a

Mời các bạn bấm vào cuối trang BÀI ĐĂNG CŨ HƠN để đọc tiếp. Những bài viết về trường Trung học Bán Công Định quán được đặt trong thư mục KÝ ỨC HỌC TRÒ.

Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013


10 THÓI QUEN NÊN TRÁNH KHI DÙNG PHOTOSHOP

 
Photoshop là một phần mềm vô cùng tuyệt vời và thú vị bởi sự đa dạng về các chức năng bên trong nên chúng ta có hàng trăm cách giải quyết cho cùng một vấn đề. Và cũng chính sự đa dạng đó sẽ khiến chúng ta cảm thấy bối rối trong việc tìm ra cách làm tốt nhất và tiết kiệm thời gian nhất, đặc biệt là với những người mới. Do đó, tôi sẽ đề cập đến 10 lỗi thông thường mà ai cũng cần nên tránh để có thể sử dụng Photoshop hiệu quả hơn và làm việc một cách tiết kiệm thời gian nhất.


[IMG]


1/ Tránh làm việc trên cùng một layer
Không cần biết là bạn làm layout, retouch ảnh hay gì gì đi nữa thì tôi luôn có một lời khuyên cho bạn là nên làm trên nhiều layer khác nhau thay vì sử dụng mọi effect cho duy nhất một layer. Vấn đề lớn nhất ở đây khi làm việc trên một layer duy nhất đó là bạn không thể linh hoạt trở về với các bước trước đó trong trường hợp muốn chỉnh sửa chúng. Do đó để tiết kiệm thời gian và công sức, lại có thể tùy biến chỉnh sửa bất kỳ lúc nào thì chúng ta nên tập thói quen tạo một layer mới cho từng effect, đặt tên cho chúng đặng cho việc tìm kiếm và hiệu chỉnh sau này đỡ mất thời gian.



[IMG]


2/ Hạn chế tối đa sử dụng nút Delete và Eraser tool. Hãy dùng Mask
Đây là một thói quen không tốt mà hầu như ai cũng mắc phải. Delete và Eraser Tool là 2 cách tiêu cực nhất khi sử dụng photoshop vì chúng sẽ xóa hoàn toàn phần nội dung mà bạn chọn, gây rất nhiều khó khăn cho việc chỉnh sửa sau này do đó tôi khuyên bạn nên tận dụng triệt để 3 chức năng dưới đây.

  • Pixel Mask
  • Vector Mask
  • Cliping Mask
Cách để giấu đi phần nội dung không mong muốn đó là dùng mask. Bằng cách này, chúng ta có thể chỉnh sửa, thay đổi ý định vào bất kỳ lúc nào mà lại tiết kiệm thời gian trong công việc nữa.


[IMG]

3/ Không dùng hot key
Không dùng hotkey khi làm việc với photoshop chã khác nào ăn súp bằng cái nĩa, ăn thì vẫn ăn được nhưng sẽ mất nhiều thời gian mà công sức hơn là dùng muỗng. Một người dùng photoshop thực thụ là một tay xài chuột (bút vẽ nếu dùng Wacom) và tay còn lại là để múa trên “mặt trận” bàn phím. Và để cho ai cũng có thể trở thành “anh hùng bàn phím” đúng nghĩa, tôi sẽ liệt kê một vài hot key chính ở đây.
  • Cmd/Ctrl + T - Free Transform
  • Cmd/Ctrl + S - Save
  • Cmd/Ctrl + A - Chọn tất cả
  • Cmd/Ctrl + D - Bỏ chọn
  • Cmd/Ctrl + I - Invert colors
  • Cmd/Ctrl + Shift + I - Đảo vùng chọn
  • Cmd/Ctrl + click vào thumbnail của layer - Tạo vùng chọn dựa trên layer đó.
  • Cmd/Ctrl + Option/Alt + A - Chọn toàn bọ các Layer
  • Option/Alt + click giữa 2 layers - Clipping Mask
  • Cmd/Ctrl + G - Group Layers
  • Cmd/Ctrl + Shift + G - Ungroup Layers
Và nếu các bạn thấy nhiêu đây vẫn chưa đủ xài thì hình dưới đây sẽ bổ sung toàn bộ đầy đủ toàn bộ các hot key của photoshop.


[IMG]


4/ Rasterize thành Pixel layer
Hầu hết chúng ta đều đã từng nghe và viết đến Smart Object trong photoshop nhưng không phải ai cũng dùng và hiểu đúng công dụng của chúng. Smart Object đã xuất hiện từ rất sớm, Photoshop CS2 và cũng nhờ điều đó mà chúng ta có thể thoải mái transform Smart Object bao nhiêu lần tùy thích mà vẫn giữ được chất lượng hình ảnh chứ không như là Pixel layer bình thường. Để lý giải cho điều này thì bạn phải hiểu là khi chuyển từ layer bình thường thành Smart Object thì Photoshop sẽ export layer đó thành một file ảnh riêng hoàn toàn và sử dụng chính file đó cho mọi thay đổi (scale, reflect, rotate,…)
Khi làm việc với photoshop, chúng ta không thể nào biết trước được rằng sẽ phải transform một layer bao nhiêu lần và nếu bản thân chúng ta không nắm được công dụng của Smart Object thì sẽ vô tình làm cho tác phẩm của chính mình bị mất đi độ sắc nét. Do đó, các bạn hãy khoan vội Rasterize Layer nhé.


[IMG]


5/ Không dùng Adjustment layer
Khoản này cũng không khác gì làm việc trên cùng một layer. Nếu chúng ta chọn Adjustment từ tab Image trên thanh menu thì bạn đã vô tình áp effect mà bạn đã dùng vào layer được chọn và điều tồi tệ nhất của việc đó chính là bạn sẽ không có cơ hội được chỉnh sửa chúng sau này. Để tránh vấn đề mất thời gian và phiền phức này, hãy chọn “Adjustment” từ tab Window, sẽ xuất hiện một khung vuông bên phải để cho chúng ta lựa chọn effect mong muốn hoặc click vào icon ở hình dưới.

[IMG]


Điều thú vị ở đây chính là khi bạn đã chọn được effect bản thân muốn dùng thì photoshop sẽ tự tạo một adjustment layer tách biệt hoàn toàn nhưng tiếc là effect đấy sẽ được áp lên toàn bộ các layer bên dưới. Bạn hoàn toàn có thể tránh điều này bằng cách tương tự như Cliping Mask, đó là dùng tổ hợp phím Option/ Alt + Click vào giữa Adjustment layer và layer bạn muốn áp effect lên (Adjustment layer phải nằm trên layer bạn muốn áp). Như vậy thì effect đó sẽ chỉ có thể áp dụng được trên layer đã được chọn mà thôi.


6/ Layer sắp xếp lộn xộn
Là người sử dụng photoshop thường xuyn thì việc chúng ta sắp xếp các layer một cách có tổ chức, hợp lý là điều rất quan trọng. Nếu như bạn đã khắc phục được điều 1 ở trên thì đây sẽ là điều tiếp theo mà bạn nên biết. Có thể lúc đầu bạn sẽ thấy rằng việc edit tên, màu cho từng layer là mất thời gian nhưng hãy tin tôi đi, nếu như bạn đang làm một sản phẩm tương đối dông dài và phức tạp thì việc đó sẽ giúp bạn tiết kiệm được một khối thời gian đấy. Ngoài ra, khi bạn giao file thiết kế cho khách hàng hoặc các thành viên khác trong nhóm, công ty thì việc bạn sắp xếp rõ ràng, đặt tên cho từng layer hoặc group sẽ tạo sự thuận tiện cho họ hơn và bạn sẽ trông chuyên nghiệp hơn nữa.


[IMG]


7/ Không dùng Smart Filter
Smart Filter khác với Filter bình thường ở chổ đó là Smart Filter cho phép bạn có thể ẩn hoặc hiện effect đã chọn, ngoài ra còn có thể tùy chỉnh các chi tiết bên trong effect đấy và áp blend mode còn Filter bình thường thì hoàn toàn không được. Điều này khá là giống so với dùng Adjustment layer nhỉ?


[IMG]


8/ Di chuyển tầm nhìn trong vùng làm việc
Để di chuyển tầm nhìn trong vùng làm việc, nhiều người vẫn sử dụng 2 thanh trượt thay vì dùng Hand tool hoặc nút Space bar. Điều này khá bất tiện và gây mất nhiều thời gian khi làm việc trên photoshop. Tôi sẽ liệt kê một số hot key để cho các bạn chưa biết có thể thuận tiện hơn trong việc di chuyển tầm nhìn lên xuống, qua lại dễ dàng và thoải mái hơn.
  • Space - Hand tool
  • Z + kéo chuột qua trái, qua phải - Zoom in and out
  • Giữ nút H + click - Tầm nhìn tổng quát
  • Cmd/Control + 0 - Fit to Screen
  • Cmd/Control + 1 - Về lại zoom 100%
[IMG]


9/ Không dùng Adobe Bridge
Adobe Bridge đã có mặt từ Photoshop CS2. Đây là một phần mềm hổ trợ cho các sản phẩm khác của Adobe trong việc quản lý file. Nếu bạn quen dùng Bridge thì bạn sẽ thấy được sự tiện lợi của chúng, bạn sẽ không phải mất nhiều thời gian để tìm file thiết kế từ năm nảo năm nao nữa. Ngoài ra, Bridge còn có chức năng so sánh giữa 2 hình với nhau, focus vào bất kỳ chi tiết nào trong hình.


[IMG]


10/ Không save file liên tục
Còn gì tệ hơn khi đang vừa sắp sửa hoàn thành thì phần mềm bị crash (nhất là xài bản lậu) hoặc bị mất điện, “màn hình xanh” ? Để tránh dẫn đến tình trạng ức chế trên và phải làm lại từ đầu thì bạn hãy luôn nhớ bấm save file liên tục nhé. Tổ hợp phím cmd/ ctrl + S chỉ tốn khoảng 1 giây mà thôi.


[IMG]


Source: tutplus.com

Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

Ngày Quốc Kỳ cho nước Việt Nam


Quý vị độc giả thân mến, trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, mọi giá trị nhân văn – khai phóng nhằm củng cố và phát triển bản sắc quốc gia phải được ưu tiên thực hiện, có như thế thì chúng ta mới không bị bão hòa trong cơn lốc hội nhập quốc tế. Bản sắc ở đâu nếu không phải là những tập quán sinh tồn và di sản văn hiến từ xưa để lại ? Hay là phải khoanh tay nhìn chúng bị mai một, bị phá hủy thô bạo ?… Vì những lẽ này, chúng tôi mạo muội đề xuất một thời điểm để tôn vinh lá quốc kỳ Việt Nam, nó thể hiện sự tri ơn tiền nhân bằng sự kiện văn hóa và cũng đóng góp cho việc gìn giữ một biểu tượng quốc gia. Hy vọng sau bài viết này, quý độc giả sẽ phản hồi quan điểm riêng và những ý tưởng khác nữa, BBT TTXVA trân trọng và sẵn sàng sẻ chia mọi khúc mắc !

QUOCKY-CO

Trước khi bài viết này được đưa ra, TTXVA đã liên tục đăng tải những bài viết của những tác giả khác nhau trên tinh thần khách quan – trung thực – đa chiều, có người liệt kê toàn bộ quá trình tạo nên lịch sử quốc kỳ Việt Nam (tuy rất ngắn ngủi nhưng có ích cho công cuộc tự chủ của đất nước) và cũng có người tìm cách phục sinh những mẫu cờ dựa trên tư liệu sẵn có… Phần nhiều, các quan điểm phản hồi rất khác biệt nhau, thậm chí đối lập nhau, nhưng trên nhất thì thấy rằng, ở cộng đồng chúng ta chưa hề có văn hóa ứng xử với quốc kỳ, tất cả chỉ dựa vào thiên kiến chủ quan. Có người sùng bái quốc kỳ một cách mù quáng, có người ra sức mạt sát những lá quốc kỳ mà họ ghét, lại có người ngập chìm trong các tư liệu về quốc kỳ và trở nên ngộ nhận… Những hành vi đó không thể coi là văn hóa ứng xử, mà đáng gọi là sự thô vụng, kém văn minh. Nội hàm lá cờ là thứ dấu hiệu về chính trị – văn hóa – lịch sử, nó được trừu tượng hóa bằng hình vẽ và màu sắc, thế nhưng khôi hài là nhiều người vẫn cho đó như là… bát hương và phải khấn lạy sì sụp. Không hẳn, lá cờ là thứ vật dụng không hơn gì ngôi nhà chúng ta ở, gia đình chúng ta gắn bó và ngôi trường chúng ta theo học, nó thân thuộc với chúng ta và không thể đứng trên chúng ta được. Tại các cộng đồng có văn hóa hiệu kỳ lâu đời, tất cả mọi người đều tự do thiết kế cờ theo sở thích riêng và không ai mạt sát hay thóa mạ nhau vì nó. Nan đề của nước chúng ta là không hề biết tới hoặc không sao đạt được tập quán đó, cho nên bao lâu rồi vẫn đắm chìm trong những tranh luận thiếu chiều sâu. Quốc kỳ là một trong các dấu hiệu đại diện cho quốc gia, tự nó không lệ thuộc quan điểm của bất cứ cá nhân hay tổ chức nào và tất nhiên, dù ý thức hệ của quốc dân có khác biệt nhau thì quốc kỳ không liên quan gì đến những tranh cãi của họ, nó đứng cao hơn ý thức hệ và không ai có quyền phủ định nó chỉ vì bất đồng ý kiến.
Từ khoảng cuối thế kỷ XIX trở đi, khi mà các đế chế lớn đã phân rã và nhiều quốc gia nhỏ hơn hình thành, sự vun bồi không gian văn hóa – chính trị riêng trở nên cấp thiết. Chủ yếu tại châu Âu và lan nhanh sang châu Mỹ, châu Đại dương, các quốc gia thường lấy một sự kiện chính trị – lịch sử nào đó làm dấu mốc tôn vinh lá cờ nước mình, đó có thể là ngày lập quốc (Albania, Colombia, Thụy Điển…), ngày ấn định mẫu quốc kỳ (Úc, Canada, Romania…), ngày diễn ra một biến cố lịch sử (Argentina, Đan Mạch, Philippines…)… Trong Anh ngữ, có hai cách gọi sự kiện này : Flag Day (tại các nước có văn hóa hiệu kỳ thì sự kiện hướng tới mọi lá cờ và không nhất thiết phải là quốc kỳ), Day of National Flag (chỉ tôn vinh quốc kỳ). Cộng đồng Việt Nam xưa nay không có văn hóa hiệu kỳ, các lá cờ thường để trang trí hoặc khu biệt trong các hoạt động quân chủ – quân sự, cho nên cách gọi thứ hai có lẽ hợp hơn cả. Đây là một sự kiện chính đáng, có tính cách văn hóa và khả năng liên đới cộng đồng cao, tự nó tạo ra sự cảm thông và hiểu biết giữa người với người, giữa hậu thế với tiền nhân, hoàn toàn vui vẻ và không hề chịu sự chi phối của tư duy chính trị.
Trong ý nghĩa của tên gọi Ngày Quốc Kỳ, buộc chúng ta phải rà soát lịch sử xem sự kiện nào gắn liền với quốc kỳ để mà đánh dấu. Đây, sự liệt kê quốc kỳ của những chính thể từng đại diện hoặc tự xem là đại diện cho cộng đồng Việt Nam :
qkvnls
Liệt kê này không quan tâm đến những chính thể hoặc dự án quốc gia chưa từng đại diện cho cộng đồng Việt Nam. Từ liệt kê mà nhận định, đa số các lá cờ tại Việt Nam đều chú trọng sao (star) và sọc (stripe) – màu đỏ (red) và màu vàng (yellow), vì thế có những khi chúng tôi không thể nhịn được cười, nhiều cá nhân hay tổ chức lâu nay thường dựa vào ý thức hệ để mạt sát kẻ đối lập mình. Thực chất thì lối tư duy của bên này hay bên kia đều giống nhau hoặc không hơn nhau, vậy thì tranh cãi để làm gì và vì cái gì ? Thật thiển cận và lố bịch !
Xét thấy, Liên bang Đông Dương (Union Indochinoise, 1887 – 1953) chỉ là một liên minh gồm 6 lãnh thổ (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Quảng Châu Loan, Lào, Kampuchea) do Đế quốc thực dân Pháp (Empire colonial français) ủy trị và tất nhiên nó không hoàn toàn mang tính cách thể chế ; vậy nên, lá cờ của Liên bang Đông Dương không phải quốc kỳ chính thức. Chỉ đến sự kiện hoàng quân Nhật Bản gạt Pháp khỏi Đông Dương ( 9 tháng 3 năm 1945) và đưa lãnh thổ này vào không gian Thịnh vượng chung Đại Đông Á (大東亜共栄圏), về căn bản Việt Nam mới là nước độc lập, có chủ quyền. Vì lẽ rằng, trước khi cuộc đảo chính diễn ra, chính phủ Nhật Bản đã kêu gọi các nước Đông Dương tuyên bố độc lập, nhằm hợp pháp hóa ảnh hưởng của Nhật. Vì lẽ rằng, vào ngày 11 tháng 3 cùng năm, Hoàng đế Bảo Đại đã tuyên chiếu Việt Nam độc lập (quốc danh : Đế quốc Việt Nam), trước sự chứng kiến của Nội các đại thần và đại diện chính phủ Nhật Bản. Vì lẽ rằng, ngày 13 tháng 3 năm 1945, quốc vương Norodom Sihanouk đã tuyên bố Kampuchea độc lập và đến ngày 8 tháng 4 thì vua Sisavang Vong cũng thực hiện việc đó với Lào ; Kampuchea thậm chí còn công bố mẫu quốc kỳ mới, mẫu quốc kỳ sử dụng thời thuộc Pháp bị phế bỏ.
Tại Việt Nam, ngày 17 tháng 4, ông Trần Trọng Kim được Hoàng đế Bảo Đại ủy nhiệm chức Thủ tướng và thành lập tân Nội các, từ đây nước Việt Nam trở thành chính thể quân chủ lập hiến. Ngày 19 tháng 8 cùng năm, tổ chức Việt Minh (Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội) tiến hành cuộc đảo chính không đổ máu (thường được gọi là Cách mạng Tháng Tám, hay Cách mạng Mùa Thu) và giành được chính quyền từ cấp trung ương đến địa phương ; sự kiện ông Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập ngày 2 tháng 9 cùng năm được coi là dấu mốc hình thành chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (cách gọi khác là Việt Nam Dân quốc). Nghĩa là, trước khi chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập, đã có một chính thể đại diện hợp pháp cho quốc gia – quốc dân Việt Nam và có tới hai kiểu thiết chế chính trị (ban đầu là quân chủ chuyên chế và sau là quân chủ lập hiến). Như thế, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không phải chính thể đầu tiên của nước Việt Nam hiện đại độc lập và có chủ quyền, lá cờ đỏ sao vàng (hay cờ sao mai) cũng không nên được xem là mẫu quốc kỳ đầu tiên.
Thời kỳ Đế quốc Việt Nam tuy chỉ tồn tại trong mấy tháng nhưng đã có tới hai mẫu quốc kỳ : Cờ long tinh (11.3 – 17.4.1945), cờ quẻ Ly (17.4 – 23.8.1945). Lá cờ long tinh (long tinh kỳ / 龍星旗) ra đời vào năm 1920 dưới triều Khải Định (trị vì từ 1916 đến 1925), là hoàng thất kỳ (皇室旗) của triều Nguyễn (cờ đại diện cho hoàng tộc) và đến ngày 11 tháng 3 năm 1945 thì Hoàng đế Bảo Đại (trị vì từ 1925 đến 1945) ấn định cờ long tinh đại diện cho nước Việt Nam độc lập, thống nhất và có chủ quyền. Bởi thế cho nên, sự kiện 11 tháng 3 năm 1945 xứng đáng được xem là dấu mốc tôn vinh quốc kỳ Việt Nam. Vậy, sự kiện này diễn tiến ra sao và có ý nghĩa thế nào đối với lịch sử nước ta ?
baodientien12-3-45
Nhật báo Điện tín – số ra ngày 12 tháng 3 năm 1945 – đưa tin về sự kiện 11 tháng 3.
Ngày 11 tháng 3 năm 1945, tại điện Kiến Trung (kinh thành Huế), trước mặt sáu Thượng thư Cơ mật Viện (Phạm Quỳnh, Hồ Đắc Khải, Nguyễn Phước Ưng Úy, Bùi Bằng Đoàn, Trần Thanh Đạt, Trương Như Đính) và đại diện chính phủ Nhật Bản (đại sứ Yokoyama Masayuki, tổng lãnh sự Konagaya Akira, lãnh sự Watanabe Taizo), Hoàng đế Bảo Đại đã đọc bản chiếu chỉ tuyên bố Việt Nam độc lập, nội dung như sau :
Cứ tình hình chung trong thiên hạ, tình thế riêng cõi Đông Á, chính phủ Việt Nam tuyên bố từ ngày này Hòa ước Bảo hộ với nước Pháp bãi bỏ và nước Nam khôi phục quyền độc lập. Nước Việt Nam sẽ gắng sức tự tiến triển cho xứng đáng một quốc gia độc lập và theo như lời tuyên ngôn chung của Đại Đông Á, đem tài lực giúp cho cuộc thịnh vương chung. Vậy chính phủ Việt Nam một lòng tin cậy lòng thành ở Nhật Bản Đế quốc, quyết chí hợp tác với nước Nhật, đem hết tài sản trong nước để cho đạt được mục đích như trên.
Khâm thử.
Ngày 27 tháng Giêng năm thứ 20 triều Bảo Đại.
Chiếu chỉ có chữ ký của sáu vị đại thần và có thể xem là sự chấm dứt những ràng buộc của Pháp đối với chủ quyền nước Việt Nam. Quốc danh (Đế quốc Việt Nam / 越南帝国) thực chất đã được lưu hành bán chính thức từ trước và cờ long tinh từ vai trò hoàng thất kỳ đã trở thành lá cờ quốc gia. Định dạng chuẩn của lá cờ như sau : Kích thước 1:2, ba sọc ngang – sọc đỏ (#EF4135) nằm giữa hai sọc vàng (#FFFF00), chiều rộng sọc đỏ bằng ½ chiều rộng cờ.
Colongtinh1945
The_Dragon_Spirit_Flag_in_the_stamp_what_was_released_on_11_March_1945,_to_notice_the_independence_of_Empire_of_Vietnam_from_French_colonial_Empire
Tem in hình lá cờ long tinh và con số 11.3.45 nhằm mô tả sự kiện Việt Nam độc lập.
Thực chất của hành động trao trả độc lập “một cách tự nguyện” cho ba nước Đông Dương là Đế quốc Nhật Bản muốn gồm thâu sự ủng hộ của mọi tầng lớp dân chúng bản xứ ; ngay từ trước khi đặt chân vào Đông Dương, Nhật Bản đã tung ra những hứa hẹn cho một xứ sở độc lập, phồn vinh. Ít nhiều đã có một lượng không nhỏ tin tưởng ; tuy nhiên, dù “độc lập” nhưng các nước Đông Dương không có thực quyền về chính trị, mọi hoạt động kinh tế và quốc phòng đều do người Nhật kiểm soát. Nhưng ý muốn độc quyền cai trị của Nhật Bản tại Đông Dương và toàn bộ khu vực Đông Á – Tây Thái Bình Dương không theo kịp đà tiến của cuộc Đệ nhị Thế chiến (1939 – 1945) : Khoảng đầu tháng 5 năm 1945, Đức Quốc Xã đầu hàng và Đế chế III sụp đổ ; hai trái bom nguyên tử do Không quân Hoa Kỳ trút xuống Hiroshima (ngày 6 tháng 8) và Nagasaki (ngày 9 tháng 8) đã quật ngã cuồng vọng bá chủ của chính phủ Nhật Bản ; ngày 14 tháng 8 năm 1945, Đế quốc Nhật Bản ký văn kiện đầu hàng và khối Đại Đông Á tiêu tan. Sự kiện 14 tháng 8 nghiễm nhiên trở thành cơ hội tạo ra một nước Việt Nam độc lập, thống nhất và có chủ quyền, nhất là không phải chịu bất cứ thiệt hại nào vì nền độc lập. Đây là trường hợp hy hữu trong lịch sử Việt Nam cũng như thế giới, cho dù nước chúng ta thuộc về những quốc gia sớm bị làn sóng thực dân khuất phục và giữa năm 1945 đã xảy ra nạn đói gây tổn thất nhân mạng quá lớn, nhưng Việt Nam đã tiếp đón lực lượng Đồng Minh với tư cách một quốc gia có thể chế chính trị tự chủ, có chủ quyền lãnh thổ chứ không phải xứ thuộc địa. Chúng ta biết rằng, trước sự kiện 11 tháng 3 và 14 tháng 8, đã có nhiều thế hệ người Việt Nam bỏ quên cả tuổi xuân và tính mạng chỉ vì mưu cầu cho nền độc lập của Tổ quốc. Thiết nghĩ, đấy là vinh hạnh lớn, vì đương thời hầu hết các nước trên thế giới không có vận may này. Có nước bị chiến tranh cướp đi nhiều sinh mạng và vật lực, có nước phải trả giá cho tội ác chiến tranh rất nặng nề và cũng có nước bị các cường quốc xóa sổ chính thể, cắt nhỏ lãnh thổ…
Ngày Quốc Kỳ thực sự là một nét đẹp trong văn hóa hàm ơn tại Âu châu, thiết nghĩ, không lẽ nào người Việt Nam chúng ta không tiếp nhận. Với mạng lưới truyền thông dồi dào và sự tân tiến trong tư duy cá nhân hiện nay, việc tổ chức sự kiện Ngày Quốc Kỳ không nhất thiết phải phơi bày rầm rộ, cũng không buộc phải tỏ ra kính cẩn và trang nghiêm ; nhưng chắc chắn rằng, sự tiếp nhận ý chí tiền nhân của hậu thế sẽ mạnh mẽ hơn và cũng mong rằng, qua sự kiện này, văn hóa hiệu kỳ sẽ nở rộ trong cộng đồng Việt Nam.
VNDQ (VNQPH)
Mẫu cờ ngũ tinh liên châu – dự án Việt Nam Dân quốc của Việt Nam Quang phục Hội (1912 – 1925). Lá cờ này tuy không có cơ hội trở thành quốc kỳ, nhưng đã được phất lên trong sự kiện binh biến Thái Nguyên (1917). Trong cuốn sách Lương Ngọc Quyến, Đào Trinh Nhất viết : “Cờ ngũ tinh có năm ngôi sao… Đến năm 1917, ngọn cờ phấp phới trên tỉnh thành Thái Nguyên bảy ngày về tay cách mạng tức là cờ Ngũ Tinh“.
vnqpqdp
Trong cuốn hồi ký nhan đề Tự phán, viết năm 1929 tại Bến Ngự (Huế), Phan Bội Châu giải thích : ”Xưa nước ta chỉ có cờ Hoàng Đế mà không có cờ nước cũng là một việc đáng quái gở. Hội Việt Nam Quang phục mới chế định ra quốc kỳ bằng cờ ngũ tinh, dạng huy thức dùng bằng cách ngũ tinh liên châu… Nhân vì nước ta có năm địa bộ, sở dĩ dùng thức nầy để tỏ rõ cái ý năm đại bộ liên lạc làm một. Sắc cờ dùng hoàng địa, hồng tinh làm cờ nước ; hồng địa bạch tinh làm cờ quân. Hoàng là để biểu thị nhân chủng ta. Hồng là biểu thị sắc nước ta : Nam phương thuộc hỏa, hỏa sắc hồng. Quân kỳ sở dĩ dùng bạch tinh là tỏ rõ mục đích quân, cốt đánh đổ chính phủ người (da) trắng“.
VNDQ (VNQDĐ)
Lá cờ nửa đỏ nửa vàng – dự án Việt Nam Dân quốc của Việt Nam Quốc dân Đảng. Nó được sử dụng làm đảng kỳ từ 1929 đến 1945. Màu đỏ thể hiện cuộc tranh đấu cách mạng ; màu vàng tượng trưng cho quốc gia – quốc dân – bản sắc truyền thống Việt Nam.
Việt Nam Dân quốc (dự án của VNPQĐMH)
Mẫu cờ chữ Vương – dự án Việt Nam Dân quốc của Việt Nam Phục quốc Đồng minh Hội (1939 – 1951). Ý nghĩa lá cờ này gần giống quốc kỳ Nhật Bản : màu trắng tượng trưng cho sự thuần khiết, chính trực ; màu đỏ thể hiện lòng nhiệt thành ; hình tượng chữ Vương (王) vừa biểu trưng cho nền văn hiến vừa thể hiện Việt Nam là nước quân chủ.
Khuyencaoquocdanca
Bìa sách Khuyến cáo quốc dân ca của Hoàng thân Cường Để (1882 – 1951) có in lá cờ chữ Vương, thậm chí đã khởi xướng mẫu quốc huy.