a

Mời các bạn bấm vào cuối trang BÀI ĐĂNG CŨ HƠN để đọc tiếp. Những bài viết về trường Trung học Bán Công Định quán được đặt trong thư mục KÝ ỨC HỌC TRÒ.

Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

Những người tình một thuở của Trịnh Công Sơn



Mỗi lần nghe người yêu nhạc nói chuyện tình của Trịnh Công Sơn (giai đoạn đầu) tôi bỗng thấy nhớ và tự bảo thầm “nào ai có biết chuyện tình trong nhạc của Sơn cũng chính là chuyện tình của tôi, của thế hệ tuổi tôi”.

Những người tình một thuở của Trịnh Công Sơn shopping entertainments

ảnh minh họa
Nói như thế bạn đọc sẽ mím môi “thấy sang bắt quàng làm họ”. Nếu không có những giãi bày sau đây thì nghĩ như thế không có gì sai cả.

Thành phố Huế xưa nay vốn rất nhỏ. Người đẹp của núi Ngự sông Hương phần lớn tập trung ở hai ngôi trường Đồng Khánh- Quốc Học, từ sau năm 1957 có thêm Đại học Huế. Thế hệ nào cũng có những giai nhân của riêng mình. Giai nhân có ít mà người mê thì nhiều. Một người đẹp nào đó có hàng chục người “bước theo gót hài”. Tiểu sử của các cô các chàng trai đều thuộc lòng.

Nhưng như chính Xuân Diệu đã từng thú nhận “Yêu rất nhiều mà nhận chẳng được bao nhiêu”. Không “nhận” được vì nhiều lý do: Thời ấy, ít có cô gái Huế nào đẹp mà chịu lấy những chàng trai ngang trang ngang lứa. Các cô gái đẹp thường được cha mẹ gả cho những người đã có danh vọng, có sự nghiệp chắc chắn. Rất hiếm thấy các anh chàng lông bông học hành chưa tới mà có người yêu đẹp xuất thân trong các gia đình gia giáo.

Tuy nhiên trong thế hệ tôi, chính vì các hố ngăn cách ấy đã nảy sinh ra biết bao mối tình thầm lặng, yêu một chiều và khi nó xảy ra với những người về sau xuất chúng như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì chúng trở thành những chuyện tình bất tử.
“Cuối cùng cho một tình yêu”

Tôi có một người bạn gốc Nha Trang, đang học vẽ nhưng anh lại tỏ ra có tài thơ. Anh yêu cô Đỗ Thị Lệ Th. – em gái của một hoạ sĩ Đỗ B. Cô Lệ Th. có mái tóc thề mượt mà, dáng đi nhẹ nhàng dễ thương giống như cái tên Lệ Th. của cô vậy. Những ai đã gặp Lệ Th. thì không thể không mất ngủ vì cô. Anh bạn tôi yêu Lệ Th. và làm thơ lấy biệt hiệu là Th. Nguyệt. Nhưng rất tiếc gia đình Th. Nguyệt rất nghèo, anh lại chưa có sự nghiệp, nên anh đã thua cuộc trước bạn anh là hoạ sĩ Tôn Thất V.

Cùng thắng cuộc theo kiểu của V., có hoạ sĩ Đ.C. với cô T.Nh. Hồi T.Nh. học Đại học Văn khoa, nhiều người phải lòng T.Nh., nhưng trong số ấy không ai tài hoa và kiên trì bằng Đ.C. nên anh đã thắng. Đ.C đã vẽ nhiều tranh lấy cảm hứng từ T.Nh.Xem tranh thiếu nữ của Đ.C., Trịnh Công Sơn, Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường và kể cả người kể lại chuyện này, cũng đều thấy người đẹp của “mình ở trong”.

Ở Đại học Văn khoa Huế lúc ấy lại có cô Trần Thị Nh.H., Nh.H. không nằm trong danh sách người đẹp, nhưng cô hay mặc áo dài tím, với dáng đi “mềm mại như tơ”, hát hay nên H. được mến mộ không kém người đẹp. Hoạ sĩ Trịnh Cung lúc còn học Mỹ thuật Huế rất mê Nh.H. và tuyệt vọng, anh đã làm nên bài thơ Cuối cùng cho một tình yêu. Bài thơ này đã được Trịnh Công Sơn phổ nhạc và nổi tiếng gần bốn mươi năm qua.

Điều không ai hiểu nổi là: “Cho đến nay (2002) Nh.H. đã có gia đình, đã có cháu nội cháu ngoại mà cô vẫn chưa biết bài thơ phổ nhạc bất hủ ấy Trịnh Cung đã làm cho chính Nh.H.” (lời thú nhận của Trịnh Cung với tôi).

