a

Mời các bạn bấm vào cuối trang BÀI ĐĂNG CŨ HƠN để đọc tiếp. Những bài viết về trường Trung học Bán Công Định quán được đặt trong thư mục KÝ ỨC HỌC TRÒ.

Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

DU LỊCH CHÂU Á



Thái Lan có gì vui?



Những triền đồi, những bãi bồi ven sông lau trắng miên man trong nắng mới. Đám lau sậy ngày thường còi cọc xấu xí xác xơ tơi tả vì gió vì mưa, vì đám gia súc ngược ngạo dẫm nát giờ kiêu hãnh phô phang rừng cờ lau trắng trong thanh khiết. Đám gió hung hăng dữ tợn ngày nào giờ lả lơi ve vuốt ôm ấp đẩy đưa… làm sông chiều không dậy sóng xanh chỉ xô bờ những con sóng bạc đầu, bạc đầu, miên man….






Những triền lau bạt ngàn Sukhothai



Miền nhiệt đới đã qua ngày qua những ngày hè. Lũ sen hồng sen bạch đã tàn đã úa, đã nhường lại sông nước ao hồ cho đám súng hừng hực sức sống rừng rực đỏ vươn cao. Cái nắng vàng rực những ngày đông chói chang Thailand, đám súng càng rực rỡ phô trương hơn… vì chúng biết giờ là thời khắc huy hoàng của chúng.





Súng trong Sukhothai Historical Park



Nhưng chúng đã lầm! Mùa này chỉ có lũ sen là thảo hiền nhường nhịn thôi. Coi nè, bọn hướng dương hoàng tộc con cháu thần mặt trời chúng tao chẳng thèm liếc lấy một cái với bọn súng hèn mọn chúng mày đâu. Thẹn thùng, lũ súng khép nép ôm nụ khi nắng lên, chỉ có hướng dương kiêu hãnh nhìn thẳng vào mặt trời cháy bỏng, chẳng thèm cần lấy một mảnh Rayban, dù là kính dzỏm mua ở Trương Định, cho nó gọi là!





Những cánh đồng hướng dương Lopburi


“Nè khoan phát biểu nghen mậy! Biết thế nào mấy cũng càm ràm “Mấy cái bông đồ yêu đó tui dzìa miền Tây thiếu giống gì”, tao đưa ra cái hình này là quê mình hết có à nghen!”.




Hoàng hôn Sukhothai chiều nắng đẹp (lộng lẫy!).


“Ừ, thì đúng là miệt dưới không có hoàng hôn rực rỡ trên đền xưa chùa cũ như ở đó được, nhưng sao cha nội kể chuyện gì lung tung quá” – lại càm ràm, tật xấu có ai mà bỏ được! “Mà mấy cái bông dzàng dzàng đó, tui đi Đức Trọng, Đơn Dương tui thấy nó bạt ngàn, ông làm gì quý báu dzữ dzậy?”.



“Chèn đét ơi! Phải mày đó hông? Mày có biết mấy cái bông dzàng dzàng đó bên Phi Luật Tân, bên Nam Dương người ta kêu bèn giống gì hông? Chicken shit – bông cứt gà đó ku. Mày hết chỗ so đo rồi sao đồ mỏ nhọn nhỏ mọn? Mày lấy mấy cái bông đó đi thi với hoa cứt lợn thì may ra đoạt giải! (Chân thành xin lỗi dã quỳ!).




“Nhưng mà ông kể lộn xộn quá”, thằng ku vẫn vớt vát “Nhảy từ chuyện này qua chuyện kia, tỉnh này qua tỉnh nọ… làm sao tui thấy cái hay cái đẹp của từng nơi được. Hay là mỗi chỗ chỉ có 1 tý bẻo mấy cái đèm đẹp, ông gom góp dzô một chỗ, cho nó sang”.



Ừa hén. “Mầy có lý! Để tao “quay lại từ đầu”, như nhỏ ca sĩ nào đó hay ca, như muốn dụ dỗ rù quến người tình xưa quay dzìa đó!”.



* *
*




Miền Nam Thailand, ai nói bạo động bom nổ đì đùng, đạn bay cheo chéo đâu tôi chẳng thấy. Chỉ thấy nhớ một chiều cuối năm bên dòng sông xanh ngời ngời xuôi về biển lớn, nắng xế trưa hanh vàng tôi vào quán vắng bên dòng sông nắng, mới biết nơi đây sông vẫn mãi xanh dù bom rơi đạn lạc… miền Narathiwat.





Chiều xanh bên dòng sông xanh ngăn ngắt miền Narathiwat



Narathiwat vẫn bình yên đến ngỡ ngàng, hiền hòa đến kinh ngạc. Vậy chiến sự nằm ở đâu? Dưới những cánh diều bên biển chiều lộng gió của đàn trẻ ngây thơ, theo những con sóng dập dềnh của thuyền về ngày cá nặng, bên ngôi thánh đường Hồi giáo bằng gỗ teak 300 năm tuổi, hay dưới bóng từ bi ngôi tượng Phật ngồi cao nhất thế giới, vàng rực cả một góc trời, bình yên cả một chiều quê….





Ngôi thánh đường bằng gỗ đơn sơ đã 300 năm tuổi



Narathiwat, nhớ bóng những chiếc khăn choàng Hồi giáo vẫn xanh nhẹ nhàng thanh thoát , vẫn để lộ những gương mặt xinh xắn, những đôi mắt đen như đêm 30 chùng sâu… những bóng cà sa vàng thẫm vẫn chậm rãi từ tốn bước trên phố vang vang tiếng kêu gọi cầu nguyện từ ngôi tháp minaret cao cao…





Ngôi chùa trắng thanh khiết




Bóng người trên cao như che chở cho phận sâu kiếp kiến của con người nơi miền đao binh.



Nếu không có binh biến Narathiwat còn đẹp đến dường nào! Nếu… haizzzz!!!


………..



“Ừa, dù chưa thấy hay ho gì lắm nhưng cứ kể chuyện từng vùng miền rõ ràng như vậy là được. Mà sao chuyện ngắn ngủn vậy cà?”, lại théc méc! “Tám thì tao có tám nhưng tao đâu có phải lê văn “Tám” đâu mà nổ cho cố dzô rồi banh xác. Ngăn ngắn vậy còn chừa chỗ cho thiên hạ họ đi khám đi phá chứ tành hoạch hết trơn thì còn gì hay ho nữa mà đi! Mày muốn biết thêm nữa, vác xác mà đi!”.




“Trợn mắt lên cái gì, không biết thì hỏi chứ nhăn nhó cái gì!”. “Ông à, Thailand nó có sáu mấy tỉnh thành, làm gì ông tinh vi trái kiwi lên 100 chương hồi dzậy hả. Nổi không đó cha nội?” – lúng búng ngậm hột thị hột lựu một hồi cuối cùng nó cũng chịu phun ra.



“Mèn đéc ơi, sao mà ku ngây thơ như trái bơ dzậy! Nó có sáu mấy tỉnh thành, tao dĩ nhiên chưa đi hết, nhưng 100 chương hồi hay còn hơn thế nữa là tao dư sức qua cầu. Trong tỉnh nó còn có huyện, có xã, có thôn, có ấp nữa mà. Mà nếu kéo hoài không đủ, tao kiếm chuyện giựt gân đưa lên, kéo dài topic ra, học hỏi Quách Đại Ca, Cô Gái Đồ Long… là tao còn kéo đến cả ngàn chương hồi, chứ nói gì trăm. Đừng trợn mắt nữa, yên tâm đi ku, tao không như bà đó chính chị chính em cho nó ra vẻ… gì gì đâu. Tao kể chuyện bên đất Thái thôi, chứ chuyện ăn chơi nhảy múa bên nước Nam mình mà kể ra cũng dễ xộ khám lắm. Tao đang tuổi xuân phơi phới em đi mở đường chứ đâu phải để đi gỡ lịch mò lươn mà đi chơi ngông, ku!”.



“Dzậy thử kể chuyện gì giật gân coi cái chơi! Mà để tui kiểm duyệt cho cha nội xem có đủ sức giựt gân hay chỉ mới đủ cơ giựt hụi bỏ chạy thôi đó!”



“Mầy coi thử nếu có tin về con cá hai mươi mấy người ôm này có đủ sức giựt gân không ku?”. “Xời ơi, nghe ghê quá dzị, ở đâu dzậy, kể mau đi cha nội! Còn làm màu như trái táo Tàu nữa, héo queo giờ!”.



* *
*




Được biết đến nhiều bởi làng nhỏ Sop Ruak, với cái tên rất nổi tiếng là Tam Giác Vàng, còn Chiang Saen thì hầu như bị những khách du lịch bỏ qua. Chính nhờ vậy, phố nhỏ càng trở nên quyến rũ hơn bởi sự yên ắng khác xa một Tam Giác vàng nhộn nhịp xô bồ cách đó chỉ 9km. Thời gian dường như ngừng trôi trên vùng đất nhiều nắng nhiều gió này.





Bức tượng Phật mới dựng lên ở Tam Giác Vàng, như cầu mong siêu thoát cho những phận người đã nằm xuống trong cuộc chiến hoa anh túc.



Nằm bên bờ con sông mẹ Mekong, thành phố vùng Bắc Thái này ngày xưa là thủ đô của vương quốc Chiang Saen, một trong nhiều những vương triều nhỏ vùng Bắc Thái. Chao đảo trao tay qua nhiều triều đại…cho đến thế kỷ XVIII, vương triều này vẫn thuộc Miến Điện… Mãi đến 1880, Chiang Saen mới chính thức thuộc về vương triều Xiêm La (Siam).




Rắn thần Naga ở ngôi chùa trên đồi nơi Sop Ruak.



Phật giáo Nam Tông đã có mặt trên vùng đất này từ rất lâu và tín ngưỡng này vẫn được trân quý như ngày nao. Những ngôi chùa từ thế kỷ XIV giờ vẫn còn nằm uy nghi trong phố hay giữa rừng. Dù hoang phế hay vẫn còn được giữ gìn tương đối tốt, những ngôi chùa này giờ vẫn được chăm sóc ngang nhau. Những dải lụa vàng phất phới trong nắng gió ngày hè đã rực rỡ càng thêm rực rỡ là những nét duyên cho phố. Cho dù những ngôi chùa mới rực rỡ theo phong cách Thái đã mọc trên phố, những ngôi chùa đá ngàn năm vẫn được sử dụng trong việc thờ phụng… như những cư dân hiền hòa bên con sông mẹ Mekong từ ngàn đời vẫn hằng tôn kính.





Tháp xưa trong rừng…



… trong phố, bên chùa mới



Cuộc sống nơi đây lặng lẽ, nhịp rơi chầm chậm. Có ồn ào chăng là những chuyến xe chở khách du đi theo con đường ven dòng Mekong từ Chiang Khong hướng lên Sop Ruak. Nhưng chỉ cần bỏ lại con đường vào quán nhỏ râm mát ven dòng Mekong, bạn như trở về ngày cũ, trở về miền nam nước Việt thân yêu với những người dân chân chất hiền lành quý khách nhiệt tình mời mọc khách đường xa những phẩm vật của dòng sông mẹ. Cho ai đó láng máng chắc dễ quên đường về…





Nhưng may mà họ chưa mời tôi con cá hai mấy người ôm này



Trôi theo dòng Nam Mekhong, tôi lạc đến một xứ sở mà ngay khi ở đó, tôi đã biết một mảnh hồn tôi sẽ rơi rụng.




Bình minh vàng dịu dàng trên dòng Nam Mekhong.




Phố chưa xuống đèn, đã lặng lẽ thành kính quỳ để dâng lễ chờ từ lúc sương còn long lanh nụ.



Bình minh chưa kịp lên, bóng mẹ già tóc trắng bạc phơ ngồi trong phố sớm mai sương còn lẩn quẩn để chờ được cúng dường. Những bóng áo vàng lặng lẽ đi về phía mặt trời, như mang theo ánh dương, như đi cùng bình minh, cùng nắng mới… làm phố bừng sáng hiền hòa. Phố bỗng rực rỡ nhưng vẫn im ắng, để nghe thi thoảng những tiếng kinh cầu chúc phúc êm êm… đâu đó thanh thanh tiếng riu ríu ban mai của lũ chim rủ nhau bay về những cánh rừng bên kia sông… đón chào ngày mới….



Bình minh nắng hồng.


Trưa…


Chiều vàng nắng xuân hanh hao….



……………………………



Phố cũ vắng tênh lũ hoa tuyệt vọng đợi ai chờ ai mà vẫn rực rỡ…




Mekhong xanh rực rỡ



Chiều. Hoàng hôn hồng dịu dàng. Trời xanh biếc. Mây vẫn trắng trong. Dòng sông lam tím....


Từ trời tây, từng đàn, từng đàn cò trắng dìu dặt bay về tổ, bay qua con sông Mekhong rực rỡ khác hẳn dòng Cửu Long luôn đỏ nặng phù sa ân tình…. Cánh cò mong manh chao nghiêng, chao nghiêng trong gió chiều xuân thanh dịu… lúc trắng tinh thanh khiết giữa trời chiều vẫn còn xanh ngăn ngắt, lúc hòa vào vạt mây trắng chưa kịp nhuộm màu hoàng hôn vẫn trong trẻo bên kia sông, lúc tan vào mặt sông đã chuyển màu lam tím huyền hoặc.





Lòng tôi đã tan trong chiều ấy hay cánh cò mong manh nhỏ nhoi đã cõng về nơi nao?


………………………………..



Chiang Khan, Loei – còn yêu sao không về với nhau…


Tôi đang kể về những thời khắc của nhiều những ngày tôi ở Chiang Khan, một phố cổ miền Issan, đông bắc Thái, duyên dáng nằm ven dòng Mekhong của Loei, nơi người ta đến vì yêu nhau, đến để yêu nhau, đến để cùng về với nhau…




Buồn nhớ cố hương, vấn vương cố quận, hận kiếp tha phương, thương đời phiêu bạt…?



Còn ai đó, vẫn riêng một mình…


* *
*



“Ê, ông lấy giùm tui cuộn giấy chít đùi cái coi”, nó gắt gỏng. “Mầy nói cái giống gì tao đếch hiểu. Giấy chít đùi là cái giống gì?”.



“Híc, thì giấy vệ sinh đó, bữa nay sao ông chậm tiêu dzậy! Ngạc nhiên cái gì? Tui nghe ông rên rỉ thở than con ngan chuyện đời buồn cái đoạn cuối đó tui buồn héo tim, nát gan, nẫu ruột, lòng đau như cắt, nước mắt đầm đìa… nên mới cần nguyên cuộn giấy đó. Ack ack ack… Sao bữa nay sến bà cố nội dzậy cha?”



“He he he, mầy không biết tao vừa là đệ tử chân truyền, vừa là đệ tử gia truyền của anh Khế à? Duyên Dáng Việt Nam năm nay chơi “tàng” là sến mầy cũng không biết sao? Sến đang lên ngôi trở lại, tao phải a dua, a tòng theo chứ, cho nó hợp thời thượng, chứ đâu có lâu tiêu chậm tiến như mầy, ku”.



Tèng téng teng - Thôi, chia tay nhau từ đấy, nghe nước mắt vây quanh, nếu lỡ yêu thương sẽ đau khổ đến trọn đời…



Bạn hỏi tôi “Chiang Khan ở đâu? Sao nghe xa ngái!”.




Tỉnh Loei nằm trong góc kẹt miền Đông Bắc Thái, giáp với miền Bắc Thái






Và Chiang Khan nằm ở cực Bắc của tỉnh này, bên kia Nam Maekhong là đất Lào.



Chiang Khan xa lắm bạn ơi! Dòng Nam Maekhong sau khi gặp Thái-Miến-Lào nơi ngã 3 biên giới Tam Giác Vàng đã hun hút chạy sâu vào trong rừng đại ngàn của xứ Ai Lao thâm sơn cùng cốc. Mãi đến Chiang Khan, dòng Nam Maekhong mới xuất hiện trở lại. Bắt đầu từ đây chảy về Nongkhai, Vientiane rồi xuôi Nam đến tận Siphandon… dòng Nam Maekhong cũng chính là biên giới tự nhiên giữa 2 đất nước có những người dân mến khách hiền hoà này.




Đêm Chiang Khan dễ làm ai lạc lối? Đi về đâu đây?



Chiang Khan còn giữ được vẻ thanh bình hiếm có. Những ngôi nhà sàn đã vài trăm năm tuổi, những ngôi chùa, những tranh tường cũng đã hơn 600 năm thời gian đi qua… Nhưng hơn nhiều nơi khác, nếp sống nơi đây, dù cho làn sóng du lịch bản địa đang tràn qua, vẫn giữ nhịp êm êm như ngày trăm năm cũ.





