a

Mời các bạn bấm vào cuối trang BÀI ĐĂNG CŨ HƠN để đọc tiếp. Những bài viết về trường Trung học Bán Công Định quán được đặt trong thư mục KÝ ỨC HỌC TRÒ.

Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2015

Chuyện lớp Trái cây
13:35 29 thg 8 2012Công khai24 Lượt xem 0

Chuyện kể của lớp Mai Phương - Bích Vân.

Chuyện kể của Mai Phương:

Mình chỉ nhớ năm tụi mình họp lớp 7, giờ Nữ công Gia chánh của cô Hòa, chia ra 4 tổ nấu ăn. mình và Bình chung 1 tổ. Khi chấm điểm thì tụi mình chỉ được có 17 điểm thôi nên bị nhỏ Gái chọc quê. Mình tức quá cãi lại. Cãi tới cãi lui một hồi Gái nhảy tới tát mình, mình cũng nhào vô đánh lại, rồi Bình và Lại thị Ngọc cũng xông vô đánh. Thấy vậy cô Hòa kêu ra phạt qùy gối hết bốn đứa. rồi cuối giờ bắt hai bên phải bắt tay làm hòa. lúc đó trong bụng tức lắm, tuy bắt tay nhưng nói thầm không có hòa gì hết. vậy mà bữa sau hết giận, lại còn chơi thân cho tới bây giờ

Chuyện kể của Bích Vân:

Chuyện năm lớp 6.

Năm đó còn nhớ chuyện Võ Hồng Tuyên đi bộ từ 114 xuống trường học. Vì ỷ y còn xa trường nên bạn Tuyên ăn mặc lè phè, bỏ áo ra ngoài, chắc tính gần tới trường mới bỏ vô. Ai dè gặp thầy Quốc chạy xe ngang, thầy thắng xe lại đánh Tuyên và bắt quỳ gối ngay ngoài đường. Sau khi nghe Tuyên trình bày thì thầy cho đứng dậy nhưng mà dặn là từ nay không được ăn mặc lè phè như vậy nữa.

Chuyện năm lớp 7,

Năm đó Tsần Minh Nga làm Trưởng ban trật tự của lớp. Vân thì nhỏ con, ngồi bàn đầu nhưng hay nói chuyện trong lớp, vậy nên bị Nga ghi tên. Mới đầu cãi qua cãi lại, một lát hai đứa xông vô vắt áo dài lên đánh lộn một trận tơi bời. Cô Hòa kêu lên hỏi nguyên nhân, bắt 2 đứa nằm dài trên bàn học quất cho mấy cây. 

Còn chuyện nữa là bạn Thứ thấy mấy cái ao trước sân trường có cây mắt mèo nên hái vô trét đầy bàn ghế, cô Hòa cũng bị ngứa như các bạn. Thầy Quốc xuống điều tra nói ai nhận tội thì tha không đuổi học. Thứ nhận, thầy liền bắt cởi áo ra rồi lấy tay, cườm tay chà xuống bàn rồi chà lên người, còn bị quất thêm mấy cây nữa


 Chuyện năm lớp 8

Năm đó học hành không được bao nhiêu, do tình hình chiến sự chung trong cả nước

Trong lớp có Huỳnh Văn Minh, bây giờ làm bác sĩ ở Biên Hòa thuộc gia đình cách mạng, mẹ Minh thường đi tiếp tế. còn Minh thì rải truyền đơn trong lớp. rải mấy lần thì trên quận họ xuống điều tra. Do gia đình minh nằm trong danh sách nghi ngờ nên Minh bị bắt lên quận 2 ngày, nhưng Minh không khai gì hết, về sau má Minh lên trình bày Minh còn đi học nên được thả về. Chuyện này về sau Minh kể lại mới biết



Bài của Thanh Sơn - lớp trái cây nội
09:04 29 thg 8 2012Công khai17 Lượt xem 0

Chuyện những ngày còn ngồi dưới mái trường cấp 2 thì rất nhiều, những kỷ niệm đó Sơn luôn mang theo bên mình . Hôm này Sơn sẽ kể cho các bạn nghe, đầu tiên cho Sơn gởi những lời thật kính mến đến cô Hòa, người mà Sơn coi như mẹ hiền.

Khi đó Sơn và Phước Anh và Sơn (con bà Liên) ở La Ngà, năm lớp 8 đi học buổi chiều rất vất vả vì xe lúc có lúc không. Những lần như vậy cô nhìn thấy (nhà cô ở gần trường) liền gọi vào nhà cho ăn cơm, nhắc đi tắm rửa rồi giăng mùng cho ba đứa ngủ mặc dù nhà cô chỉ là một căn nhà nho nhỏ. Chuyện xảy ra nhiều lần như thế và tình cảm của cô luôn luôn đọng lại trong tâm hồn Sơn. Sơn mượn một câu hát để nói về cô: Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền. Không chỉ Sơn, mà nhiều bạn khác cũng có cùng ý nghĩ như vậy.

Chuyện kế tiếp là chuyện thầy Quốc năm lớp 6. Hồi đó Sơn còn nhỏ lắm chưa biết nghịch ngợm hay trốn học gì cả. Mà lúc đó mới vô học chưa được mấy ngày, tới môn Toán thầy giở vở kêu tên bạn Bích Vân. Thật thà là Sơn chưa từng biết cái họ Tăng nên khi nghe gọi lên rất ấn tượng. Vì ấn tượng quá nên bộc phát tự lặp lại: Tăng thị Bích Vân. Thầy lại nghĩ Sơn nhái lại thầy nên khi Sơn đứng lên đã kéo lên bảng đánh rất dữ dội, còn đập đầu vào bảng nữa.