Cùng một mẫu yêu như Trịnh Cung, Trịnh Công Sơn đã yêu Ph. Th. – em ruột của ca sĩ Hà Thanh. Bạn âm nhạc của Trịnh Công Sơn lúc ấy có Lê Gia Phàm, Hà Thanh và Thanh Hải (Hồ Quang Hải). Lê Gia Phàm yêu Hà Thanh. Trịnh Công Sơn, Thanh Hải (học Đệ nhất với tôi và bác sĩ Trương Thìn sau này) đều yêu Ph.Th. Và, không chỉ hai người ấy, nói chung những người quen biết gia đình Hà Thanh, hay học cùng một lứa (promotion) với Ph.Th. đều là “đệ tử” trước vẻ đẹp thánh thiện của Ph.Th. cả.

Trong số “bái phục giai nhân Ph.Th.” ấy, Trịnh Công Sơn thuộc loại quán quân. Sau này có lần Trịnh Công Sơn kể lại là: “Hà Thanh có đến bốn năm người em gái, mình ngồi nói chuyện với Hà Thanh, mỗi lần Ph.Th. đến sau lưng mình là mình biết ngay. Khi nào cô ấy đến gần thì có một mùi hương đến trước. Nhờ cái mùi hương ấy mà mình không bao giờ nhầm Ph.Th. với các cô em gái khác của Hà Thanh”.

Chưa bao giờ Trịnh Công Sơn dám tỏ tình với Ph.Th. và Ph.Th. cũng chưa bao giờ có một cử chỉ khiến cho người bạn âm nhạc của chị mình hiểu nhầm là cô có cảm tình riêng với bạn chị. Thế mà Trịnh Công Sơn đã si tình và nhờ cái vẻ đẹp thánh thiện “em đứng lên gọi mưa vào hạ” ấy của Ph.Th. mà anh đã viết nên mấy bài hát Nhìn những mùa thu đi, Nắng thủy tinh, và Gọi tên bốn mùa.

Ph.Th. lập gia đình với ông Tiến sĩ B. làm Trưởng khoa Luật rồi làm Bộ trưởng Giáo dục, “tuổi tác không cân xứng nhưng danh vọng và sắc đẹp thì đẹp đôi”. Sau đó vì thời cuộc Tiến sĩ B. mất sớm, Ph.Th. vẫn giữ sự đoan trang, đức hạnh nuôi dạy các con ăn học đến nơi đến chốn tại Boston (Hoa Kỳ). Cuối năm 2000, gặp lại Hà Thanh và Ph.Th. tại Huế, tôi vẫn thấy hai chị em này “không sợ thời gian”, vẫn đẹp như “nắng thủy tinh” thuở nào. Nhớ lại chuyện xưa, các cô rất vui và xem đó là những kỷ niệm đẹp của giai đoạn đẹp nhất của đời mình. Tuy chỉ mới một chiều, nhưng bạn bè thuở ấy của Trịnh Công Sơn vẫn xem chuyện Trịnh Công Sơn si mê Ph.Th. là “mối tình đầu” của anh.
Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn và Phạm Duy
“Hai mươi năm xin trả nợ dài”

Khoảng năm 1962, gia đình Trịnh Công Sơn gặp khó khăn kinh tế, gian phố lớn ở đường Phan Bội Châu (Ngã Giữa) phải sang cho người khác và qua thuê một căn hộ ở tầng 1 dãy lầu mới xây ở đầu cầu Phủ Cam [1].

Hằng ngày Trịnh Công Sơn đứng trên lầu ngắm các cô nữ sinh đi qua cầu Phủ Cam, đi dọc theo đường Nguyễn Trường Tộ đến trường Đồng Khánh. Trong đám xuân xanh ấy có cô Ngô Thị Bích Diễm - con gái thầy Ngô Đốc Kh.- người Hà Nội, dạy Pháp văn tại trường Đồng Khánh và trường Quốc Học Huế. Bích Diễm giống bố, người dong dỏng cao, nét mặt thanh tú, bước đi thong thả nhẹ nhàng.

Con người của Diễm rất hợp với cái tên Diễm và cũng thích hợp với tâm hồn bén nhạy của Trịnh Công Sơn. Anh yêu Diễm mê mệt. Những ngày không thấy Diễm đi qua anh đau khổ vô cùng. Anh trông thấy con đường trước nhà “dài hun hút cho mắt thêm sâu” (Diễm xưa). Nhưng anh cũng biết gặp Diễm để nói lên nỗi đau ấy không phải là chuyện dễ.