Hoa đỏ trước sân. Phố trưa vắng vẻ yên bình đến chú chó chơi ngon ra nằm ngủ luôn ở giữa đường phố.



Đến Chiang Khan, bạn như ở nhà, nhà quê, ngày xưa. Nơi những nụ cười thân luôn trên môi, nơi những câu chào luôn dịu dàng đón… và cả những cánh hoa quê trong trẻo… cũng nghiêng cánh chào…









Chiang Khan hoa nghiêng cánh chào…



Sao em không về thăm Chiang Khan?

“Thôi chết ông rồi”, nó thất thanh la toáng lên làm tui giựt tưng cả người. “Ông sao rồi? Sao có nữ nào vô đây kêu ông đi Thailand để luyện Kinh thư Quỳ hoa Bảo điển dzậy? Ông luyện mấy thành rồi, có cắt c. giống cha con Nhạc Bất Quần, Lâm Bình Chi chưa? Chời ơi sao ông khùng quá dzậy”. “Mầy mới khùng đó ku. Mà có khùng cũng vừa vừa, tự nhiên mầy đẻ đâu ra chuyện tầm phào bá láp này?”.



“Đó, nữ đó kêu ông là “kinh điển” gì gì đó. Bộ hổng phải “kinh điển” là viết tắt từ “Kinh thư Quỳ hoa Bảo điển” hả? Kinh thư mà muốn luyện là phải…”. “Bực mình quá, mầy nghĩ sao ra thứ viết tắt gì kỳ cục dzậy?”



“Thì tui thấy người ta viết vậy hà rầm mà. Như ông Hồ Anh Thái ổng cũng có nói đó. Tỷ như khen cô nào vừa tư, vừa duyên dáng nghĩa là kêu cổ “vô duyên” đó….”. “Bó body mầy luôn. Viết tắt kiểu mày chắc thiên hạ lăn đùng ra xỉu hết. Tao không có luyện kinh thư nào hết. Đi chơi cho nó đãe thôi! Mầy muốn luyện thì qua đó mà luyện!”



“Mừng ghê ta nơi, vậy chiều nay ông với tui rai rai ăn mừng vụ “thoát hiểm” này nghen”. “Ăn mừng cái gì, chiều nay tao có hẹn rồi. Mầy đi hông, tao dắt đi. Đi đâu hả? Thì có hẹn với chị em Hội Phụ nữ bên phường Cây Mít. Chiều này đi giao lưu văn hoá tổng hợp với bển. Cho mày đi theo để mày “giao…” luôn!”.



* *
*



Tôi đến Mae Sariang một trưa nắng chói chang. Phố nhỏ vắng hiu hắt vì mọi người trốn nắng đi đâu hết. May mà còn con sông Mae Nam Yaun lơ đãng chảy giữa phố, nếu không phố nhỏ đã thành lò bát quái.




Mae Sariang có một nét đẹp rất lạ, không có ở các tỉnh thành khác trên đất Thái. Đó là sự phối hợp hài hòa, sự uyển chuyển đến diệu kỳ trong kiến trúc Phật giáo Siam và Burma làm cho những ngôi chùa ở đây mang những nét độc đáo rất riêng. Thanh mảnh vuông vắn những tháp đền, những ngôi chùa phong cách Miến đứng chung với những ngôi chùa mái cong vút vàng rực rỡ, đỏ lung linh đặc trưng Thái. Dù đứng riêng hay chung, chúng đều tôn những nét duyên của nhau làm đất trời Mae Sariang cứ lung linh những sắc màu tôn giáo diệu kỳ.











Lung linh những sắc màu, những kiến trúc đa dạng chùa Mae Sariang.



Và làm sao quên được con đường lên núi cao một hoàng hôn muộn màng. Hoàng hôn không rực rỡ nhưng bên chùa vắng một mình quạnh hiu… mới thấy cuộc đời sao hư ảo, sao phù du.


.........................






Con sông Salawin, biên giới tự nhiên giữa Thailand và Burma



Nằm khuất ở một khúc quanh trên con đường từ Tak về Mae Hong Son, Mae Sariang giờ bắt đầu được tìm đến nhờ thiên nhiên hoang sơ còn giữ được, đặc biệt là con sông Salawin là biên giới tự nhiên giữa Myanmar, Thailand chảy dọc gần phố. Và cả khu rừng bảo tồn quốc gia Salawin National Park nằm dọc biên giới giờ đang bắt đầu được khám phá, nơi tôi liều mạng tham gia vào một chuyến đi rafting rùng rợn, trên một chiếc “bè” (?) tre mong manh lỏng lẻo vặn vẹo kêu lắc rắc khi vượt qua những ghềnh nước bạc đầu.




Tôi liều mạng leo lên chiếc bè tre mong manh này xuôi dòng Salawin cuồn cuộn giữa đại ngàn…




… để gặp những khoảnh khắc hiếm có trong đời.




Để bây giờ, khi đi qua những con sông con suối trên những con thuyền vững chãi, tôi vẫn rùng mình nhớ lại cảm giác chao đảo chênh vênh ngày đó trên chiếc bè tre mong manh xuôi dòng Salawin cuồn cuộn chảy...


“Nè, bữa giờ ông lôi tui đi miền cực nam rồi lên cực bắc Thailand, ngược xuôi xuôi ngược… bộ khúc giữa không có gì hay à, mà sao đi xa tít xa tắp dzậy?”. “Nói chung là tùy hứng thôi, muốn thì bữa nay chơi khúc giữa, làm gì ghê vậy?”




“Mà lóng rày ông chơi tàng là cảnh chim hoa bướm lá không hà. Nghe nói Thailand nhiều chùa chiền, nhiều kiến trúc khác lạ lắm mà sao ông im thin thít dzậy. Bộ ổng qua bển ăn chơi nhảy múa hát ca là chính, hổng có đi chùa hả. Tội nghiệt nhiều như ông mà còn không lo đi viếng chùa nhờ Phật giải bớt đi.”. Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!!!”


* *
*




Tôi lạc đến Kamphaeng Phet chỉ vì không còn chuyến xe nào đi lên miền bắc Thái vào giờ đó, buổi chiều đó… Cái tỉnh gì mà cái tên đọc muốn trẹo lưỡi, mà cũng chẳng nghe ai nhắc đến chứ nói gì đến du với lịch, tour với tiếc… Vậy mà, tôi đã quay lại đó lần thứ 2, một điều tôi rất ít làm trong những tháng ngày lang bạt của mình.








Thanh thản



Còn có tên khác là Chakangkrao, rồi Nakhon Chum, Kamphaeng Phet – có nghĩa là Diamon Wall, một thời là thành lũy tiền tuyến quan trọng của vương triều Sukhothai. Những di tích của thời oanh liệt đó đã đưa vùng đất xưa này vào di tích văn hóa Unesco vào 1991, nghĩa là rất lâu rồi nhưng phố vẫn nằm trong quên lãng.










Rạng ngời



Nằm bên dòng Mae Nam Ping xanh mướt, khu phố “mới” mới nhỏ bé và hoang vắng làm sao. Nhưng chỉ cần đi sâu thêm vài bước vào những khu “rừng” cây cối um tùm, bạn sẽ lạc vào thành xưa Kamphaeng Phet, với những chùa chiền, đền đài… mà bạn sẽ sửng sốt. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng với tôi Kamphaeng Phet không hề thua kém Ayuthaya hay Sukhothai… vì bên cạnh những di tích rạng ngời, Kamphaeng Phet có 1 nét rất riêng mà các nơi kia không có – sự vắng lặng đến kinh người. Lang thang trong miền cổ tích, trong hoang vắng, mùi hương sứ nồng nàn đến mụ mị giữa trưa nồm, một mình ngỡ ngàng chiêm ngưỡng, nhiều lần thảng thốt giật mình trước những kỳ bí của người xưa - Kamphaeng Phet của tôi là vậy đó.









Rực rỡ (bạn có bao giờ thấy hoa sứ tím?).



Không chỉ có vậy, Kamphaeng Phet còn rất nhiều danh thắng khác. Mà chỉ con sông Mae Nam Ping và những nhà hàng bé xinh những chiều ngồi ngắm ngày đi đêm đến, mơ màng theo con đò nhỏ trôi xuôi hay bay bổng theo đàn chim về nơi góc cuối trời xa vẫn vàng lên ánh dịu dàng của những mái chùa… “thế thôi là hết một đời!”


“Lóng rày ông có hưỡn coi xi-la-ma trên tàng hình hông? Bữa trước tui coi phim gì trên HBO có tài tử nổi tiếng phim hành động xứ cờ hoa Huê Kỳ, Nicolas Cage đóng, có nói dzìa Thailand đó. Ông có coi phim đó chưa? Chèn đét ơi, thằng chả đóng vai sát thủ máu lạnh, đánh đấm múa may quay cuồng bắn súng đùng đùng… đã con mắt hết sức là đã. Thêm cái màn sến chảy nước hạp với ông nữa là thằng chả siêu nhân dzậy mà đi yêu cô gái Thái bị câm, thiệt là lãng mạn rụng rún hết chỗ sức dầu cù là luôn”.
“Mầy dạo này bộ hết mối nhậu sao ở nhà coi phin dzậy ku? Ăn ở sao bạn bè hổng dám rủ nữa rồi? Qua coi phim đó rồi. Phim đó có đoạn 2 người dắt díu nhau đi viếng và cầu nguyện ở một cái hang động đẹp ngời ngời đó đúng hông?”.




“Ừa, tui cũng tính hỏi ông là ông đi bển nhiều có tới cái động đó chưa, vì phim đó bối cảnh là ở Bangkok nhưng “động” ở Bangkok tui đi gần hết rồi, biết chắc là không có cái động đó.”
“Biết ngay mầy mà, mà hình như nhiều người cũng dzị mầy ơi. Nhân tiện đang tám về “khúc giữa” của Tháiland, tao dẫn mày đến vùng đất cũng ở khúc giữa, có cái hang động Phật tích linh thiêng đó hén. Rồi mai mốt mầy dẫn tao đi mấy cái “động” ở Bangkok của mầy hén. Không thì "động" Sài Gòn cũng được! Okie con gà ri hông?



* *
*




Nằm cách Bangkok chỉ 160km nhưng Phetchaburi hầu như chẳng được tour du lịch nào ở Việt Nam nhắc đến, trong khi đó, đây là điểm du lịch thu hút rất nhiều du khách bản địa cũng như khách đến từ Âu Mỹ. Âu có lẽ cũng do khách quan tâm gì thì tour tổ chức theo hướng đó vậy!




Phetchaburi, hay Phetburi hay Meuang Phet, miền đất nhỏ quy tụ rất nhiều điểm tham quan đa dạng thú vị. Từ những ngôi chùa phong cách Hindu-Khmer đá xám uy nghi hay đá đỏ rạng ngời, những ngôi chùa phong cách Siam rực rỡ sắc màu, đến cung điện lộng lẫy của vương triều Rama IV, rồi những hang Phật tích thâm nghiêm, hang thì giữa rừng, hang thì nằm sâu trong lòng đất…, Rồi đến công viên quốc gia Khao Wang & Phra Nakhon National Park… Tất cả đều lung linh rực rỡ trong cái nắng miền nam nước Thái. Thêm một điều thú vị nữa là những chuyến xe chở du khách Thái ồn ào chỉ dừng chân nơi đây vào buổi sáng trên đường xuôi nam. Do vậy, sáng mai lành, ngồi nhâm nhi tách café thơm lừng ở quán nhỏ ven dòng Mae Nam Phetchaburi, chờ nắng lên rực rỡ đi cùng những đoàn xe du lịch ùn ùn xuôi nam xong, bạn như sẽ có một Phetchaburi cho riêng mình.



Hang động mà Nicolas Cage cùng người yêu đi thăm là Khao Luang Cave. Trong hang có rất nhiều những tượng Phật, được cho là đã có vài trăm năm tuổi, từ thời vua Rama IV. Trong đó, nổi tiếng là bức tượng Phật nằm vô cùng linh thiêng – cầu được ước thấy, theo như những người dân địa phương thì thầm truyền miệng. Đến Khao Luang Cave một trưa nắng, nhìn những tia nắng lung linh từ lổ hổng tự nhiên trên đỉnh hang tỏa ánh dương quang xua tan bóng tối hang động, … tưởng như ánh dương quang cũng xua tan ít nhiều bóng tối trong hồn đau…



Góc Khao Luang Cave.



Cung điện Phra Nakhon Khiri, một trưa nắng thênh thang, tòa cung điện nguy nga giữa rừng sứ đang mùa hương bay. Người đi lên non cao cứ ngỡ đang bồng bềnh giữa mây sứ trắng trong và trôi miên man trong hương bay nồng nàn…







Phra Nakhon Khiri. Nắng. Dốc. Sứ. Lộng lẫy. Nồng nàn.



Nhớ nắng Phetchaburi! Buổi chiều nắng ơi là nắng, vẫn thong dong đạp xe trên những con đường vắng vì nắng tan tôi sẽ phải trả lại con đường cho phố đông. Những vòng xe đơn côi lặng lẽ lang thang qua những ngôi chùa bằng đá sa thạch từ thời vương triều Khmer hùng cứ, sắc sảo rạng ngời trong nắng hay nắng làm chùa xưa thêm rạng rỡ. Ngay cả những bức tường gần ngàn năm tuổi thời gian đã bào mòn lỗ chỗ, đã xô ngã nhiều nơi… vẫn hiên ngang thẳng đứng nơi những góc nhỏ còn được giữ gìn, như muốn giữ lấy nếp lề, vẫn như chở che cho ngôi đền đã đẫm màu sương, úa màu nắng, phai màu gió…







Xưa.



Đêm! Hương từ núi xa vọng về hay hương từ những sắc màu ngọt ngào trên phố. Phố ngày vui hội. Những khay bánh lung linh sắc, lộng lẫy màu, ngạt ngào hương, thấm đẫm vị… và những lời mời dịu dàng, những nụ cười thiện ý… làm đêm Phetchaburi như tan chảy trong mật ngọt. Để dòng Mae Nam Phetchaburi cô đơn thổn thức lẻ loi vì khách du hồn đã tan như những viên kẹo ngọt mềm thơm trong phố vui.


Ngọt ngào.




Đêm nay, sông chỉ có một mình!


"Ê, có người hỏi ông đi chuyến đó nhiên quân Nguyên cà? Ông nhớ nổi hông?"."Chèn đét ơi, làm sao mà tao nhớ nổi, tao đi cả bao nhiêu chuyến rồi chắt lọc mới được nhiêu đó chứ đâu phải một chuyến đâu!"



"Thì ông biết bi nhiêu trả lời, người ta chờ." Nó thẽ thọt. Gớm bữa nay biết quan tâm đến người khác!" "Tao không nhớ nổi đâu nhưng tao biết là tao lơn tơn bên Thái trung bình một tháng tao xài khoảng 600-800USD, tất tần tật tiền ăn chơi nhảy múa, tham quan du lịch ngủ nghỉ bia bọt... Vậy thôi nghen, để tao còn kể chuyện khác."



"Bữa nay ông dắt tui đi đâu dzậy. “Nhưng mà nè, nói thiệt tình là đâu phải ai cũng hưỡn, có nhiều thời gian để mà đi lang thang như ông. Ông coi thử có chỗ nào gần gần như Pattaya mà đèm đẹp thì ông giới thiệu cái coi. Xa quá ai mà đi cho thấu”. “Muốn gần thì có gần, thiệt tình mà nói, như Ayuthaya cũng gần hều à, cách Bangkok có 86km chớ mấy. Đẹp rạng ngời chói lóa luôn mà cũng có mấy tour nào đưa đi”.



“Nhưng mà chỗ đó chắc cũng chùa chiền thành xưa không hả?” Sợ tui chửi, nó nhẹ nhàng hỏi. “Mà dân mình lâu lâu mới đi chơi, chắc họ không thích mấy thứ cổ cổ đó đâu. Ông có gì mới mới, rực rỡ, lộng lẫy hông?”. “Thiếu giống gì! Dắt mầy đi gần hệu à, cách Bangkok có 65km thôi. Đẹp xanh đỏ tím vàng đủ màu rực rỡ. Mầy mà không mê tao cùi sức móng luôn!”.


“Vậy đi nhanh, cha nội. Về còn đi mần kiếm lúa!”


* *
*


Nằm cách Bangkok chỉ 65km, trước khi đến Ayuthaya, không là một điểm “must-see” theo LP nhưng tôi cũng đã đến Bang Pa-in một trưa nắng đẹp. Thầm nghĩ rằng, có lẽ tác giả của LP đã đến nơi này vào một ngày u ám hoặc đang có nhiều tâm sự đắng cay trong lòng.