Hồi đó ba Sơn làm cảnh sát ở quận, Sơn hay lên đó nhờ ba đón xe cho về. Thấy Sơn thê thảm quá, ba hỏi: con sao vậy. Sơn mới kể chuyện bị thầy đánh. Ba giận quá xách súng hầm hầm chạy xuống trường đòi bắn thầy. May mà lúc đó thầy vừa lái chiếc xe ra ngoài nên 2 người không gặp nhau. nếu không chắc có chuyện lớn lắm. Về sau này họp lớp gặp lại thầy, nhắc lại thầy có lời xin lỗi cả 2 cha con. Chuyện qua rồi mà, nhắc cho vui thôi.

Còn chuyện khác rất buồn cười nhé. Năm lớp 8 Sơn ham chơi hơn ham học, thường xuyên cúp cua giờ nhạc ngày thứ bảy để đi đánh bi a. Thầy Quốc hay lái xe rà rà ngang mấy tiệm bi a gần trường, hễ thấy học trò ở đâu là vô liền, tụi học trò bỏ chạy để lại cái gì là tịch thu cái đó: tập vở, cặp sách và cả áo nữa. Thầy tịch thu xong để sáng thứ hai đi điều tra, kêu lên đánh rồi cho về, học trò lại tiếp tục như cũ không chừa.

Có một hôm tự nhiên Sơn không cúp học, nhưng vô lớp ngồi hoài thì không thấy thầy cô đâu hết, chán quá nên đi lung tung. Qua văn phòng thấy không có ai, cả thầy Quốc lẫn cô thư ký Kim Anh cũng đi đâu mất tiêu. Mà trên bàn cô Kim Anh thì cuốn sổ điểm đang mở, ngó vô thấy đúng lớp mình. Sơn liền giở tên mình ra coi thấy cột nhạc trống không liền ghi vô đó 20 điểm. tháng đó Sơn được giấy khen hạng 2.

Sau này có lần thầy Quốc về Định Quán chơi, kể lại chuyện này cho mọi người nghe và Sơn nói lỗi này là lỗi của thầy, dù thành tích ảo nhưng giấy khen thật mà thầy ký tên vào đó. Thầy chịu thua luôn

 

Chuyện kể của Kim Anh - lớp trái cây nội
08:50 29 thg 8 2012Công khai23 Lượt xem 1

Kim Anh sẽ kể một ít chuyện xảy ra với K.A.

Năm lớp 6: hồi đó lớp này sợ cô Diệp lắm, vì cô đánh dữ quá, mà lớp thì con gái toàn đứa nghịch, nên một hôm cô đang ngồi thì một đứa chui xuống gầm bàn cột áo dài cô vô chân bàn. Tới khi cô đứng dậy thì loạng choạng, nhưng mà cô cứ nghĩ tụi con trai nghịch nên lôi tụi nó ra dần một trận

Năm lớp 8: Năm 74 có mode tóc dài nên lũ con trai học theo. thầy Quốc mới vô lớp nói ngày mai đứa nào hớt tóc còn 3 phân thì cho 20 điểm toán. Vậy là Kim Anh về, vô tiệm hớt tóc chơi liền cái đầu đinh 3 phân, bữa sau mặc áo dài đi học với cái tóc ngắn tũn làm ai cũng tức cười. Trình diện thầy Quốc, thầy khen: con này được . vậy là cho 20 điểm toán liền.

Trong lớp mình chơi thân với Tuyết, Quế cũng thân nhưng không bằng. Mình với Tuyết hay hò nhau quậy tưng lên. Một hôm Tuyết kêu ngứa đầu nhờ mình nhổ tóc sâu. mình hứng chí làm một hồi gần trọc đầu Tuyết luôn. Mình không nhớ năm nào mà thầy Tuấn ở 125 xuống dạy môn Công dân, bị Lâm Văn Hoàn đánh. có lẽ phải hỏi các bạn khác thì mới biết được chi tiết hơn


Tuyết
Kỷ niệm mình nhớ nhju nhất là những lần tới tiết gia chánh cô Hòa dạy tui mình cùng nhau làm mứt dừa .bánh dứa v.v...uôi giờ nghĩ tới vẩn còn thèm .cô thiệt dể mến.

Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2015

Chuyện kể của Hoa
13:54 29 thg 8 2012Công khai25 Lượt xem 0

Chuyện hồi đi học mình nhớ nhiều mà.

1. Hồi đó đang giờ cô Diệp phạt quỳ thì bị xỉu


2. Năm lớp 7 mình ngồi bàn thú 2, đau răng (mới mọc răng hàm) cô tới hỏi thăm làm mình cảm động lắm, nhớ hoài hà.


3. Giờ Giảng văn của thầy Ngọc, thầy giảng hay quá nên Chinh theo dõi say me mà hả họng luôn. Thầy ra hiệu chỉ cho cả lớp, cười ầm ầm.