Thầy Ngô Đốc Kh.- thân sinh của Diễm, là một ông giáo rất nghiêm. Ông không thể chấp nhận một anh chàng chưa có bằng đại học, tóc dài, cằm lún phún râu chuyện trò với các cô con gái đài các của ông. May sao lúc ấy hoạ sĩ Đinh Cường thuê nhà ở gần nhà Diễm để làm xưởng vẽ. Hai bạn canh chừng những khi thầy giáo có giờ dạy, mà Diễm đang ngồi ở nhà học bài thì hai bạn liền “liều” mình qua thăm. Những lần liều đầy mình ấy, có khi Diễm tiếp, có khi Diễm để cho người nhà tiếp và cũng có khi đang có bố ở nhà Diễm tránh để cho khách ngồi chơi xơi nước rồi tự ý ra về.
Khác với Ph.Th., Diễm biết Trịnh Công Sơn yêu mình và trái tim cô nhiều khi cũng rung động. Nhưng lúc ấy Diễm không thể vượt qua được sự nghiêm khắc của gia đình để nói cho tác giả Ướt mi biết điều đó. Trịnh Công Sơn trút hết nỗi lòng yêu Diễm vào bài Diễm xưa như sau này Sơn đã kể lại nhiều lần. Có một điều lúc ấy Sơn không để ý: Những lúc Trịnh Công Sơn đến nhà Diễm, thì Dao A. - em gái của Diễm còn là một cô bé, nhỏ hơn Diễm đến 4-5 tuổi, chạy loăng quăng theo chị. Không ngờ chỉ mấy năm sau Dao A. trở thành một thiếu nữ xinh đẹp với khuôn mặt bầu bĩnh, dễ thương khác thường.

Với cái cầu đã bắc từ hồi yêu Bích Diễm, nay Bích Diễm đã vào học đại học ở Sài Gòn, tâm hồn của Sơn qua cây cầu cũ, nói như Đinh Cường “Sơn lại da diết với cái dáng vẻ khoan thai, áo lụa vàng của Dao A. để rồi thất vọng, để rồi...”. Khác với những lần yêu trước, thất vọng về Dao A.,Trịnh Công Sơn không bắt nhạc của anh phải mang cái gánh thất tình của anh.

Không ngờ hai mươi năm sau, trải qua bao nhiêu dâu bể, từ bên Mỹ, Dao A. trở về Việt Nam tìm Trịnh Công Sơn. Không rõ Dao A. nói gì với Sơn, và còn gì nữa không, mà anh đã rất hài lòng với thực tại “ Hai mươi năm xin trả nợ dài, Trả nợ một đời em đã phụ tôi” (Xin trả nợ người). Trong hai mươi năm ấy, Dao A. đã có gia đình, đã hiểu rõ cuộc đời, nên “hết phụ” tình Trịnh Công Sơn. Như Đinh Cường đã viết: “Tháng cuối cùng trước khi Sơn mất, Dao A. về thăm, suốt tuần sáng nào A. cũng đến ngồi bên chiếc xe lăn của Sơn, chỉ còn biết nhìn Sơn, cho đến chiều tối mới về nhà”.

Trịnh Công Sơn yêu Dao A. phải trải qua hai mươi năm mới “nhận” được lời đáp. Tuy đã quá muộn, nhưng trên cõi đời này có mấy ai được yêu và được nhận có một khoảng cách dài lâu đến thế đâu!

“Coi như phút đó tình cờ”

Gặp người đẹp Trịnh Công Sơn dễ yêu, mà không riêng gì Sơn, các bạn thân sơ của anh cũng đều như thế. Sơn không nề hà chuyện yêu một chiều, không sợ đau khổ vì tình phụ, đã yêu là yêu mãi, yêu hoài, yêu hết mình. Nhưng cũng có lúc anh “chán tình”, vì cho rằng mình yêu nhầm.

Ngày ấy, ở bên kia sông Thọ Lộc, đối bờ với nhà tôi, thuộc phường Vỹ Dạ, có cô nàng tên Nguyệt, rất đẹp. Trịnh Công Sơn đã yêu say đắm. Vô tình, trong lúc nói chuyện với Sơn, cô buột miệng khen một anh chàng nào đó đẹp trai “vì anh ấy lai Tây”.

Chỉ một chuyện vô tình rất nhỏ, thế mà Trịnh Công Sơn cảm thấy bị xúc phạm, anh không thể hiểu nổi một người mình yêu mà lại có một quan niệm thẩm mỹ “lệch lạc” đến như thế. Tất cả những yêu thương Nguyệt trong lòng anh bỗng nhạt nhoà hết. Anh viết bài Nguyệt ca. Anh ca ngợi cô nàng Nguyệt hết lời khi “trăng là Nguyệt”.
Nhưng khi anh phát hiện ra: “Từ trăng thôi là Nguyệt”, Nguyệt không phải là người anh mơ uớc, anh xem chuyện anh yêu Nguyệt “coi như phút đó tình cờ” và về sau anh không nhắc đến Nguyệt nữa. Tuy nhiên đối với tôi và nhiều bạn bè của anh, mong sao Sơn có nhiều dịp yêu “tình cờ” như thế để anh có thêm nhiều Nguyệt ca nữa.

Trịnh Công Sơn yêu rất nhiều, về sau có thêm Bich Kh. (như tôi đã viết nhiều lần), có Chu Nguyệt Ng., có Michiko, có Hồng Nhung... nhưng định mệnh vẫn cứ bắt anh phải đứng trước cái ngưỡng của tình yêu. Nếu anh còn sống thêm vài mươi năm nữa, sẽ “còn ai nữa”... và cũng thế thôi.