Trong một khu vườn rộng lớn xanh mát, rất nhiều cung điện Hoàng gia Thailand đã được xây dựng làm nơi nghỉ ngơi dừng chân khi có việc xa rời kinh đô Bangkok ồn ào khói bụi.



Điều lạ là những cung điện lộng lẫy này không chỉ theo kiến trúc Siam mà còn rực rỡ một Wehat Chamrun Palace giống như một cung điện xứ Tàu, một Withun Thatsana xây dựng giống như một ngọn hải đăng rực rỡ bên hồ xanh chùa vàng… Rồi những kiến trúc Gothic khác tinh tế nằm rải rác trong khu vườn thênh thang và không thể thiếu được là những bức tượng Phật lặng lẽ nơi những góc xanh êm đềm…



Wehat Chamrun Palace




Withun Thatsana







Các kiến trúc đẹp khác ở Bang Pa-in



Đặc biệt, mà tôi chưa từng gặp ở đâu, là ngôi chùa theo kiến trúc Gothic giống nhà thờ Thiên Chúa giáo, Niwet Thamaprawat. Lang thang trong khuôn viên ngôi chùa, bóng áo cà sa vàng lặng lẽ lướt trong bóng râm của cây vô ưu đang mùa hoa nở, dưới những hàng hiên thanh mảnh, những điêu khắc chạm trổ tinh tế Gothic một trưa nắng bỗng nghe âm trầm tiếng chuông chùa vang vang… Những khoảnh khắc này hiếm khi gặp lại trong cuộc đời trần tục nhiều những tham sân si này.



Muốn sang chùa Niwet Thamaprawat phải ngồi ròng rọc kéo qua sông, miễn phí! Hết sức thú vị!







Niwet Thamaprawat. Như 1 vương cung thánh đường.



Một điều thú vị nữa là có thể đến Bang Pa-in bằng đường thủy, từ Bangkok hay từ Ayuthaya. Chỉ nội việc sau khi thư giãn trên dòng sông loang loáng nắng, bước vào khu vườn cổ tích lung linh, mới thấy Bang Pa-in đã lộng lẫy càng thêm rạng ngời.


“Lóng rày đi đâu mất đất dzậy cha nội?”. “Tao biến mất nghĩa là tao đang đi rong. Tao đi rong cả đời, biến mất vài ngày là chuyện bình thường, biết rồi sao còn hỏi, ku?”.



“He he he, dzị mà tui tưởng ông ở nhà tu tâm tích đức vài bữa chứ. Đi chơi có gì hay ho kể cái nghe chơi”. Nó dụ khị! “Đi ra khỏi ngõ là hay rồi, nhưng tao phải để cho nó thấm rồi mới tám chứ. Bây giờ còn bềnh bồng với những cảm giác phiêu lãng, kể ra lỡ mày tưởng tao ở trên mây sao!”.



“Ừ, mà chuyện cũ ông còn cả đống hén, thôi tám tiếp đi cha nội!”. “Đang say sưa về khúc giữa, cho ai đó than phiền kể khổ là hổng có thời gian đi xa, tao dẫn mầy đi một kinh đô gần nửa thiên niên kỷ đẹp rạng ngời của Thailand hén. Gần xịt hà, cách Bangkok có 86km hà. Rảnh rỗi, có dịp đi Bangkok mần, tạt ngang đó chơi nghen ku!”.


* *
*



Là kinh đô của vương triều Siam từ 1350 đến 1767, một thời cũng từng nằm dưới sự cai quản của đế chế Khmer hùng mạnh… Ayuthaya, hay Phra Nakhon Si Ayuthaya hay Sacred City of Ayodhya… đã trải qua 33 đời vua của vương triều Siam vào giai đoạn hùng mạnh nhất. Vương triều Siam lúc đó đã vươn cánh tay đến những miền đất xa xôi giờ nằm trong lãnh thổ của Laos, Cambodia, Burma.


Bức hình kinh điển ở Ayuthaya, không ai đến đây mà ra về không có bức hình này!



Ở thế kỷ XVII xa xôi, dân số của Ayuthaya đã lên đến 1.000.000 người, chứng tỏ thành phố đã từng phát triển mạnh mẽ như thế nào. Những người ngoại quốc mắt xanh mũi lõ từ phương Tây xa xôi từng đến đây, vì nhiều mục đích, sứ mạng đều ngỡ ngàng ngạc nhiên trước một thành phố phương đông lộng lẫy nhất mà họ đã từng thấy…



Nhưng cuộc đời dâu bể biết đâu mà ngờ… Cuộc chinh chiến của vương triều Burma, vào lúc sức mạnh đang trào dâng, và lúc Siam đang suy sụp, đã tràn qua, đã tàn phá, đã tắm máu, đã hủy hoại Ayuthaya… thành bình địa. Và khi Siam đẩy lùi quân Burmese, quốc vương Taksin cũng đã để lại Ayuthaya sau lưng, dời kinh đô về bên kia dòng Chao Praya, hình thành nên một Bangkok phồn hoa bây giờ.






Rực rỡ. Hoành tráng.



Vậy, có còn không một Ayuthaya?





Nồng nàn hương sứ một chiều xanh bên đền xưa…



Vậy Ayuthaya diễm lệ ngày xưa bây giờ còn lại những gì?



“Ủa, sao tự nhiên ngắt ngang xương dzậy, anh hai? Hết đề tài, giờ bắt đầu kéo dài rồi hả”. Nó la toáng lên như muốn chọc quê. “Hổng phải, nhưng nói thiệt, với Ayuthaya, dù chỉ muốn giới thiệu sơ để mầy hay ai đó còn muốn đi thăm viếng, khám phá… mà chỉ tròm trèm trong 1 entry thì quả là quá bất công con bồ nông. Cho nên qua đây mới chia hai dzị mà.”



“Ừa, mà sao có ai lại hỏi ông chi phí và lịch trình chuyến đi nữa cà!”. “Ừa, qua hổng biết nữa. Nhớ là mới dzừa trả lời ở trên rồi mà hén. Thôi, để qua tám tiếp chuyện Ayuthaya nghen, còn gần cả 90 entry nữa đó, cà kê dê ngỗng điệu này chắc Tết Congo mới xong quá!”.



“Ừa hén, mà tui cũng thấy Ayuthaya ông nói binh biến tàn phá mà vẫn còn hoành tráng quá xá cỡ luôn. Chắc ngày xưa nó đẹp lắm há!”. “Ngày xưa qua đây hổng ở đó (!?) nên hổng biết, nhưng giờ qua thấy nó vẫn rực rỡ, quá xá cỡ thợ mộc lộng lẫy, trong hoang tàn…”


* *
*



Dù cả thành Ayuthaya hoa lệ chỉ còn duy nhất ngôi chùa Phra Mehn, với bức tượng Phật từ TK VIII từ Sri Lanka, không bị phá hủy, thành phố nhỏ nằm trong vòng tay ôm ấp của 3 dòng sông Chao Phraya, Pa Sak, Lopburi này tuy chỉ còn những điêu tàn hoang phế, nhưng chỉ qua những gì còn lại, kể cả những ngôi đền Hindu-Khmer từ trước khi Ayuthaya trở thành kinh đô…., chúng ta cũng rất dễ dàng hình dung về ngày xưa hoàng kim…



Buổi trưa trên dòng Mae Nam Pa Sak



Một trưa loang loáng nước ngồi trong nhà hàng ven sông Baan Khun Phra nhìn mặt sông vàng ánh nhọc nhằn những chiếc phà chở hàng dài dằng dặc nặng nề ì ạch trên sông, một hoàng hôn tím ngắt trên con đò lạch tạch trôi trên 3 dòng sông ôm ấp thành xưa, một sớm mai hoa hoàng hậu lung linh sương sớm đỏ rực tinh khôi giữa đền cũ vàng rực trong nắng lên ngày mới, một đêm trăng non quay đều những vòng xe qua những con phố êm đềm lặng lẽ, nồng nàn hương hoa champa say ngọt … Ayuthaya luôn đẹp, luôn rực rỡ trong dù hoang phế điêu tàn.



Những gì còn lại của Ayuthaya




Lặng lẽ







Rực rỡ hoa, nồng nàn hương, cổ kính đền đài xưa



Còn lại đây những cột đá cao ngút gợi nên một cung điện huy hoàng ngày cũ, còn lại đây những góc vỡ tường xưa vẫn sắc sảo đẹp ngời những nét đường điêu khắc trổ chạm, còn lại đây những tháp cao lặng lẽ của chùa xưa đổ bóng xuống những bức tượng không nguyên hình bên góc khuất, còn lại đây những bức tượng Phật trang nghiêm, mà có lẽ những chiến binh Burmese đã chùn chân dừng bước, nằm lặng lẽ giữa đồng khô quạnh quẽ hay dưới bóng đa xanh ngời trong nắng xế… Ayuthaya bây giờ dường như không còn gì nhiều những lộng lẫy lóng lánh của ngày huy hoàng, nhưng trong tôi lại vẫn như còn tất cả…


Pho tượng Phật nằm ở Wat Yai Chai Mongkhon




Chiều tím trên sông xanh




Để một đêm hè nào đó, tôi sẽ về lại Ayuthaya, nhất định tôi sẽ về. Để lại được ngồi bên bến sông khuya vắng tênh không một khách du nào chờ, không một chiếc đò nào đợi, để đắm trong màu trăng nửa khuya nhàn nhạt… để hồn lại bềnh bồng trên những con sóng lăn tăn, tan loang loáng như mảnh trăng nhỏ trên sông đen khi gió khuya về…




“Đổi không khí được hông anh hai?” Nó cắc cớ. “Cũng mầy à! Bữa giờ mầy kêu qua dắt đi "khúc giữa" cho nó gần, giờ muốn gì, nói nhanh đi mậy!”.



“Tui thấy khách Tây nó đi Thailand ầm ầm là để đú đởn ở biển ở bển mà. Dắt đi biển chơi đi! Nghe nói biển miệt bên đó đẹp lắm mà.” Xuống giọng năn nỉ ỉ ôi con gà lôi làm tui cũng mủi lòng. Già rồi nó dzị đó! “Biển thì bên mình thiếu gì, nhưng mà thôi, nói dzậy thì chủ quan quá há. Để qua đi biển với mầy, nhưng mà qua sẽ dắt mầy đi biển lạ, mấy cái chỗ mà có Full-moon party, Black-moon party, Half-moon party… nghĩa là kiếm đủ thú cắc ca cắc cớ để làm party quanh năm suốt tháng… thì sẽ từ từ dắt mày đi sau hén. Ừa, mà mầy có mê tín hông dzị?”



“Sao đâm hông dzậy cha nội? Liên quan gì ở đây?”. Hỏi nhỏ có vậy mà nó la bài hãi, bộ trúng nhọt rồi hay sao ta?. “Thì qua cũng hổng có mê tín, nhưng bữa đó, tới cái vùng biển đó, thấy nó đẹp ngời ngời, dân tình hiền lành tha thiết luôn… mà sao thấy nó hổng phát triển du lịch. Qua đang théc méc dữ hồn bổng giựt mình cái đụi, đang chạy xe tốc độ xe F1 giựt một cái, thắng xe cái rét, nhảy xuống săm soi… mới nghĩ rằng chắc là đúng rồi, chắc là tại cái này quá!”.



“Bữa nay anh hai mình câu khách dữ quá ta!” Thở dài, không quên móc một câu, chắc kiếp trước nó ở châu Âu, làm nghề thông ống khói, móc lò. “Nhưng mà tui cũng hơi tò mò! Nhanh nhanh đi cha nội!”. “Ack Ack Ack, mầy biết qua thấy gì hông? Một con rồng lộn! Trời ơi, feng-shui là người ta kỵ mấy cái này lắm lắm, chắc do vậy nên vùng đất này biển trời đẹp ngời ngời mà cũng đâu có ngóc đầu lên được nổi đâu!”



“Đừng nói bậy nghen cha nội! Mang tội mang nghiệt nặng lắm, trả hổng nổi đâu đó!”. “Thì qua thấy sao nói y chang con ngan mà. Mầy coi đi, qua có nói sai đâu? Chèn đéc ơi, từ hồi nẵm cha sanh mụ nặn tới giờ qua mới thấy cha nào chơi ác dữ thần hồn luôn. Tự nhiên mấy chả sáng tạo sáng tác cái giống gì hổng biết mà trên bãi biển chả làm con rồng, đầu đâu hổng thấy, thân đâu, mình đâu hổng lần ra chỉ thấy mỗi khúc đuôi cắm chổng ngược xuống đất, hổng phải rồng lộn thì là cái gì? Mầy đừng có nhướng mày, biết mầy muốn hỏi gì rồi! Qua ban đầu cũng nghĩ là quanh cái đuôi cắm xuống đất đó cũng quanh quẩn đâu đây cái đầu hay cái mình, nhưng thề với mầy qua tìm đỏ con mắt bên phải, ngứa con mắt bên trái, rồi lé đủ cả 2 con mắt luôn… là trong bán kính 1.000m quanh đó không hề có cái mình cái đầu nào hết. Qua đây bó chiếu dzụ án này luôn!”




Có phải rồng lộn?


“Ừa há! Sao ngộ quá dzị! Miệt nào mà kỳ cục con cá nục dzậy ta?” Xem hình, nó thảng thốt kêu lên…



Tôi đến Songkhla một chiều nắng vàng rực chói chang như đổ lửa xuống phố biển, khu phố cũ nóng nung người… nhưng con đường ven biển lại vắng vẻ xanh mát như một cõi riêng nào đó, không phải của 1 Songkhla phố nhộn nhịp bên này…



Nằm bên bờ đông phần bán đảo của Thailand, thủ phủ của tỉnh cùng tên Songkhla được biết đến như 1 trong 4 tỉnh bạo động ì ầm miền nam nước này, phố biển Songkhla rất được ít người biết đến, nói gì đến ghé qua. Ngộ hơn nữa là thành phố thứ 2 của tỉnh này lại nổi tiếng hơn cả thủ phủ vì là thành phố phồn thịnh sầm uất nhất của cả miền nam Thailand và thứ nữa là nhiều người biết đến vì là cửa ngõ thuận tiện nhất của tuyến đường bộ từ Thailand đi Malaysia – Hat Yai.



Nhưng Songkhla và Hat Yai khác nhau một trời một vực.




Nghệ thuật sắp đặt? Với các chậu hoa bằng vỏ xe phế thải… Hâm mộ tính sáng tạo!



Nhiều người làm công tác hoặc có liên đới đến quy hoạch đô thị, vệ sinh môi trường đều biết Songkhla dường như được xem là thành phố kiểu mẫu trong công tác này. Từ một phố biển nhếch nhác ô nhiễm, Songkhla đã được các chuyên gia quy hoạch lại, được chính quyền và người dân cùng bắt tay xây dựng và giờ đã trở thành một trong những thành phố sạch và xanh nhất Thailand.




Biển. Từ chùa trên đồi cao. Và một khúc “thân rồng” nho nhỏ.





Biển rực rỡ sắc màu.



Dù biển ở Songkhla không thu hút nhiều khách Tây nhiều vì a/ bọn khoai Tây rất sợ chết, nghe nói bạo động gì gì là chạy mất dép sút quần; b/ màu cát hơi ngả vàng, không trắng lắm và nước tuy trong vắt nhưng lại không xanh ngăn ngắt hay biêng biếc như ở Koh Tao, Koh Phangan, Krabi…. Còn tôi lại mò đến đây a/ vì thích bom đạn ì ùng như thích pháo nổ ngày xuân (!?); b/ lại chính vì nghe rằng khách Tây không đến, vì tôi chỉ thích biển vắng – để có những đêm lang thang yên bình trên biển Songkhla lúc 1-2giờ sáng vẫn không biết tại sao người ta sợ miền nam Thailand, người ta hãi Songkhla đang súng bom đì đoàng…



Nàng tiên cá? Từ Đan Mạch lội sang? Đây là nữ thần mặt đất Mae Thorani (Hindu-Phật giáo)




Cửa có mở lên thiên đàng?



Không chỉ môi trường sạch đẹp, Songkhla còn sở hữu một khu phố cổ, một thành cổ, một bảo tàng giản dị nhưng ăm ắp hiện vật xưa cổ trong ngôi nhà cũng đã hơn trăm năm tuổi… nhưng dễ thấy nhất, và ấn tượng nhất vẫn có lẽ là những công trình kiến trúc công cộng khắp nơi trên phố. Những kiến trúc dù sắc sảo hay chỉ giản đơn ước lệ… hòa với không gian xanh, biển trời xanh và sắc màu đa dạng cuộc sống của cộng đồng đa sắc tộc Thái, Tàu, Malay… đã tạo cho Songkhla một nét duyên rất khó tìm.



