Cuộc thi Hoa hậu của Lớp Chúng mình - Phần 1
a
Mời các bạn bấm vào cuối trang BÀI ĐĂNG CŨ HƠN để đọc tiếp.
Những bài viết về trường Trung học Bán Công Định quán được đặt trong thư mục KÝ ỨC HỌC TRÒ.
Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013
Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013
hoahau2
Phần 2 Cuộc thi hoa hậu của Lớp Chúng mình
Ngày xưa còn bé
Ừ. Hồi đi học
chúng ta ai cũng còn bé. Mãi mãi chúng ta vẫn còn bé khi đi học. Cho dù ở tiểu
học, trung học, đại học hay cao học; dù học bổ túc văn hóa hay tại chức, trung
tu. Tóm lại một câu: Đã đi học là còn bé hết.
Chắc có người sẽ
nói tôi sai, theo Hiến pháp thì 18 tuổi là đủ tư cách pháp nhân, đã là người lớn
rồi. Nghĩa là chỉ còn bé đến hết lớp 12 thôi. Tôi không cho là vậy. Tôi, một
người từng theo học bổ túc, trung tu tại chức – nhận ra rằng dù có khác nhau
trong phương thức, trong chương trình, trong tuổi tác nhưng cứ hễ đã cắp sách đến
nghe thầy cô giảng, thì hầu như (chỉ hầu như thôi) mọi người cứ ngây ngô trở lại
như thường. Ngoại trừ cái đoạn ở các lớp lớn tuổi thì cuối giờ thường kéo nhau
đi nhậu, chớ ngoài ra chẳng có gì khác với hồi còn nhỏ. Vẫn là nhai nhóp nhép
trong lớp, vẫn là thầy quay đi thì ném giấy vào lưng nhau, vẫn cứ lừa nhau giấu
dép, giấu vở, vẫn cái trò xé giấy dán trên lưng với những giòng chữ trêu đùa.
Thời đi học vui
vậy đó, thật thương tiếc cho những người có quá ít thời gian cắp sách đến trường.
Sự mất mát rất không thể bù đắp được. Cái cảnh xắn áo dài lên nhảy dây nhảy mọi,
cái trò đuổi nhau ù té trong sân trường, cái kiểu canh canh chọi viên giấy vào
đầu cái thằng ngồi bàn trước, cái chuyện bò dưới gầm bàn cột 2 tà áo dài lại chỉ
xảy ra trong lúc đi học thôi. Khi tuổi già đến bạn có thể vung tiền ra cưa sừng
làm nghé diễn những trò hề nào bạn thích, thí dụ như ăn mặc hoa hoét chẳng hạn.
Nhưng bạn sẽ chẳng có khoảng khắc thời gian và không gian để bạn trở lại những
tháng ngày non dại trên sân trường, nếu như bạn không quay về thời đi học.
Hình như hồi còn
nhỏ tôi có đọc một bài thơ
Ôi sung sướng là thời gian cắp sách
Ôi vui tươi là lúc hãy còn thơ
Đời đẹp đẽ như trong một giấc mơ
Và thắm đượm như một mùa xuân mới
Có những lúc hồn nhẹ nhàng phơi phới
Cũng đôi khi nặng trĩu bởi lo âu
Nhưng một khi bài đã thuộc làu làu
Lo lắng biến, nhường phần cho vui vẻ
Ôi vui tươi là lúc hãy còn thơ
Đời đẹp đẽ như trong một giấc mơ
Và thắm đượm như một mùa xuân mới
Có những lúc hồn nhẹ nhàng phơi phới
Cũng đôi khi nặng trĩu bởi lo âu
Nhưng một khi bài đã thuộc làu làu
Lo lắng biến, nhường phần cho vui vẻ
Vâng, sung sướng
nhất trong cuộc đời ta là những ngày cắp sách đến trường, là khi ta còn thơ dại,
là những tiếng cười trong trẻo vô tư.
Đôi khi tôi
nghĩ rằng, với tuổi của chúng ta bây giờ, U50, U60, U70, hoài niệm về những
ngày tháng tươi đẹp thời đi học quả là một sự xa xỉ cần thiết. Rõ là xa xỉ vì
đã có rất nhiều người không thiết tha gì về những hoài niệm đó, khi họ phải dồn
mọi năng lực lăn lê vào thế giới của đồng tiền. Nhưng cần thiết vì nếu không có
trong đầu những hoài niệm đẹp ngày thơ, trái tim ta sẽ dần xơ cứng lại, rồi phần
xơ cứng đó lan rộng ra, như những tế bào ung thư độc hại, khóa trái lạnh lùng những cung bậc cảm xúc
tuyệt vời.
Những ngày tháng
đó, dẫu lạnh lùng trôi đi, và cũng chính thời gian là liều thuốc lãng quên; một
phần vì những vất vả lo toan đời thường, làm héo hon thui chột dần dần. Nhưng
khi ta đã bước tới ranh giới tuổi già, có những thoáng bồi hồi hoài ức, nhất là
khi bên tai nghe vẳng vẳng:
Em ơi có bao nhiêu? Sáu mươi năm cuộc đời. …
Thế là hết, đời sống không là bao?
Được bao lâu? Sung sướng mà yêu nhau?
Ta không khỏi
lâng lâng mơ về những tháng ngày thơ dại đó. Người già thì nhớ về ký ức mà (Tuổi trẻ hướng tới tương lai – Người già tìm
về ký ức).Ta nhớ lại mái trường xưa ấp ôm nhiều kỷ niệm, ta nhớ sân trường
mát rượi bóng cây mã tiền, nhớ cả những con sâu đung đưa trên cành lá. Ta lại
nhớ đến người cha hiền hậu, nhớ Hòa bình hành khúc mỗi sáng thứ hai, nhớ thầy
Giám thị quất roi đen đét, nhớ con nhóc ngồi bên thì thụp giấu gói xôi vò trong
cặp, nhớ cây ngọc lan sát hàng rào Lưu xá An nà. Ta nhớ cả những lần rượt đuổi
nhau ầm ỉ trong sân, nhớ cô bạn gái chanh chua đanh đá, nhớ giọt nước mắt ngắn
dài của bạn mình khi bị trêu đùa và nhớ cả đôi mắt nhung thường quay xuống bàn
dưới, nhớ ánh mắt người nào nóng bỏng sau lưng.
Mùa này có một chòm mây rất cũ
Chợt trong xanh đến ngơ ngẩn giữa trời
Có những người ta tưởng rằng rất cũ
Có những người ta tưởng rằng rất cũ
Một ngày thành xa lạ, thời gian ơi.
Cái gì mất đi rồi
mới thấy nó là quý giá. Tuổi trẻ đã trôi qua rồi, những kỷ niệm đã bị bào mòn mới
thấy lòng tiếc nuối ngẩn ngơ.
Ôi. Ngày xưa còn
bé. Quay trở lại đi, thời gian ơi.
Trần Thị Ngọc Cúc – K9
Bài thơ MƯỜI NĂM HOA CÚC.
Một hôm, tôi
lang thang trên mạng, ngứa tay gõ tên mình vào search bác Gúc gồ. Một loạt
trang có tên tôi phóng ra, tôi chợt chú ý tới cái tựa đề Hoa Cúc vườn xưa được
ký tên bằng một tác giả nghe đâu rất nổi tiếng ở Huế. Chính xác thì trong đó có
đến những 3 bài thơ. Thấy hay hay tôi chép vào blog của mình. Chuyện bình thường
như cân đường hộp sữa, ai đã từng đi giang hồ mạng đều biết.
Tưởng như đã
quên đi. Một hôm tôi nhận từ yahoo tin báo có 1 comment về trang này. Mở ra, đó
là comment của một cô gái bảo cho tôi hay bài thơ đầu tiên ở trang đó vốn là của
người khác, chưa từng được giới thơ văn biết đến, và bài đã được sửa lại, cắt
ngắn đi. Tôi tò mò liền xin cô cho nguyên bản, và tôi được cô gái ấy tặng, kèm
theo một mẫu chuyện xúc động về tác giả bài thơ: anh ruột của cô.
“Tình cờ về ngang vườn cũ – Mười năm hoa Cúc
còn vàng.”
Tình cờ hay
không tình cờ, có lẽ chỉ có tác giả mới chắc được, mà có khi, vì một lý do gì
đó; hay thôi đi, ta cứ cho là tình cờ thì màu vàng của hoa từ muôn thuở vẫn cứ
như xưa, vẫn đau đáu một chút khắc khoải, một chút mong chờ thì dẫu mười năm,
hay hai mươi năm vườn cũ vẫn còn đó một màu vàng hoa Cúc, mỏng manh, nhẹ nhàng
trong sáng như chuyện tình ngày còn đi học.
“Nhoi nhói một thời nông nỗi – Mười bảy vấp
ngã tình tan.”
Tôi chảy nước
mắt vì hai câu thơ này. Như nhìn vào đó thấy tôi của những ngày còn ôm cặp đến
trường Hòa Bình. Ai trong chúng ta đã không từng ít nhất một lần nông nỗi? Có
những cái nông nỗi thoáng qua với một chút ân hận, một chút tiếc nuối – rồi
thôi. Nhưng cũng có những cái nông nỗi phải trả bằng những ray rứt khôn nguôi,
mà có khi, bằng cả một cuộc đời. Một lần vấp ngã ở cái tuổi bẻ gãy sừng trâu,
thừa sức khỏe nhưng thiếu bình tĩnh, đã làm cho chàng thanh niên ấy mất đi rất
nhiều thứ, và một trong những thứ ấy là mối tình đầu ngây thơ trong sáng.
“Tình tang
hát lời chim sáo – mười năm bỏ phố lên rừng.
Ngỡ tháng
ngày dần khuất lấp – về ngang vườn cũ rưng rưng.”
Cú chuyển ngoạn
mục chỉ thêm có một chữ g mà thành câu hát tình tang chim sáo, con sáo sổ lồng
bay xa khi ta bỏ phố lên rừng. Mười năm để trả cho vấp ngã đầu đầu đời bằng những
tháng ngày biền biệt xa gia đình, xa hết mọi cuộc vui trai trẻ. Mười năm để sám
hối, để biết yêu thêm những gì mình vốn có, và để nhờ thời gian phủ lớp tro tàn
lên phần sâu kín nhất trong trái tim. Mười năm – ba ngàn sáu trăm năm mươi hai
ngày, tưởng như đã không còn gì để nhớ. Nhưng anh lầm rồi, đến đây anh đừng nói
là tình cờ nhé, khi anh tìm về vườn cũ, biết chẳng còn gì để nhớ mà sao bỗng
nhiên lại rưng rưng.
“Rưng rưng lần
theo lối nhớ - Hoa Cúc vẫn màu vàng xưa.
Mười năm
chân trời góc bể - Ngày về đứng lặng dưới mưa.”
Tôi thán phục
chữ lối nhớ ở đây. Lối nhớ chớ không
phải nỗi nhớ như trước đây tôi đã lầm.
Những con đường ngày cũ đã đi qua, cũng như tôi đã nhiều lần đi qua con đường
có đầy lá liễu để đến trường Hòa Bình. Nó mãi mãi là một lối nhớ trong tôi. Một
lối cũ quanh co chất chồng kỷ niệm, lặng hồn đi nhớ tiếng lá rơi xào xạt, nhớ
mùi hương ngọc lan tràn về trong ký ức, nhớ tiếng guốc gõ trên nền đá cuội trắng,
nhớ âm thanh rộn rã cười đùa. Một lối nhớ dịu dàng.
Ừ thì anh giả
vờ nói tình cờ đi ngang lối nhớ, ừ thì anh vẫn cứ vô duyên bảo hoa Cúc mãi màu
vàng. Sao trời mưa rồi anh vẫn đứng lặng người không đi? Hoa vẫn vàng như mười
năm trước, lối nhớ vẫn quanh co một nẽo ngày xưa. Có khác gì đâu, có lạ gì đâu
mà anh vẫn bức rức khuôn nguôi, chân đi không đành? Có chăng, cảnh cũ thì còn
mà người xưa không thấy, lối nhớ dịu dàng đã mất đi tiếng cười đùa thơ trẻ năm
nào, và những hương hoa thơm ngọt đầu đời đã vùn vụt bỏ anh đi mất rồi, để sau
mười năm trôi dạt chân trời góc bể, anh vẫn chỉ còn đưa tay nắm mãi một hoài niệm
mà thôi, bẽ bàng như câu thơ của người đi trước anh:
“Đưa tay với một làn mây – Mở ra năm ngón lạnh
đầy hư không.”
Thời gian mãi
mãi là cỗ xe mất thắng. Và tôi, và anh, và mọi người đều phải chấp nhận điều
đau đớn đó. Bởi vì, có những điều, khi đã mất đi rồi, mãi mãi ta không thể nào
tìm lại được.
Thôi đành -
nhìn những tàn phai.
Trần thị Ngọc Cúc – K9
VƯỜN HƯƠNG.
Bắt đầu từ cổng
lớn nhà thờ, nếu đi qua mé bên phải, là cái gì thì nhớ được chết liền, lý do là
chỉ đi qua đó có mỗi một lần. Nhưng bên trái thì nhớ kỹ lắm, hết hang đá Đức mẹ
là tới nhà mấy cha, mấy dì, tới nữa là trường Tiểu học thánh Gioan, tiểu học tức
là dành cho tụi nhỏ thò lò mũi xanh. Còn xăm xăm thẳng hướng tới trước mặt là
trường Hòa Bình, tức là oách hơn (chùi mũi sạch rồi), ngon lành hơn (mặc áo dài
hay sơ mi bỏ trong quần), đồng nghĩa với việc học nhiều hơn và bị đòn cũng nhiều
hơn.
Hết trường tiểu
học có con đường nhỏ chút xíu, quẹo qua một cái cua cũng nhỏ chút xíu. Đoạn đường
phía ngoài tráng nhựa, hai bên đường có nhiều cây liễu – phải hông ta – chắc
đúng – thấy cái lá nó hình vòng cung, liên tưởng tới câu : Lông mày lá liễu. Mà
hái xuống, vò vò trong tay rồi kê vô mũi hửi hửi, thấy có mùi như dầu khuynh diệp
bác sĩ Tín, vậy nên cũng có đứa kêu đại là cây khuynh diệp. Đúng hay sai gì có
ai mà biết đâu nà.
Hết đoạn đường
tráng nhựa với mớ cây liễu điệu đà khoe dáng là tới cái cua nhỏ, rải đá trắng
viên nào viên nấy chút xíu, bên trái cái cua quẹo đó có một đống đá trắng bự chảng,
cũng viên nhỏ nhỏ như vậy. Vô cùng tốt cho tụi con nít nhỏ lượm về chơi. Bắt đầu
từ chỗ này người ta trồng hoa hai bên đường, hoa thường thôi: Dâm bụt. Nhưng mà
là dâm bụt kép, màu vàng màu hồng màu tím màu đỏ, ai đó còn siêng năng tháp nhiều
màu lên một cây, làm cho con đường đi vô cổng rực rỡ lộng lẫy.
Bước vào trong cổng là cả một vườn hoa, đủ
thứ tùm lum. Nhiều nhứt là hoa hồng nhung, bông nào bông nấy vươn mình lên cao
nghệu, đẹp như hoa hậu. Còn lại tùm lum bông giấy, bông cúc, bông thọ, bông sứ,
bông đồng tiền trồng giăng giăng bát ngát. Nhưng đó chưa phải là hết, đặc biệt
là ở đây có tới bốn cây ngọc lan cao vút, hoa trắng muốt thon thon nho nhỏ như
ngón tay cô gái xuân thì. Hương ngọc lan bay xa, rất xa, thơm ngát cả một vùng,
hương bay ngào ngạt qua từng phòng học của nhà láng giềng, học trò của ngôi trường
hàng xóm thì thầm với nhau gọi Vườn Hương. Còn cái tên cúng cơm, viết lên trên
tấm bảng để trên cổng gọi nó là LƯU XÁ AN NÀ.
Vậy đó, hơn
40 năm trước Lưu xá An Nà là láng giềng thân thiết của trường Hòa Bình. Cư dân
của Lưu xá An Nà hễ tiểu học thì học luôn tại chỗ (ta về ta tắm ao ta), còn lên
lớp 6 thì đi thẳng, quẹo phải, đi thẳng, quẹo trái, đi thẳng, quẹo trái tiếp là
vô trường Hòa Bình. Nói ngược lại, học trò trường Hòa Bình có đứa nào không
nhà, chấp nhận kiểu sống quân đội thì vô Lưu xá An Nà mà ở.
Tới đây thế
nào cũng có người nói mình xạo, quân đội cái gì mà quân đội chớ. Thưa là mỗi
ngày từ 4h30 sáng là dì An nà đã cầm cây roi mây nện bôm bốp lên bàn rồi. Chỉ
trừ mấy em lớp 1 lớp 2 là được ngủ lại thôi, còn từ lớp 3 trở lên thì xin mời dậy,
xuống nhà rửa mặt mũi hết. Đứa nào đạo Chúa è chuẩn bị đi lễ; đứa nào khác đạo è
xin mời xuống phòng học chuẩn bị bài vở. Nói thiệt quân đội còn chưa dậy sớm cỡ
đó nữa.
Đi lễ xong,
lanh quanh chơi chừng 15 phút là dì Bảy nhà bếp rung chuông leng keng ăn sáng.
Một bàn dài mỗi bên 10 đứa, 20 phần ăn để sẵn trên bàn, đọc kinh Lạy Cha rồi mạnh
đứa nào nấy dứt. Ăn xong đứa nào thích làm gì thì làm. Sau đó chuẩn bị đi học.
Mấy đứa tiểu học được học tại Lưu xá với dì Ba ốm, dì Ba mập – dì Ba mập rất
khéo tay, trang trí trong ngoài, làm hoa giả đều một tay dì hết. Tụi nhỏ còn học
với dì Bảy cao – dì này còn trẻ, hát rất hay, thường tập hát cho tụi nhóc hát
trong nhà nguyện – mấy ngày các cha xuống đây làm lễ; và học với dì Út nữa – dì
Út là trẻ nhứt – út mà, thường phụ trách trang trí nhà nguyện. Hổng hiểu sao mà
dì này cắm hoa đẹp thì có đẹp, nhưng mà mau tàn, bông nào bông nấy rũ rượi xuống
ngó thảm lắm. Sau này nghe nói dì xuất dòng, không biết cuộc đời dì có hơn được
mấy bông hoa dì cắm không. Thở dài.
Quản lý Lưu
xá An nà là dì Chín. Mấy đứa lớn đi học ở Hòa Bình sợ dì Chín nhứt, tại vì cuối
tháng dì ký vô phiếu điểm. Đứa nào tuột hạng là bị dì cho một bài vọng cổ liền.
Dì mới mất cách đây không lâu, đám tang ở Nhà thờ Chánh Tòa rất lớn. Một đời tận
hiến mà. Cao hơn dì Chín là Bà Cố (cao cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng), bà cố già
rồi (dĩ nhiên – hổng già ai kêu bà cố -
zô ziên), đi tới đi lui chậm chạp nhưng chưa đến nỗi phải chống gậy. Tụi nhỏ
đương giỡn gặp bà cố là lo nép nép mà đi, lạng quạng chạy trúng lỡ đụng bà té
cái rầm coi như thúi hẻo luôn.
Mấy đứa lớn lớn
chút học ở Hòa Bình thì kéo nhau đi học một bầy. Trước khi qua trường mấy đứa
con gái còn lấy cây sào khều khều cho được mớ bông ngọc lan đem bỏ vô cặp hay
giắt lên đầu kiểu: Một cành hoa em cài
mái tóc. Chớ sao, chẳng gì cũng mang tiếng sống trong Vườn Hương. Đứa nào
lùn quá khều không tới thì gào lên nhờ bọn con trai cao lêu nghêu khều giùm.
Túm lại: Tình đồng đội rất chi là mạnh mẽ.
Gần hai chục
đứa vừa đi vừa tán dóc, cãi lộn, lảm nhảm hò hét nhau cho hết con đường có lá
liễu bay xinh đẹp đó là tới đầu trường Tiểu học thánh Gioan. Tới đây thì hoặc
chia ra theo lớp hoặc nhập bọn với mấy đứa từ ngoài cổng nhà thờ, tí tửng kéo
nhau vô khuôn viên trường Hòa Bình.
Hết giờ học lại
kéo nhau về Vườn Hương. Lúc này tụi nhỏ ở nhà đã cơm nước xong hết rồi, chuẩn bị
đi ngủ trưa. Mấy đứa lớn cất cặp, thay quần áo rửa mặt mũi xong vô nhà ăn cứ 4
đứa một mâm, quất cho lẹ còn về phòng lên giường ngủ trưa leo đúng quân luật.
Già trẻ lớn bé gì cũng đều giống nhau hết. Như lính vậy.
Một giờ 15
leng keng gọi dậy, mắt nhắm mắt mở dụi ghèn đi xuống nhà ăn lãnh suất ăn lỡ,
thường là trái chuối hay bịch chè đậu đá nhỏ xíu. Ăn xong đứa nào có giờ học buổi
chiều thì lo làm nghĩa vụ, đứa nào không có cũng phải ôm sách vở ra nghiền ngẫm,
tự học cho tới 5g thì kéo nhau đi tắm, cái này mới vui nhen.
Mấy đứa lớn
có phòng tắm riêng, thường thì 3 đứa 1 phòng, thay phiên nhau tắm, đứa nào lỡ
có lâu là bị đứa bên ngoài la bai bãi hối thúc liên tù tì. Mấy đứa nhỏ tự cởi đồ,
kéo ra nguyên dàn xếp hàng, mấy dì phun nước bằng vòi, xoa xà bông ào ào, kỳ đất
rẹt rẹt hết đứa này tới đứa khác. Mỗi đứa tự chạy vô phòng lau khô, tìm quần áo
mặc vô. Vậy chớ cũng la hét rùm trời, cả tiếng đồng hồ mới xong. Dì nào dì nấy
toát mồ hôi hột.
Tắm xong lại
tiếp tục kéo vô nhà ăn bốn đứa một mâm, ăn xong được chơi xả láng tới tối, đứa
nào siêng thì ôm sách học. Buổi tối cỡ 8g đọc một bài kinh ngắn rồi tụi nhỏ bị
lùa lên giường hết. Mấy đứa lớn được quyền tự học thêm cho tới 9h30, sau đó buộc
phải lên giường ngủ để chuẩn bị cho tập tiếp theo hôm sau. Cứ thế……..
Bốn mươi năm rồi, sự vật đổi thay ít nhiều.
Vườn Hương bây giờ đẹp hơn, cao tầng và nhiều cảnh quan nhân tạo phục vụ cho
sinh hoạt thuận lợi. Học trò cũng nhiều hơn và nề nếp hơn. Nhưng đâu mất rồi vườn
hoa lộng lẫy đủ màu đủ sắc, buổi tối kéo nhau đi dạo ngửi mùi ngọc lan thơm
ngát, mấy đứa con gái tranh nhau tự cho mình là hoa này hoa nọ, đứa hoa giấy, đứa
ngọc lan, đứa hồng, đứa sứ, đứa tường vi; còn có đứa nhỏ nhoi khiêm tốn nhận
mình là cây Nguyệt bạch xấu xí đơn sơ. Lối đi rải sõi trắng thơ mộng và những
cây liễu điệu đàng rì rào trong gió cũng không còn. Để người trở lại hoang mang
không biết mình đã tìm được đúng lối về chưa. Rưng rưng một giọt nước mắt lăn
trên má khi nghe câu hát bên tai: Hôm nay
tôi trở về thăm trường cũ …..
Hoài niệm còn
gửi lại đây một chút tình.
Trần
Thị Ngọc Cúc – K9
LỚP 8A2
Lớp 8A2 –
cũng giống như lớp 8A1 (đi học buổi sáng) – càng giống như lớp 8A3 (nhiều đứa học
dở) chỉ khác lớp 8P (8P học buổi chiều). Nghĩa là đi học buổi sáng, học hơi bị ẹ,
và hay nói chuyện trong lớp, hay đánh lộn, hay bị phạt quỳ gối ngoài cửa lớp.
Nói chung – giống như mọi cái lớp học sinh nào khác (học buổi sáng) của trường
Hòa Bình hay của cả nước Việt Nam luôn hổng chừng.
Học trò hơi bị
đông, trên dưới 70, ngồi chật 3 hàng ghế. Phía ngoài cửa và chính giữa là của
con trai, con gái bị nhét vô góc trong. Bất công quá chừng, đáng lý con gái phải
ngồi chính giữa mới đúng chớ. Đừng có nghĩ là ngồi đâu cũng zậy. Thưa rằng ngồi
chính giữa lợi thế hơn nhiều. Được nhìn thẳng lên bảng, được thoát cú kiểm tra
từ bên ngoài của Giám thị hành lang (thầy Lộc hay Cha Giám học). Cú kiểm tra đó
có khi đương nhằm vô lúc ăn vụng hay xé giấy dán lưng áo đứa bàn trước, có khi
đương cao hứng chọi phấn vô đầu đứa ngồi xa xa, hoặc là đương giở vở ăn gian
chút xíu. Và cái cuối cùng là được ngồi thu lu chính giữa như cục nhưn, nghĩa
là quan trọng đó, ai chả biết nếu xếp hàng 3 thì chính giữa là oai nhứt. Vậy mà
thầy Lộc chả chịu xếp như vậy gì hết. Chán thầy ghê. Đã vậy ngày nào thầy cũng
vác cái bản đồ lớp đứng ngoài cửa sổ nhìn vô kiểm tra, hết mong thay đổi luôn.
A2 thì học dốt
hơn A1 - tất nhiên. Khả thi là sẽ học giỏi hơn A3 - còn nghi ngờ lắm. Nhưng nếu
nghịch phá thì có khi cả A1,A2,A3 và cả P chắc cũng bằng nhau, chưa biết miu
nào cắn đuôi mèo nào. Học trò mà, chỉ đứng sau ma với quỷ thôi. Nên 8A2 luôn có
đầy đủ: Bị đét lúc xếp hàng vô lớp vì đủ thứ tội (không có phù hiệu nè, mặc quần
loe nè, đi guốc lẹp xẹp nè – huhu); vô tới lớp rồi thì không thuộc bài nè, nói
chuyện trong lớp nè, không làm bài tập nè. Ra khỏi lớp thì quánh lộn nè, nghịch
phá bạn khác nè. Nói chung: Chả có gì khác hết.
Cá biệt là có
hôm thầy dạy Toán sau khi nặng hơi mõi cổ với lũ đầu bò đầu bươu này, điên ruột
đánh một hơi tung tóe, còn phóng cây roi mây bay vút cắm vô bảng, rung rung cái
đuôi roi như hiệp sĩ phóng phi đao, tạo nên truyền kỳ lịch sử tới bây giờ. Đứa
nào mà không nhớ chuyện này là biết chắc nó chả phải thần dân 8A2 năm đó.
Bữa khác giờ
ra chơi, Thông tấn xã chuyên phục kích vĩa hè hành lang hổn hễn chạy vô lớp báo
cáo:
- Giờ Anh văn
sáng nay thầy kiểm tra A1, đứa nào ít điểm ra quỳ ngoài cửa lớp, đứa nào nhiều
hơn chút thì quỳ tại chỗ hay đứng. Cả lớp có mỗi con Huệ B được ngồi.
Chuông reo vô
lớp rồi thì thầy cũng cho A2 nối gót A1. Khốn nỗi A2 học chí dốt, ra hành lang
quỳ tới gần 40 đứa. Thầy lắc đầu than:
- Lớp này học
tệ quá. Khi sáng tôi kiểm tra A1, chỉ có hơn 10 em qùy ngoài cửa lớp thôi.
Thông tấn xã
vĩa hè lập tức phát biểu:
- A2 giỏi hơn
A1 chớ thầy. A1 có mỗi Huệ B được ngồi, còn A2 tới 2 đứa được ngồi.
Bó toàn tập với
chị này luôn.
Học thì dốt
nhưng A2 rất có tinh thần văn nghệ, giờ Nhạc là đứa nào đứa nấy nhắm mắt nhắm
mũi gào tướng lên nghe quá đỗi là phản cảm. Đã vậy năm đó thầy giáo dạy Nhạc
còn dạy luôn môn Quốc văn và làm chủ nhiệm của lớp này. Học tới cuối năm thì
tình thầy trò xem ra khắn khít dữ lắm rồi nên mới có câu là Gần Chùa gọi Bụt bằng
anh. Một hôm bầy con trai dụ dỗ một đứa con gái:
- Mày dám nói
với thầy câu này tụi tao bao mày ăn chè suốt tuần luôn.
Đứa con gái
(rất giống con trai) hào sảng học thuộc câu rỉ tai liền, và khi thầy tà tà chạy
chiếc 67 tới gần cổng trường thì nó chặn xe lại và nói thuộc lòng:
- Thầy ơi thầy
ngồi xích lui xuống phía dưới chút để khỏi… lủng bình xăng.
Dám cá một ăn
mười là ngoại trừ 3 thằng con trai sáng tác ra câu đó thì còn lại lúc đó cả lớp
chả đứa nào hiểu gì. Tất nhiên là thầy hiểu.
8A2 ơi là
8A2.
Trần Thị Ngọc Cúc – K9
HẺM BA TIỀU
Con hẻm nhỏ chút
xíu, nằm gần đường rầy xe lửa, dài hun hút trong con mắt của đứa con gái 15 tuổi
là tôi lúc đó. Bây giờ già rồi, ngó đi ngó lại thấy cũng không phải là quá xa.
Nhưng nói gì thì nói, bữa trưa đi học về, nắng chang chang rọi lên đầu, cái nón
lá mỏng mảnh không đủ che chắn tia cực tím cực xanh cực đỏ, kết hợp thêm bộ áo
dài lướt thướt, ôi chao thiệt tình là đường đi không đến.
Đã vậy, đau lòng
hơn cho tôi là cái quán ăn bự chần dần nằm ngay đầu hẻm: quán Ba Tiều (vậy mới
kêu thành tên cho cái hẻm). Gần mười hai giờ thực khách ra vô nườm nượp, lỗ tai
nghe tiếng xèo xèo, mùi chiên xào nấu nướng bốc lên thơm điếc mũi, thiệt tình
là tang thương cho cái dạ dày lép kẹp của đứa nhỏ buổi trưa đi học về. Đi hết một
phần ba cái hẻm mới thấy yên bình trở lại được.
Cách đây gần 40
năm, tôi đã phải chịu tra tấn kiểu đó hơn một tháng trời. Ngày nào cũng vác cái
bụng đói meo đi ngang qua quán, hít mùi đồ ăn nghe bụng sôi ọc ạch, lết cái
thân điêu tàn hết con hẻm, băng qua bên kia đường (quốc lộ 1 bây giờ) về khu phế
binh.
Năm đó tôi về học
Hòa Bình, ở nhờ nhà bà dì. Buổi sáng theo dì dượng lên chiếc xe Jeep lùn chạy
thẳng ra nhà thờ, nhảy xuống đi vô trường (oai gớm) còn dì tôi vô chợ phụ trách
cái tiệm may kiêm cho thuê truyện. Buổi trưa, như đã kể ở trên – đau khổ vậy
đó.
Cũng may, ngay
ngày đầu tiên vô lớp (một lớp lạ hoắc với tôi và đông gấp đôi lớp cũ của tôi ở
trường huyện), trong lúc tôi đang lúng túng lạ nước lạ cái thì ở bàn trên, cô bạn
cao cao ốm ốm quay xuống cười với tôi rất tươi:
-
Ê mới vô hả?
(Nói đủ vốn – thấy lạ hoắc là biết mới vô
còn hỏi). Tôi gật đầu. Hỏi tiếp
-
Nhà ở đâu?
-
Trại phế binh.
Gật gù:
-
Ừ biết rồi. Đi hẻm Ba Tiều phải không?
Tôi ngơ ngác:
-
Chắc vậy.
Cô nàng đập cái bốp vô lưng cô bạn ngồi đầu bàn:
-
Ê Huỳnh Liên, trưa về cùng đường với mày nhen.
Cô nàng tên Huỳnh Liên quay lại ngắm nghía
tôi, rồi chắc thấy mặt mũi cũng không đến nỗi giang hồ cho lắm nên gật gù:
-
Ờ, trưa về chung nhen.
Đó ngày đầu tiên của tôi ở trường Hòa Bình là như vậy, và khởi thủy của
chuyện tôi đi đi về về trong hẻm Ba Tiều cũng là như vậy (dù thật ra sau này
phát hiện ra có nhiều đường để tôi về nhà).
Buổi trưa tôi đi về cùng với Huỳnh Liên;
nón lá dịu dàng rất Huế, áo dài trắng thướt tha, guốc gõ nhẹ nhàng và cái bụng
sôi lục sục, hít lấy hít để mùi đồ ăn thơm thắt ruột. Hai đứa nói linh tinh cho
tới nhà Huỳnh Liên, cỡ nửa con đường. Rồi tôi lại một mình guốc gõ miên man cho
tới cuối, với cái bụng đói meo và đôi chân mệt mõi, hững hờ bàng quan nhìn hai
bên hẻm lũ con nít dơ dáy chạy ra chạy vô trong mấy căn nhà lụp xụp cuối con đường.
Gần 40 năm rồi. Đã nhiều lần tôi thẩn thờ
nhìn lại con hẻm nhỏ. Hơn 30 năm tôi không đi vào từ ngày biết Huỳnh Liên vượt
biên sang Mỹ. Chẳng có lý do gì để tôi vào cả.
Đầu hẻm vẫn là cái quán Ba Tiều. Cũ kỹ
hơn. Thưa thớt hơn. Không biết đã có lần nào thay chủ chưa mà thiếu vắng cái tấp
nập ngày trước. Đứng bên kia đường nhìn qua không thể nghe được tiếng dầu mỡ
sôi xèo xèo và hít lấy hít để mùi thức ăn như ngày nọ. Hay là quá khứ mong manh
đã tan biến đi từng chút một. Hay là dấu vết
thời gian đã lằn lặn trôi như cục gôm xóa đi từng mẩu nhỏ kỷ niệm cuộc đời.
Hay như lệnh Eraser Tool với Opacity 29
kèm Flow 30 tách dịu dàng những màng mỏng yêu thương ngày thơ dại một
cách nhẹ tênh. Để cho tôi già cỗi tai lãng mắt toét, đầu óc lãng đãng quên đi
những mái lá lụp xụp ven đường, quên lũ trẻ con cởi trần bẩn thỉu bụng ỏng đít
beo rượt đuổi nhau. Đôi khi mơ hồ nhận thấy mình thật vô dụng. Đôi khi thấy
mình đã trắng tay khi đi qua gần hết cuộc đời.
Có
đôi lần ta quét sạch những ước ao nằm trong ký ức.
Mơ
màng nghe một tiếng trầm đục gọi vọng về.
Chợt
thơ thẩn nhặt lá rơi bên thềm nhà năm cũ.
Bỗng
bàng hoàng thấy đời mình đã quá rêu phong
Trần Thị Ngọc Cúc – K9
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)