Nếu anh bước qua khỏi cái ngưỡng ấy thì chưa chắc anh đã có được cái địa vị “người sáng tác nhiều nhạc tình hay nhất thế kỷ”. Tôi viết điều ấy với kinh nghiệm thực tế. Có một người làm thơ, bạn của Trịnh Công Sơn, cưới được một cô nàng hồi đi học ngồi cạnh Dao A. của Sơn, về sau “người ấy” không còn thơ nữa (đó không phải là một trường hợp cá biệt). Trịnh Công Sơn bị “tình phụ”, còn người ấy lại bị “thơ phụ”.

Hơn sáu mươi năm nhìn lại cuộc đời, tôi xin tạ ơn những giai nhân đã làm “sáng giá” cho tuổi trẻ của chúng tôi. Vẻ đẹp của các cô là hành trang đẹp cho suốt cuộc đời theo đuổi chân thiện mỹ của lứa tuổi tôi. Chúng tôi không những giữ hình ảnh các cô trong tâm hồn mà còn giữ được hình ảnh thực của người đẹp trong các tập album.

Cám ơn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cám ơn Trịnh Cung, cám ơn Đinh Cường... nhờ tài năng của các bạn mà những người đẹp trong tâm hồn, trong các tập album của thế hệ chúng ta trở thành vĩnh cửu.


Nguồn đọc thêm: http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=39013#ixzz1nloaMedG
http://www.xaluan.com/

Người tình nào của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được nhắc đến?


02-07-2009
SONG NGUYỄN
Cách đây mấy năm, tôi nhớ có một phóng viên hỏi ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh - cô em út của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, rằng: “Gần đây một người được cho là người tình cuối cùng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã đi lấy chồng, không biết gia đình có quan tâm đến điều đó không?” Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh cười, đáp: “Người nào cũng đòi làm người tình cuối cùng của anh Sơn hết. Cái đó tôi không biết và cũng không để ý. Anh Sơn là một nhạc sĩ, một bóng hồng đẹp đi qua anh cũng làm được một bài nhạc hay một bài thơ”.
Câu trả lời của ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh rất ấn tượng đối với những người nghiên cứu nhân văn. Người tình cuối cùng, người tình đầu tiên, người tình trong giai đoạn x, y gì gì đó không đáng quan tâm mà chỉ nên lưu ý đến “những bóng hồng đẹp” đã đi qua đời Trịnh Công Sơn và đã giúp cho Trịnh Công Sơn để lại cho đời “một bài nhạc hay một bài thơ” hay mà thôi. Thật thế, nhắc đến những người tình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không phải để dựng lên những chuyện tình éo le, say đắm, đam mê, nghiệt ngã của hai xác thịt cọ xát bốc lửa, cuồng dại, thất vọng, rã rời... (vì Trịnh Công Sơn không có những chuyện tình như thế) mà chỉ để hiểu trong hoàn cảnh nào nhạc sĩ đã sáng tác nên những “tuyệt tác” đang sống giữa chúng ta mà thôi.

Những người thân và bạn bè anh cho biết có nhiều người đẹp đi qua đời anh mà nay ít được nhắc đến chỉ vì một lý do hết sức giản đơn: Những người đó không gây cho Trịnh Công Sơn sáng tác được một bài thơ, bài nhạc nào cả. Hồi giữa những năm tám mươi thế kỷ trước, Trịnh Công Sơn đưa cô Ng. (Việt kiều) về Huế giới thiệu với quê hương bạn bè, thăm viếng đền đài lăng tẩm trước khi tổ chức lễ cưới ở TP HCM. Bạn bè và người yêu nhạc Trịnh ở cố đô rất vui mừng háo hức chuẩn bị đi đám cưới Trịnh Công Sơn. Nhưng rồi như một cánh hạc bay, tất cả chỉ còn lại một kỷ niệm, không hề lưu lại một bóng dáng nào của Ng. trong một bài thơ nhạc nào của họ Trịnh cả.
Chắc bạn đọc còn nhớ chuyện Hoàng Phủ Ngọc Tường viết: Trịnh Công Sơn đã từng trao nhẫn cưới cho cô Thanh Thuý (người Hoa) ở đất Sài Gòn (cũ) này, nhưng ai đã thấy bóng dáng của người được nhận nhẫn cưới ấy trong một sáng tác nào của Trịnh Công Sơn chưa? Chưa.

Nhắc đến Thanh Thuý lại nhớ đến Thanh Thuý (ca sĩ giọng trầm) của Huế xưa. Năm 1959, Trịnh Công Sơn cảm xúc trước hoàn cảnh của Thanh Thuý đêm đêm phải đi hát để nuôi mẹ già, anh đã viết nhạc phẩm “Thương một người” để tặng Thanh Thúy: "Thương ai về ngõ tối, sương rơi ướt đôi môi... Thương ai về xóm vắng, đêm nay thiếu ánh trăng... Thương ai màu áo trắng trong như ánh sao băng...". Nhiều người cho rằng Thương một người là tác phẩm đầu tay của Trịnh Công Sơn.

Bích Diễm
Với Bích Diễm, cô nữ sinh trường Đồng Khánh 17 tuổi hằng ngày qua lại trước nhà anh ở đường Nguyễn Trường Tộ, anh đã “phải lòng” và viết được Diễm Xưa. Anh là bạn với ca sĩ Hà Thanh. Những bài hát đầu tiên của Trịnh Công Sơn lên sóng phát thanh ở Huế đều qua giọng hát của Lê Gia Phàm và Hà Thanh (tên thật Lục Hà). Những lần đến nhà Hà (gần ga Huế) Trịnh Công Sơn gặp được cô em gái xinh đẹp Phương Thảo của Hà, anh “mê mẩn” tinh thần. Dần dần một tình yêu trong suốt dậy lên trong lòng anh và anh viết Nắng thuỷ tinh “Màu nắng hay là màu mắt em / Mùa thu mưa bay cho tay mềm / Chiều nghiêng nghiêng bóng nắng qua thềm / Rồi có hôm nào mây bay lên”.
Ngày vào học Sư phạm ở Quy Nhơn, anh gặp một “nàng Tôn nữ” của Huế sống ở Nha Trang tên là Bích Khê, anh không ngăn nổi xúc cảm trong lòng. Những đêm trăng sáng Trịnh Công Sơn cùng bạn bè cùng quê như Trương Văn Thanh, Ngọc Trinh, Bích Khê ra biển hóng mát, ngắm trăng. “Tình yêu” đang độ thì cô nàng về Nha Trang nghỉ tết. Ở lại thành phố “đèn vàng” Quy Nhơn một mình, Trịnh Công Sơn diễn tả nỗi nhớ Bích Khê với bài Biển nhớ: “Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về / Chiều sương ướt đẫm cơn mê / Trời cao níu bước sơn khê”. Không rõ hai chữ sơn khê tác giả viết vô tình hay hữu ý, nhưng các bạn học của anh lúc ấy bảo nhau “Đó là tên của hai người Trịnh Công Sơn và Tôn Nữ Bích Khê”. Mới đây (cuối năm 2006), trên tạp chí Kiến thức ngày naytrích “Chuyện tình của cô Nga My với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn” cho biết: sau chuyến đi chơi ở Đà Lạt với nhau, Trịnh Công Sơn sáng tác bài Hoa vàng mấy độ.

Hồng Nhung (Bống)
“Chuyện tình” của Trịnh Công Sơn với ca sĩ Hồng Nhung lâu nay báo chí đã nói đến nhiều. Trong một trang báo điện tử dành riêng cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có người viết rằng: “Khi Hồng Nhung đi biểu diễn xa, một cô bạn của Hồng Nhung đến thăm Trịnh Công Sơn và nói: “Con Bống sao giờ này đi chưa về?”. Sơn hỏi: Bống là ai? Cô bạn kể: Hồi mẹ Nhung mang bầu Nhung, thường ra bên Hồ Tây (Hà Nội) ngắt sợi tóc dài của mình thả xuống hồ câu cá bống... miệng gọi “bống bống bang bang”, thế rồi đặt tên đứa con chào đời ít lâu sau đó là Bống. Và, Trịnh Công Sơn ngồi bên đàn, nắng vàng đổ xiên góc tường, bài hát ”, và nếu Trịnh Công Sơn còn tại thế có lẽ sẽ còn nhiều “Bống bồng ơi” nữa ra đời. Một sự ngẫu nhiên kỳ thú, con “Bống” bé nhỏ nổi tiếng ấy lại là cháu của Nguyễn Thị Nga My - người đã từng gây cảm xúc cho Trịnh Công Sơn viết Hoa vàng mấy độ.Bống bồng ơi ra đời

Nga My
Bài viết này không tiện nhắc lại tất cả những người đẹp đã có bóng dáng trong sự nghiệp âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Đây chỉ là những dẫn chứng để gởi đến độc giả ý tưởng: Viết chuyện tình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để hiểu nhạc của anh hơn, thấy hay hơn, dễ nhớ hơn chứ không phải khai thác để “câu” những người đang yêu. Chưa hiểu hết những người đẹp ấy thì tiếp tục tìm hiểu đầy đủ hơn. Còn những người đẹp đi qua đời anh mà không để lại gì “cho nhau” một câu thơ đoạn nhạc nào thì coi như là chuyện riêng.
Theo dõi những con người đẹp đã làm nên “lịch sử” âm nhạc Trịnh Công Sơn tôi thấy có vài điều thú vị: Có người đẹp được yêu, đã thành thơ thành nhạc mà cho mãi đến khi Trịnh Công Sơn giã biệt cuộc đời họ mới biết (Phương Thảo). Có hai dì cháu, hai chị em cùng yêu Trịnh Công Sơn trong hai thời kỳ cách xa nhau (Nga My - Hồng Nhung và Bích Diễm - Dao Ánh). Trịnh Công Sơn với bạn gái cùng ngủ qua đêm trên một giường hẹp mà vẫn không “quấy phá gì” nhau (Nga My). Có người yêu Trịnh Công Sơn nhưng chôn chặt trong lòng để sống hạnh phúc với chồng con (Bích Khê). Đặc biệt nhất, tất cả những người Sơn yêu “phần chính đời sau” dù phải sống trong hoàn cảnh nào đi nữa đều rất đoan trang, không thẹn với những gì Trịnh Công Sơn đã dành cho mình.

Phương Thảo
Các bạn trẻ yêu nhạc Trịnh Công Sơn ngày nay cho đó là những chuyện xưa. Nhưng họ không ngờ: Nhờ có những chuyện tình xưa thơ mộng ấy mới có những tình ca bất hủ. Phải chăng hiện nay thiếu tình ca vì xã hội đang thiếu những chuyện tình như thế?
===========
Phố Trịnh và những cuộc tình dang dở
Có một điểm đặc biệt trong những bài hát viết cho những bóng hồng mà nhạc sĩ Trinh Công Sơn thương yêu thường gắn với con phố, những nơi mà ông đã đi qua và chúng bất ngờ trở thành biểu tượng của tình yêu, hay sự chia xa...
Trong kho tàng ca khúc của Trịnh Công Sơn, ta có thể thống kê ra hàng trăm từ "phố". Ngay chỉ với 122 bài do chính tác giả tự chọn lúc sinh thời, (trong tập "Nhạc Trịnh Công Sơn" - NXB Âm nhạc, 1995), với ba phần: "Bên đời hiu quạnh"; "Trong nỗi đau tình cờ" và "Thuở ấy mưa hồng" thì đã có tới 45 bài xuất hiện chữ "phố" hoặc tả hình ảnh đường phố.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. 
1- Tình bơ vơ "Gọi tên bốn mùa"
Có thể nói, đây là chuyện tình đầu tiên của Trịnh Công Sơn, khi anh mới hai mươi tuổi, và đang sinh hoạt trong một ban nhạc ở Huế. Cô gái xinh xắn và có nét đẹp thánh thiện ấy là P.T, em gái ca sĩ Hà Thanh. Nhiều anh chàng  thầm yêu, trộm nhớ cô nàng, nhưng không ai thể hiện rõ rệt và si mê như Trịnh Công Sơn. Sự đời thật trớ trêu, Ph. Th không hề có bất cứ một cử chỉ nào, ngay kể cả một ánh mắt gửi trao cho chàng nhạc sĩ trẻ tài hoa, lúc đó đã nổi tiếng với ca khúc "Ướt mi". Trịnh Công Sơn say đến mức còn nhận biết cả mùi hương toát ra từ người cô gái ấy.
Mặc dù tình yêu không được đáp lại, nhưng Trịnh Công Sơn vẫn ước vọng và đã sáng tác tới ba bài hát để thể hiện tình cảm của mình.
Đặc biệt, hình ảnh phố lấp lánh hiện lên trong nét vẽ thủy mạc, qua giai điệu đầy tâm trạng làm xao xuyến lòng người: "Chiều tím loang vỉa hè/ Và gió hôn tóc thề". Nhưng có lẽ phố hiện lên khắc khoải hơn trong bài "Gọi tên bốn mùa", đó là câu: "Hàng cây khô tình bơ vơ/ Hàng cây đưa em đi về/ Giọt nắng nhấp nhô".
Chẳng bao lâu nàng P.T đi lấy chồng. Trịnh Công Sơn buồn ủ ê mất một thời gian. Nhưng sau cuộc tình bơ vơ ấy, anh đã để lại cho đời ba bài hát rất đặc sắc, mở đầu cho những khúc tình ca của mình về sau này .

Bản thảo ca khúc "Diễm xưa" của Trịnh Công Sơn.
2- Tình ngóng những chuyến mưa qua
Duyên số hai lần "đò" sau của Trịnh phải nói thật như trời xui đất khiến. Nó giống như các cụ xưa nói: "Tình chị duyên em". Số là vào năm 1961, Trịnh Công Sơn để mắt tới nữ sinh Ngô Vũ Bích Diễm, mỗi khi cô đi qua nhà mình ở đầu cầu Phú Cam. Người đẹp có dáng cao, nét mặt tươi rói, thông minh, nhìn rất đài các và hấp dẫn, với bước đi khoan thai nhẹ nhàng trên đường phố Huế. Nhưng mối quan hệ này bị gia đình nhà Diễm phản ứng, bởi hình ảnh cậu học trò Trịnh Công Sơn hay rong chơi, với giới "xướng ca vô loài" sẽ chẳng có tương lai. Thế là "Diễm xưa" ra đời trong cuộc tình đắm say đơn phương của anh chàng họ Trịnh. Hình ảnh phố cũng hiện lên ngay từ câu mở đầu: "Mưa vẫn mưa bay trên hàng lá nhỏ/ Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua".
3- Thành phố mắt đêm đèn vàng
Thêm một chuyện tình nữa của Trịnh Công Sơn với người đẹp Bích Khê, hồi đi học sư phạm ở Quy Nhơn, vào những năm 1963, 1964. Bích Khê nom nhỏ nhắn dễ thương và là một giọng ca của ban nhạc do Trịnh Công Sơn lập ra để hoạt động cho nhà trường. Nhưng thật ra đây lại là một cuộc tình đơn phương, bởi Bích Khê không hề chú ý lắm, mặc cho anh chàng lắm mối kia yêu thầm trong lòng mà thôi.
Mọi chuyện chỉ lộ ra khi bất ngờ người đẹp phải rời nhà trường để về với gia đình ở Nha Trang. Đêm hôm trước khi tiễn Bích Khê lên đường, Trịnh Công Sơn rất xúc động, đã viết lên những giai điệu da diết thể hiện tình yêu trong chia xa, ngay trên bờ biển Quy Nhơn. Đó là hình ảnh phố được phác họa trong ca khúc "Biển nhớ", với câu hát: "Ngày mai em đi, thành phố mắt đêm đèn vàng", hay như: "Ngày mai em đi, đèn phố nghe mưa tủi hờn" cùng với "Cồn đá rêu phong tủi buồn"…
4- Lại… một mình qua phố
Sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm Quy Nhơn, năm 1965, thầy giáo trẻ Trịnh Công Sơn được cử lên dạy học ở thị trấn B'Lao (nay là Bảo Lộc - Lâm Đồng). Nơi đây vắng vẻ, lạnh lẽo. Nhưng muôn sự lại bắt đầu từ đây, với Trịnh Công Sơn, trên mảnh đất rừng rú này.
Đầu tiên là ca khúc "Chiều một mình qua phố" ra đời để bày tỏ cái "Nỗi em" với một cô gái xứ đạo, thường gặp mặt trên đường, mỗi khi cô đi qua trường học nhỏ bé của mình. Vẫn đơn phương? Đúng thế! Lại một mình yêu và nhớ. Phố lại là điểm tựa: "Chiều một mình qua phố/ âm thầm nhớ nhớ tên em".
Nghe nói tên cô gái ấy là Ngà.
Rồi còn "Tuổi đá buồn" nữa chứ. Cái đẹp vẫn toát lên từ cái nền phố và hoa: "Đóa hoa hồng cài trên tóc mây/ Ôi đường phố dài, lời ru miệt mài…". Và, mọi chuyện lại trở thành ký ức trong ca khúc tràn ngập nỗi nhớ. Trong ba năm ở đây, Trịnh Công Sơn đã sáng tác được nhiều ca khúc và dựng nghiệp nổi danh với thế giới sau này qua Album "Ca khúc da vàng"…
5- Và yêu hàng phố Nguyệt - Hương - Hoa
Sau này do thời thế, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trở lại Huế sinh sống, vào những năm từ 1970 đến 1975. Minh Nguyệt chính là cô gái đã làm Trịnh Công Sơn ngày đêm mất ngủ, với vẻ đẹp sang trọng của mình. Cô nữ sinh Đồng Khánh ở thôn Vỹ này là niềm mơ ước của bao chàng trai, trong đó có anh chàng họ Trịnh. Nhưng tất cả vẫn chỉ là mộng tưởng mà thôi. Trịnh đã thể hiện sự ngẩn ngơ trong ca khúc "Nguyệt ca", đến mức "Từ khi thôi là Nguyệt/ Tôi như đường phố nhiều tên".
Còn nữa, cô gái có tên Quỳnh Hương, ngay sau đó lại bỏ bùa vào nhạc Trịnh với ca khúc cùng tên, với những câu hát đẹp đến sửng sốt: "Thôi chào em, về giữa phố xá thênh thang". Phố trong "Quỳnh Hương" vậy đó. Nghe nói ở Huế thời gian này Trịnh Công Sơn còn vướng nợ tình vài người đẹp khác, nhưng chỉ có cô gái tên Hoa mới đủ độ rung động để anh viết bài "Hoa xuân ca".
6- Miên man phố tình Sài Gòn - Hà Nội
Sau 1975, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vào sống và hoạt động âm nhạc tại Sài Gòn cho đến cuối đời. Trong thời gian này, nhiều cuộc tình đến với ông rồi lại bỏ đi như những làn gió buốt.
Chuỗi tình lãng mạn bắt đầu từ người đẹp Hoàng Lan mà Trịnh Công Sơn quen biết từ năm 1981. Ngỡ như duyên nợ đắm đuối này sẽ thành một tổ ấm, nhưng chẳng ngờ người nhạc sĩ vẫn một mình một bóng. Trịnh lại tìm đến phố để giải tỏa nỗi niềm cùng sự chia xa. Đó là câu hát: "Một thoáng hương bay bên trời phố lạ" trong bài "Hoa vàng mấy độ".
6 năm sau, Trịnh lại sững sờ vì cô nàng DH, với vẻ đẹp kiêu sa, trong một cuộc dạo phố. Thật oái oăm thay, chưa được bao ngày thì người bạn trai của cô ta từ đâu trở về, làm cho Trịnh thảng thốt vì "tình gian dối quá". Và phố lại nhập đồng trong tâm trí anh, qua ca khúc "Trong nỗi đau tình cờ" với câu: "Tôi đã đưa em qua nhiều phố/  Khi lá cây khô bay đầy ngõ".
Trịnh Công Sơn muốn chôn vùi mọi chuyện cũng chả được, cái số đào hoa nó vậy. Thế là năm 1990, Trịnh bất ngờ có một cuộc tình nổi tiếng với người mẫu, Á hậu Vân Anh. Lần này, Trịnh quyết định lên xe hoa, ấy thế mà câu chuyện bỗng lái sang hướng khác làm Trịnh cảm thấy tuyệt vọng. Đến mức Trịnh muốn gọi tên phố trong mình không được nữa trong bài  "Tôi ơi đừng tuyệt vọng", mà chỉ còn là: "Có đường xa và nắng chiều quạnh quẽ" làm tan nát một tâm hồn đa sầu đa cảm.
Sau đó hai năm, Trịnh gặp Hồng Nhung, ngỡ như trời cho vậy, nhưng mọi chuyện chỉ dừng lại ở một cuộc tình "vô thường" đúng như Trịnh mỗi khi nhắc tới. Thực mà ảo trong mọi nỗi niềm và Trịnh đã cho ra đời bộ ba ca khúc về Bống. Những giai điệu nói nhiều về sự chia sẻ và thương cảm hơn là yêu đến "chết" như các cô gái trước đó. Chỉ một câu thôi, với từ phố, hẳn ai cũng có thể nhận ra: "Bống nhảy lên bờ bống đi chơi phố" trong bài "Bống không là bống".
Ngay kể cả một cô sinh viên y khoa nọ ở Hà Nội, hồi năm 1994 cũng vậy; khi cô ước nguyện sẽ đi đến cuối cuộc đời với Trịnh, nhưng mọi chuyện lại chỉ dừng ở thì tương lai, lỗi hẹn. Trịnh chỉ hát lên bài ca thu cảm trong lòng mình, bằng giai điệu "Đoản khúc thu Hà Nội" tuyệt mỹ, để trao tặng cho người con gái bí mật kia. Qua nhạc điệu, con phố hiện ra như một bức tranh lụa vậy: "Xôn xao con đường, xôn xao lá/ Nhòa phố mong manh, nhoè phố mưa" hay nặng lòng như: "Vì một bàn tay không ngần ngại/ Tặng hết cho tôi một phố chờ".
Dường như, Trịnh Công Sơn say phố như say người đẹp vậy. Hồn phố chính là hồn người. Phố Trịnh trong nhạc, cũng giống như Phố Phái trong tranh; đó là những con phố tình đầy ẩn ức làm day dứt lòng người. Nét giao thoa ấy nào mấy ai đã có?


========
Nếu phải gọi một cái tên chung cho tình khúc Trịnh Công Sơn thì tôi xin gọi là “Tình lặng”. Những lời tuyên ngôn ồn ào về giai nhân chỉ có thể nhảy nhót ở những nơi không có sự hiện diện lặng lẽ của Trịnh. Chỉ có những nốt tình đẹp buồn cứ rủ rỉ chảy vào khuông nhạc. Chính vì thế, những giai nhân ghé qua “Quán trọ” của Trịnh Công Sơn, dù ngắn hay dài, dù sâu đậm hay chỉ đọng lại đôi niềm mến nhớ, đều nghĩ mình được hoàng tử bé dâng tặng một tình khúc, đều nghĩ hình bóng mình ẩn trong một con chữ hư ảo nào đó của ca từ.
Tất cả chỉ là giai thoại, là phán đoán và hy vọng, chứ thực tình một người máu thịt đến độ như Khánh Ly (người tình âm nhạc của Trịnh) cũng không biết mình được Trịnh viết tặng riêng bao nhiêu ca khúc. Mấy chục năm sau ngày chia xa, Khánh Ly đã phải thốt lên trong nỗi tiếc và niềm ám ảnh về một sự thật: “Tôi khẳng định là ông chưa hề bao giờ nói rằng bài hát này ông làm cho người này, hoặc bài hát kia ông làm cho người nọ. Có thể sau này bạn bè dựa vào những bài hát đó, vào những khoảng thời gian đó mà gán ghép những bài hát ông viết cho một người nào đó ông quen biết trong thời gian bài hát được thành hình. Nhưng chính vì cái điều ông không nói là viết cho ai cả, nên mỗi khi tôi trình bày những bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tôi đều cảm tưởng là ông viết bài hát đó cho tôi, và tôi đã hát bằng tất cả sự rung động thật thà nhất của trái tim mình”.
Trịnh và Khánh Ly tại Đà Lạt 1965



=========

Trịnh đã viết về nỗi tuyệt vọng lặng lẽ trong những cuộc tình của mình như vậy. Nhưng trong nỗi tuyệt vọng khi “từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ” ấy, vẫn đọng lại một chút long lanh, một chút trong vắt, một chút dịu dàng của giọt nước mà mai này sẽ luân hồi để hóa thân “Lời hẹn thề là những cơn mưa”.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét