết cái tên sức khỏe nó vốn rất ương ương, chả bao giờ thèm nghe lời thằng cha con mụ nào van vỉ cả, thích bỏ ra đi là cứ đi thôi.
Tôi hững hờ ngắm cảnh quan nhẹ nhàng trong nắng sớm. Mùa này trời khô, mát nhưng lại thiếu những vạt dã qùy vàng lối đi. Đoạn đường này nếu đi vào mùa giáp đông sẽ thấy vàng hực một màu hoa trong nắng. Dã qùy không đẹp, cũng chẳng sang, nhưng làm cho cảnh vật tràn đầy sức sống. Không ẻo lã như đồng tiền, không sang trọng như hồng, không qúy phái như lys, không rực rỡ như cúc vàng hay hướng dương; dã quỳ cần mẫn như những con chim én mang mùa xuân, thấy dã qùy là mùa đông đến, thấy dã qùy là thấy noel nhưng hôm nay, mùa này vắng dã quỳ, vắng một màu vàng đậm đà dân dã, chuyến đi với tôi như thiếu một người bạn. Được một lúc, tôi thò tay ra ghế sau, kéo cái giỏ xách bảo bối cất kỹ từ lúc lên xe, nhặt ra nào bánh nào kẹo nào xí muội nào sô cô la, nhìn như sắp mở hàng tạp hóa - ném lên ghế trên cho nó. Hoa mừng rú:
- Cám ơn mày nhen. Tao đương sắp say xe, có ba cái này đỡ lắm.
Đồng bệnh tương lân, tôi cũng như nó, trong lúc bụng lưng lửng ngồi trên xe mà không có cái nhai nhóp nhép thì bị cảm giác như kiến bò rần rật trong đầu. Có nghĩa là đã ngồi trên xe thì bụng phải đầy. Vậy cho nên khoảng thời gian nào phải đi lại nhiều là tôi cứ tròn ủn ỉn như biểu tượng cô gái Hà Lan của hãng Dutch Lady (Xin đính chính thêm là từ khi qua Việt Nam, theo yêu cầu của khách hàng, biểu tượng cô gái Hà Lan của Dutch Lady đã phải phẫu thuật tăng thêm chiều cao và massage xông hơi giảm cân đến mấy lần, tôi thì là biểu tượng nguyên gốc của cái hãng sữa mà lãnh thổ quốc gia thấp hơn mặt nước biển).
Xe ghé vào một quán ăn tương đối bên đường để ăn sáng. Mặc dù tôi đã căn dặn rất kỹ càng, em phục vụ chắc mãi liếc thợ săn đẹp trai nên chả thèm quan tâm đến lời ghi chú gì cả, bê ra một lô một lốc tô dĩa nhìn đâu cũng mới tám rưỡi, trừ tô của bác thợ săn. May quá thợ săn còn chút lương tâm không nỡ nhìn bạn hiền nhịn đói nên đổi ngay, uổng công em phục vụ chăm chút ông anh đẹp trai, thành quả lọt vào tay con mụ già mặt nhăn như khỉ gió.
Anh Trừ sau khi dạo shopping một vòng, về tới bàn có ý kiến ủng hộ phương diện quốc gia, diệt mấy thằng Johnny Walker, Hennessy bằng cách kêu ngay một vò rượu đế. Khiếp, mới sáng mấy cha làm như xe thiếu xăng, đổ ừng ực vô mấy cái cổ họng sắp đem đi thanh lý. Tuổi đời mông mênh thế này các bác cứ tưởng như mình mới đôi mươi, lạy trời cho hết chuyến đi đừng có thằng cha nào ngã lăn quay vì tai biến, không thì ngày mai lên trang nhất báo Tiền Phong. Đã vậy giấu luôn chai rượu Tây cất kỹ , từ từ tính.
Ăn xong lên xe rồi mợ Hoa mới nũng nịu đòi anh Mỹ mua em xuynh gôm, anh Mỹ trong vai người hùng nhảy xuống tuân lệnh người đẹp. Lúc đó mình mới nhớ ra còn cất đến 4 chục viên trong giỏ xách, móc ra phát xoèn xọet như mậu dịch viên thời bao cấp phát phiếu mua hàng. May làm sao chớ anh hùng đi mua xuynh gôm tận Huế, chờ đến mõi cổ bôi tiếp hết nửa lọ dầu gió xanh mới thấy chàng quay bước trở về, trên tay nặng trĩu bọc cool air.
Xe lại lên đường, bây giờ chắc tải trọng đã tăng lên chút chút nên chạy thong thả hơn. Hai bên đường lác đác hoa cỏ còn sót lại sau mùa xuân và mang hơi hướm ngày lễ tình yêu mới vụt qua hôm trước, ngày lễ tình yêu chỉ để dành cho lũ trẻ con thích gặm socola, còn tuổi già thì sao? Một ngày đẹp trời thế này 9 con người già không tới trẻ vừa qua dắt nhau đi tìm một kỷ niệm ngớ ngẩn nào đó không biết. Ông trời chắc cũng đồng lõa với bọn này, nắng vàng rực rỡ báo hiệu một thời tiết tốt, se se lạnh và mang đầy hương đồng nội. Thôi thì kệ bọn bây, kéo nhau đi chơi như thế chắc cũng chẳng hại gì, nỡ lòng nào chơi xấu mấy trận mưa làm đau lòng con quốc quốc. Cho tụi này đi một lần về sau khỏi hối hận, coi như là hậu Valentin vậy.
Mỹ đã đổi chỗ ngồi cho tôi, bò xuống dưới nói cười tếu táo, xung độ như vịt sắp cắt tiết canh, vất đi cái mặt dài như chiếc bơm xe đạp hồi mới lên xe. Tôi vốn sợ phải nhìn xe phía trước như đâm thẳng vào mình nên hiếm khi dám trấn giữ cabin, nhưng lão đầu tử đã trốn khỏi pháo đài, tình nguyện xuống dưới giữ chức phó binh nhì nên tôi đành phải cắn răng leo lên sân thượng. Lòng nhủ thầm cùng lắm ta nhắm tịt mắt lại là xong. Vậy mà hay, tranh thủ đọc được một bài kinh dài bát ngát, vừa đỡ sợ vừa hối lộ các đấng có thẩm quyền quyết định cái mạng già này
Xe chạy vụt qua con đập Bình Thuận dài như rắn lượn – à không một con trăn khổng lồ, tôi ngơ ngác tìm cái gọi là thác Ponguour, nhưng nhìn mãi mà không thấy. Hoàng lái xe bảo tôi chắc chạy qua rồi chị, thôi để lúc về mình ghé. Phải ghé chứ nhỉ? Không thì cả bọn nó bảo mình treo đầu dê bán thịt chó, mang tiếng đến khi vĩnh biệt cõi đời chớ không phải chơi.
Trái đất cứ lặng lẽ quay, bánh xe cứ lặng lẽ lăn, người trên xe cứ thoải mái cười với cái miệng của Hoa. Trời cho mợ này duyên dáng chịu không nổi, nhiều câu chuyện nó kể đến 5, 10 lần rồi, mới nghe đoạn đầu đã biết khúc cuối vậy mà vẫn cứ cười khành khạch. Nhờ vậy mà không khí trên xe luôn rôm rả, chớ nếu ai cũng nhăn nhó càu cậu như tôi thì chắc cả xe lăn ra ngủ hết rồi.