“Đầu rồng”!



Và dĩ nhiên, vẫn không thể thiếu những ngôi chùa rực rỡ vươn cao giữa trời xanh hay trên đồi cao vắng quạnh…



Chùa ở Songkhla.



… Để trưa nồng biển vắng,… bên sóng miên man ru bờ,… giữa tiếng gió lao xao đong đưa… hát cùng lũ thùy dương trên cao… văng vẳng như có như không tiếng thanh thanh ngân nga nào giữa trời xanh… như tiếng chuông vọng về… từ thinh không… như đưa hồn ai đó… phiêu bồng theo những con sóng bạc đầu … ngoài kia…



* Về tác phẩm “con rồng”, các kiến trúc sư đã tạo hình 3 phần, phần đầu ở một công viên, phân thân ở một công viên, phần đuôi lại ở một nơi khác nữa. Cả 3 công viên này nằm cách nhau vài km. Do vậy, ý tưởng bậy bạ của entry trước chỉ là giỡn hớt (mà thật sự, nếu không lặn lội lần mò khắp Songkhla thì cũng khó tìm thấy hết cả 3 phần). Hơn nữa, đây là Naga, vật thiêng của người Thái chứ không phải con rồng như theo tín ngưỡng của người Việt. Thứ lỗi, thứ lỗi!


“He he he, té ra anh hai dạo này cù cưa trái dưa cũng ghê quá hén, bắt đầu kéo lê thê như con dê rồi nè!” Nó hớn hở làm như bắt được vàng. “Hổng phải vậy đâu ku, tao thử thay đổi nhiều trường phái xem thử cái nào hợp mai mốt tao luyện công theo món đó dzậy mà!”



“Dzậy cha nội “phát minh ra Châu Mỹ” chưa?”. “Chưa, vẫn đang lội!”.



“Giờ lội tới đâu rồi. Ừa, mà anh hai miệng ăn mắm ăn muối nói năng linh tinh mà linh y như bà chúa Xứ luôn! Chuẩn bị gom góp tiền làm chuyến Ấn Độ, Nepal gì đi nghen”. “???!!!”



“Thì đi để về viết bài “Cứt khô lộng lẫy” mà ngay bài đầu tiên anh hai đã “tiên đoán” rồi đó. Trúng phóc luôn! Hội chứng “lộng lẫy” mới tái phát nữa nè. Xời ơi, trang bìa tờ Tuổi Trẻ Cuối Tuần ngày 23.01.2011 chạy hoành tráng cái tít “Quýt hồng lộng lẫy Tết”, xem dzô đúng là thấy lộng lẫy quá cỡ thợ mộc luôn”. Nó phấn khích thật sự. Lâu lâu vô mánh mà, cả đời mới đọc tờ báo tự nhiên gặp độ. “Ừa hén, nhưng thôi, ở đây có nhiều đại ca đại tỷ đi hết mấy miệt đó rồi, để họ viết. Còn tao làm gì đủ trình độ đó, tao chỉ biết duy nhứt một Thailand thôi. Mầy hổng nghe ổng thầy Tám trong xóm Miễu ổng dạy “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh.” đó hay sao ku?”.



“Ừa, dzậy thôi há!” Dạo này cũng biết điều ghê đó chứ! “Kỳ này mình đi đâu nữa ông?”. “Okie, đang ở biển giờ chạy lên rừng chơi nghen. Bữa giờ dắt mầy đi chỗ bom rơi đạn lạc chắc mầy cũng teo c. rồi há, thôi để tao dắt mầy đi chỗ nầy hết xẩy luôn. Thiên đường du lịch đó. Đi Thailand mà chưa tới chỗ này là tụi khoai Tây nó chưa chịu dzìa đâu!”



“Quảng cáo gì quá xá cỡ dzậy anh hai.!”. “Thì mầy xem thử mấy cái hình sơ sơ dưới đây rồi biết thiệt hay giả chứ gì! Phê con mắt chưa! Biết ở đâu hông ku?”



Một góc sông quê quá đỗi yên bình… khi ngày đi




… khi đêm xuống…




Và một trưa nắng rực rỡ những sắc màu của dòng sông quê



“Biết chết liền!”. “Dzậy cho mầy vài ngày lên mạng tìm thông tin nghen. Động não đi chứ không nó thành tofu đó!”.




* *
“He he, có người kêu ông câu bài cà! Dzị quá, mắc cỡ quá!”. Mừng rỡ nó la toáng lên như thể lụm được dzàng!!! “He he, mầy cũng a dua theo chọc quê tao nữa à. Nhưng anh hai mầy bản lãnh đầy mình không biết quê kiểng là gì đâu ku! Mà anh đây có câu kiếc gì đâu, từ từ cháo nó mới nhừ chứ! Ông thầy Tám xóm Miễu ổng cũng mới dạy mầy “Dục tốc bất đạt” mà. Mầy nghe tai này lọt tai kia sao dzị?”


* *
*




Tôi đến Pai sau khi đã ngất ngây với đồi núi chập chùng xanh ngắt cây, rực rỡ hoa, trong ngần nắng gió… của miền Tây Bắc Thailand nên cứ nghĩ những danh xưng Pai được ban cho chỉ là hư ảo. Nhất là khi tôi mệt mỏi lầm lũi cõng chiếc balô nặng trình trịch đi chìm chốn dung thân, trong những con đường làng u uất bóng tối đã lan tỏa nhưng đèn đêm vẫn chưa lên màu….



Cho đến khi tôi lạc bước đến bến sông…



Mae Nam Pai rực rỡ




Voi vẫn thong dong bên dòng Mae Nam Pai



Cho đến một bình minh rực rỡ bên triền sông không kém phần thua sắc kém màu


Nhà ai giữa mênh mang hoa




...hay lặng lẽ dưới tán cây già



Cho đến một giấc trưa những con đường loang loáng nắng chạy hun hút giữa những triền xanh và những vạt màu rực lên nhiều sắc hoa… khi lòng chơi vơi không phải vì màu hoa hay bóng nắng mà bóng áo ai rực rỡ sắc màu bước thênh thang trên đường xa…



Nụ cười duyên cô gái dân tộc ở Pai



Cho đến một chiều trên đồi cao nhìn hoàng hôn nhuộm đỏ rực phố phường, đốt cháy cả con sông lên một sắc hồng rực rỡ, chảy hun hút vào đêm sâu như đang trốn chạy một khối tình hồng



Cho đến một đêm phố phường thơm ngát dạ lý, sương khuya rơi mờ quán vắng đèn úa khách cô quạnh lòng chơi vơi giữa đêm cao nguyên đã lạnh buốt những cơn gió khuya về…







Phố đêm rộn ràng Pai, nơi mỗi nhà hàng nhỏ là những lát cắt thiên đường của người yêu âm nhạc



Được mệnh danh là thiên đường cho dân du lịch, Pai quả là miền đất hứa cho những bước chân lang thang… Có thể đến từ Chiang Mai hay từ Mae Hong Son. Có thể đi bằng xe bus hay lượn lờ bằng xe máy qua những con đường dốc đứng quanh co lắc léo… để ngỡ ngàng dừng chân bên dòng sông Mae Nam Pai hiền hòa ôm lấy Pai xanh ngắt… mới hay mình vừa lạc lối đến bên vườn địa đàng….



“Nói vậy thôi, chứ thời gian qua ông dắt tui đi cũng nhiều nhiều rồi. Dù sao, cũng cảm ơn ông!”. “???” Trời ơi, bữa nay sao nó biết điều vậy ta?




“Thực ra, ông dắt tui đi cũng lung tung, nhưng những entry này cũng tương đối độc lập nên sau này có gì ông sắp xếp lại theo từng cung đường cũng được phải hông. Nhưng nói thiệt tình là tui không hình dung được bữa giờ mình được (hay bị) lôi đi đâu. Ông làm ơn làm cái bản đồ được hông?” Bây giờ mới lòi chín cái đuôi hồ ly ra! Nhưng thôi, cũng đúng ý tui nên cũng okie luôn cho em ku nó vui. “Ờ, mầy nói đúng quá hén. Tao cũng định là gom gom đủ đâu chừng 10 điểm là tao gom lại nhưng mém quên rồi, may mà có mầy nhắc. Okie, làm thì làm.”.



Mười điểm đến vừa qua



* *
*



“Xem qua mới thấy ông chạy cũng lòng vòng ghê há! Theo ông tui lặn lội hết lên rừng lại xuống biển, hết đông bắc đến cực nam Thailand. Giờ ông tính dắt tui đi chỗ nào là lạ mà hấp dẫn mà xanh xanh đỏ đỏ dzàng dzàng cho nó hạp với sắc màu năm mới đi!”. “Okie, để tao dắt mầy đi thăm kinh đô đầu tiên của vương triều Siam hén! Mình “ôn cố tri tân” đúng đạo năm mới hén!”



“Okie, tui biết rồi, ông dắt tui đi Chiangmai hả, nghe nói mùa này ở trển đẹp lắm!”. Được cái tài lanh, lanh chanh lọt chọt… “Hổng phải ku ơi, dù Chiangmai đã từng là kinh đô từ thế kỷ XIII nhưng không phải là kinh đô đầu tiên của vương triều Siam đâu. Xem thêm mấy cái hình dưới đây coi có sáng đầu sáng óc lên được gì không nghen ku?"


Tháp xưa bền hồ xanh




Bóng dáng Phật về xóa vết thương trần thế*



“Ở đâu mà sao vừa giống Burma, vừa giống Cambodia dzị trời?” Nó lầm bầm vò đầu bứt tai… rồi đi ngủ!!!




Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 17



Đón chào?



Được xem là kinh đô đầu tiên của vương triều Siam, vào lúc Chiangmai vẫn đang là kinh đô của vương triều Lan Na Thai, Sukhothai đã trải qua thời kỳ hoàng kim của mình từ đầu thế kỷ XIII đến cuối XIV. Trong gần 200 năm với 9 đời vua, được xem là thời kỳ bình yên và phồn thịnh nhất của Siam, vị vua thứ 3, Ramkhamhaeng được tôn kính nhiều nhất bởi ông là cha đẻ của bảng ký tự tiếng Thái vẫn được dùng đến hiện nay, cũng như dưới thời ông, vương triều Siam, Sukhothai đã làm chủ hầu như tất cả vùng đất của Thailand hiện giờ.







Rực rỡ và yên bình



Nhưng tiếc thay, sau đó vài đời vua, Sukhothai đã bị xâm lấn bởi Ayuthaya, vào 1438. Và từ đó, kinh đô đầu tiên của Siam đã rơi vào quên lãng… để lại bừng sáng bây giờ!







“Phật có bỏ loài người?” *



Nằm cách Bangkok 450km, cách phố mới Sukhothai hiền hòa 20baht đi xe song-thẻo, công viên quốc gia Sukhothai giờ là một điểm đến must-see cho những ai yêu thích những giá trị xưa cũ… để một ngày đầu xuân nắng mới vàng trên phố phường tôi ngỡ ngàng hạnh phúc thăm viếng kinh thành một thời lộng lẫy Sukhothai.







Rực rỡ.


Và dù như mục đích chính của loạt entry này là chỉ giới thiệu điểm nhấn chứ không đi sâu chi tiết để người đi sau thú vị hơn trong việc khám phá, tôi không thể không đưa lên đây những khoảnh khắc hạnh phúc của tôi khi được viếng và lang thang quanh ngôi chùa xưa Mahathat đã hơn 700 năm tuổi…
“Ăn Tết đã quá xá luôn hén. Lặn mất đất cả tháng luôn!”. Nó cà khịa. “Ừa, Tết mà. Mà mầy hổng có ăn Tết sao khằng khựa anh hai mầy dzậy?”.



“Ừa, nhưng mà lâu quá hổng “đi đâu” thấy ngứa ngáy chân cẳng”. “Ừa, thôi để tao tăng tốc lên, dắt mầy đi chơi bù hén. Ăn Tết nhiều quá giờ mập như con heo (sorry mầy nghe heo) giờ siêng năng chút cho nó ốm lại chứ kiểu này phọt phiếc bể tè le trái me dốt, làm ăn gì nữa hén”.



“Okie, nhất đại ca!”.



* *
*



Shukhothai Historical Park không chỉ có Wat Mahathat là rạng ngời, dù đây là ngôi chùa rộng nhất. Những ngôi chùa khác trong khuôn viên khu trung tâm (có 3 khu và bạn phải trả tiền vé cho từng khu) dù không hoành tráng như Mahathat nhưng cũng chẳng kém phần, có phần còn trội hơn nhờ khuôn viên bao quanh là những hồ nước lấp lánh xanh, dập dờn đỏ những bông súng rực rỡ.




Trong khuôn viên trung tâm Sukhothai Historical Park






Những ngôi chùa ngoài khuôn viên trung tâm



Tuy nhiên, nếu mê mãi lang thang trong khu trung tâm để khi đến 2 khu còn lại vào buổi chiều, bạn sẽ mất đi một phần hứng thú, nếu bạn thích chụp hình nhưng không đầy đủ dụng cụ đồ chơi. Đơn giản là những ngôi chùa, những pho tượng đều quay về hướng đông, do vậy, khi bạn đến nơi vào buổi chiều, sẽ bị ngược nắng. Do vậy, cách tốt nhất là bạn hãy dành ít nhất 2 ngày cho nơi này, để có những tấm ảnh đẹp, cũng như có nhiều những khoảnh khắc chiêm nghiệm lý thú thay vì mải miết chạy đua với thời gian, với bóng nắng…








Khoan thai những cánh tay Phật.




Mà trên đời, có ai chạy đua hơn thời gian?




Chiều xanh nhẹ rơi…


“Chèn đét ơi, Sukhothai hay quá há! Ở đó còn gì hay hay nữa không anh hai?” Lâu lắm mới nghe nó nói được câu mát ruột. “Dĩ nhiên là còn chứ. Cách Sukhothai không xa có 1 National Historical Park nữa cũng lung linh không kém, nhưng để hồi khác tao kể cho, bi giờ đổi không khí cho nó đỡ nhàm chán đi”.



“Ừa, ông nói có lý ghê ta. Đi đâu giờ? Á, bữa giờ thiên hạ trên cõi ta bà súng ống ầm ầm nghe vừa sợ sợ nhưng lại vừa hấp dẫn. Ông có đi khu nào có súng ống xe tăng gì ở bển dắt tui đi coi. Có gì tui núp sau lưng ông, ông hứng đạn giùm… nghen!”. Nó làm như mình nó là khôn! “Mười tám đời con rùa đen nhà mày! Mầy ăn gì mà khôn quá xá cỡ thợ mộc vậy? Nhưng không sao, tao dắt mày đi”.



“Vậy mới là anh hai mình chứ”, lại ngon ngọt, tưởng đâu tui là con nít
. “Trong thời gian tao lục lọi lại thông tin, mầy xem qua mấy cái hình, đoán thử mình sắp đi đâu không hén?”


“Lại câu bài”. Nó lầm bầm phát ghét – mà đúng ghê
!




Hàng rào kẽm gai, xe quân sự, binh lính đầy đường… Thailand những ngày đó cũng hừng hực chả kém Bắc Phi bây giờ…




… và qua những con đường chiến sự… những thánh đường lộng lẫy rực rỡ dưới trời xanh, món quà tưởng thưởng xứng đáng cho kẻ du mục…


“Haizzz, có người hỏi ông cách đi đứng gì đó ở Thailand cà? Mà cái khu vực thí chủ đó hỏi ông có biết hông, ông có đi chưa mà sao tui thấy la huơ lạ hoắc dzị? Mà tui nói thiệt nghen, cái gì ông biết, có đi thực tế rồi thì tám, còn chưa đi mà lật LP ra đọc để trả lời thì không hay lắm đâu, vì thực tế với LP nhiều khi cách xa mấy con dao quăng lận đó” – nó làm cho tui một tràng làm như tui tham sân si (như nó) lắm dzị.
“Biết rồi, khổ lắm, nói mãi. May mà vùng đó tao lượn lờ qua hết rồi nên cũng “dư sức qua cầu”. Yên tâm đi ku”.



“Thiệt hả, đi rồi sao chưa thấy kể, sao nghe thí chủ kia nói thì dường như khu đó hấp dẫn lắm mà”.
“Thì từ từ, chuyện đâu còn đó mà ku. Khu bờ đông của “bán đảo” nam Thailand này nổi tiếng nhất là cụm 3 đảo Koh Tao, Koh Phangan, Koh Samui, may mắn là tao lướt qua cả 3 rồi. Trong 3 đảo thì Koh Tao mới đưa vào khai thác du lịch gần đây, còn hoang sơ nhất và nếu thích lặn biển thì chỉ có ở đây là OK nhất trong cụm 3 đảo này, Koh Samui đã được khai thác du lịch lâu đời nhất, từ những năm 70 đã là thiên đường dân du lịch hippy, nên giờ đã được xây dựng nhiều nhất, thương mại nhất, còn Koh Phangan thì đâu đó giữa giữa, mà tao cũng thích Koh Phangan nhất
”.


“Đi đứng thì cũng dễ ợt thôi hà. Thường thì khách đi tàu lửa hoặc xe bus từ Bangkok xuống Surat Thani để đi đảo từ đây. Đi mất khoảng 10-12h, rất nhiều chuyến trong ngày, xuất phát từ bến xe Nam Bangkok, Sai Tai Mai. Có cả xe đêm, nếu muốn tiết kiệm thời gian và 1 đêm khách sạn. Đến Surat Thani vào ban ngày có rất nhiều tàu thủy đi từ đây sang Koh Samui (2h-6h/ cứ mỗi 1-1.30h có 1 chuyến), Koh Phangan (2.30-6h/ 10 chuyến/ngày), Koh Tao (4h – chỉ có 2 chuyến/ngày). Sở dĩ có khoảng dao động lớn về thời gian đi tàu là tùy thuộc vào tàu nhanh và tàu chậm (và giá cũng chênh lệch, nhưng tàu chậm bây giờ ít chạy lắm). Giữa các đảo với nhau thì liên tục có tàu chạy qua chạy về mất khoảng 30p đến 60p/chuyến.”



“Ông có đi dzậy không mà ông chỉ người ta dzậy?”. “Không hoàn toàn 100% như dzậy, có vài phần giống vài phần khác, nhưng thông tin này tao kiểm chứng hết rồi. Tao thì bụi đời, con nhà nghèo cha mẹ đông, nên tao đi chung với ngư dân cho nó tiết kiệm, để dành tiền ăn chơi nhảy múa
. Mỗi đêm từ Chumphon (tỉnh tiếp giáp với Surat Thani) có 1 chuyến phà đêm đi Koh Tao, giá chỉ 1/3 giá tàu nhanh, lại tiết kiệm 1 đêm nhà trọ nên tao đi chuyến phà này từ Chumphon ra Koh Tao. Từ Koh Tao tao chạy qua chạy lại mấy đảo kia bằng tàu nhanh, như đã nói trên. Còn khi từ đảo về đất liền, cũng ngoài cung đường đã nói trên, vào buổi tối đều có 1 chuyến phà chậm (rì) từ Surat Thani ra các đảo và ngược lại. Do vậy, khi từ Koh Samui về, tao đi cũng đi chuyến phà đêm đó. Pà mẹ Việt nam anh hùng, đêm đó biển êm, tàu đi nhanh nên đến bến cảng ở Surat Thani lúc chỉ mới hơn 3am, khách xuống tàu về nhà hết, tao biết về đâu đành nằm nướng tới nướng lui một mình trên tàu đến gần 6am mới vác balo xuống tàu. Giờ kể lại mới thấy sao mình gan cùng mình dzị luôn hổng biết!”.



“Thôi, nghe ông kể tui cũng thấy ớn thí mồ. Mai mốt có đi tui đi tàu nhanh ban ngày thôi chứ đi ban đêm lỡ có gì…haizzz. Thôi ông kể tiếp hành trình đi ngang qua vùng binh lửa đi”. “He he, gõ nãy giờ cũng mệt rồi
, thôi để tao post 1 cái hình “cụ rùa” ở Koh Tao mà tao chụp trong một buổi sáng mệt mỏi ở Koh Tao, chuyện binh lửa từ từ sau hén.”





Một góc Koh Tao yên bình lúc sáng sớm – cụ rùa này bằng đá….!!!


* *
Tôi đi Nam Thailand những ngày bom đạn vẫn ì đùng. Tình hình nghiêm trọng, những công sự chiến hào kẽm gai bao cát khắp nơi khắp chốn, những binh lính súng ống ken đầy ở mọi nơi, những chuyến xe quân sự, thiết giáp ầm ầm trên phố… Ngay cả roaming điện thoại di động cũng tắt luôn, khi tôi chỉ mới trên chuyến xe chạy xuôi nam về gần đến Pattani. Có lẽ họ sợ việc kích hoạt thuốc nổ bằng ĐTDĐ nên vấn đề roaming cũng phải bị kiểm soát.


Pattani, thành phố nằm bên bờ đông bán đảo Malay ngày trước từng là thủ đô của vương quốc nhỏ Pattani, bao gồm 3 tỉnh Yala, Pattani và Narathiwat bây giờ. Mãi cho đến thế kỷ XVIII, tuy là chư hầu của vương triều Sukhothai, rồi Ayuthaya, nhưng Pattani vẫn là 1 vương quốc tách biệt. Khi Ayuthaya sụp đổ vào 1767, Pattani đã giành được độc lập và tách hẳn khỏi Siam. Nhưng đến thời Rama I, vương quốc nhỏ bé này lại bị Siam thống trị. Rồi đến 1909, nó bị sáp nhập hoàn toàn vào Thailand.


Từ thời rất xa xưa, Pattani tuy là vương triều nhỏ nhưng đã giao thương với nhiều quốc gia Âu, Á khác do là cửa ngõ thuận tiện ra vào khu vực. Người Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Nhật… đã đến đây kinh doanh buôn bán từ TK XV, XVI… nên vùng đất này rất đa dạng về văn hoá. Tuy nhiên, vấn đề trở ngại lớn nhất của vùng đất này hiện nay là tôn giáo. Với 88% dân số theo đạo Hồi, mối bất bình của cư dân trong vùng với những ưu tiên cho Phật giáo của Thailand ngày càng âm ỉ và lớn dần, để bùng phát vào 2004. Và cho đến giờ, mọi việc vẫn chưa yên ắng, binh lửa vẫn âm ỉ triền miên từ đó đến giờ và bao nhiêu dân thường đã thiệt mạng vì cuộc nội chiến tôn giáo nơi đây.




Matsayit Klang, thánh đường Hồi giáo lớn thứ 2 trên đất Thái.



Tôi đã nhận được bao nhiêu là lời dặn dò, bao nhiêu là khuyên can của người chủ nhà trọ rộng thênh thang vắng tanh vắng ngắt chân tình dặn dò, những người phục vụ trong quán… nhưng tôi đã “bất tuân”, và có những thời khắc đáng nhớ tại miền đất đẹp không bình yên này. Nếu được quay lại, tôi vẫn sẽ đi.



Thánh đường cổ nhất Pattani, Matsayit Kreu-Se – vẫn còn dang dở



Tôi đã có một đêm dài lang thang trên phố nhìn nam thanh nữ tú hò hẹn nhau trên góc phố hay bên triền sông, với những chiếc khăn choàng che ngang bay bay trong gió… những nhóm thanh niên địa phương tụ tập đàn hát đánh cờ một cách yên ả, thanh bình… với trà và bánh ngọt. Tôi đã có 1 đêm lê bước mòn mỏi đi kiếm bia vác ra bờ sông ngồi uống thì được yêu cầu phải quấn chai trong giấy báo. Đêm đó trăng lạnh, lòng tôi cũng hơi lạnh….







Khuôn viên mộ của Hoa Kiều, Lim To Khieng đặc tính Hoa, trong khi thánh đường ông xây theo lại phong cách Arab.


Tuy nhiên, tôi vẫn không bỏ đi, ngày hôm sau tôi nhảy xe ôm đi viếng thánh đường Hồi giáo lớn thứ 2 ở Thailand, Matsayit Klang, rồi thánh đường cổ nhất Pattani, Matsayit Kreu-Se, xây dựng 1578, xây dựng bởi 1 Hoa Kiều, Lim To Khieng, còn gọi là “unfinished Mosque” vì một lời nguyền của người chị của ông. Thánh đường Matsayit Kreu-Se rất nổi tiếng vì nơi đây đã xảy vụ thảm sát 78 người dân Pattani vào 2004, sau cuộc biểu tình và tấn công vào trụ sở quân đội của các thanh niên Hồi giáo.




Pattani những ngày bom lửa



Rồi tôi đi, trên chuyến xe rời Pattani có hơn một nửa là binh sĩ đi phép và gần một nữa là những cư dân Hồi giáo địa phương mến khách… Tôi đi tiếp vào vùng đất còn đang giao tranh dữ dội hơn nơi miền nam Thái…


“Haizzz, nào giờ tưởng ông người Khmer chứ đâu biết ông đẻ gần kho đạn Long Bình đâu! Tui mém nữa là banh xác rồi. Ông có nổ cũng vừa vừa thôi chứ nổ gì quá mạng dzậy. Tui nghe ông không mà tui thấy bên Thái bom rơi đùng đoàng, đạn bay cheo chéo…”. Nó lại làm một chặp, như mọi khi. “Vậy hả ku, bây giờ mới biết hả, còn nhiều chuyện chưa ngờ đâu ku?”.


“Thôi,ông bớt giỡn đi, mình kiếm chỗ nào yên bình đi cái như tui ớn bom đạn lắm rồi”. “Dễ ợt, đi chơi lễ không. Tết nhứt lễ hội xứ Nam mình thấy ớn, mình đi miệt nào của Thái xem lễ hội bên đó ra sao hén.”


* *
*


Tháng 3 chưa phải là tháng lễ hội chính, tháng 4 với mùa vui Song Kran hay tháng 11 với Loi Krathong mới là lễ chính. Nhưng những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4 lại là mùa lễ hội vui của các gia đình có các bé trai. Ở Thái, vào chùa làm chú tiểu, đi tu là để cầu phúc, trả ơn cha mẹ và lễ hội mừng các bé đến tuổii có thể vào chùa, thụ phong sắc giới được, gọi là lễ Poi Sang Long còn là lễ hội chính trong cuộc đời các bậc nam giới cũng như những gia đình có con trai.



Cổng làng rực rỡ cờ hoa ngày Poi Sang Long



Poi Sang Long, lễ hội truyền thống thụ phong chức sắc chú Tiểu cho các cậu bé dân tộc Thai Yai hoặc Shan là 1 điểm nhấn khá đặc biệt trong suốt cuộc đời của các bậc nam giới Thái Lan. Các cậu bé ở độ tuổi 7-14 sẽ trải qua một nghi thức đặc biệt, nhiều màu sắc trước khi chính thức được thụ phong sắc giới. Lễ hội này đặc biệt hấp dẫn, nhiều màu sắc ở vùng Tây Bắc Thái, nơi có nhiều dân tộc Thai Yai, Shan sinh sống. Các vùng miền khác cũng có nhưng đơn giản hơn.





Những bé trai ngày Poi Sang Long


Thời gian của Poi Sang Long có thể thay đổi theo từng khu vực, nhưng thường lễ hội trong 3-4 ngày.


Ngày thứ nhất, ngày “Hae Sang Long”. Các cậu bé được cạo tóc, lông mày được cắt tỉa cẩn thận, sau đó được tắm bằng các loại lá cây đặc biệt, rồi sẽ được trang điểm và trang hoàng quần áo rực rỡ sắc màu, những chiếc sarong, dải băng đầu, những búi tóc lớn theo truyền thống tổ tiên, rồi dùng hoa trang trí. Sau khi được trang điểm gương mặt và chuẩn bị trang phục, những bé trai sẽ được gọi là “Sang Long”. Chúng sẽ đi thăm viếng những người lớn tuổi trong họ hàng và xin lời chúc phúc từ họ.









Đường làng ngày vui.




Chúc phúc



Tôi lang thang nước Thái, lạc bước đến Mae Hong Son vào những ngày tháng 3, nắng mùa xuân đã hanh hao ấm rải trên miền cao nguyên. Miền đất này vẫn chưa yên, do Burma rất gần bên, những đội quân du kích của các dân tộc ít người vẫn qua về giữa 2 bên, những dòng người tị nạn vẫn âm thầm len chảy sang, trong bóng rừng đại ngàn âm u... Nhớ ngày nào tập tễnh những bước lang thang đầu, nghe các bạn Tây Balo tám đến Mae Hong Son tỉnh cực tây của Thailand, nghĩ đến những Mường Tè, Sìn Hồ… đã từng lạc bước, chỉ nuốt thầm tiếng thở dài vào trong, lòng tự hỏi lòng “bao giờ mình tới được?”.



Tôi cũng không biết gì đến Poi Sang Long. Chỉ khi mới vừa đến MHS, đang lang thang vô định, tôi tình cờ tạt ngang vào 1 cái bàn nhỏ ven đường, khi thấy trên bàn có đặt 1 tấm bảng nhỏ: “Tourist Information”. Một ông chú người địa phương sau khi giới thiệu các điểm đi thăm viếng như Làng cổ dài, Làng người Hoa Vân Nam, chùa tháp, đền đài, … bỗng nhiên chú hỏi: “Mầy có biết gì về Poi Sang Long? Muốn đi coi chơi không?”, rồi hướng dẫn tôi đi đến một ngôi làng. Tôi chạy ngay đến đó nhưng tiếc thay là làng đổi lịch, vì vị trụ trì chùa bị bệnh hay sao đó. Đang ngậm ngùi quay về, thì mấy anh lính trẻ, đang kiểm soát người trên đường, chận tôi lại, hỏi tôi đi đâu…và các anh dùng sách song ngữ Anh-Thái để trao đổi với tôi. Sau đó, các anh túm 5 tụm 3 bàn bạc sôi nổi, gọi điện thoại một hồi, rồi chỉ tôi đi đến một ngôi làng khác, rất xa… Rồi tôi đi, tôi gặp Poi Sang Long, và tôi cũng biết thêm lý do tại sao rất nhiều du khách sẽ quay lại Thailand, không chỉ một lần!



* *
*




Chờ ai? Sao buồn?




Sau khi được tắm rửa sạch sẽ, chăm chút trang điểm, các cậu bé sẽ được các bậc phụ huynh cõng trên vai (ngày xưa là cỡi ngựa) đi thăm các bậc cha ông trong làng để được chúc phúc, tặng quà và các "chú tiểu tương lai" cũng sẽ chúc phúc lại ông bà.







Lớn ngồng vẫn được cõng trên vai! Đã quá há!



Cuộc đi diễu hành này rất lý thú. Có dàn kèn trống với các nhạc cụ rất lạ theo suốt hành trình để tiền hô hậu ủng. Các bậc cha anh cõng các bé cũng rất phấn khích, vừa cõng vừa nhảy múa rất ư là hồn nhiên (có lẽ họ phải tuyển chọn và tập trước chứ cỡ như tôi mà cõng mấy nhóc này, trong trời nắng nóng như thế này đi được vài chục bước là lăn quay ra rồi!!!). Các "nhạc công" là thanh niên làng thay phiên nhau chơi các nhạc cụ dân gian lạ lẫm nhưng cứ xập xèng réo rắt thánh thót đa âm sắc…, lúc ngừng chơi thì uống rượu (!) và nhảy múa... rất vui. Đường làng (rất vắng vẻ & thanh bình khi không có cuộc diễu hành) bỗng trở nên rất vui và rộn ràng khi đám rước đi qua.



Cái gì đây? Kèn hay trống?




Làm sao gõ hết một lần tất cả các chiêng này? Vậy mà các chàng này vẫn làm được. Dễ ợt hà.



Buổi tối, các bé và gia đình không về nhà mà về chùa. Ở chùa bây giờ có dựng rạp, làm sân khấu,… lễ hội cũng diễn ra tưng bừng tại đây...



Thoát xiêm y về lại đời thường.




Quá phê?


Ngày thứ ba, ngày “Kam Sang”. Những bé trai sẽ được diễu hành qua đường phố một lần nữa trước khi chúng trở về chùa để làm nghi thức lễ trang trọng, thụ phong sắc giới.



“He he he, cái lễ Poi Sang Long gì đó chỉ có nhiêu đó hả, chỉ có mấy chú bé lên kiệu vai đi lòng vòng là xong hả? Cũng dzui nhưng mà tui tưởng có gì đó dzui hơn nữa chứ! Không có cảnh chen lấn vặt hoa bẻ cành bứt lá hả, không có cảnh rải tiền bay bay trong gió lãng mạn pà kố hay nhét tiền từng ngoạm vào tay Phật, để trên đầu Thánh hả, không có cảnh đốt vàng mã siêu mẫu chân dài, Lexus đời mới khói nhang nghi ngút mơ màng hả… Dzậy, theo thiển ý ngu ngu của tui là hổng dzui lắm đâu?” Nó đào đâu ra mấy cái thứ này mà dùng liên hoàn cước tấn công tui dzị hả trời, mà nói thiệt hay nói chơi hổng biết. Nó mà chơi thêm chiêu “Hoàng tảo thiên quân” là tui xụi lơ luôn chứ chẳng chơi đâu! Thằng này cũng hay sảng thần hồn lắm, hổng chừng chiều tối qua mới té giếng!!!