4. Thầy Quốc hay có tật se se lỗ mũi, ổng ghét con gái nhảy dây lắm. hễ bắt gặp là bị đòn, còn thu dây nữa. ổng nói mặc áo dài mà lại đi nhảy dây



Thứ Năm, 17 tháng 12, 2015

Chuyện kể của chị Kim Thanh - lớp hoa lớn
11:21 25 thg 7 2012Công khai4 Lượt xem 0
Hồi đầu tiên trường nhỏ chút xíu, nằm bên kia đường xéo xéo nhà thờ, làm bằng gỗ lợp tôn, là trường tư thục và chỉ có một lớp học đệ nhất cấp. Kế bên trường là nhà đèn, ở phía sau nhà đèn có cái sân bay dã chiến, lâu lâu có mấy chiếc máy bay trực thăng và máy bay con sâu ghé lại. Có vài lần chở bọn nhỏ học lớp nhứt – tức là lớp 5 bây giờ bằng trực thăng bay tuốt về Sài Gòn cho coi Sở thú.
Hồi đó chiến tranh đì đùng tối ngày, hễ ông già đổi đi đâu thì đùm núm con cái lếch thếch chạy theo, nên học hành bữa đực bữa cái. Mà hễ nghĩ học nhiều quá thì ở lại lớp nên học cùng nhau mà hơn ba bốn tuổi là chuyện bình thường. Mà nhứt là thầy giáo môn Toán phong độ thấy ớn, gặp cô học trò bắt đầu trổ mã thì ưu ái hơn mấy đứa con nít hỉ mũi chưa sạch. Dạy học trò thấy chưa hiểu thì dạy tới dạy lui cho tới khi nào được mới thôi. Nên nhiều khi học trò đứa này ghẹo đứa kia:
- Ê ê, người ta giảng kỹ vậy mà còn không chịu hiểu kìa.
Thầy  Anh văn thích  chuối chiên. chanh muối và ổi nữa. Nhưng món thầy hảo nhứt là chuối chiên thôi, ăn mấy cái cũng hết, Thầy có một cái ghét là ghét… dầu khuynh diệp. các bạn cùng lớp, hễ cứ bữa nào không thuộc bài Anh văn thì thủ trong mình chai khuynh diệp hễ thầy kêu lên thì lẹ lẹ đổ ra lòng bàn tay. Lên đứng gần thầy trả bài thầy bịt mũi la oái oái chê giống mùi bà đẻ vậy là  đuổi đi xuống. Thoát.
Ngoài ra, trong lớp hoa lớn còn có một nhân vật vô cùng đặc biệt Sở dĩ nói đặc biệt không phải vì đẹp trai mà tại vì là …. chú tiểu. Chú tiểu chăm chỉ, mặc dù trong bộ áo nhà tu và cái  tóc đặc biệt hấp dẫn tia nhìn người khác, chú vẫn  siêng năng học tập. Cả lớp còn nhớ tới một kỷ niệm rất qúy giá về chú như vầy nè:
Bữa đó là giờ Anh văn của cô Diệp, cô kiểm tra ngữ vựng, cô giơ cây thiết bảng lên và hỏi :
- Ruler nghĩa là gì?
Cả lớp im phăng phắc. Cô bắt đầu vung thiết bảng chỉ về  ….. Im lặng, đét một cái và - Quỳ lên.
Tiếp tới là …. Đét và quỳ lên. Rồi  … đét và quỳ lên.
Làm một hơi hơn nửa lớp. Càng đánh cô càng tức mình. May sao, có chú tiểu kịp ứng cứu. Không biết là thông minh tự phát hay cần cù học gạo mà chú thưa:
- Dạ thưa cô ruler là cây thước ạ.
Cô khen chú tiểu giỏi và ra lệnh cho mấy người đương quỳ được tha bỗng
Người học giỏi nhứt là Võ Hồng Sơn. Nhưng một hôm đi theo mẹ cho đi theo xe chở gỗ, xe gỗ bị lật, Sơn qua đời. Thầy Hiệu trưởng thương quá, tổ chức làm lễ truy điệu cho Sơn, và học sinh các lớp trong tuần đó tham gia tuần lễ học tập tấm gương sáng của Sơn.
  


Chuyện của lớp chị Thanh tiếp theo
12:31 27 thg 8 2012Công khai15 Lượt xem 0
Kê ra đây tên tuổi mấy thầy dạy:


Năm lớp 6: 69 - 70   Chủ nhiệm cô Đinh Diệu Thu
Việt văn: Đặng thị Hoàng Huệ
Công dân + Sử địa: Đinh Diệu Thu
Sinh ngữ: Nguyễn Trọng Khoan
Toán + Hóa: Bùi Văn Tuấn
Vạn vật; Đinh Diệu Thu
Họa: Đinh Diệu Thu

Năm lớp 7:  70 - 71  Chủ nhiệm Thầy Đỗ Cao Thạnh
Việt văn: Đặng thị Hoàng Huệ
Công dân + Sử địa: Đinh Diệu Thu
Sinh ngữ: Nguyễn Thị Diệp
Toán + Hóa: Đỗ Cao Thạnh + Phạm Văn Quốc
Vạn vật; Đinh Diệu Thu
Họa: Đỗ Cao Thạnh

Năm lớp 8: 71 - 72 Chủ nhiệm cô Nguyễn Thị Diệp
Việt văn: Trương Văn Lý
Công dân + Sử địa: Nguyễn Văn Năng - Phạm Văn Quốc
Sinh ngữ: Nguyễn Thị Diệp
Toán + Hóa: Phạm Văn Quốc - Nguyễn Hiếu Tình
Vạn vật; Nguyễn Văn Năng
Họa: Nguyễn Thị Diệp

Năm lớp 9: 72 - 73   Chủ nhiệm cô Chế Thị Nhân Hòa
Việt văn: Vũ Đình Thanh
Công dân + Sử địa: Nguyễn Văn Năng + Vũ Đình Thanh
Sinh ngữ: Chế Thị Nhân Hòa
Toán + Hóa: Phạm Văn Quốc
Vạn vật; Nguyễn Văn Năng
Họa: Chế Thị Nhân Hòa

1. Thầy Khoan làm Hiệu trưởng. Nghe nói thầy học giỏi lắm, Tiến sĩ hay Thạc sĩ Văn chương gì đó. Mà hồi xưa cái trường nằm gần sân bay, mỗi lần máy bay lên xuống là chui xuống bàn nấp.

2. Cô Thu đeo kính, cao cao ốm ốm hay hát bài Suối mơ. Một hôm giờ ra chơi, bạn Vương tự xưng là vua. Tiếp theo cao hứng mở luôn Hội nghị Diên Hồng. Đang hô hào: Hòa hay Đánh, trả lời Đánh. Đang vui vẻ thì cô xuất hiện: đánh. vậy là quỳ gối cả lớp luôn.

3. Sợ nhất là thầy Quốc mỗi khi đi nhậu về, học trò thấy thầy mặt đỏ thì im thin thít

4. Thầy Thanh thấy 2 bên nam nữ ném giấy qua lại liền mắng: Không lo học mà lo viết thư tình yêu. Tôi nói cho biết không học mai mốt ra đời ở cái xã hội này thì đạp xích lô cũng phải có tú tài.

5. Thầy Năng thích Bích Hà. Hôm đó giờ nhạc 2 đứa làm bài giống y như nhau mà thầy cho hà 20 còn Thanh chỉ 16. Tức quá Thanh mang 2 bài lên kiện. thầy không cãi được liền ghi vào bài của Thanh: con gái mà viết chữ kiểu Phăng tê di


lớp chị Thanh - phần bổ sung
11:18 17 thg 9 2012Công khai30 Lượt xem 0

Chuyện anh Vinh:

Nói chung học trò thời đó rất hiền lành, dù thầy cô có đánh hay phạt cũng không hề dám cãi cọ lại gì (hay là do lớp mình hiền không biết). hồi đó Vinh ở La Ngà, sáng thứ 2 theo bố lên Định Quán, ông già làm trong UB quận mà. Cô Huệ dạy môn quốc văn, hiền lành dễ mến.

Chuyện anh Sơn:

Giai đoạn trường mới thành lập thầy Khoan làm hiệu trưởng. Ông thiếu tá Barket xuống dạy tiếng Anh, ổng vô lớp là chào Good morning, học trò phải trả lời lại ổng mới dạy tiếp. Thầy Khoan làm phiên dịch cho học sinh. Năm sau ông cố vấn đó đổi đi, Đại úy Genning tới dạy thay.

Thầy Năng hát rất hay, hè năm lớp 8 thầy hát bài Ngày xưa Hoàng thị. Nói chung hồi đó lớp này hiền lắm, không có đánh lộn gì hết, chăm chỉ học. Nếu bị phạt hay bị đòn cũng im thin thít. Hồi đó nhà Sơn còn nghèo lắm, một hôm dép đứt không có tiền mua nên đi chân không. Thầy Khoan nhìn thấy hỏi, Sơn nói dối thầy là để quên. Mấy hôm sau lễ phát thưởng, thầy tặng cho Sơn và các bạn mỗi người một đôi xăng đan nhựa. Cô Diệp cũng thương học trò lắm, mỗi lầm về quê chơi, quê cô ở Bình Dương, là cô mua một mớ đồ chơi lên cho học trò.

Chuyện anh Cửu:

 Cô Thu người Huế, mỗi lần vô lớp học trò chào, cô trả lời: Các em ngồi XUỘNG nên học trò canh hễ cô nói thì đồng thanh: XUỘNG. Có lần thầy Khoan biết được, vô lớp cùng cô Thu, thầy nói các em khỏi cần ngồi, để đứng cho vui.

Một số thầy cô chỉ dạy một thời gian ngắn như cô Huệ, thầy Tình, thầy Lý, thầy Châu. thầy Lý hiền, dạy Văn, giảng bài pha trò nên học sinh tiếp thu bài nhanh lắm, lớp này rất mến thầy. thầy Năng siêng hát, vừa đàn vừa hát bài Mùa thu chết rất hay. Trong  lớp cũng có nhiều bạn để ý nhau nhưng lúc đó ai cũng ngây thơ, nếu có để ý cũng chỉ là đơn phương, không dám nói ra


Chuyện chị Phước

Thầy Lý đeo kính có gọng đen, thấp thấp, hiền lành.

Thầy Tình còn trẻ, rất ốm. Phước có một chuyện ân hận tới bây giờ. là thấy thầy ốm quá nên cho là thầy bị ho lao. Vậy là hễ gặp mặt thầy là giả bộ đọc công thức hóa học HCl thành HL nghĩa là ho lao. Không hiểu thầy có biết không mà chẳng thấy phản ứng gì. nhưng về sau này Phước ân hận lắm. Bạn Võ Hồng Sơn học giỏi nhưng bị tai nạn mất sớm, bạn bè về sau cứ nhắc hoài.

Thầy Quốc hồi đó đánh học trò dữ lắm, nhứt là mấy đứa lê lết ở bàn bi a. Có lần thầy hỏi một kiến thức Toán, cả lớp không ai trả lời đúng, sau cùng thầy hỏi Phước. Phước nói theo ý P và tin chắc mình đúng nhưng thầy nói sai. vậy là thầy bắt cả lớp quỳ lên, còn hăm tao đi ăn cơm về mà tụi bây lộn xộn là chết với tao. Vậy mà lớp ngoan ghê, quỳ gối cho tới khi thầy về, cũng không thắc mắc chuyện gì hết.

Thứ Tư, 16 tháng 12, 2015

Quay về thành phố đá 3 chồng
14:56 21 thg 9 2012Công khai58 Lượt xem 1
    Tôi viết vào đây những kí ức của mình được lưu giữ trong tôi...

    Hôm nay tôi ghi lại một ít để mọi người cùng xem và cùng chia sẻ những kỉ niệm thân thương của xứ đá 3 chồng.

Những ngày đầu tôi đến công tác tại trường Trung học Bán công Định Quán.
    Trường lớp và học sinh tôi chưa thân quen, nhưng đá 3 chồng tôi thương và quý nhất  vì đây là 1 dấu ấn, kì tích lưu giữ của thiên nhiên.

    Hàng ngày sau tiết dạy ở trường, tôi ghé qua quán nước bên cạnh đá 3 chồng, ngồi xem và ngắm nhìn mãi không thấy chán...

    Tôi tự nghĩ... một ngày nào đó, tôi sẽ đeo bám lên đá 3 chồng này để nhìn ngắm, và sờ mó vào đá, áp tai vào đá để nghe tiếng vi vu...và được dịp nhìn toàn cảnh sinh hoạt của dân cư địa phương. Tôi tự nghĩ và có nhiều cảm xúc...

    Tôi có hỏi thăm những người dân sống ở đây, nhiều đời ông bà đã qua. Nhưng chẳng ai biết lí lịch đá 3 chồng Định Quán có từ bao giờ?! Buồn quá!

    Tôi chợt nhớ bản nhạc Lệ Đá " Hỏi đá bao nhiêu tuổi rồi?!" Tôi tự hát lại bài này.
    Đá vẫn đứng im lìm...

    Qua bao tháng năm, bao nhiêu sương gió, bão táp..chiến tranh,bom đạn nổ ỳ xèo... đá vẫn im lặng không nhúc nhích, không lung lay.

    Tôi còn nhớ rõ nhưng ngày đầu giải phóng ĐQ-1975, rất nhiều quả trọng pháo rót vào đây và cả máy bay trên không cũng thi nhau ném bom xuống....

    Nhưng đá 3 chồng không buồn.. không nhúc nhích..không xê dịch...Người dân thì chết rất nhiều!

    Trong những năm công tác tại trường, ngoài đá 3 chồng ra tôi còn thương và còn nhớ đến 2 nhóm học sinh 07 và học sinh La Ngà..Trên đường đến trường học, các em phải vượt qua chướng ngại "Bị đắp mô" Một số hs tạm nghỉ học và một số hs vượt qua bằng cách băng rừng.. Đi học vào lúc chưa đắp mô.

    Nhà tôi cách trường khoảng 15 mét, sáng sớm tôi chưa thức giấc đã nghe nhiều tiếng ồn ào, xôn xao của học sinh trước sân trường vọng lại.Tôi tự nghĩ:"Chà, nhóm học sinh này chăm học quá - Trời chưa sáng đã có mặt ở trường rồi !!"

    Tan học - quá 12h trưa, tôi vẫn còn nghe tiếng xôn xao của học sinh " không chịu về nhà cơm nước còn ở đây quậy phá"- Tôi nghĩ. Tôi dự tính nhặt lấy cái roi ra trường "phết" cho mỗi bạn vài roi...

    Nhưng ý định cho nhóm học sinh ngoan này ăn roi vụt biến mất khi nghe các bạn này kể lể.
-Giờ này còn ở đây quậy hả - tôi la - muốn ăn roi không?

-Cô ơi, tụi em chưa dám về nhà,đường về nhà bị VC đắp mô rồi, tụi em phải chờ lính giải tỏa Mô xong mới về nhà. Em đang đói bụng lắm, nhưng không dám đi về... em học từ mờ mờ sáng.. phải vượt đường rừng đi cô ạ..

    Nghe kể lòng tôi se thắt lại. Nhìn những gương mặt bơ phờ, tôi biết các bạn này đang đói bụng lắm. Ngay lúc đó, tôi gọi tất cả vào nhà ăn cơm.

    Phần cơm gia đình tôi nhường các bạn nhỏ này ăn trước. Gia đình làm bếp ăn sau.

    Và cứ thế, 2 hoặc 3 ngày sau laị bị đắp Mô tiếp, nhưng lần sau này tôi nấu cơm nhiều hơn, tôi cảm thấy thương và cảm động vì ý chí của 2 nhóm học trò này. Ảnh hưởng của chiến tranh, các em phải băng rừng lội sông để đến trường học.
    Vì tương lai, vì sự nghiệp mai sau, các bạn nhỏ của tôi luôn cố gắng vượt qua.

    Sau ngày giải phóng 30-4-1975, hơn 30 năm qua tôi quay về Định Quán thăm trường cũ và học sinh của tôi. kẻ còn lại thì ít, người đi xa thì nhiều!

    Sau đó tôi không quên viếng thăm đá 3 chồng. Đứng bên cạnh đá chồng, tôi khe khẽ nhắc lại bài thơ Non Nước.
Nước non nặng một lời thề
Nước đi ra bể không về cùng Non
Non cao những ngón cùng trông
Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày.
Nhớ lời hẹn nước thề non
Nước đi ra bể lại mưa về nguồn...



    Cựu học sinh thân mến. Chúng ta có đi xa - vì cuộc sống trôi nổi - vì kinh tế đó đây - Nhưng rồi chúng ta cũng quay về thành phố đá thân yêu. Nơi đây có nhiều kí ức đong đầy - nhiều cảm xúc thân thương!
    Có phải thế không?!!
    Cựu học sinh trung học BC- ĐQ của tôi

Thân mến,

CV Chế Nhân Hòa

Thứ Ba, 15 tháng 12, 2015

Bài của các bạn 115
03:31 25 thg 9 2012Công khai41 Lượt xem 0


Chuyện tình của Khỉ:

Mời các bạn xem tập phim dưới đây, mang tên chuyện tình của Khỉ, còn Khỉ là ai, hồi sau sẽ rõ




Chuyện tình của Khỉ vui hông mấy bạn? Sau khi bạn Khỉ đã tặng hoa ngỏ ý, tặng kẹo lấy lòng, tặng tiền xài chơi, thậm chí tặng cả nhà nữa (Dốc hết tình này ta trả nợ người.     Trả hết trả hết cho người. Trả xong, đời còn tay không) mà bạn gái vẫn không vừa lòng, đàn bà tham thiệt heng?

Sau khi gãi đầu gãi tai, bạn Khỉ đành hy sinh cả vật qúy hiếm nhất cuộc đời là cái quần xì. Vậy mà bạn gái nỡ lòng nào tung một cú song phi tặng bạn ấy. Đau lòng quá..... hihi....

Nhóm bạn 115 có ý kiến, hồi đó đi học tụi mình hiền lắm nên không có chuyện gì to tát để nhớ, các bạn cứ viết đi, tụi mình tham gia bằng cách nhận tên cho mỗi người. À quên, hồi xưa tụi mình do ngôn ngữ bất đồng nên đi học bằng tiếng Việt cũng vất vả lắm.

Tự nhận tên đây:

Trần A Há: Gấu trúc.

Dín Thín Dưỡng: Cọp.

Nhĩn A Nhì: Heo.

Trần Phổ Sáng: Sư tử.

 Nhĩn A Mộc: Chuột.

 Sì A Cẩu: Khỉ

Chuyện của bạn Mộc
01:55 25 thg 8 2012Công khai3 Lượt xem 0
Email của Mộc

Mộc không nhớ gì hết, bộ nhớ ba mươi mấy năm hư hỏng hết rồi.

Chỉ biết hồi nhỏ nghỉ hè thì buồn lắm, chỉ mong tới ngày vô học thôi
Mà đi học rồi thì vui ghê lắm.

Bạn Mộc - tự Chuột

Thứ Hai, 14 tháng 12, 2015


ĐÔI LỜI PHI LỘ

          Thời thơ trẻ, tình cảm, cảm xúc, biểu hiện cũng mới phôi thai, thật đẹp, thật ngây thơ, không toan tính. Những hoài  niệm về nó như kỷ vật vô hình, mà   lo toan, mưu tính của cuộc đời đã gói kỹ, bỏ quên trong kho ký ức.
       Khi gió bão thời gian bóc trần cuộc đời và thân xác, khi mòn mõi với những đấu tranh vật lộn trong  cuộc sống, con người mới chợt thấy trong kho ký ức của mình có những món quà kỷ niệm êm ái, như luồng gió mát quá khứ, xoa dịu những vết bỏng thời gian in dấu, ta cảm thấy hối tiếc vì sao mình lại không mãi giữ được tâm hồn thơ trẻ.
     Tuổi già  tham vọng tan biến, thì đố kỵ, ganh ghét, hận thù  không còn nơi để sinh sôi nảy nở, mảnh dất đời người bây giờ lại trở về nguyên sơ dù nó mang đầy chứng tích, người bây giờ lại yêu, ghét như trẻ thơ.
     
             Hạnh phúc, không ở đâu xa, nhiều khi ngay cạnh bên mình  không biết, cứ mãi đi tìm vô vọng. Thôi, thì thôi, bây giờ còn cảm, còn biết, còn nhận được hạnh phúc, thì vẫn thật là hạnh phúc. Chúc mọi người và tôi chúc cho tôi đã cảm thấy hạnh phúc với những tình cảm quá khứ tươi trẻ và trong sáng, đẹp như những viên ngọc quý được tìm thấy dưới  lớp chôn vùi của cát thời gian.
        Và …….. bây giờ, xin mọi người hãy khai quật……. lớp cát thời gian !    


khi đi qua một chặng đường ,người ta thường nhớ lại những gì dã thấy , đã làm , đã nghe và đã vượt qua .Cuộc đời 1 người, khi gần đích đến không ai không nhớ lại ký ức , để xem mình đã làm gì , được, mất gì, yêu ghét gì trong quá khứ , để tự hào, nuối tiếc và ân hận, để biết mình có sử dụng lãng phí hay không cuộc sống thượng đế đã ban tặng , cha mẹ đã dưỡng nuôi và để chăt lọc những kỷ niệm êm đềm tươi đẹp , tưới mát cho tâm hồn mòn mỏi của mình

MỘT MÙA HÈ



Nhớ hè năm đó khi chuẩn bị thi cuối cấp và phải vĩnh viễn rời xa mái trường thân yêu mà chúng mình đã gắn bó suốt 4 năm trời. Biết bao kỷ niệm vui buồn mà những đứa học sinh như mình có được.

Nhưng có một kỷ niệm của mùa hè năm đó mà mình vẫn nhớ mãi đến ngày hôm nay. Hôm đó là ngày thi chuyển cấp. Nói chung tất cả lớp đều đã chuẩn bị kỹ càng cho kỳ thi này vì đó là kỳ thi cuối cùng của năm cuối cấp 2 mà chúng mình đã cố gắng học tập trong suốt 4 năm qua.

Hôm đó trong phòng thi bất chợt mình phát hiện được một bạn cùng lớp đã mang tài liệu vào để làm. Khi bị mình phát hiện ra bạn đó đã đề nghị để mình và bạn đó cùng làm và chắc chắn sẽ có được một số điểm rất cao. thú thiệt trong lòng mình lúc đó cũng phân vân vô cùng vì thật ra mình cũng chỉ là một học sinh trung bình trong lớp, và dù đã có chuẩn bị cho kỳ ti một cách nghiêm túc và kỹ càng mình cũng không biết rằng có thể vượt qua kỳ thi này một cách suông sẻ hay không.

Các bạn có hiểu rằng trong lòng mình lúc đó phải đấu tranh với việc tốt và xấu giữa 2 thái cực đó là cả một việc làm không đơn giản. Nhưng cuối cùng các bạn có biết mình xử trí ra sao không? Đó là nhớ tới những lời giáo huấn của thầy cô trong những năm qua mà mình cương quyết nói không. Hơn thế nữa mình còn động viên bạn mình rằng hãy cố gắng trung thực làm bài với khả năng của chính mình. vì dù có được điểm cao bao nhiêu thì sau này cũng không thể có được một kết cục tốt đẹp như ý muốn

 Đến đây chắc rằng các bạn đã hiểu được sự việc sau đó như thế nào rồi phải không? Cuối cùng trong kỳ thi đí hai đứa mình tuy không đạt điểm xuất sắc những cũng đủ để cả hai bước vào năm học mới với những cố gắng mà mình đã học tập trong suốt 4 năm qua, và cho tới tận bây giờ 2 đứa mình vẫn là bạn thân thiết của nhau và cứ mỗi lần gặp mặt y rằng chúng mình thường kể cho các bạn cùng lớp nghe về câu chuyện này. Đó cũng là kết quả của thầy cô đã dạy cho chúng mình điều trung thực mà chúng mình đã học được khi còn cắp sách đến trường.

Hôm nay dù đã mấy chục năm trôi qua kể lại chuyện này với mong muốn chia sẻ cùng các bạn và mong rằng trong cuộc sống các bạn cũng như mình sẽ áp dụng được nhiều và rất nhiều những gì đã được thầy cô dạy bảo khi mình còn cắp sách đến trường, nó sẽ còn và vẫn còn hữu ích mãi mãi.

             

   La Ngà tháng 10 năm 2012

Bài của anh Phụ - lớp chị Út lớn
08:50 26 thg 8 2012Công khai12 Lượt xem 0
KỶ NIỆM NGÀY ĐI HỌC


Nhớ lần đầu tiên mới bước vào mái trường Trung học, ngày đó những cậu học sinh vùng quê như mình làm gì có trường để mà học, vì thế mỗi lần đến trường là cả một khoảng đường hàng mấy chục cây số. thế nên mỗi lần đi học đều phải dậy thật sớm để đón xe đến trường, mà ngày đó xe cộ có tiện lợi và nhiều như bây giờ đâu, nên suốt những tháng ngày ấy, đã biết bao lần bọn học sinh vùng quê như mình bị trễ học. nhưng dù vậy chẳng bao giờ bọn mình bỏ học một buổi nào cả.

Và một kỷ niệm mà mình nhớ mãi trong những năm tháng mới bắt đầu vào học ở trường đó là có lần tuy mình đã dậy thật sớm để đón xe đến trường. nhưng thật chẳng may mắn cho mình vì ngày hôm đó đã trễ mà mình chẳng đón được chiếc xe nào. Trong lúc lòng mình rất lo lắng thì bất ngờ có một người đi xe máy dừng lại cho mình đi nhờ mà sau này mình mới biết đó là thầy Hiệu trưởng của trường.

Trên đường đi thầy hỏi thăm mình về sự học tập, về gia đình và rất nhiều chuyện khác. nhưng thú thiệt lúc đó mình cũng chẳng để ý tới những chuyện thầy nói mà chỉ mong sao mau tới trường. Các bạn có biết không xe máy thời đó là một chiếc Mobilet cà tàng chớ nào phải xe máy như bây giờ đâu.

Quãng đường đi thì dài và nhiều đèo dốc, vì thế nhiều lúc thày phải cố gắng ra sức đạp phụ thì xe mới chạy. dù trời còn sớm nhưng mồ hôi cũng làm ướt đẫm áo của thầy. vậy mà mình vẫn chẳng thấy thầy kêu ca một tiếng nào hay tỏ ra bực dọc.

Các bạn có biết không, tuy chỉ là một sự việc đơn giản như vậy, nhưng nó đã giúp ích cho mình học được ở thầy một sự cố gắng và kiên nhẫn. cũng nhờ điều đó mà sau này khi đã trưởng thành mình đã vượt qua được rất nhiều việc khó khăn gặp phải trong cuộc sống, cũng nhờ vào sự cố gắng và kiên nhẫn.

Hôm nay hồi tưởng lại những sự việc trong cuộc đời học sinh ngày xưa, có rất nhiều kỷ niệm và những điều đáng nhớ. kể lại câu chuyện này mình muốn chia sẻ với các bạn một lời nhắn nhủ là trong cuộc đời mình có những việc tuy đơn giản ở người khác nếu mình nhìn vào biết nhận thức và tiếp thu thì đó sẽ là cả một sự hữu ích rất lớn cho mình.

Mong rằng các bạn cũng gặp được những chuyện có ích như mình


La Ngà, tháng 8 năm 2012

Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2015

LỜI CỦA THẦY HIỆU TRƯỞNG
05:25 12 thg 10 2012Công khai27 Lượt xem 1

... Ngày đó, xa lắm rồi, khi tôi còn là một giáo viên trẻ dạy toán ở một trường trung học tỉnh lỵ. Tôi nhớ vào một buổi sáng, đang dạy ở tiết 2 thì phải; tôi được mời lên văn phòng để nhận quyết định bổ nhiệm tôi về làm hiệu trưởng ở một trường trung học quận Định Quán. Thực sự tôi rất lo vì ngày đó giáo viên đang công tác ở tỉnh là một diễm phúc. Không ai muốn mình phải đi về một quận xa xôi như Định Quán mà tôi phải đến. 

Sau một ngày suy tư lo nghĩ, tôi đã đến Tòa Hành chánh tỉnh để xin được ở lại. Hơn 2 giờ nặng nề trôi lặng lẽ qua để chờ kết quả, tôi thất vọng ra về vì không được phép ở lại mà phải khăn gói lên đường về Định Quán.

Tôi nhớ lại cũng rất may, lúc đó tôi gặp được 1 người bạn là anh Nguyễn Phùng Ngọc, một nghị viên hội đồng của quận Định Quán. Qua anh Ngọc tôi mới hình dung được quận Định Quán cách xa tỉnh hơn 70km, nằm trên tuyến đường tới Đà Lạt và ngôi trường Trung học chỉ là trường Bán công vì lúc đó chưa có trường Trung học công lập, với tổng số khoảng 50 - 60 học sinh gồm 3 lớp: lớp 6, lớp 7, lớp 8.

Cho đến khi tôi đến thực tế, nhìn ngôi trường gồm 2 gian nhà ngói xiêu vẹo (của đơn vị cầu đường bỏ lại) và một số học sinh lớn nhỏ thưa thớt mà tôi nhớ rất kỹ là lớp 8 được có 10 học sinh, mà vắng 1 nên sĩ số khi vào lớp là 9 gồm 5 trai, 4 gái.

Chính nhờ anh Ngọc đã chuẩn bị tâm lý cho tôi nên tôi không có gì ngạc nhiên hay chán nãn. Tôi không nhớ chính xác ngày nhưng đó là tháng 3 năm 1970, tôi chính thức về công tác tại trường Trung học Bán công Định Quán. 

... Năm sau về trường mới, đẹp đẽ và khang trang với tất cả đều mới từ bàn học tới bảng đen, các thầy cô từ tỉnh và thành phố về dạy. Đến cuối niên học đó thì những em học sinh tôi gặp đầu tiên nay đã học xong lớp 9 nên đã phải chia tay trường lớp, bạn bè và gia đình để đi xa học. Một bữa tiệc gồm bánh kẹo, nước ngọt với tiếng ca thơ ngây ngọt ngào của các em gái:  Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn .... thực sự đã trở thành một kỷ niệm sâu sắc không tả được làm cho tôi nhớ luôn đến tận bây giờ.

Tôi cũng không thể nhớ hết tên các em cũng như quý thày cô đã cùng tôi giảng dạy gần 5 năm ở trường Trung học Bán công Định Quán mà giờ đây không còn nữa. Hôm nay chỉ còn lại trong ký ức mỗi người, nhưng tôi không thể không nhắc đến những tình nghĩa cao đẹp của các em học sinh đối với trường xưa và thầy cô cũ dù đã gần 40 năm đi qua, đã mất đi hơn một nửa đời người.

Cũng nhân viết về ngôi trường cũ xa xưa với những kỷ niệm vui buồn, tôi xin cầu chúc quý đồng nghiệp được thanh tịnh an lạc lúc tuổi già. Chúc các học sinh cũ đã trưởng thành gặt hái được những thành quả tốt đẹp.

Rất mong một ngày gần nhất cả trường được quy tụ họp mặt để hàn huyên bất tận.



Hiệu trưởng: Phạm Văn Quốc.