Chẳng mấy chốc đã đi tới thác Prenn, nghĩa là chỉ còn 17 cây số nữa là đến Đà Lạt, Hoàng hỏi có ghé không, tôi quyết định cho qua các thác xấu xí này, mệt quá khi phải leo một đống bậc thang rồi dòm thấy xấu ơi là xấu, tức quá quay trở lên. Thật ra không phải Prenn không đẹp, Prenn có một mành nước rất độc đáo, trông như lối vào Thủy liêm động Hoa quả sơn trong phim Tây Du ký, Nhưng người ta đã để cho Prenn dơ dáy bẩn thỉu, cảnh quan nhếch nhác nên trông Prenn xấu xí như mụ phù thủy Bacgga. Lại thêm dịch vụ mặc quần áo dân tộc chụp ảnh với mái tóc mì tôm loan xoăn highlight đủ màu và đôi giày cao gót thời thượng nhìn tục không thể tả. Tới luôn bác tài.
Một đoạn nữa là đến gần thác Datanla, tôi ngập ngừng hỏi có ai muốn ghé đây trượt máng không. Hương hăng hái có. Thác này tôi đã đến 3 lần nhưng chưa trượt lần nào, lần đầu vì tiếc tiền, 2 lần sau vì chồng sợ vợ chóng mặt nên không cho trượt (để chồng tự do trượt cho sướng – tức không). Tôi nói thiệt mình chưa dám trượt lần nào, Hương mạnh dạn động viên tôi, bảo đã từng đi rồi, tôi vẫn lăn tăn hỏi Hương phải không đó. Mỹ ngắt lời cứ xuống rồi tính. Xe chạy vào bên trong thì Hương la lên tao nhớ lộn rồi, cái này tao chưa đi. Mặt tôi lúc đó chắc khó coi lắm (sao hồi đó mình nhớ lời chồng dặn dò dữ vậy ta) nhưng đã lỡ kéo vào thì phải chịu thôi. Vừa đi chậm chậm đến quày bán vé vừa nghĩ ngợi xem hay là mình ở lại để ai đi thì đi (chồng biết vụ này phải khen em ngoan thế) là Mỹ đã lên tiếng bán 9 vé. Một tiếng soạt vang lên là coi như quyết định đã được duyệt, bay mất luôn lời dặn dò của ông chồng yêu qúy.
Hương đẩy tôi vào chiếc xe đầu tiên có Chính ngồi sẵn, tôi loay hoay một tay máy ảnh một tay bóp kiếng không biết bám víu vào đâu, sợ chết điếng. Phía sau lưng thợ săn cười khoái trá, nhất là qua mấy khúc quanh. Tức điên ruột, giá như biết điều đã an ủi bạn mình đừng sợ, đằng này cứ cười hô hố như bị ma ám. Đến một đoạn thấy có một em trai tay cầm chổi đi tới, tôi mừng rỡ hỏi: Tới rồi hả em, thằng nhỏ lắc đầu: Còn hơn phân nữa. Ôi trời, lại thót ruột thêm không biết bao nhiêu lần mỗi khi xe nghiêng ra vực. Khóc dở mếu dở, Hương ơi là Hương. Lạy trời cho an toàn kẽo xuống âm phủ Diêm vương hỏi mày đi trượt với thằng nào lạ hoắc cho chết chùm vậy con. Vô phúc mà lúc đó đói quá tớp nhằm chén cháo lú oang oang cãi đang đi với chồng thì bỏ mẹ. Diêm vương lại dựa vào Bộ luật hình sự ghép luôn một lúc 17 tội có nước mà nhắn tin về nhà xin đốt gởi xuống 2 tỷ đô la âm phủ chạy án.
Cuối cùng rồi xe cũng dừng, không phải đối mặt với qủy vô thường, với sông Nại Hà nên cũng không cần phải có 2 tỷ đô la. Còn đang thở phào nhẹ nhõm thì xe Hoa – Mỹ trờ đến. Hoa rên rỉ:
- Tao nghéo cái chưn ông Mỹ cứng ngắc hà, mà tao sợ muốn chết luôn.
Mỹ cười khà khà ra cái vẻ ta đây ngon lắm (sau này mới biết gã làm bộ - sợ chết cha). Xe Há - Hương tới nghe Hương thở o o như thợ rèn thổi lửa. Vậy là không phải một mình gan ta nhỏ, cũng có đầy kẻ gan nhỏ như ta. Rồi Tuyết – Luận và sau cùng là Trừ.
Cả bọn kéo nhau xuống thác chụp hình, cầm máy mà tay còn run bần bật, gan đã nhỏ mà tim còn tệ hơn, ai nấy tỉnh táo hết rồi mà chân mình đi còn xiêu xiêu vẹo vẹo như hồi xưa ông già nốc hết bình 5 lít. Vậy mới công nhận mình già thiệt đó nhen.
Đã nói là trời hôm đó đẹp vì có bọn 9 người này đi du lịch nên đoàn cải lương gì đó tới quay video ở thác Datanla. Thấy trong đoàn quay phim có ông thầy chùa, tôi đùa: Hôm nay quay bộ phim Ni cô chải tóc bên bờ suối. Mà đúng là bên bờ suối thiệt, có điều hòa thượng chớ không phải ni cô, và vì không có lược nên cũng không ai buồn chải tóc, chỉ có nghệ sĩ Tâm Tâm xúng xính trong bộ đồ tiểu thơ công chúa gì đó hát tới hát lui mãi mà chưa được đạo diễn OK.
Thác Datanla uốn lượn nhẹ nhàng, bắt được ánh nắng mặt trời buổi sáng. Tôi chụp được một tấm ảnh Hương – Hoa có phông sau lưng là ngọn thác rất sinh động (đó là sau này rửa ra mèo khen mèo dài đuôi thôi) Một tấm khác vừa ý là Chính và anh Trừ, mấy tấm chụp Luận – Tuyết, Mỹ, Há hơi bị tối
Đường đi lên nhanh hơn đi xuống nhiều, giống như là bị kéo ngược đứng lên. Chính trêu: Coi chừng đứt. Ý gã nói tôi béo tròn đấy mà. Tôi quay lại lườm 1 cái dài như dao mã tấu, đến đoạn lên rồi chẳng sợ đâu, chỉ ghét cái miệng toàn nói xui xẻo, mà đã dặn từ mấy hôm trước rồi.
Xe lại ghé tiếp Trúc Lâm thiền viện, trong khi mọi người vào chùa lạy Phật thì tôi đi loanh quanh chụp ảnh, được mấy tấm trông rất khí thế. Anh Trừ chụp cho tôi một tấm cứ như là mệt quá ngồi thở dốc cạnh cái chuông. Ôi trời chẳng biết tại thợ dởm hay người mẫu tệ quá đây không biết, chớ máy ảnh 7.1, đã chỉnh ISO 1600 đàng hoàng.
Khi ra khỏi chùa tôi thắc mắc không biết có nên đi cáp treo không, Mỹ bảo tôi hôm nay thoải mái đi. Thống đốc Ngân hàng đã ký quyết định thì nhân viên chỉ còn việc chấp hành thôi. Hương lựa một cái mũ, bảo tôi nhìn thử coi, Tôi trề môi: Xấu hoắc. Hoa giành lấy đội lên thì lại đẹp, trời chả công bằng chút nào. Sau cùng thì Hoa đội mũ mới còn Hương đội mũ Hoa. Ngó cũng được.
Đứng trước dàn quay, tôi đùa: Xếp hàng đi, quyết tiến lên hàng đầu (tự hỏi: hàng đầu rồi biết đi đâu – Đi đâu không biết hàng đầu cứ đi) Hương tưởng thật: Vậy hả? Tôi cười khóai chí: Đồ ngốc. Hương hỏi tôi: Một lồng đi mấy người? Tôi nói: Bốn năm gì cũng được. Đó là mình nói sức chứa. Mụ lại tưởng là phải đi bốn năm người, xồng xộc kéo mình vào chiếc lồng đã có Hoa, Chính, Mỹ. Tôi lắc đầu: Hương đi đi, rồi lùi ra. Tự dưng tôi muốn đi một mình, muốn hưởng cái cảm giác cô quạnh giữa bầu trời lộng gió của Đà Lạt, muốn nhìn xuống thung lũng thăm thẳm và tưởng tượng ra đủ thứ trên đời. Vậy mà Há đã ở lại cùng tôi chớ không đi chung với Luận – Tuyết – Trừ dù sắp bước lên chiếc lồng đó. Cái này gọi là mình tính không bằng bạn mình tính. Chả lẽ bảo ông để tui đi một mình thì nghe lãng nhách, ừ thì đi. Thế là mất cái cảm giác cô quạnh cheo leo trên đỉnh đồi Robin khi ngồi kế bên là ông bạn hiền lành ít nói. Vậy cũng được chớ sao.
Cáp treo hôm nay đi êm ả, không có gió nên không bị lắc. Há chỉ xuống vạt cây dưới thung lũng, cười vang thấy mình đang lơ lững trên không. Cuộc đời nó quanh quẹo thế, muốn cô đơn cũng không cô đơn được. Đang đi thì nghe điện thoại réo, lạ ghê, ở trong lồng kín mít vậy sóng nó chui vô chỗ nào vậy ta? D hỏi Đi Đà Lạt có vui không? Trả lời tui đương ngồi trong cáp treo đây. D trách sao không nói trước vài tuần để D thu xếp đi công tác cùng. Mình cười khà khà ông đi với tui trộm nó vô khiêng mất cái kho ty tỷ của ông tui lấy đâu ra mà đền. D bảo sao lúc nào cũng ăn nói dấm dẳng như vậy. Bố ai mà biết được tại sao, sinh ra vốn thế rồi, 50 tuổi phải chua ngoa hơn lúc 15 tuổi chớ. Há cười cười, không biết có suy nghĩ gì về con mụ bạn chanh chua này không, bình thường cũng đâu đến nỗi nào, lâu lâu lên cơn tưng thì ăn nói như ma nhập. May Há không hỏi ai vậy, nếu hỏi không biết phải trả lời sao cho dễ hiểu.
Xuống hết đồi Robin thấy còn sớm nên bảo Hoàng chạy thẳng đến Dinh Bảo Đại. Cái Dinh này mình đi không biết bao nhiêu lần rồi nhưng vì Trừ - Tuyết – Luận chưa đi nên phải ghé vô, với lại cũng muốn chụp ảnh ở đây, cảnh quan đẹp quá mà. Vậy mà khi vô mua vé thì bắt đầu thấy mệt, giao máy ảnh cho Chính – Mỹ chụp vài tấm chung rồi vô trong. Bây giờ thì thực sự mệt, quá mệt đến mức độ không thò tay lấy được đôi tất mang vô chân. Đành phải ngồi nhìn mọi người, không lẽ kêu lên hỏng hết cuộc vui, ai hỏi cũng nói đi nhiều rồi không muốn đi nữa. Ngồi nghỉ ở phòng khách một lúc thì thấy đỡ hơn, bắt đầu đi lại trong dinh. Nhìn thấy Chính chụp ảnh mà ngứa mắt, thợ này chỉ biết săn phụ nữ thôi chớ chụp ảnh thì chả có chút kinh nghiệm nào. Người ta chụp ảnh thì người chụp loay hoay chọn góc, khom khom, bò bò, lết lết, thậm chí còn nằm ngửa nằm nghiêng. Thợ quái gì không dám cúi lưng sợ mất form, không dám ngồi ghé sợ nhăn quần áo. Giành lại máy ảnh cho rồi. Ghét.
Trở xuống chụp một mớ ảnh mà dám tự hào là đẹp đây, Dinh Bảo Đại đẹp quá mà. Thông bao vòng quanh Dinh, lã lơi trong gió. Bao nhiêu là loại hoa đủ màu đủ sắc trong vườn lung linh khoe màu dưới nắng. Hoa kết thành vòng, hoa rủ xuống từ chiếc cổng phụ, hoa ươm nghiêm chỉnh hàng lối trong khu vực mang hình dấu ấn nhà Nguyễn. Hoa trong chỗ hốt tiền thiên hạ nên được chăm chút như các em chuẩn bị đi thi hoa hậu, lộng lẫy phát sốt lên được. Em Hương em Hoa ra sức làm người mẫu. Hương thì đứng như chào cờ còn Hoa thì mở đủ 36 kiểu ẹo làm duyên. Kệ, Dù nghiêm nghỉ hay ưỡn ẹo thì nội dung cũng vẫn là muốn đẹp thôi mà. Mà đẹp thì đâu có tội.
Đang kê máy lên chụp cho Há thì điện thoại reo, lần này là Cẩu gọi, than thở biết mấy bạn đi vui vậy thì tui dậy sớm đi rồi. Đồ già còn mê ngủ rồi than thở cái nỗi gì chớ, thôi ở nhà nhậu đi cho đỡ tiếc.
Xe chở mọi người đi ăn cơm, Hoàng đưa đến quán cơm miền Tây, kết luận ăn thì tạm được mà chờ hơi lâu, với lại quán cơm bình dân mà giá hơi bị cứng. Tôi cho xe đến khách sạn Red Sun, khách sạn này 2 sao, rất lịch sự, ở gần Novotel Đà Lạt, gần lấy chút hơi sang thôi chớ gan trời hay sao mà dám mơ tưởng đến Novotel. Tôi thích khách sạn này vì nhiều lý do, một trong số nhiều đó là ở đoạn giữa con đường có một ngôi nhà được trang trí bằng những bánh xe bằng gỗ, trước mặt ngôi nhà, bên kia đường là bờ đất được phủ kín bằng những vạt dã qùy. Phụng - cô bé lễ tân nói con chờ cô nãy giờ, tôi uể oải giao chìa khóa cho mọi người. Chính – Mỹ một phòng. Trừ - Há – Hoàng một phòng. Luận - Tuyết một phòng. Còn lại là tôi và Hương – Hoa.
2h30 thì Mỹ gọi qua bảo đi. Lại lục tục kéo đi. Kế hoạch chiều nay là viếng chùa Tàu, chùa Linh Phước, Thung lũng Tình yêu, XQ sử quán và ghé nhà thờ Domain – còn gọi là nhà thờ Mai Anh mua đồ len ủng hộ trẻ mồ côi. Trong khi mọi người đang thắp hương ở chùa Tàu thì tôi kéo Chính ra hỏi nhỏ: Đi không xin phép vợ phải không? Chính gật đầu: Cái tật nó hay cằn nhằn. Tôi nhăn mặt, kiểu này lộn xộn đây, gấu mẹ này vĩ đại lắm.
Chùa Linh Phước có kiến trúc như lăng Khải Định do đám thợ người Huế đưa vô đây làm. Nghe kể cách đây 2 hôm chùa phát sáng lên nên hôm nay có nhiều người đến viếng. Tôi hăng hái leo lên 7 tầng tháp, vừa leo vừa nghĩ đến phim Tây Du ký đoạn chùa bị mất viên ngọc phát sáng, Tam Tạng cầm chổi quét tháp, quét đến tầng thứ 4 thì mõi lưng gọi Ngộ Không quét giùm, Ngộ Không leo đến tầng 6 thì gặp 2 con yêu tinh cá trắng cá đen đệ tử của yêu tinh sùng 9 đầu. Tôi leo đến 7 tầng tháp (mở ngoặc không quét đâu - đóng ngoặc) ở tuổi 50 cũng giỏi bằng sư phò Tam Tạng tuổi 30. Vừa đi vừa ngẩm nghĩ vừa tự hào vừa chụp ảnh, nhìn tới nhìn lui chả thấy bạn mình đâu, mỗi một mình mình leo lên cao ngất ngưỡng. Quay trở xuống cũng dán tờ giấy vàng cầu xin, cũng dộng chuông như ai nhưng mới dộng được có 2 tiếng rưỡi thì mõi tay quá, tiếng sau cùng nghe như con gì kêu không biết. Xuống tầng cuối cùng cũng thò tay xin xăm như mọi người, mồm lảm nhảm cầu xin trúng số độc đắc.
Qua phía bên kia trèo lên tầng trên của ngôi chùa với Há, Chính. Chụp được vài tấm ảnh thì hết pin. Tối hôm qua ngu ghê không chịu sạc. Đáng đời bà già lẩm cẩm. Chịu chết.
Xe chạy qua Thung lũng tình yêu, tôi thông báo: Máy tao hết pin rồi, tụi bay chịu khó chụp ngoài. Hương hứ cái cốc nghe điếc tai. Đi lẩn quẩn vào mua 1 cây kem ăn đỡ buồn. Anh Trừ đứng xa cười tủm tỉm, cái tật mê kem của mình sao nhiều người để ý vậy không biết. Đứng coi cảnh mọi người chụp hình tạo hình làm dáng ưỡn ẹo mà tức cười, sao lúc mình cầm máy lại thấy bình thường. Tự nhiên nhớ đến bài hát Ai lên xứ hoa đào nghe Trung Chỉnh – Hoàng Oanh hát trong Paris by night.
Đoàn toàn ông già bà già nên chỉ ở loanh quanh phía trên, không ai chịu xuống thung lũng, ai cũng sợ đi lên chùng chân mõi gối. Tôi trốn ra một góc khuất – bây giờ mới nghĩ sao mình hay trốn thế nhỉ - bâng khuâng nhìn quang cảnh mỗi lần đến mỗi lần thay đổi. Cũng như thác Cam Ly, người ta đem Thung Lũng Tình yêu ra giải phẫu thẩm mỹ, bơm mông nâng ngực, sửa mũi, khoét mắt. Hai mươi năm trước chồng tôi có một tấm hình chụp từ trên cao lấy được xuống tận thung lũng, đủ cả các yếu tố mây, núi, rừng, nước. Xét về góc độ chụp phong cảnh coi như đạt điểm 9. Bây giờ thì đố mà kiếm ra đủ các yếu tố đó. Người ta đã cải tạo tới cải tạo lui khiến cho em Thung lũng Tình yêu nhìn như nữ diễn viên điện ảnh Cher , toàn là đồ giả.
Phía bên trái chỗ tôi ngồi có một vạt hoa, à không hay là mình gọi rừng hoa đi, hoa gì không biết nhưng nhiều quá, rung rinh trong gió (Đà Lạt thì ty tỷ hoa, làm sao tôi biết nỗi). Tôi thích hoa trồng dưới đất, lúc đó hoa đẹp như chủ nghĩa tự do. Hoa cắm trong bình dù trình độ nghệ thuật cỡ nào dưới con mắt tôi cũng giống như một nền đồng tước khóa xuân hai kiều, gượng gạo và bó buộc.
Em ơi anh đã về đây. Mang theo cả một rừng hoa thương nhớ.
Sao em không điểm tô, để cánh hoa tôi mòn mõi đợi chờ?
Sao em không đưa tôi đi đến miền đất xa lại nào?
Sao em không đưa tôi rời xa – nỗi nhớ nhọc nhằn?
Ngày mai anh lên xe – sau khi đã đạp đổ chắn tường cản lối.
Tình cũng lạ sau đêm dài hấp hối. Dẫm nát tâm hồn anh khắc khoải bao dung
Cả một rừng hoa mà tôi thì cô quạnh, ngay cả khi bên tôi có rất nhiều người.
Buổi chiều coi như chỉ thành công đến giây phút đó, còn lại không ra chi. Vào XQ sử quán thì hết giờ đóng cửa. Vào nhà thờ Domain de Marie thì đang tu sửa lại. Chán. Lại thêm thợ săn bị khủng bố mặt mũi cứ xanh nhợt ra thấy mà thương. Bảo dắt mọi người đi ăn cơm thì vào trúng cái chỗ không còn gì tệ hơn. Hương cứ lẩm bẩm luôn mồm chê trách, Hoa phải mua thức ăn chay ăn kèm. Tự nhiên tôi thấy thương Chính quá nên ra sức bênh, quả thật là lúc này nhìn thợ săn vô cùng thểu nảo. Nói thật lòng là tôi cảm thấy hối hận khi rủ Chính tham gia vô cuộc đi chơi lịch sử này, ngay cả bây giờ - khi đang viết lại.
Cơm xong Mỹ bảo tôi dắt đi mua hộ áo len, đầu tiên tôi định đi, rồi tự nhiên thấy mệt, tôi vẫn có thói quen phải nghỉ một lúc sau mỗi bữa ăn nếu không thì đau bụng. Hôm nay chẳng những đau bụng mà lại mệt dồn dập như buổi trưa ở Dinh Bảo Đại. Tôi chỉ cho Mỹ chỗ bán áo, dặn Mỹ trả giá rồi định ra về. Chính kéo tôi lại nhờ mua giùm cà na cho vợ. Tôi mõi mệt đi cùng Chính một lúc rồi giao lại cho Hương, trốn ra ngoài gọi xe ôm chở về khách sạn, tôi mệt quá sức rồi, không chờ mọi người nỗi nữa. Lại thêm một lần biết mình già.
Buổi tối ở khách sạn có nhiều chuyện tức cười. Luận – Tuyết kể đi thang máy ngược lên ngược xuống không biết đường ra, kể chút nữa có món Bạch Tuyết luộc vì cái bồn tắm chứa toàn nước sôi ngùn ngụt. Anh Khánh gọi điện hỏi đi chơi vui không em, tôi nói vui quá trời anh ơi. Nếu không vui cũng chẳng dại gì mà kể cho mệt, đã đi chơi tất phải vui thôi. Vậy chớ tôi nhức đầu lắm, cái đầu chết tiệt bao nhiêu năm nay luôn hành hạ tôi. Đã vậy cái giọng lanh lảnh như xé vải của Tuyết nói liên hồi làm tôi chịu hết nổi. Tôi nhăn nhó biểu Tuyết về phòng rồi lăn ra ngủ - ôi tôi cần 15 phút ngủ này biết bao nhiêu.
Khi tôi dậy mọi người đã kéo nhau sang phòng Há nhậu vịt lộn với chai Grant tôi đem theo, chán mớ đời rượu tây nhậu vịt lộn. Tự nhiên tôi thèm được đi lang thang trên đường phố Đà Lạt, thèm hít cái lạnh ngọt ngào của xứ hoa đào, thèm được đưa tay với một làn mây để mở ra 5 ngón lạnh đầy hư không. Tôi qua phòng Há, nháy nhó với Hương, con ngốc còn đang cười toe toét với chai rượu Thái cũng của tôi mang theo. Khổ thân tôi, rượu thì đem hết chai nọ chai kia mà bản thân không dám uống một giọt, mà tôi là ai chứ - con gái rượu của một bợm nhậu ác chiến nhất xứ, buổi sáng điểm tâm một chai đế 65cl mà vẫn tỉnh rụi như không, ngồi kể chuyện Đức Khổng tử sang nước Vệ, các em giai bây giờ hơi tý là kêu vang trời ta đây 2 thằng một chai. Đồ bỏ so với ông bố nát rượu của tôi. Cứ giống như ba tôi đã uống trọn hết phần của tôi – của các em tôi vào bụng ông. Hay ta nói ngược lại đi, ông đã nhận hết mọi đắng cay khổ cực của con cái cho mình. Nghe ra có lý nhỉ. Nhìn Tuyết – Hoa uống rượu mới thấy mình đúng là dân nhà quê, đành nhặt một cái râu mực mà gặm cho đỡ tủi.
Một lúc thì Hoa về phòng – rồi Tuyết cũng vào theo. Lần này tôi muốn đi khỏi phòng, không phải vì cái lạnh của đường phố Đà Lạt, cái bàn tay 5 ngón lạnh hư không mà vì cái giọng nhức óc của Tuyết. Tôi nháy Hương, hai đứa nghênh ngang vô thang máy xuống lầu dù đã 9 giờ đêm. Đà Lạt khoan dung cho tất cả mọi du khách. Đà Lạt vui vẻ đón nhận bất kể giờ nào nếu người liệu mình đủ sức chịu đựng. Đà Lạt ngoan ngoãn đi không sợ kẻ xấu lộng hành. Dĩ nhiên là chớ có quá bản lĩnh mà chui vào nơi nghi ngờ có hiểm họa chiến tranh.
Hai chúng tôi đi trên đường phố, ngông nghênh như hai con điên chớ không phải là hai bà già tóc đã bạc. Đường phố Đà Lạt về đêm thật dễ chịu, chúng tôi đi làng thang qua Bưu điện có những đèn màu lấp lánh, ngang nhà thờ con gà có đầy mùi thơm của một loại hoa gì đó để 2 đứa hè nhau hít lấy hít để rồi hỏi rằng hít nhiều thế này có khi nào ngộ độc ngày mai hết sống không? Tối Đà Lạt sương giăng nhè nhẹ, thấp thoáng bóng ai tha thướt bên trong giáo đường làm tôi chợt nhớ đến một bài thơ:
Mùa có sương rồi sẽ bước đi. Xa rồi ai nhại cảnh Đường thi. Nhà thờ đăm hơi thu giá. Thèm có người làm dáng qúy phi. Tha thướt xiêm dài thoang thoáng khói. Lò trầm gầy đượm móng tay son. Nào ai nhớ nữa mà mong đợi. Thắm rụng vàng rơi đá cũng mòn. Em ở đâu về lạnh lắm đây. Một mình chứa cả nhớ, yêu, say. Mùa sương tới sớm và đi muộn. Lãng đãng lòng ta lẻ tháng ngày. Người ơi – người ơi đừng làm mây.
2 chúng tôi đi lang thang, lang thang hết phố Nhà Chung, đi qua đường Lê Đại Hành có cái dốc dẫn xuống cầu ông Đạo. Đi loanh quanh tới tới lui lui vừa đi vừa nói chuyện vừa cãi nhau xòanh xoạch vang trời. Tủi thân cho tôi. Tôi đã từng thèm có một buổi tối nào đó, đi với một người nào đó, nhỏ nhẹ kể chuyện trên trời dưới đất loanh quanh trên đường phố Đà Lạt. Nhưng mà có bao giờ được đâu. Bao nhiêu lần đi dạo buổi tối ở Đà Lạt là bao nhiêu lần cãi, chuyên gia cãi chồng mà. Hôm nay đi với bạn cũng cãi luôn, cãi xoèn xoẹt không đứa nào nhường câu nào. Nghĩ lại tôi thấy đối với Nâu tôi hiền ghê, chả thèm cãi bao giờ dù nhiều lần Nâu quát vang lên, mắng mỏ tơi bời. Ai lại đi cãi với người coi mình như tuổi thơ, như ký ức, như dĩ vãng, thậm chí như cái thùng rác. Nâu bảo tôi: Mình có cả trăm bạn nhậu, bạn làm ăn, bạn vui chơi. Nhưng chỉ có một mình Cúc là bạn học, bạn thơ ấu, bạn kể lể, bạn cằn nhằn, bạn tâm sự, bạn trút hết bực bội. Đã như vậy thì làm sao mà cãi được chớ, đành phải làm cái thùng rác đóng nắp thôi.
Kể ra Nâu cũng còn hên, có tôi làm thùng rác để trút hết những khó khăn công việc, những bực bội gia đình, những mối tình đến rồi đi, những buổi sáng buổi chiều ấu thơ rong chơi trên con nước Pattagiang. Có tôi lặng lẽ mấy tiếng đồng hồ ngồi nghe Nâu kể chuyện hồi còn cởi truồng đóng bè lội qua sông, chuyện hồi má sinh em bé không người phục vụ, Nâu mới 7 tuổi phải lội sông bắt cá đem kho nấu cơm cho má. Còn tôi, có ai đâu, chờ Nâu nói xong thì Nâu đã tất tả chạy đi lo công việc, có kể với chồng thì chồng ngáp anh buồn ngủ quá em ơi, em có khó khăn gì thì tự mà giải quyết, em thông minh mà. Chả lẽ cãi lại chồng không đâu em ngu lắm, em cần có anh để làm cái thùng rác cho em. Còn Hương hả? Nói câu nào nó cãi lại câu đó, có bao giờ mà nghe, nói chi đến chuyện làm cái thùng rác. Mà đời người ai chẳng cần một cái thùng rác để trút hết nỗi nhức nhối dai dẳng trong mình. Tôi nhớ câu chuyện người thợ cạo của hoàng cung, biết được bí mật hoàng thượng có lỗ tai lừa. Không thể kể được với ai, ông ta tìm đến một gốc cây to, khoét lỗ rồi đút đầu vô đó gào lên: Hoàng thượng có lỗ tai lừa. Thấy không – con người ta ai cũng cần có cái gì đó để trút bỏ. Cái cây nghe mãi nghe mãi từ năm này sang năm nọ, cũng ngứa miệng rung lên mỗi lần có gió: Hoàng thượng có lỗ tai lừa. Thấy chưa – cái cây mà cũng còn nhiều chuyện nữa là người ta.
Có tin nhắn rung lên trong túi áo khoác, mắt kính Sài Gòn buổi tối không liên doanh nên bó tay chấm com không biết chữ, chỉ biết con số dài lằng ngoằn đó là của D, tôi bấm gọi lại, gào lên: Tui không có kiếng nên không biết ông nhắn gì, ông nói lẹ lên máy tui sắp hết tiền rồi. D tắt cái rụp, Hương cười sùng sục hỏi ai vậy. Tôi nói Chả biết gọi là gì cho đúng ngoài bạn học hồi nhỏ. Rồi sao nữa? Trăng sao gì chớ, đợi tao già ngắt mới kể hồi nhỏ yêu tao. D gọi lại ngay, hỏi tôi có ở gần đường Trần Phú không? Tôi nói tôi đang đi trên đường Trần Phú đây. D bảo tôi đi về hướng trường Kinh tế Kỹ thuật, ở đó có 3 cây thông lớn, một trong 3 cây đó D khắc tên tôi với D kèm thêm trái tim (chắc hàng khuyến mãi). Tôi nói ông ơi giờ này tăm tối tui tới đó lục lọi gốc cây dân phòng nó tưởng tui bán Heroin thì sao. Với lại ông khắc cách đây 30 năm, rong rêu nó phủ kín mít hết rồi, kiếm ra được chắc tui chết liền. D hỏi tôi còn câu gì đanh đá chua ngoa hơn không rồi hỏi tôi đang đi với ai, tôi đưa máy cho Hương nói tào lao vài câu rồi tắt máy.
Hương nói tôi già còn chảnh, tôi cười khà khà tao thuộc gốm sứ đời Đường, càng lâu năm càng có giá. Nói thế thôi chớ mấy khi gặp được người khùng như D, tận dụng chảnh lúc nào hay lúc đó, mai mốt chết xuống âm phủ biết chảnh với cô hồn các đẳng nào đây. Vái trời bài này đừng có bao giờ lọt tới tay D, bằng không hắn rủa tôi chết vùi thây dưới mười tám tầng địa ngục.
Ở trong thang máy Hương hỏi tôi có khi nào mình về tới phòng rồi mà con Tuyết còn ở đó không? Tôi nói ai mà biết được – dám lắm a. Chưa đẩy cửa phòng đã nghe cái giọng xé vải lanh lảnh của nó vọng ra, tôi với Hương cười như điên, cười nghiêng cười ngửa, cười muốn ngã ra nền nhà, cười đến nỗi phải bò vào phòng vệ sinh, mà lúc đó kim đồng hồ đã chỉ 11 giờ.
Buổi sáng tôi dậy sớm, 5 giờ kém 25, thay quần áo đi nhà thờ, từ khách sạn đến nhà thờ chỉ qua 1 ngã tư, lần nào lên Đà Lạt tôi cũng ngủ ở Red Sun để đi nhà thờ cho tiện. Vậy mà hôm nay không ai mở cửa cho tôi, bảo vệ đi đâu không biết. Tôi đành phải trở lên phòng. Lạy Chúa con siêng mà hoàn cảnh không cho phép. Chịu thua rồi Chúa ơi. Hoa hỏi tôi mày làm gì sáng sớm diện dữ vậy. Tôi nói tao đi nhà thờ mà không có ai mở cửa. Vậy thôi ngủ lại cho rồi.
Nói vậy chớ làm sao mà ngủ được, phải chi tre trẻ thì cũng làm một giấc như ai. Đằng này tóc bạc da mồi rồi, nửa đêm trở mình còn khó ngủ lại nữa là thay quần áo son phấn nước hoa xịt tá lả biểu ngủ lại sao ngủ được mà ngủ. Hương trở mình lầm bầm cằn nhằn dậy chi sớm vậy. Tôi cười đểu giả hỏi bộ ở nhà mày ngủ nướng lắm hả. Bạn bè thân thiết hạ nhau không thương tiếc chớ sao tôi lại không biết ở nhà sáng nào Hương cũng phải dậy từ 3 giờ.
3 đứa dắt nhau đi ăn sáng, hôm qua đã thông báo sáng nay ăn sáng tự do. Đi ra mấy bước thấy Mỹ, Chính, Hoàng ngồi uống cà phê, ghé lại ngồi ké một chút. Chương trình sáng nay đi lên đỉnh Lang Biang. Chính nói coi lại đi nghe đâu trên đó không có gì, Mỹ bồi thêm mà chuyến xe Uóat chở mình lên chạy ghê lắm. Tôi hỏi ai nói, Chính trả lời bác tài đây nè. Tôi quay sang Hoa hỏi tính sao, Hoa phẩy tay: Đã đi là tới. Tôi lạnh nhạt nhìn 3 gã đàn ông, buông thõng: Ai thích ở lại thì ở, ai đi thì đi. Bây giờ nghĩ lại tôi tự hỏi sao mình giống người không có trái tim vậy ta? Đáng lẽ tôi phải động viên người khác, phải nói là không sao đâu, tôi đã đi rồi, chẳng có gì là nguy hiểm cả
..vv..vv , sao tôi lại thản nhiên như hướng dẫn viên du lịch chạy tour, chả buồn thanh minh quảng cáo gì hết, ai chịu thì OK, không thì thôi. Nâu nói cái tính mát mát của tôi làm đau lòng người khác chắc cũng không sai chút nào. Đó là bạn bè thân thiết hiểu rõ tính tình nhau nên Nâu mới khoan nhượng gọi là mát mát, chớ nếu là người khác chắc họ gắn cho tôi đủ thứ tội kiêu căng, hách dịch, đỏng đảnh lu bù rồi.
Bọn tôi đến ăn sáng ở đường Nhà Chung, tiệm ăn tôi quen có 2 bà già má hồng Đà Lạt thường khuyến mãi cho tôi một dĩa rau trụng nước sôi tú ụ. Hoa và Hương có lẽ không hợp khẩu vị, ăn không mạnh miệng như tôi. Mà ai biểu, tôi đã nói trước rồi, dãy phố này có cả đống chỗ bán đồ ăn sáng, ai biểu đi theo tôi vô cái quán nhỏ xíu này làm chi, tôi thích quán này vì có 2 bà già má hồng dễ thương gây cho tôi cái cảm giác ấm áp quen thuộc của Đà Lạt chớ đâu phải vì ngon dở. Tôi vốn lãng mạn mà, béo tốt như tôi ăn ít ăn nhiều có quan trọng gì đâu.
Chắc chưa no nên 2 mụ kéo đi mua xôi, mà có phải mua ít đâu, bốn năm gói gì đó, không hiểu có định tặng cho thằng cha nào không biết. Hai đứa làm tôi nhớ tới chồng, lần nào đi ngang đây anh cũng ghé vào mua xôi, dù đã ních 1 bụng bánh cuốn nóng kèm tô bún bò Huế. Ăn kinh dị vậy mà vẫn ốm nhom mới sướng, không bù cho con vợ vừa ăn vừa bóp cổ mà vẫn tròn ục ịch như thường.
Về khách sạn thay quần áo đi chơi, Hoa ngồi trang trang điểm đánh vỡ cái gương soi, Hương ngại ngùng nhìn tôi, tôi biết ý nói nếu kiêng thì khỏi đi LangBiang, Hoa gạt ngang nói kiếng cỡ này vài bữa tao làm bể một cái. Sau cùng tôi quyết định sống chết có số, sợ hoài rồi ai chết đây, đứa nào không đi tao với con Hoa đi.
Bắt đầu cuộc dạo chơi mới, Tuyết – Luận đòi ghé chùa Linh sơn để xem câu hát "Linh sơn đâu đây buông tiếng chuông ban chiều" như thế nào. Không biết chùa Linh sơn hồi bản nhạc được sáng tác đẹp cỡ nào chớ bây giờ nhìn chán quá, ngoại trừ mấy cây Trà My đẹp mơ màng. Hoa vừa đi vừa rên rỉ cái lưng đau muốn gãy mà không ai quan tâm. Hương cằn nhằn mày dựa vô tao mệt muốn chết. Tôi lầm bầm mấy ông đàn ông này không biết gì hết, thấy con nhỏ đau mà không ai thèm ngó ngàng gì. Mỹ nói Ai biết đau đâu, tưởng giỡn chớ. Sau cùng anh Trừ đưa vai cho Hoa dựa, tình cảm chịu không nổi. Thợ săn sáng nay buồn ủ rủ vì tình hình Ankêda khủng bố ghê quá nên đứng tựa cột chùa miệng tụng Nam mô, tôi thấy vậy đưa máy ảnh lên làm vài phát cho đem về nịnh vợ. Khổ thân thợ săn, ai biểu để hạnh kiểm kém làm gì.
Xe chạy đến chùa Linh Quang, định ghé vô thì thấy bảng cấm vào vì đang tu sửa, vậy nên đi luôn tới Lang Biang. Anh Trừ không lên, cương quyết nhậu dưới chân đồi. Mỹ thóai thác đi rồi, Luận – Tuyết nói nghe nói không có gì nên khỏi đi. Há nhất định đi, Chính ngần ngừ rồi sau cùng cũng đi. Trong lúc chờ xe Há mua mấy chai nước và mua cho tôi một cây kem. Tôi gặm kem thoải mái trước mắt mọi người, chả buồn quan tâm đến tóc mình đã bạc. Chính ngồi bên tôi nói về tình hình sắp tới, tôi ái ngại thông cảm mà cũng chẳng dám nói nhiều. Ai mà biết ai sai ai đúng, Chính cũng phải có gì đó vợ mới ghen lồng lên như vậy. Tội ai làm nấy chịu, than thở cũng đâu giúp được gì.
Xe đưa mọi người lên đỉnh núi,vòng vèo qua nhiều đoạn cua mà Hoàng gọi là chuyến xe bão táp, chuyến xe tử thần. Thật ra có gì ghê gớm lắm đâu, tôi đi lần này là lần thứ hai rồi, cả Hương – Hoa – Há đều công nhận như thế. Nếu suốt ngày cứ nghe người ta nói rồi dừng lại thì cả đời chắc bao giờ thoát khỏi cái vỏ ốc chung quanh mình. Sống chết có số rồi, lo chi cho lắm.
Đỉnh Lang Biang hôm ấy đẹp rụng rời, điều này được chứng minh bằng những tấm hình tôi chụp. Mây xanh ngan ngát và nắng vàng phủ xuống ngập tràn ngọn núi cao. Xa xa dưới thung lũng uốn éo con suối chảy quanh, chập chờn bướm bay lượn trên những bông hoa dại e ấp như cô gái tây nguyên.
Tôi đã bảo rằng hôm ấy mây trời rất đẹp và tôi thấy như thiên nhiên đã cố tình ban tặng điều đó. Đà Lạt ngày hôm đó khí trời rất tuyệt, man mát nhẹ nhàng. Nắng ở Lang Biang óng ả như mật ong và những đám mây trôi lãng đãng như cố tình dẫn dụ du khách. Tôi quá vui vì cảnh, quá thích vì hoa, đã say mê chụp những tấm hình đẹp như tranh, như ở các poster của Hàn Quốc.
Tôi đã bắt các bạn mình đứng chỗ này, ngồi chỗ kia để thỏa mãn nhu cầu thưởng thức cái đẹp của mình. Tôi lom khom bước lui bước tới, nghiêng nghiêng ngửa ngửa để chụp những tấm ảnh tuyệt vời cho Hoa, cho Há, cho Hương, cho Chính. Tôi muốn gói gọn LangBiang trong máy ảnh của mình, tôi muốn cảnh quan đẹp nhất Đà Lạt nằm trong tay tôi.
Đọan đường xe xuống làm Há hơi mệt mõi, về sau Há kể với tôi như vậy, vì xe chạy nhanh và Há ngồi phía sau, còn lại không sao cả. Đợi cho đến khi xe dừng lại tại bãi đậu, tôi thò tay lên cốc đầu Chính mắng: Đồ chết nhát. (Rõ ràng là đợi đến giây phút này mới thực hiện ý đồ thâm hiểm của mình).
Mọi người tụ tập bên bàn nhậu của anh Trừ và Mỹ trong quán. Mặt Chính cứ dài ra như mặt ngựa khi tưởng tượng đến cảnh khủng bố bên nhà. Tôi vừa thương vừa buồn cười, dõng dạc phê bình bác thợ săn gặp khủng bố. Mỹ bàn cách đối phó với gấu mẹ vĩ đại cứu thợ săn khỏi cơn bão táp Katrina. Trông thợ săn lúc này thảm hại quá, chả bù như lúc trên đỉnh Lang Biang hùng hùng hổ hổ đằng nào cũng cháy nhà.
Xe đưa mọi người ra chợ để xem còn mua gì không. Tôi chỉ mua có độc nhất chiếc áo len mà khi ra xe lại là người sau cùng. Vội vàng trở về khách sạn chuẩn bị trở lại điểm xuất phát.
Bữa cơm đó bọn tôi ngồi với nhau hơi lâu, kể lại chuyện đi trượt ống máng rồi cứ rũ ra cười, Tôi và Hương hăng hái tuyên bố sẽ đi trượt lần nữa. Mỹ thú nhận hôm đó sợ lắm nhưng giả bộ làm oai. Té ra là gan hắn cũng bé tẹo teo, chẳng qua cố tình to mồm cho người ta không biết. Bọn tôi ăn với nhau một bữa cơm, nói cười cho thỏa thích chớ biết bao giờ mới có được nữa.
Trả phòng lúc 1h, xe đưa chúng tôi trở lại quốc lộ 20, vừa không để ý vừa tưởng Hương đùa nên tôi để lỡ cho xe chạy vào đường Khe Sanh – đến thung lũng Mimosa nên không đi trượt máng lần nữa được; về sau Hương cứ giận tôi mãi chuyện này. Tôi ráng hết sức theo dõi xem thác Pongour ở đâu và đến lúc tìm thấy thì như trút đi một gánh nặng. Tôi vốn có tật xấu là đã nói phải làm cho được, tôi sợ các bạn nói tôi không giữ lời, tôi vốn là con người tệ hại như vậy đó.
Đường xuống thác hơi dài, Hoa phải dựa mình vào hết người này tới người khác, tội nghiệp bạn mình biết bao nhiêu. Thế mới biết đúng sức khỏe là vàng. Và con người thì phải chấp nhận sinh lão bệnh tử, không thể nào trốn lánh đi đâu cho được. Tôi và Hoa đều có linh cảm mình không sống thọ, Hai chúng tôi gần như là sống gấp, sống vội vàng , sống để mai này không hối tiếc.
Thác Pongour đẹp tuyệt vời, tôi đã nói ngay từ đầu thiên nhiên hôm nay đã rất đẹp để thân tặng cho 9 đứa lẩm cẩm chúng tôi. Những táng cây che rợp mát một vùng. Đá đủ cỡ đủ hình thù, ngổn ngang có, ngay ngắn hiền hòa cũng có. Cả một trảng đá rộng như có bàn tay người đục đẽo to như sân bóng. Thác nước chảy làm 2 phía, một phía chảy thẳng xuống như các thác nước thông thường, một thong thả chảy theo 7 tầng đá rủ rỉ xuống đến chân. Nhìn xuống phía bên tay trái của thác cứ đẹp như cảnh quan quay phim Tây Du ký, đẹp lắm, đẹp lạ lùng. Tôi chưa từng thấy thác nào đẹp như thác này. Không phải chỉ có tôi nói mà mọi người ngày hôm đó ai cũng nói. Chả thế mà ngày xưa vua Bảo Đại đã độc chiếm thác này, xây nhà thủy tạ đùa vui cùng các người đẹp chân dài váy ngắn, đặt luôn tên bãi tắm là Bãi Tiên sa. Cha tổ cái số được làm vua, kể ra phải nói như Tôn Ngộ Không so bì Ngọc hoàng Thượng đế mới đúng, chia phiên ra mà hưởng thụ chứ làm mãi một người đâu có công bằng.
Trời thì nắng mà nước thì mát, Chính chịu không nổi nữa cởi phăng áo ra, hét lên: Coi tiên tắm đây. Hắn nhảy ra giữa chỗ nước chảy xuống thành giòng như vòi sen gội đầu rồi ngồi giữa làn nước như nhập Niết bàn. Luận cười hi hí nói thằng này ngó nó giống ông Phật quá. Con lạy trời cho ông Phật đừng nghe câu này, Phật mà nghe phải giật nẩy mình không biết thằng qủy này nó giống mình cái đoạn ghê gớm nào đây, mà không khéo mình giống nó mới khốn khổ cho người khác. Anh Trừ không tắm mà đi tới đi lui cho ướt chân chơi. Hoa ngứa mắt rủ tôi và Hương tắm. Tôi cười với Chính: Tiên ông tắm thì tiên bà cũng tắm. Nói thiệt tình tiên không giống chớ sao thấy giống mấy con yêu nhền nhện quá chừng.
Chính và anh Trừ dắt ba đứa tôi ra chỗ tắm vì đá trơn trợt lắm. Nước mát lạnh người, tôi ngồi lọt vào một cái lỗ vừa tròn đúng bằng cái quá khứ của động từ to do. Ba đứa cười phe phé như địa chủ được mùa, trong giây lát bỗng nhiên quên mình đã 50 tuổi, cứ ngỡ như mười ba mười bốn gì đó, tranh nhau tắm, tranh nhau chỗ nào ngồi cho khỏi té, tóe nước vào nhau rồi cười hô hố như bọn trẻ con tắm mưa. Cầu trời cho chúng con mãi mãi có những tháng ngày vui vẻ bên nhau thế này, cầu cho chúng con luôn đối xử với nhau tốt đẹp như hôm nay, cầu cho tình bạn chúng con trong sáng và hồn nhiên mãi như thế.
Tắm một lát lạnh quá lại dắt díu nhau vô, lần này thì anh Trừ đã dắt Tuyết lên trên ngọn thác nên mỗi một mình tiên ông dắt 3 tiên bà vào bờ. Nãy giờ mãi mê nghịch nước với Hoa, Hương cũng không biết tiên ông tắm ở góc nào, chỉ biết nhìn quanh quất đã thấy tiên xuất hiện dắt vào bờ. Khỏi cần đến Bụt xuất hiện, nếu Bụt xuất hiện Bụt lại hỏi: Vì sao con tắm? Lúc đó chắc 3 đứa tranh nhau bấm chuông giành quyền ưu tiên trả lời .
Hoa lại dựa anh Trừ đi lên thác, cơ khổ không biết làm sao mà khi xuống thác thì dép dính vào chân, khi trở lên thì dép và người chia tay vĩnh biệt anh đường anh tôi đường tôi tình nghĩa đôi ta có thế thôi, thế nên anh Trừ đành học đòi ca sỹ Khánh Ly đi chân đất cho đến lúc về nhà, mất toi đôi dép mới mua trăm rưởi. Dù sao, đi chân đất mà vẫn làm được nơi tựa nương cho người đẹp cũng là oai phong lẫm liệt lắm rồi, đòi gì nữa.
Hơi xa xa bãi đậu xe có nhà vệ sinh, mới đầu định thay quần áo ở đó nhưng trời nắng quá, lười thế này sao đi nỗi. Ba đứa tôi thay nhờ quần áo sau quán nước giải khát . Cô bé bán quán hồ hỡi chỉ ra sau vườn, động viên không có ai đâu cô. Em lái xe ngứa mắt chêm vô: Không có ai chỉ có mấy đứa chăn bò thôi. Hoa tưng tửng : Chăn trâu tao còn chưa sợ nữa đừng nói chăn bò. Tôi cười muốn rụng răng vì cái mặt tưng tửng của nó, chăn trâu hay chăn bò thì có gì khác nhau đâu chớ.
Trước khi đi tôi có gọi điện cho Thơm, biểu nó chiếc cho tôi một mớ cây cảnh. Lúc mới lên xe anh Dũng gọi điện dặn tôi khi nào đến Bảo Lộc gọi cho anh. Tôi chỉ đường cho xe chạy vào nhà Dũng Thơm, vừa tranh thủ hàn huyên vài phút với con bạn gái thân nhất đời vừa giới thiệu với mọi người công việc nhà họ. Dũng chia sẻ cho mọi người mớ cây cảnh theo đề nghị, tặng hẳn cho tôi một mớ tả pí lù.
Xe đến Madaguoi, theo kế hoạch bọn phụ nữ ngồi lại quán nước để bè lũ bốn tên tự giác xếp hàng vào yết kiến gấu mẹ vĩ đại. Bọn tôi chờ đến gần 1 giờ thì xe ra, Mỹ than thở ướt hết mồ hôi vì sợ, không có 3 thằng hộ tống hôm nay thợ săn có khả năng biến thành anh hùng Lê Văn Tám. Gấu mẹ vĩ đại chờ sẵn ở nhà với con dao thái thịt và can xăng 5 lít, đủ để hoàn thiện tác phẩm thiên nga quay.
Ghé tiệm cơm ở Phú Bình ăn tối, mấy em tiếp viên thấy anh Trừ đi vào chân không dép như Khánh Ly hát Du ca vội vã chạy tới: Cứ mang dép vào chú ơi. Chú cười toe tóet không trả lời. Xin các cháu một nón nhé, bây giờ mà có được đôi dép nào mang chú chết liền.