“Thôi, tui đùa ông chơi chứ tui thấy cái lễ Poi Sang Long đó hay thiệt, nhất là khi tui tìm hiểu kỹ càng thấy nó mới có ý nghĩa làm sao. Tui sao thấy thương cho mấy đứa con nít xứ mình quá! Phải chi….! Mà thôi, ông tiếp đi, xong rồi ông lôi tui đi miệt khác chứ dạo này ông anh cò cưa trái dưa gang dữ quá rồi nhen”. “Ừa, thôi để tao kể cho hết hén, giờ cũng đang tháng 3 nè, biết đâu có mấy huynh đệ tỷ muội lại muốn sang Thailand dự Poi Sang Long thì tao với mầy đi kiếm mấy anh TAT lấy tiền cò đi ăn chơi nhảy múa nghen.”



* *
*



Thật tình, vì lười nhác, tôi không tìm được tài liệu nói về ý nghĩa của Poi Sang Long. Những thông tin tôi chia sẻ ở đây là tôi trao đổi với người dân địa phương, phụ huynh của các bé và những người chủ các nhà nghỉ trên những cung đường tôi ngang qua.



Những ngày Poi Sang Long là những ngày hội của làng chứ không chỉ riêng của những gia đình có các bé. Trong làng, như những ngày Tết xưa quê Việt, mọi người nghỉ ngơi, quét dọn nhà cửa sạch sẽ, trang hoàng rực rỡ… xong rồi họ đến chùa dựng rạp, cũng trang hoàng lung linh khắp chốn. Ở chùa, họ dựng bếp, các cô các dì cùng nhau trổ tài nấu nướng trong lúc các bé trai cùng phụ huynh tung tăng trên đường. Không thua tài kém nghệ, các cô các dì còn có luôn 1 ban nhạc ngay tại chùa. Họ chơi với rất nhiều loại nhạc cụ và cũng rất chuyên nghiệp. Cho dù đang chơi xôm tụ, một hai cô dì bỏ dàn nhạc để lại vào bếp lo cho món nấu đang nấu dở dang thì cũng không sao, luôn có người thay thế ngay. Do vậy, ở chùa không khí cũng rộn ràng không kém.




Các dì các cô cũng tưng bừng khua chiêng gõ trống



Còn các bé, sau những cuộc diễu hành trên phố, đến trưa ngày thứ 3 là tụ tập về chùa để bắt đầu làm lễ thụ giới. Coi như mấy ngày qua các chú được vui chơi thỏa thích, được tôn vinh lên tận mây xanh, những cuộc vui con trẻ cuối trước khi bước vào những ngày tu tập, để trả ơn cha mẹ, báo hiếu cho ông bà, tu thân tích phúc cho mình và cho xã hội mai này.




Trả hết những “phù hoa” phù du, về lại đời…




Bắt đầu thụ giới



Buổi lễ của ngày 3 được tổ chức rất trang nghiêm. Các bé quỳ trong đại sảnh, ngay trước các vị sư đạo cao đức trọng, trước bóng Phật uy linh. Phụ huynh (và những kẻ tò mò như tôi) thì ngồi vòng ngoài. Các vị sư giảng dạy cho bé những điều hay lẽ phải, những giáo lý đơn giản để làm người tốt, để trọn đạo tu hành… Trong khi đó các chú, do vẫn còn luyến tiếc mấy ngày vinh quang vừa qua, cứ ngọ ngoạy không yên, nhiều chú hồn nhiên ngáp ngắn ngáp dài… Nhìn những gương mặt ngây thơ trong những chiếc áo trắng mong manh quỳ trước những vị sư đạo cao đức trọng càng thấy các bé mới non nớt nhỏ nhoi làm sao và thấy các bé mới may mắn hạnh phúc làm sao…




Đã thành người mới




Chụp hình với người thân và chuẩn bị chia tay…



Khi vị trụ trì giảng xong, ông bắt đầu hướng dẫn bé choàng lên người chiếc áo cà sa nho nhỏ. Lúc này, một vài bé bắt đầu cầu cứu phụ huynh giúp bé choàng áo cà sa, trong lúc đó một sô phụ huynh khác tiến lên cúng dường và trao đổi gửi gắm các vị sư trưởng giúp đỡ dạy dỗ thiên thần bé nhỏ của mình những ngày nương bóng từ bi…. Giờ phút chia tay đã đến. Các chú tiểu quyến luyến chia tay cha mẹ anh chị nội ngoại (nhưng không hề có tiếng khóc nhè nào cả), gia đình cùng nhau chụp hình khoảnh khắc đáng nhớ… bịn rịn quyến luyến một hồi rồi chia tay. Các bậc phụ huynh cũng rất lo lắng vì lần đầu tiên để con nhỏ xa nhà một mình như vậy, nhưng họ cũng tỏ ra rất hạnh phúc khi thấy con trẻ bắt đầu tập làm quen với kinh kệ, với những dạy dỗ của nhà Phật, mong sao mai này lớn lên làm người tốt cho đời. Đại sảnh dần dần vắng vẻ, các chú tiểu đứng mếu máo vẫy tay chào người thân lần cuối, rồi lon ton theo chân các sư huynh lui dần vào sau đại điện. Cuộc sống mới, những ngày mới đang bắt đầu.



………….



10 ngày sau, sân chùa lại rộn ràng. Hôm nay là ngày lễ “tốt nghiệp” của các chú tiểu, sau những ngày gửi thân vào chùa để thụ phong sắc giới, để ngâm nga câu kinh Phật trả ơn cha, báo hiếu mẹ, tu thân mình. Các bậc phụ huynh vô cùng vui sướng khi chia tay một cậu bé con hôm trước, giờ đón về 1 vị tiểu sư phụ chững chạc hơn hẳn, dù chỉ sau mấy ngày.



Chính thức được thụ phong…



Buổi lễ trong chùa được bắt đầu, các chú tiểu vẫn quỳ trước các vị sư để nghe những lời giáo huấn rằng việc tu thân không chỉ ở trong chùa mà cả khi các chú về nhà, và cả cuộc đời dài mơ hồ phía trước…. Rồi các chú được trao những tấm bằng, mà các chú và phụ huynh vô cùng hãnh diện. Họ sẽ treo tấm bằng ở nơi trang trọng nhất trong nhà, để hãnh diện về đứa con của mình, cũng để nhắc nhở bé rằng giờ đây bé đã là người của nhà Phật. Các bé chia tay quyến luyến với các huynh trưởng đã giúp đỡ dạy dỗ mình trong những ngày qua, rồi chia tay với các bạn đồng môn, hãnh diện ra về cùng gia đình.




Cô đơn




Còn tôi, kẻ cô đơn lạc loài, vẫn ngồi lặng ở một góc vắng bên hiên chùa ngày xuân nắng vàng rờ rỡ, dõi mắt trông theo bóng liêu xiêu của một chú tiểu nhỏ, đơn độc chia tay mọi người, lầm lũi một mình ra về. Nhìn bóng áo vàng nhỏ nhoi lầm lũi một mình một bóng, trong cảnh huyên náo ồn ã ấm áp của những cuộc đoàn viên…tôi mới thấy, trong những khúc vui hoan ca luôn còn đó những nốt trầm...


“Poi Sang Long hay hén! Tui thích. Sang năm tui đi! Tui thề! Tui hứa!” Tôi thở dài: “Ừ, thôi thì mầy có ý định là cũng tốt lăm rồi. Còn có thực hiện được ý định đó không là chuyện khác. “Con ma nhà họ Hứa” là bộ phim số 1 thế giới do tập thể diễn viên quần chúng Việt thể hiện. Chưa có nước nào so bằng đâu. Nên tao tin mầy.”



“Ủa, theo như ông kể thì cả lễ hội này kéo dài gần nửa tháng lận, bộ ông ở Mae Hong Son chừng đó ngày để ăn cái lễ này hả? Hay ông cóp nhặt thông tin trên net rồi đưa vào đây? Tui chưa vào PM xem, chứ không chừng cũng có huynh đệ tỷ muội nào théc méc giống tui lăm đó!” Sao thằng này bữa nay thông minh đột xuất vậy ta! “Mầy bữa nay hay ghê ta! Tao cũng tính sẽ nói, chưa kịp nói là mầy đã “phát hiện ra Châu Mỹ” rồi. Bữa nay mầy được, thưởng mầy chai bia hén!”



“Thực ra, tao cũng ăn may thôi, cái lễ Poi Sang Long ở đây là tổng hợp những ngày Poi Sang Long khác nhau ở các tỉnh khác nhau của miền Tây Bắc, rồi Bắc Thái đó. Cái lễ tao “tường thuật” ở đây là từ Mae Hong Son qua Pai, Chiangmai, qua Nan, rồi Phrae… mới xong đó. Tao làm gì có thời gian ở lì một chỗ đâu! Cũng may là thời gian tổ chức Poi Sang Long linh hoạt tùy thuộc từng địa phương nên tao mới có may mắn xem như dự lễ từ đầu đến cuối.”



“He he, dzậy đi chơi cũng cần may mắn hén! Còn giờ, ông dắt tui đi đâu. Mấy bữa nay tui bắt đầu thấy chộn rôn Bun Pimai, Songkran rồi đó. Tui thấy mấy công ty du lịch bắt đầu quảng cáo tour đi Thai ăn Songkran ở Pattaya (!?). Ông có định dắt tui đi ăn Songkran không?” Dạo này ku con cũng bắt đầu chịu khó đọc báo rồi, ghê ta nơi! “Thôi, mới vừa Poi Sang Long xong giờ qua Songkran, 2 cái lễ hội liền nhau nó loãng, nó mất sự thu hút. Mà cũng còn lâu mới tới Songkran, tao sẽ dắt mầy đi đến đó trước Apr 13, mầy yên tâm. Tuy nhiên, để tao cho mầy xem cái hình Songkran để mầy yên tâm. Còn bây giờ, tụi mình đi một chỗ nào yên yên chút cho nó “lắng đọng tâm hồn” hén”.



“Thì ông muốn sao tui nghe dzậy chứ tui dám ho hé gì đâu cha nội. Thôi, đi nhanh nhanh chiều về còn đi nhậu!!!”


* *
*






Ngày vui Songkran




Gái đẹp Songkran



……………………



Tôi đến miền đất này những ngày cuối đông nắng mỏng chỉ đủ làm sáng lên những chiếc lá vàng khô nhẹ đùa chạy lạo xạo trên đá xưa ngàn năm tuổi.


Sáng sớm, vắng tênh cả khu vườn xưa đá xám một thời huy hoàng trên con đường Angkor từ Siam xuôi nam về Siemreap. Những phiến đá tinh xảo lung linh những người xe của ngàn năm cũ như đang mỉm cười với lũ lá vàng, những vết chân chim… tung tăng đùa.







Di tích của vương triều Khmer trên đất Siam ngày cũ.



Tôi lang thang trong vườn xưa… hồn chơi vơi mong theo đá xám về ngày xưa ngày đó….


Nakhon Ratchasinama hay thường được gọi ngắn gọn Khorat là 1 tỉnh rất nổi tiếng về du lịch ở Thailand, nhưng không phải với du khách Việt. Nói đến Khorat, trước tiên là Khao Yai – Khao Yai Nattional Park, rừng quốc gia “già” nhất và cũng được viếng thăm nhiều nhất của Thailand. Phim The Beach với tài tử Leonado Dicaprio cũng được quay một phần ở đây chứ không chỉ ở biển đẹp Phuket mà thôi. Khu rừng chỉ với khoảng 2.65km2 này có đến gần 300 con voi hoang đang lang thang đây đó, chưa nói đến hàng đàn những bầy thú hoang khác cho thấy sức hấp dẫn của nó, nhất là đối với các khách trẻ khoái các cung đường trekking, hiking…



Nhưng tôi không đến Khorat để trekking, hiking vì tôi vốn lười nhác và tôi đi một mình. Do vậy, tìm kiếm đồng bọn hợp ý để đi trekking không phải là chuyện dễ. Thứ nữa, điều quan trọng nhất nhưng tôi nói sau là tôi không có dụng cụ chuyên nghiệp cho những chuyến đi loại này. Vậy tôi đến Korat để làm gì?


Tôi đến Khorat vì Phimai! Vì con đường Angkor từ Xiêm La ghé ngang qua Ai Lao về Chân Lạp.



Con đường “di sản Angkor” từ Siam về Cambodia
(Prasat Pra Viharn là tên tiếng Thái của Prasat Preah Vihear của Cambodia)


Không nổi tiếng như Angkor, dĩ nhiên, Phimai National Historical Park, được xây dựng bởi quốc vương Khmer Jayavarman V và hoàn tất bởi quốc vương Khmer Suriyavarman I, từ cuối TKX đến đầu TK XI, 1 thế kỷ trước khi Angkor được khởi công. Và tuy có vẻ khiên cưỡng, nhưng cũng có chút hợp tình, các tài liệu du lịch địa phương cho rằng Phimai là nguyên mẫu, là cảm hứng cho Angkor hùng vĩ sau này.







Phimai, một buổi sáng ngày xanh…



… vũ nữ Apsara ngàn năm tuổi, vẫn đẹp lộng lẫy, múa trên thảm lá vàng khô..


Vậy sao bạn không ghé Phimai, chỉ 37baht từ Khorat hiền hòa, chỉ 1.30g từ Khorat vắng tênh cả những mùa du lịch cao điểm.



* *
*



“Trời ơi, sao kỳ này dzô đề nghe ngọt xớt như ca 6 câu dzậy anh Hai? Nhưng mà, theo ngu ý của tui, ông nên giới thiệu tour này không phải cho người Việt mà cho người Cambodia đi! Chắc họ cũng muốn tìm hiểu quá khứ hào hùng của cha ông chứ tui thấy với dân xứ Nam chỉ đi Angkor 1 ngày là thấy OK rồi. Tui có thấy cái tour du lịch nào mà đi Angkor tới 2 ngày đâu (!?). Ông chắc không cần giới thiệu mấy cái chỗ đi lòng vòng xa lắc xa lơ đó đâu!” Nó lại ca cẩm. “Nói như mầy nghe hổng lọt lỗ tai chút nào hết. Thì tại dân mình nghèo, chưa có nhiều tiền nhiều thời gian, cả thói quen đi du lịch cũng còn mơi mới, nên mình giới thiệu từ từ, rồi bà con người ta đi chứ!”



“Ủa, ông mới đi chùa về hả? Sao bữa nay đổi dạ từ bi vậy? Ok, nếu ông làm thì tui cũng ủng hộ 2 tay 2 chân thôi! Chỉ sợ… haizzzzzzzzzzzzzzzzz”





…hay hoàng hôn lộng lẫy – đều tuyệt vời những cảm nhận riêng




Để khi chiều về, bạn lãng đãng trên những con đường râm mát hay lặng lẽ bên bãi cỏ xanh mượt mà nhìn hoàng hôn đổ bóng, nhìn chiều rời chầm chậm trên chùa xưa tháp cũ, để nhìn ngày đi đêm tới, mới hay “thế thôi đã hết một đời” *…

Thái Lan phần 2
13:04 12 thg 10 2011Công khai0 Lượt xem 0
“Cha nội, hình như đang kể về “ngoại ô” của Khorat đúng hông? Đâu phải ông đang tám về Khorat, đúng hông?” Sao thằng này bữa nay biết vụ này hay dzậy ta?. “Ừa, sao mầy biết!”.



“Thì nghe ông kêu là phải đi xe bus cả 1-2 tiếng mới tới chỗ Phimai đó chứ đâu phải trong phố đâu? Bộ trong phố hổng có gì kể sao đi xa tuốt luốt dzậy?”. “Khorat, thành phố Khorat hay lắm chứ, nhưng đang kể Phimai thì kể cho xong, rồi còn mấy cái chỗ ngoại ô khác tao cũng tám luôn một lần. Còn nội ô Khorat để dịp khác tao kể. Yên tâm đi ku!”.


* *
*




3 ngôi đền chính của Phimai National Historical Park




Góc vắng



Nói nào ngay, Phimai là 1 thị trấn của tỉnh lớn Khorat, ở đó có cả GH cho dân ba-lô luôn. Do vậy, nếu bạn nào yêu thích những giá trị cổ xưa, lúc đến bến xe Khorat, có thể sang xe đi thẳng Phimai luôn. Nhưng Khorat cũng rất hay, một dịp nào khác tôi sẽ quay lại phố nhỏ lồng lộng gió, nhiều những quán xá với những chàng lãng tử ôm guitar nghêu ngao ca hay những ban nhạc hoành tráng hát hò say sưa hằng đêm.






Vào trong… hay ra ngoài… đều rất đẹp




Nhưng đẹp hơn hết là hình ảnh những chú bé học trò đang viếng thăm và ghi chép về những di sản của cha ông..



Ở Phimai không chỉ có Phimai National Historical Park mà còn nhiều di tích lịch sử từ thời Angkor và sau này nằm quanh phố. Thuê 1 chiếc xe đạp 30baht là bạn thong dong cả ngày dạo quanh phố nhỏ, với những người dân hiền hòa mến khách và những di tích từ thời tiền Angkor nằm rải rác trong phố - và cả một bảo tàng hoành tráng với đầy những di vật từ thời Angkor, nhưng rất tiếc là “Cấm chụp hình”!.



“Khải Hoàn Môn” từ thời tiền Angkor.


Ngoại ô của Khorat, ngoài Phimai còn có Prasat Phanomwan, cũng là 1 khu di tích Angkor khác. Nằm cách Khorat khoảng 30p đi song-thẻo, theo 1 hướng khác. Tôi cũng lần mò đến đây 1 chiều muộn, sau khi chiến thắng cái lười vì nắng, và vì phải chạy qua chạy lại giữa 2 cái bến xe để tìm đường đến đây.



Một góc Prasat Phanomwan.



Ngôi chùa mới bên đền cũ.



Đúng như LP có nói, nơi đây chẳng còn gì, cũng như việc phục chế cũng chưa được thực hiện, nhưng buổi chiều hôm ấy lang thang đến Prasat Phanomwan quả là 1 kỷ niệm đẹp khó quên trong đời giang hồ.



Pho tượng Phật hiền hòa trong ngôi đền Hindu đổ nát



Từ người phụ nữ lam lũ, là tài xế song-thẻo, dắt tay chỉ đường cho tôi lội bộ đến đó, vì xe không đi đến đó trực tiếp, từ những người dân hiền lành nhiệt tình chỉ đường cho tôi lang thang trên đường quê chiều xuân lồng lộng gió, từ con đường quê dập dìu những cánh cò thong dong về tổ, từ thảm hoa đỏ mênh mang hừng hực sức sống trong khuôn viên ngôi đền đá xám đổ nát, từ ngôi đền vắng tênh riêng mình tôi lang thang với đám chó con lon ton chạy theo chân khách mới vừa gặp, từ bụi hoa dại mong manh nhỏ bé bên đá xám ngàn năm, từ pho tượng Phật hiền hòa trong ngôi đền Hindu đổ nát… tất cả đều rất đơn sơ dung dị nhưng sao quá đỗi thương mến với tôi….



Thảm hoa đỏ rực rỡ bên đá xám…




… hay những đóa hoa dại dung dị mong manh…
– một chiều xuân khó quên Prasat Phanomwan!


“Giờ ông quên được Prasat Phanomwan chưa? Khó quên lắm hả, để tui dắt ông đi … cho ông dễ quên nghen!” Nó lại càm ràm, đau đầu quá!



“Nói thiệt ông nghe, mấy cái chỗ ông dắt tui đi đó cũng được, cũng hoa lá hẹ xanh xanh đỏ đỏ cho trẻ nhỏ nó mừng, cũng đền xưa chùa cũ uy nghi, rạng ngời… nhưng dù sao tui cũng còn trai tráng khỏe mạnh, đi hoài mấy chỗ đó cũng ngán như con gián! Ông có chỗ nào dzui dzui, mà dễ đi, ông dắt tui đi, rồi bà con họ muốn đi cũng dễ, chứ ông cứ rừng xanh núi đỏ dzậy ai mà dám đi. Hay là ở Bangkok có gì hay hay hông, ông kể tui nghe cái!” Bây giờ lại lòi 9 cái đuôi hồ ly! “Bộ mầy muốn nghe kể chuyện Pat Pong hả. Xưa rồi diễm! Tao có đi Pat Pong cũng giữ kín, chứ kể mầy nghe làm gì! Mà mấy chuyện đó đó ở Pat Pong đó, nếu hấp dẫn thì sẽ bị kiểm duyệt, còn hổng hấp dẫn thì kể ra ai nghe. Vậy, thôi đừng mơ, thôi đừng chờ!”.



“He he he, dụ khị mà hổng được thì thôi, làm gì dzữ dzậy đại ca. Mà bộ ở Bangkok ngoài Pat Pong ra hổng có gì hay thiệt hả. Tui thấy huynh đệ tỷ muội đi Bangkok hà rầm à, hổng hay ho gì ráo sao họ đi miết?” Lâu lâu nó nói nghe cũng lọt lỗ nhĩ. “Ok, Bangkok hay lắm chứ, tại vì thiên hạ đi nhiều rồi nên anh hai mầy hổng kể ra thôi chứ Bangkok nhiều cái hay ho lắm đó. Thôi được, chiều ý mầy, tao cắt 1 nhát ở Bangkok, mầy xem sao hén! Nếu mầy thấy hay ho, mai mốt tao lại cắt tiếp mấy nhát khác! Let’s go!”



* *
*



Lấp lánh dòng Chao Praya…




Hoàng hôn trên dòng Chao Praya



Cũng như người Sài Gòn tự hào về con sông cùng tên, người Bangkok cũng rất tự hào về dòng sông Chao Praya chạy giữa thành phố. Nhưng khác hẳn sông Sài Gòn, với những con kinh, nhánh rạch ô nhiễm quá mức tưởng tượng… giờ đang là nỗi buồn cho người thành phố, dòng Chao Praya vẫn lấp lánh rực sáng khi bình minh lên hay hoàng hôn xuống, vẫn là niềm kiêu hãnh của người dân xứ chùa vàng…



Wat Pra Viharn bên dòng Chao Praya.



Đã có những bài báo nói về giao thông đường thủy trên sông Chao Praya, như một gợi ý mở cho việc gp1 phần giải quyết vấn nạn kẹt xe kinh hoàng ở đất Sài Thành, đã có nhiều thông tin về định hướng mở tour du lịch trên sông Sài Gòn theo mô hình của Chao Praya, nhưng Sài Gòn vẫn vậy, vẫn chỉ thơ thớt 2-3 con tàu xập xệ đêm xuống từ Bạch Đằng ì ạch trườn ra Thanh Đa, rồi dzìa… khác hẳn với rất nhiều những con tàu, không chỉ là tàu du lịch tấp nập ngược xuôi đi về, chỉ là tàu khách, chở người dân đi lại, nhưng vẫn đông đầy những khách du lịch thong dong đi về trên dòng Chao Praya.



Hoàng cung, nhìn từ Chao Praya.



Hiện tại, ngoài tàu du lịch vốn cũng đã rất nhiều trên dòng Chao Praya, còn có 3 loại tàu khách cho người dân đi lại với giá từ 15, 20 đến 25 baht cho một lần xuống tàu, không tính quãng đường xa gần. Nhưng hiện nay, người Thái đã phát triển những tàu khách này thành tàu du lịch song song với việc chở khách địa phương. Với vé “bao” cho 1 ngày 150 baht, bạn có thể thong dong cả ngày lên xuống cả 3 loại tàu này để có thể dừng lại trên 30 bến tàu trên dòng Chao Praya, trong đó có 9 bến tàu nằm gần với các điểm du lịch chính của Bangkok, mà các tour du lịch thường chỉ đưa bạn đi một vài điểm trong đó.



Wat Pho, bên dòng Chao Praya






Wat Arun bên dòng Chao Praya



Vậy sao bạn không tự xuống bến tàu, với chỉ 150baht, dòng Chao Praya lấp lánh nắng và một Bangkok xinh đẹp khác đang chờ đón bạn khám phá. Tôi sẽ đi trước. Khi nào bạn hưỡn thì đi sau hén!




* Hành trình này, tôi lang thang trong nhiều ngày, của nhiều chuyến đi chứ không chỉ một ngày, vì có những chiều tôi ra sông muộn chỉ đi 1 vòng ngắm hoàng hôn rồi về.
Lấp lánh dòng Chao Praya…


Tôi thường bắt đầu những chuyến tàu lang thang trên sông từ bến số 13, Pra Athit Pier. Đơn giản vì bến này cách Khaosan khoảng 5 phút đi lon ton. Bến này cũng được xem như là bến cuối trong bản đồ du lịch trên sông, nhưng thực tế bến cuối là bến ba mươi mấy (quên mất), mà tôi cũng đã lò dò mò tới.



Từ bến số 13 ra đi, chiếc cầu dây văng lấp lánh này sẽ giúp bạn nhớ đường về nếu có lỡ mê đắm lạc lối.



Tàu thuyền du lịch lẫn buôn bán đi lại tấp nập trên sông, ngay giữa Bangkok hoa lệ



Từ bến số 3 này, nếu đón tàu đi hướng tay trái, sau khi qua cầu tàu số 10, bạn sẽ đến cầu tàu Maharaj Pier – chỉ cách Hoàng Cung Thailand vài bước chân. Bạn lưu ý là phải đón đúng tàu du lịch (dù bạn có quyền lên cả 3 loại tàu) thì nó mới dừng ở đây. Còn nếu không, bạn xuống cầu tàu số 8, mà tàu nào cũng dừng ở đây. Bạn đi bộ ngược lại chừng 5 phút thì sẽ đến Hoàng Cung.




Một ngôi chùa đẹp ven sông



Tôi không xuống cầu tàu Maharaj Pier mà xuống bến (cầu tàu) số 8, vì đây là nơi bạn có thể đi được rất nhiều điểm du lịch hấp dẫn của Bangkok. Dĩ nhiên là các tour du lịch sẽ không nói vậy.




Cụm chùa Wat Pho nhìn từ Chao Praya




Cụm chùa Wat Arun nhìn từ Chao Praya (ngược nắng vì lười, đi trễ)



Từ giữa sông, trước khi tàu cập bến số 8, bạn sẽ bối rối phân vân không biết sẽ đi đâu trước, khi bên này sông là cụm chùa Wat Pho lấp lánh vươn cao, khu chợ xưa Tha Tien tấp nập tàu ghe xuôi ngược, xa xa tý nữa là Hoàng Cung lộng lẫy…. Còn bên kia sông, không kém phần hấp dẫn là cụm chùa Wat Arun, Wat Pra Viharn kiêu hãnh oai nghi trên bến sông...


“Màu mè nữa! Đi hết đi cha nội! Còn bao nhiêu điểm nữa trên dòng Chao Praya mà ông từng ghé, ông cứ dắt đi hết, nhưng đi lươn lướt thôi, để cho bà con người ta đi sau khám phá, chứ ông cứ huỵch tẹt ra hết thì còn hứng thú gì nữa mà đi!” Trời ơi, sao nó giận dữ ngang xương dzị trời. Giỡn chút thôi mà làm gì quá vậy? Chắc bị ghệ xù, rồi kiếm chuyện với tui đây mà. Trời ơi, dẫu biết “một điều nhịn là chín điều nhục”, nhưng làm gì với thằng bạn nối khố đang đau khổ đây hả trời! Hổng lý oánh nó!!! Haizzzz!!!




* *
*



Hoàng cung, là điểm dừng must-see cho những bạn nào chưa ghé, nhưng tôi đã đi rồi, với lại tiền vé cũng không rẻ lắm,với lại dân tình lúc nào cũng đông đúc chen lấn dán cái mẹt vào đó chụp hình… nên tôi không ghé, dù ngang qua dọc lại nhiều lần.




Wat Pho




Wat Pho - cận cảnh



Wat Pho, gần kế bên cầu cảng số 8, là ngôi chùa đẹp, được xây dựng từ TK XVI, dưới thời của vương triều Ayuthaya nhưng cuối cùng lại được hoàn tất bởi Vua Rama đệ nhất vào 1785. Điểm lôi cuốn đặc biệt của Wat Pho là pho tượng Phật nằm lớn nhất tại Thailand. Do vậy ngôi chùa này lúc nào cũng đông nghìn ngịt khách thập phương. Vào trong chánh điện để viếng, khách ngoại quốc phải trả tiền vé, còn dân bản địa thì không. Vậy theo bạn, tôi có phải trả tiền vé?







Hành lang nào cũng lung linh đẹp – Wat Pra Viharn


Wat Pho nằm ngay cầu cảng số 8, còn bên kia đường là khu chợ Tha Tien, được xây dựng từ 1868, mặc dù trước đó nơi đây là vương phủ của các hoàng tử nhà Rama từ 1782-1868. Sau khi bị thiêu trụi bởi 1 trận hỏa hoạn vào 1868, nó được xây dựng lại thành chợ Tha Tien. Nếu đói bụng, bạn có thể lê la với hằng hà sa số những hàng quán ăn uống nơi đây, giá chỉ từ 25-35baht cho một bữa ăn trưa tàm tạm.


32




Wat Arun



Còn bên kia sông, bạn phải trả 3 baht đi đi đò ngang sang sông, là chùa Wat Arun, còn có tên là Temple of Dawn. Khi Đại đế Taksin quyết định dời kinh thành từ Ayuthaya về Bangkok, đoàn chiến thuyền của ông đã đến và dừng lại tại bến sông này lúc bình minh, do đó ông đã cho xây dựng ngôi chùa Wat Arun tại đây. Wat Arun thực sự là một trong những ngôi chùa lớn nhất và hấp dẫn nhất Bangkok, nhưng vì đường đi cách trở nên các tour du lịch ít đưa khách đến. Nếu bạn có dịp lang thang trên dòng Chao Praya, nhất định không thể bỏ qua ngôi chùa sừng sững oai nghi bên sông này.








Wat Arun – các góc cận



Cũng từ bến tàu số 8, đi ngang qua hoàng cung, bạn sẽ đến Bangkok City Pillar Shrine. City Pillar này được xây dựng vào 1782. Ngôi đền đẹp này giờ là nơi thờ cúng của người dân Thailand, đến đây vào những ngày lễ, bạn phải xếp hàng chen chân thật lâu mới vào được trong. Điều lạ là ngôi đền này nằm ngay 1 góc của hoàng cung, nhưng cũng ít có tour nào đưa khách viếng thăm.




City Pillar Shrine




Các Phật tử cũng choàng các tấm lụa nhiều màu – như Tibet? Hay Mongolia?



Ở cầu cảng số 12, cầu cảng “hấp dẫn” nhất (với tôi) vì có 1 nhà hàng “lẩu nướng” ngay bên triền sông (!?), bạn cuốc bộ vào trong khoảng 10ph sẽ được viếng thăm Bảo tàng chiến thuyền. Bảo tàng miễn phí, đẹp rực rỡ nhưng lại không cho chụp hình nên bạn phải đến tận nơi mới thấy những chiến thuyền lộng lẫy một thời ngang dọc làm mưa làm gió trên dòng Chao Praya.

Ngoài ra, từ dòng Chao Praya, bạn có thể ghé thăm Pháo đài Phra Sumane từ bến số 13, làng Thái cổ Supatra River House ở bến số 10, chùa Wat Rakhang Khoristaram ở bến 9, Bảo tang quốc gia ở bến Maharaj, khu phố Tàu China Town ở bến 5,…. Nói chung là rất rất nhiều điểm để bạn ghé.




Hoàng hôn Chao Praya


Còn tôi, sau ngày lang thang hay sau buổi chiều lênh đênh trên sóng Chao Praya ngắm hoàng hôn, tôi thường theo con tàu vắng tênh đến bến cuối, nơi xa xăm tít tắp gần ngoại ô Bangkok, nơi có một chợ quê nghèo luôn đông đúc những người dân địa phương mua mua bán bán những hàng hóa đơn sơ với giá khoảng ½ giá tại Khaosan.




Một góc phố nhỏ nơi bến cuối khi đêm về



Tôi thường lang thang mãi ở đó, cười cười nói nói, chỉ chỉ trỏ trỏ, say say tỉnh tỉnh… đến khi chuyến tàu cuối cùng rúc lên hồi còi báo hiệu sắp rời bến mới vội vàng nhảy lên bong, xuôi sông đen về lại Khaosan.







I love Khaosan, too!



Tôi lại bắt đầu một đêm mới ở Khaosan – như mọi đêm!
“Dòng Chao Praya đẹp hả? Du lịch Bangkok hay quá há! Chỉ một nhát cắt ngang dòng sông mà lung linh quá! Không biết chừng nào sông Sài Gòn mình được vậy ta? Haizzz” “Tháng Mười. Nhất định là tháng Mười, sông Sài Gòn mình sẽ như vậy, không biết chừng còn hay hơn nữa”.



“Mà thôi, đợi đến tháng Mười hẵng tính. Hôm trước ông hứa kể chuyện Songkran cho tui nghe, bây giờ cuối tháng 3 rồi, còn mấy ngày nữa là tới Songkran rồi, ông tính xù tui hay sao mà còn chờ còn đợi gì nữa!” Chết cha, tui quên mất tiêu dzụ án này rồi. Lỡ hứa mà không làm kỳ lắm, mình đâu phải con mà nhà họ Hứa! “Okie, may mà mầy nhắc, nếu không tao quên mất đất luôn rồi. Songkran hả! Ối trời! Tao còn thèm khi nhắc đến, huống chi là mầy”.


* *
*


Songkran, Water Festival, Tết Té nước mừng mùa mưa đến hàng năm được tổ chức ở 4 nước (với các tên gọi khác nhau), trong đó, tôi chưa đi ăn Tết của Cambodia, Burma, còn của Thái (Songkran), Lào (Bun Pimai) thì dù tôi đã “ăn” mòn răng, vẫn còn thèm.


Tổ chức vào khoảng 12-15.04 hàng năm, có xê xích nhau 1-2 ngày tùy theo cách tính theo lịch của họ, Songkran được tổ chức vui vẻ nhất ở Chiangmai trên đất Thái. Còn ở Lào, sôi động nhất là ở Luang Prabang.


“Tết” được chuẩn bị linh đình từ trước đó, việc dựng rạp, lập sân chơi, gầy sòng bầu cua cá cọp… không nói, một trong những sự kiện đình đám nhất là việc tìm ra Hoa khôi của mùa Songkran, để buổi sáng đầu tiên của Tết, cũng là cuộc thi chung kết (điều này khác với bên Lào).



Duyên dáng trong nắng mới, ngày Tết mới. Xa xa là thành cổ Chiangmai




Nàng cười duyên với tui cà! Xinh hông?



Những ngày này, xe cộ đều kẹt cứng. Do vậy, nhiều lân, muốn từ Bangkok lên Chiangmai ăn Tết, tôi phải đi Lampang hoặc Phrae rồi từ đó mới đón xe đi tiếp Chiangmai. Mà các tỉnh nhỏ nó ăn Songkran tuy không vui bằng Chiangmai nhưng lại kéo dài ngày hơn. Do đó, nếu bạn nào hưỡn, ăn Songkran Chiangmai xong ghé đó chơi – vẫn còn vui.


“Mấy nường đó có cười với ông thiệt hông đó cha nội. Cưa bom vừa vừa thôi anh hai! Ông đừng tưởng có mình ông đi Songkran đâu nghen”.



“Tao nói dóc mầy làm gì! Mấy nường đó là mấy nường năm 2010. Mấy nường dưới đây là của năm 2008. Năm nào mấy nường cũng cười với tao hết. Mà nói cho mầy hay, tao có đầy đủ hình chụp với các nường hoa khôi của nhiều năm nghen. Tiếc là tao bận quần tà lỏn (vì cho nó mau khô khi bị tạt nước) đưa lên đây sợ bị tội Công xúc tu sỉ chứ không tao đưa lên cho mấy lác mắt chơi”.


“Ông cũng có hình mấy nường năm 2008 nữa hả. Đâu, cho coi dzới! Cỏn mấy tấm hình tà lỏn dây thun lỏng của ông, ông cứ ôm đó đi mà ngủ!”.


Đúng là cái thằng mắc dịch!





* *
*



Các thí sinh năm dự thi Nong Sao Muang Chiang Mai 2008












Năm nào họ cũng đẹp rực rỡ và rất dễ mến. Bạn thấy sao?


“Chơi gì kỳ cục dzậy cha nội!” nó thét lên chói lói!!! “Nói thiệt, hổng lý người nho nhã, thanh lịch (!?) như tui lại chửi bới lung tung chứ không là tui chửi tới tổ tiên 18 đời con rùa đen rồi. Tết Té nước qua 18 kiếp rồi, mà ông dắt tui tới đó, khều khều một cái rồi lặn mất đất luôn. Chơi gì kỳ cục dzậy cha nội!”
“Ack, ack, ack,… tao có lỗi, tao biết, nhưng mà mầy bớt giỡn giùm đi ku! Mầy mà “nho nhã, thanh lịch” thì chắc tao là Phan An, Tống Ngọc rồi…. Hé hé hé, mắc cười quá!!!. Quay lại vụ Tết Té nước, nói thiệt là tao cũng có lý do chứ hổng phải tự nhiên ngắt ngang hông dzị đâu!”



“Lại thanh minh, thanh nga cải lương tuồng cổ nữa cha nội! Thành thật khai báo đi, sẽ được cách mạng khoan hồng!” Trời ơi, bây giờ nó lại lên lớp tui nữa đây trời!!!
“Haizzz, có nhiều lý do, trong đó, cái chính là tao không muốn kể tuốt tuồn tuột hết chuyện, vì biết kỳ này có nhiều huynh đệ tỷ muội qua bển chơi. Còn gì là “khám” “phá” nếu biết hết ráo trơn ráo trọi mọi chuyện. Nên tao nín đó ku. Nhưng mà sao thấy đi rồi mà hổng thấy ai lên tiếng hết, nên nay tao mới tái xuất giang hồ nè!”



“Thiệt hết lý lẽ, pó bo-đì với cha nội luôn. Mà biết làm gì với cha nội giờ, cắt cữ bia? Thôi, kể tiếp đi cha nội!”



* *
*



Đẹp người, chưa phải là đủ - dù giờ ở nước Nam nhiều người quên mất chuyện này – nên bên cạnh việc thi về “dung”, về “ngôn”, “hạnh”, luôn có cuộc thi về “công”, đặc biệt là cuộc thi sắp xếp mâm lễ cúng, luôn là điểm thu hút cả ban giám khảo lẫn các khán giả nhiều chuyện, như tui!


Sắp xếp các mâm cúng, mỗi năm luôn có sự thay đổi khác lạ, nhưng nói chung đều rất lôi cuốn. Từ những nguyên liệu giản dị, kể cả những vật ít còn thấy ở nước Nam, như những quả cau chẻ sáu, bổ tám… các cô, các dì đều có thể tạo nên những mâm lễ sinh động.






Các mâm lễ từ các nguyên liệu đơn giản…











Chút chi tiết…



Không quá cầu kỳ long-ly-quy-phụng như những sắp xếp thường thấy ở 1 vài lễ hội quê nhà, các mâm cúng ở đây nhỏ nhắn, đúng nghĩa “mâm”, nhưng có lẽ vậy có rất nhiều mâm lễ khác nhau thể hiện sự tài hoa, cũng như cái tình của người phụ nữ khi thành tâm chăm chút sắp đặt. Điều đó làm tôi cũng ấm lòng, như khi thấy những người đẹp lung linh trên kia đang phô sắc khoe tài.




…nhưng nhớ đừng quên em nhe!!!.


Nếu đến Songkran Chiangmai, bạn nhất quyết không nên bỏ qua cuộc thi đơn giản nhưng hấp dẫn này – nếu còn chút tình hoài cổ!

Nói tới lễ hội, nói tới Thailand, một đất nước mà ăn vặt, ăn hàng, hàng rong đã trở thành “quốc hồn quốc túy”… mà không nói đến ăn uống thì quả là khiếm khuyết. Do vậy, nói đến Songkran mà không nói đến những hàng quán đong đầy những món ăn dân dã đặc sắc Thailand thì xem như chưa chơi Songkran Chiangmai vậy.



Không thể thiếu món padthai truyền thống



…hay những món salad nổi tiếng Thái-Lào














Rồi còn bao nhiêu những sắc màu lôi cuốn…


Những ngày tháng 4, là những ngày gần đến mùa xoài rộ của miền Bắc Thailand, rộ nhất là tháng 5. Tuy chưa vào đúng vụ, nhưng những ngày này, món cơm nếp trắng trong thơm dẻo, nước cốt dừa sóng sánh ngậy vị béo bùi và miếng xoài vàng ruộm thanh ngọt của Chiangmai quả là hút hồn du khách. Tuy vốn không hảo lắm với những món ăn nhiều tinh bột, chất béo, vị ngọt nhưng món cơm nếp xoài bày biện đẹp đẽ, từ trong quán xá, đến những lúc lon ton cầm túm lá chuối, hộp giấy xốp…. món cơm nếp xoài luôn là người bạn thân mến của tôi những ngày Songkran Chiangmai. Giờ vẫn còn nhớ những cú cắn ngập răng vào miếng cơm nếp dẻo quẹo thơm ngất ngây, ngụm nước cốt dừa béo tê tái, miếng xoài thơm thanh ngọt hòa vào nhau… Tiếc là lâu quá, tôi quăng mấy cái hình đó ở đâu, không kiếm ra được, chứ nếu không… chẹp chẹp chẹp…



Món đưa cay hảo hạng…


Phố phường Chiangmai, Thapae Gate, chợ đêm… những ngày này rực lên những sắc màu những món ăn dân dã, từ món padthai truyền thống đến những món sushi mới gia nhập,… hay cả những vòng khoai chiên một cách nghệ thuật rất dễ đưa hồn những lữ khách lãng đãng vào cơn quên lãng…


Nhưng mà, vẫn chưa thấy không khí của Tết Té Nước hén.







Ai “hot” hơn ai?



Thực ra là 1 ngày trước Tết, cư dân thành Chiangmai, nhất là quần chúng ở gần cửa thành Thapae, đã bắt đầu đóng cửa hàng quán và Té nước. Một điều giúp cho Songkran Chiangmai đông vui nhộn nhịp chính là nhờ con kênh, vốn ngày xưa bao quanh thành xưa, giờ chạy giữa phố, vẫn ôm lấy thành cổ. Nước của con kênh này được sử dụng để té vào nhau, như là nguồn nước chính, nhất là cho bọn trẻ chiếm cứ bờ kênh. May mà nước trong con kênh dù không còn xanh ngời nhưng vẫn sạch, chứ như nước kênh Nhiêu Lộc thì chắc du khách đã kéo nhau đi, bỏ lại Chiangmai hoang vắng, chứ không đông đúc như bây giờ.




Vàng nắng và vàng hoa những ngày Songkran Chiangmai




“Tuyết rơi mùa hè” có làm Chiangmai bớt nóng bỏng?


Những ngày tháng 4, Chiangmai, dù được cho là một trong những thành phố mát mẻ nhất của Thailand, vẫn nắng đổ lửa. Cái nắng tháng 4 miền cao nguyên này càng thêm rực rỡ khi những hàng hoàng điệp nở rộ đổ thêm ánh vàng trên trời xanh, rắc thêm thảm vàng dưới đường nắng… làm Chiangmai đã rực rỡ càng thêm nồng nàn…








… Hãy chọn em làm Hoa Khôi Songkran Chiangmai nghen anh! Nhưng em nào cũng đẹp hết, anh biết chọn em nào đây?


39




Nét duyên lạ ở chùa Chiangmai…


Những ngày lễ tết, cũng là những ngày người châu Á thường hay đi lễ chùa. Ở đất nước Phật giáo là quốc giáo như Thailand, thì đương nhiên chùa chiền những ngày vui tết năm mới luôn là nơi tìm về linh thiêng để cúng dường, dâng hương, cầu nguyện… của các thiện nam tín nữ. Tuy những sự kiện chính của Songkran (cũng như Pimai Laos) luôn có những cuộc rước các linh tượng, các cuộc diễu hành của các nhà chùa, các nhà sư… nhưng ngoài thời gian diễn ra các sự kiện đó, các sân chùa thênh thang của Chiangmai những ngày này rực rỡ nắng vàng, hoa vàng và mênh mang khói hương trầm… và những bóng người im ắng, lặng lẽ nhẹ bước trong cái nắng tháng 4 xôn xao…



Chùa xưa...






... chùa mới



Trong những giờ phút tạm lánh xa đám đông ồn ào vui vẻ nhiệt náo ngoài kia, các góc vắng sân chùa thường là những điểm tôi tìm về trong nhiều những mùa Songkran tôi vui lang thang.



Dưới bóng cổ thụ…








… hay bên hoa vàng…



Những ngôi chùa miền Chiangmai này lung linh nhiều sắc thái dễ làm cho du khách ngẩn ngơ, mê đắm… Những kiến trúc kiểu Khmer hay Ayuthaya, hay gần hơn, những kiến trúc Tiểu thừa rực rỡ đặc trưng của Thailand… đều dịu dàng hòa quyện vào nhau, dưới bóng xanh ngắt cổ thụ, vào những bóng thốt nốt vút thẳng đơn độc kiêu hãnh giữa đất trời, bên những hàng tre êm xanh như nơi cuối con sông mẹ Maekhong, hay dịu sắc bên bóng những hàng bò cạp nước đang rực rỡ nở vàng… làm bóng áo vàng ai đi đang xa dần giữa đường trưa… mờ khuất, chìm xa… như đang chìm sâu, đang tan vào Songkran Chiangmai những ngày tháng 4 vàng nắng…



… Và những giọt nước mát lành của Songkran sẽ làm dịu mát Chiangmai… chưa kể những Singha dịu dàng hay Chang cuồng nhiệt… và cả những nụ cười của gái xinh nữa hén….!!!!

 40








Tây hay ta, áo vàng hay áo đỏ… đều hòa trong nhịp vui Songkran



Trong một mùa Songkran, sau những cơn vui dường như bất tận của những trận “thủy chiến”, người ướt đẫm, tôi tạm dừng cuộc chiến, lang thang tìm một góc vắng Chiangmai để tạm nghỉ ngơi, với Singha đã lạnh càng thêm lạnh ngắt khi tôi ngã người bên dòng kênh… và ở đó, tôi đã gặp một Songkran khác, thật dịu dàng.



Rộn ràng những đoàn xe hoa…



… uyển chuyển những điệu múa dịu…



Giữa những người vui đang hân hoan mùa Songkran, bên bờ kênh, một bà mẹ trẻ gương mặt thật hiền và buồn, đang dịu dàng vẩy nước lên một bé trai đang ngồi trên chiếc xe lăn. Dù khuôn mặt bé thật sáng, nhưng qua những cử chỉ, dáng điệu, cũng dễ dàng nhận ra bé có vấn đề về não. Dù vậy, bé dường như cũng cảm nhận được sự khác thường của ngày Songkran nên có vẻ tươi tỉnh. Bà mẹ trẻ dịu dàng múc nước cho bé chơi và nhẹ nhàng té nước cho bé. Và, suốt thời gian tôi ngồi đó, tôi thấy hầu như những người dân ngang qua đều ghé đến bên bé, ân cần té những ngụm nước nhỏ cho bé và (dù tôi không hiểu, tôi cũng biết) luôn gửi đến bé những lời cầu phúc cho một ngày mai tốt lành.



Em bé Chiangmai…


Tôi cũng chỉ biết làm vậy, dù tôi không thể sẻ chia với bé và mẹ, vì ngôn ngữ bất đồng. Nhưng tôi biết rằng, mùa Songkran năm đó, dù vẫn còn vấn vương nỗi buồn cho bé, lòng tôi đã ấm hơn… vì sự chia sẻ ấm áp của người dân hiền miền Chiangmai.



Đêm về.


Nên, đêm đó, lang thang trong chợ đêm, ngất ngưỡng bên Chang nồng nàn
, tôi vẫn nhớ về một chiều ấm áp Songkran, nơi tình người được sẻ chia…



“Thôi, tui thấy ông cà kê dê ngỗng Songkran Chiangmai dzậy là quá xá đủ rồi đó! Cái gì mà vừa dài vừa dai thì nó sẽ dở. Ông chuồn sớm đi, cho đỡ bị ném đá, rồi quê một cục, tội nghiệp!” Nó thẽ thọt châm chích mà còn làm như ban ơn. Đồ mắc dịch! “Ê ku! Songkran Chiangmai cũng không đến nổi tệ như mầy ném đá dzị đâu nghen! Có nhiều điều hay ho lắm tao còn chưa nói tới mà. Nhưng thôi, tao thấy nó cũng hơi dài dài rồi, nên tao dzọt luôn, rồi hồi nào hưỡn hưỡn tao quay lại, chứ không phải là do mầy nói đâu nghen ku!”.



“He he he, lâu lâu mới thấy ông nghe lời tui. Phải chi mà lúc nào cũng biết điều dzậy thì hay biết mấy!”. Được voi, nó đòi luôn Hai Bà Trưng đây trời!!! “Hổng phải dzậy đâu ku! Trước khi rời Songkran Chiangmai, chia sẻ thêm tý thông tin để xem mầy có thèm nhỏ dãi không?”



* *
*


Nakhon Si Thamarat...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét