a

Mời các bạn bấm vào cuối trang BÀI ĐĂNG CŨ HƠN để đọc tiếp. Những bài viết về trường Trung học Bán Công Định quán được đặt trong thư mục KÝ ỨC HỌC TRÒ.

Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

Về những bóng hồng trong thơ nhạc của Trịnh Công Sơn - Khánh Ly


N Ữ   H O À N G     C H Â N     Đ Ấ T  - Khánh Ly

Một buổi tối chống gậy lò dò từ hậu liêu CPS ra sân Quán Văn (Sự tích chống gậy vì ăn đạn pháo kích của VC này sẽ được nhắc lại sau), tôi bất chợt nghe được một tiếng hát lạ kỳ: nửa như quyện từ lòng đất âm u, nửa như tự trời thanh cao rót xuống. Một tiếng hát có ma lực cuốn hút người nghe tự buổi đầu hội ngộ (Ngõ ban sơ hạnh ngân dài – Cổng xô còn vọng điệu tài tử qua – Bùi Giáng )

Trời ươm nắng cho mây hồng
Mây qua mau em nghiêng sầu
Còn mưa xuống như hôm nào
Em đến thăm, mây âm thầm mang gió lên

Người ngồi đó trông mưa nguồn
Ôi yêu thương nghe đã buồn
Ngoài kia lá như vẫn xanh
Ngoài sông vắng, nước dâng lên hồn muôn trùng

Này em đã khóc chiều mưa đỉnh cao
Còn gì nữa đâu sương mù đã lâu ...

Những chữ Khóc; Đỉnh Cao như hơi thở hắt. Như dòng sống chợt kích ngất. Rồi chợt bàng hoàng ngậm lắng lời ru êm vào hơi thở nhẹ. Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ. Chao ơi sao lại có giọng hát liêu trai đến giữa cuộc đời như tặng phẩm. Sao lại có đường thanh lột tả hết những lời ca nhiệm mầu Trịnh Công Sơn ? Nàng là ai . . . là ai ? Ngồi đó. Thu mình trong góc tối. Mà tiếng ca như dòng nhựa chảy trào cả đêm mênh mông? Và tôi, và em. mơ hồ giữa một vùng khói sương lãng đãng.

Những chiếc ghế xích lại gần. Vòng tròn nhỏ vây quanh. Chuỗi vòng lớn lấp lánh sáng. Và nàng tiếp tục hát:

Chiều nay còn mưa sao em không lại
Nhỡ mai trong cơn đau vùi
Làm sao có nhau – Hằn lên nỗi đau
Bước chân em xin về mau
Mưa vẫn mưa bay . . .

Mưa bay về những hàng cây thủy tinh muộn thắp nắng chiều. Giọt nắng. Giọt nến. Ngàn cây thắp nến lên hai hàng – để nắng bây giờ trong mắt em.

Rồi nàng đứng lên Gọi Tên Bốn Mùa . Gọi đêm liêu trai dài tóc thần thoại. Gọi cuộc tình dấu chim bay và kiếp người mang nặng từ trẻ thơ mới lọt lòng . . .

Khánh Ly ! Một cái tên xa lạ chưa từng nghe đến. Có phải là tiếng phong linh mang về thành đô cơn gió cao Đà Lạt?

TCS nồng nàn giới thiệu : "Đây là Mai, mới từ Đà Lạt xuống, sẽ sinh hoạt với anh em mình lâu dài !" . Vâng, Lệ Mai đã đến. Khánh Ly đã ở lại. Với chúng ta, thật lâu dài.

Việc gì phải đến, đã đến: KhánhLy/Trịnh Công Sơn chính thức xuất hiện trước công chúng vào một tối thứ sáu mùa hè đẹp trời. Dù phương tiện thông tin phổ biến hạn chế, số lượng khán thính giả đêm KL/TCS đông đảo chưa từng thấy. Các bạn trẻ ngồi kín sân cỏ, tràn ra bên hông và ngay cả đàng sau Quán Văn . Tất cả nín lặng chờ nghe KL/TCS hát. Thức uống làm không kịp. Nhưng có hề gì. Tuổi trẻ đến đây là để chia sẻ những giá trị tinh thần. Chia sẻ nỗi khát khao và niềm mất mát. Trong từng lời ca tiếng hát. Trong từng hơi thở mớm ru nhau.

TCS mở màn với Gia Tài Của Mẹ :

Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ để lại cho con
Gia tài của mẹ: một nước Việt buồn

Ở đoạn điệp khúc, anh hát lại nhiều lần và tất cả cùng hát theo nhịp vỗ tay vang dội :

Dạy cho con tiếng nói thật thà
Dạy cho con chớ quên mầu da
Con chớ quên mầu da nước Việt xưa

Mẹ mong con mau bước về nhà
Mẹ mong con lũ con đường xa
Oâi lũ con cùng cha – Quên hận thù !

Đêm trường lồng lộng tiếng đồng ca. TCS tiếp tục kể lể nỗi khổ đau chiến tranh mà quê hương Việt Nam hằng cưu mang : Một ngày dài trên quê hương – Ngày Việt Nam hoang tàn quá – Một ruộng đồng trơ đất đỏ – Một đàn bò không luống cỏ . . .

Và Khánh Ly bước lên bục gỗ theo tiếng vỗ tay sóng biển rạt rào. Giọng hát ma túy cất lên:

Người con gái Việt Nam da vàng
Yêu quê hương như yêu đồng lúa chín
Người con gái Việt Nam da vàng
Yêu quê hương như đã yêu mình . . .

Người con gái VN da vàng ấy lớn lên giữa vùng chiến tranh khốc liệt. Chưa kịp nếm tình yêu đầu đời đã vội tắt nụ cười thanh xuân

Em chưa biết quê hương thanh bình
Em chưa thấy xưa kia Việt Nam . . .

Người con gái một hôm qua làng – đi trong đêm đêm vang ầm tiếng súng
Người con gái chợt ôm tim mình – trên da thơm vết máu loang dần . . .

Rồi đến Tình Ca Của Người Mất Trí:

Tôi có người yêu chết trận Pleime .
Tôi có người yêu ở chiến khu D
Chết trận Đồng Xoài
Chết ngoài Hà Nội
Chết vội vàng dọc theo biên giới . . .
Những địa danh. Những cái chết trong trí nhớ cuồng điên. Và nàng cất cao giọng ở điệp khúc kêu gào thảm thiết :

Tôi muốn yêu anh, yêu Việt Nam
Ngày mới lớn tôi đi môi gọi thầm
Gọi tên anh – tên Việt Nam
Gần nhau trong tiếng nói da vàng

Tôi muốn yêu anh, yêu Việt Nam
Ngày mới lớn tai nghe quen đạn mìn
Thừa đôi tay – dư làn môi
Từ nay tôi quên hết tiếng người

Khánh Ly bất thần tụt giày, đứng chân đất trên bục gỗ. Vịn vai Trịnh Công Sơn. Mắt nhắm nghiền. Mặt ngước cao như van xin, nguyện cầu ơn cứu rỗi. Cho người. Cho đời. Cái tĩnh mịch của đêm dài một lần nữa lại bị phá vỡ bởi sự cổ vũ nồng nhiệt, mê say của những người tuổi trẻ đồng điệu.

trịnh công sơn & khánh ly 1967


Từ đó, nàng được mang tên Nữ Hoàng Chân Đất (hay Nữ Hoàng Sân Cỏ). Những bước chân trần tìm về dấu vết tình yêu nguyên thủy. Những bước chân đi khâu vá lại vết thương của một thời máu xương điên loạn. Cứ thế, TCS/KL say sưa hát ca khúc da vàng từ bài này sang bài khác. Có khi tràn sang những bài ca về thân phận, tình yêu . . . rơi rụng trong đời những trái non đắng chát hay trái chín ngậm ngùi. Những lời thơ tiếng hát quyện lấy nhau nồng nàn trong từng hơi thở. Lúc này đây bạn cảm thấy hạnh phúc được lắng nghe. Được chia sẻ . Ca Dao Mẹ – Nước Mắt Cho Quê Hương – Người Nô Lệ Da Vàng . . .

Trước ngọn đèn lương tri mù mờ dông bão, Ca Khúc Da Vàng sẽ không được chấp nhận bởi một thế lực nào chủ tâm rẽ rúng con người, tôn vinh quyền lực. CKDV chỉ được ghi nhận bằng tiếng nói đích thực của con tim . Những lơiø khát khao hoài vọng một ngày quê hương thôi máu đổ xương rơi đã được đáp ứng nồng nhiệt bởi tấm chân tình của tuổi trẻ hôm nay.

Khi đất nước tôi thanh bình – tôi sẽ đi thăm
Tôi sẽ đi thăm – cầu gẫy vì mìn – đi thăm hầm chông và mã tấu
Khi đất nước tôi không còn giết nhau – mọi người ra phố mời rao nụ
Cười

Khi đất nước tôi thanh bình – tôi sẽ đi không ngừng
Sàigòn ra Trung – Hà Nội vô Nam – Tôi đi chung cuộc mừng –
Và mong sẽ quên chuyện non nước mình

Hỡi ơi ! Cái chung cuộc ấy chưa hề là một chung cuộc mừng. Ôi đã là rách nát tang thương hơn!

Trịnh Công Sơn/Khánh Ly như Gió dưới biển hắn dồn vô – Mây trên trời hắn cuốn lại (Dân ca Quảng Bình ). Chưa có buổi sinh hoạt nào có khí thế lồng lộng, "ấn tượng" đến vậy.

Nữ Hoàng Chân Đất đã ở lại với anh em chúng tôi. Khánh Ly. Lệ Mai, Mai voi, Mai đen . . . đã ngồi lại giữa vòng tay bằng hữu chan chứa niềm thương.

Những cái nicknames thân tình, dễ thương như Sơn Què, Giang Đô Lực Sĩ, Lai Cận, Tuấn Còm, Toại Hột Mít, Tấn Mốc , Mai đen (mặn mà duyên dáng) của Lệ Mai (của một thời chưa ăn nói văn vẻ ) v . v đã vầy đoàn, kết thân dễ dàng tự nhiên, không chờ đợi .




=============
Một số comment về Khánh Ly với nhạc Trịnh

Quả thực đối với lớp trẻ VN, lớn lên trong một chế độ mới, giáo dục mới, nên hầu khi còn nhỏ, những ảnh hưởng về Nhạc Trịnh và giọng hát Khánh Ly chỉ là rất mơ hồ. Hoặc bị ảnh hưởng của một phần nhỏ những người yêu thương nhạc của Ông và giọng hát của Cô. Đối với bản thân tôi, tôi vẫn cứ nghe những lời nhạc da diết, thẳm sâu như " Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi..." từ giọng hát đấy thổn thức, tâm trạng như một một cánh vạc kêu sương bằng tất cả sức bình sinh cất lên. Nhưng quả thực, sau này khi lớn lên rồi, tôi mới mơ hồ nhận thức có một nghệ sĩ hát nhạc Trịnh thành công ngoài sức tưởng tượng. Cô hát cho đời, cho người và cũng hát cho cô.

Với giới trẻ VN, Khánh Ly quả thực là huyền thoại, cô cho chúng tôi nghe và dường như cảm nhận được sự đau thương của chiến tranh, sự cao cả của tình nhân loại và sự tuyệt vời của tình yêu. Với tôi, Khánh Ly là cố nhân, dù chưa một lần gặp mặt, và cô cũng không biết tôi là ai. Đôi khi chỉ cần vô tình trong quán cafe, hay tại một nơi nào đó, có tiếng hát của Cô cất lên "Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ", "Có đường xa mà nắng chiều quạnh quẽ..." là tôi lại thấy bình an nơi tâm hồn đến thanh khiết, thánh thiện. Người VN còn nghe Cô hát, tức là Cô vẫn tồn tại ở VN, Cô vẫn mang hồn nhạc của Ông đến với mọi người. Khi nào còn tình yêu, thì còn nhạc Trịnh, và còn nhạc Trịnh, thì còn Khánh Ly.

Lê Bá Phú Thuỷ: nhất trí là ko thể nào chấp nhận đc ĐVH , hát còn sai cả lời. 90% là của Khánh Ly , 5% là của TCS tự hát , 3% là HN , và 2 % là các ca sĩ khác, như Quang Dũng, Tuấn Ngọc , các ca sĩ nhạc vàng. Người ta nói tiếng hát của Khánh Ly nhẹ như bấc mà nặng như chì mà...
Đinh Thu Minh Ngọc: Hát Trịnh nhiều nhưng mình yêu Khánh Ly bởi dường như bà hát Trịnh bằng tình yêu và sự đồng điệu trong tâm hồn ... nghe bà hát mình cảm thấy gần Trịnh hơn ...
Julie Vo: Tôi phải ngừng đọc, đi pha cho mình một tách caphe để nhâm nhi và đọc chậm lại...để có thể thấy được hình ảnh một buổi chiều ở Huế, trong căn nhà nhỏ của TCS với tiếng đàn của ông. Để mường tượng Khánh Ly với tiếng hát buồn và bình dị qua của Cô...và tôi thấy lòng mình chùng xuống...mang một nỗi buồn không tên gọi!

Youtube: bình luận bài Ru ta ngậm ngùi:
Kevinsf: Khanh Ly has a special place in my heart. She makes me very proud of my Vietnamese heritage.
vdtmh: Khanh Ly is not only a wonderfully popular singer, she is also the voice of my generation who grew up in the VietNam war. She carries within her the deep emotion of a country suffering thru a terrible war and was the only singer, to me, able to convey and deliver this emotion and feeling to listeners like me.
Thank you Khanh Ly, you are always the best in every sense a singer can possibly be and your image and you voice always live in me.
Saphead: It's amazing how she's been able to maintain the quality of her singing even to this day. She's a stunning icon, forever connected to an extraordinary songwriter.
levincent62: Ther is something in this song, that drive me
to an unexplicable nostalgic mood. its lyrics, its sound, its unending armonic
"mattres" with the string, Khanh Ly's voice...
wow it's just amazing.Great song and Artis!
sparemankind: Whenever my dad took me camping he would always play khanh ly, and the mix of it all was so ethereal, so beautiful to be able to immerse myself in the wilderness with khanh ly on the stereo, ah, wish i venture back to those days


Tôi cũng không rõ câu hát "Nhớ đến một người, để nhớ mọi người" trong "Hà Nội mùa thu" của gã lãng du họ Trịnh có phải là nỗi lòng ông dành cho Cô không? Còn đối với tôi, đối với những tâm hồn yêu Trịnh, thì chắc chắn đó là "nhớ Khánh Ly", nhớ cô Mai, tới Huyền thoại của một thuở mưa hồng. Nhớ...



======================

Bài phỏng vấn ca sĩ Khánh Ly (trích)

Bùi Văn Phú: Vào một buổi chiều cuối tháng Bảy năm 2004, tôi được chị Khánh Ly đón tiếp tại nhà riêng của chị - và của phu quân là anh Nguyễn Hoàng Ðoan - ở thành phố Cerritos, nằm khoảng giữa đường từ Los Angeles xuống Quận Cam, thủ đô của người Việt tị nạn ở Hoa Kỳ.

Ngôi nhà của chị Khánh Ly không mới và cũng không to. Nhưng gần một phần tư thế kỷ qua nơi đó đã là tụ điểm gặp gỡ của nhiều văn nghệ sĩ hải ngoại. Sân trước có cây hoa ngọc lan cao, nhiều loại hoa lá khác và một giếng nước với bờ gạch đỏ và tay quay, làm cảnh.

Bên trong, giữa phòng khách có treo một bức tranh sơn mài lớn. Hai bức nhỏ hơn của họa sĩ Ðằng Giao ở hai góc khác. Chiếc máy đánh chữ màu bạc, hiệu Brother, có lẽ cũng đã 20 tuổi, nằm trên sàn nhà mà chị Khánh Ly nói là dùng để viết bài, rồi bỏ dấu bằng tay. Con chó Lingling, 2 tuổi, thấy khách thì sủa tíu tít và cứ đòi hôn khách. Nơi phòng ăn có tranh của Ðinh Cường, có hình Trịnh Công Sơn ôm đàn ghi-ta hát trong một buổi ca diễn ở Hà Nội, có chân dung nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, cùng nhiều tượng Ðức Mẹ lớn bé, trong đó có Ðức Mẹ La Vang.

Vườn sau nhà chị có những cây soài, cây khế, có cây ớt thật cao, với tay không đến được ngọn. Trong vườn cũng có một cây hoa ngọc lan to, cao; có núi đá với tượng Ðức Mẹ và hồ nước róc rách.

Buổi nói chuyện với chị dài một tiếng rưỡi đồng hồ. Chị Khánh Ly, châm thuốc lá liền tay với một hộp quẹt zip-pô, nhưng hút thì ít. Giọng chị vẫn Bắc kỳ '54, có lúc phảng phất buồn trong lời nói, qua ánh mắt. Có khi chị tự nhiên cất giọng với những lời ca, vẫn đặc thù là của Khánh Ly, nhưng ít "liêu trai" hay "nhừa nhựa" hơn là Khánh Ly của thế hệ trước.

Chị có muốn được hát lại trên quê hương mình?

Khánh Ly :

Tôi muốn. Vì có nhiều người còn nhớ mình. Sau ngày 1 tháng 4 (ngày Trịnh Công Sơn qua đời) giới trẻ trong nước biết về tôi nhiều hơn. Có người ở Bắc viết thư nói, chúng cháu không ngờ chú Sơn và cô nổi tiếng như vậy. Có cháu tuổi 12, 13 viết kể rằng: "khi sinh ra thì cô đã đi rồi, mẹ cháu ru cháu ngủ thì cứ để nhạc của cô". Tôi rất muốn trở về, nhất là khi còn anh Sơn, để đi hát với anh ấy. Nhưng nghĩ lại khi bỏ nước ra đi mình đã phụ lòng những người yêu thương mình ở Việt Nam. Rồi bây giờ nếu mình về thì lại phụ lòng người ở đây nữa. Chẳng lẽ suốt cuộc đời mình cứ phụ mọi người sao. Nhưng nếu nhạc Trịnh Công Sơn, những Ca khúc Da vàng đầy tính nhân bản, được cho phép hát lại ở Việt Nam thì tôi cũng có thể trở về.



.....................
Hay đây là một sô sau cùng, rồi chị không hát nhạc Trịnh Công Sơn nữa?

Không đâu anh. Thực sự tôi rất mê hát. Không mê hát thì tôi không có đủ can đảm để đi hát với anh Sơn mười năm mà không có đồng xu, cắc bạc nào, phải chịu đói, chịu khổ, chịu nghèo, không cần biết đến ngày mai, không cần biết tới ai cả, mà chỉ cảm thấy mình thực là hạnh phúc, cảm thấy mình sống khi mình hát những tình khúc của Trịnh Công Sơn. Tôi rất mê hát. Nói đến giải nghệ thì tôi không dám nghĩ đến, có một cái gì buồn bã lắm. Vả lại tôi nghĩ cuộc đời buồn nhiều hơn vui thì mình không nên làm nó buồn hơn nữa. Lúc nào còn hát được thì mình cứ hát.

Trong phần quảng cáo cho chương trình có những câu thơ, hay văn, không biết do ai viết nhưng chị đã dùng nó ít nhất hơn một lần: "Sông vẫn chảy đời sông, suối vẫn trôi đời suối, và đời người hãy thả trôi đi những niềm đau." Nhìn lại cuộc đời, có giây phút nào đã làm chị đau khổ nhất?

Anh Sơn viết câu đó. Ðối với Khánh Ly thì những điều anh Sơn nói, nói thì có vẻ quá đáng, nó là những khuôn vàng thước ngọc. Vì anh Sơn không hề nói những điều gì không phải về một người khác, về một người thứ ba. Anh Sơn không phê bình ai, không chê trách ai. Lúc nào anh Sơn cũng nói hãy làm những điều tử tế, rồi hát cũng phải tử tế, phải trân trọng những điều mình làm. Sống trong đời sống này điều quan trọng nhất là phải tử tế với nhau.

Nghĩ về đời mình, có giây phút nào là đau khổ nhất mà chị còn ghi khắc trong lòng?

Lúc nào tôi cũng buồn cả. Tính tôi dẫu là tính tình của một người đàn ông, thẳng thắn và sống bất cần đời. Sống thì sống, chết thì chết. Có tiền thì xài, không có thì nghỉ xài. Nhưng tôi là người rất dễ vỡ, rất mong manh. Tôi rất dễ khóc. Thành ra mỗi buổi tối, trước khi đi ngủ thì bao giờ tôi cũng là người sau cùng đi ngang hình của anh Sơn và ông [Trầm Tử] Thiêng, bao giờ tôi cũng hôn gió hai ông, để chào hai ông. (Giọng trở nên nhiều cảm xúc.) Nhưng tôi phải đi thật nhanh vì nếu không tôi sẽ khóc. Có nhiều đêm tôi nằm khóc một mình, không ai biết cả. Nhiều khi coi chương trình truyền hình mà ông xã tôi làm, chỉ cần nghe một câu thôi cũng làm tôi chảy nước mắt. Tôi cũng không hiểu sao con người của tôi có nhiều cái mâu thuẫn lắm.

Có thể chị là người quá nhạy cảm.

Nhưng mà nhạy cảm vừa vừa thôi thì còn dễ sống. Tôi nghĩ tôi là một người can đảm. Tôi may mắn và tôi lại can đảm nữa thì tôi mới đủ sức đương đầu với tất cả những điều xảy đến trong cuộc đời mình.

Còn niềm vui và hạnh phúc trong cuộc đời của chị?

Vui thì thực ra chính mình tạo ra niềm vui. Tôi thấy ngay cả ông xã tôi là người lúc nào cũng muốn làm cho tôi vui, làm những điều tốt đẹp cho tôi, từ băng nhạc, băng vi-đi-ô, lo lắng cho tôi đủ mọi thứ. Ðối với tôi gần như là những điều đó chưa đủ. Hay tại tôi đòi hỏi nhiều quá chăng? Hay tôi là một người sống không thực tế. Tôi sống ở ngoài cái thế giới của mình, thế giới mà mọi người đang sống. Tức là tôi đòi hỏi một cái gì hơn cả sự tuyệt đối nữa. Nó phải thơ mộng, phải đẹp như thời mình 15, 16 tuổi, rất romantic, như một bông hoa, mình ngắm nhìn nó từ khi còn là cái nụ, rồi sắp nở, khi nó bung ra thì lại không muốn nhìn thấy nó tàn. Thành ra niềm vui tôi có là do tôi tự tạo ra. Khi tôi đi hát ở xa về, ra khỏi máy bay bao giờ cũng thấy nhà tôi cầm một ly cà phê sẵn cho tôi, câu đầu tiên nhà tôi hỏi cũng là: "Có vui không em?" Bao giờ tôi cũng nói là vui, mặc dù có những điều tôi giấu. Vì tôi nghĩ là mình đã chịu đựng những cái không vui, hay những trục trặc nho nhỏ trong buổi hát, những va chạm, thì mình chịu đựng được, còn bắt chồng mình chịu đựng nữa làm cái gì. Trong khi ông ấy không thể chia sẻ được, không làm được cái gì cho mình thì thôi mình ráng chịu đi, và biến cái đó thành một niềm vui.

Ngày 30 tháng 4. 1975, chị có nghe Trịnh Công Sơn hát "Nối vòng tay lớn" trên đài không?

Nghe. (Giọng chị trùng xuống, mắt long lanh ướt.) Khi tôi nghe giọng anh Sơn, lúc đó thì thực sự mà nói nếu không có đứa con thì tôi đã nhảy xuống biển rồi. Tôi không hiểu nổi.

Chính chị đã hát bài đó trong một băng nhạc nổi tiếng. Mà lúc đó lại không có Khánh Ly bên cạnh Trịnh Công Sơn để cùng hát.

Ðúng anh. Có thể là tôi nghĩ tôi mất anh Sơn vĩnh viễn. Có thể là tôi nghĩ sao không có mình cùng anh Sơn cất tiếng hát. Có thể tôi nghĩ là tôi ra đi và không bao giờ còn gặp nhau nữa và bây giờ chỉ còn nghe lại tiếng hát đó thôi.


Ba mươi năm ở Mỹ, quê hương của chị giờ là đâu?

Quê hương ở trong lòng mình. Nhiều người nói chúng ta đi mang theo quê hương. Không, mình không cầm được cái gì mang theo cả. Nó ở trong lòng mình, trong trí tưởng của mình. Dẫu mình có đi năm châu, bốn biển, có trở thành ông hoàng, bà chúa, có trúng số 2, 3 trăm triệu đô la thì mình cũng là người Việt Nam. Tôi ở đây đã 30 năm nhưng tôi thấy không hội nhập được gì vào đời sống ở đây cả. Tôi cũng muốn hội nhập như mọi người nhưng lòng tôi sao khó quá. Lúc nào tôi cũng thương, cũng nhớ Việt Nam. Nhưng mà cách nhớ của tôi khác. Tôi không nhất thiết là mỗi năm phải mang tiền về đi chơi, đi hưởng. Tôi vẫn nhớ những con đường mà tôi với anh Trịnh Công Sơn, với Nguyễn Ðình Toàn, Duy Trác, Lệ Thu, Sĩ Phú cùng đi bên nhau, nhớ quán Givral, nhớ anh Sơn tập hát cho tôi ở đâu, sân trường đại học nào, nhớ những tiền đồn biên giới xa xôi. Tôi nghĩ nếu mình sống cho tử tế, đến một lúc nào đó nhắm mắt nằm xuống, mình sống và chết một cách tử tế thì đâu cũng là quê hương.

Chị đã về lại Việt Nam rồi?

Tôi về hai lần.

Lần đầu chị về năm nào?

Năm 1997.

Chị về, chị có hát không?

Không. Tôi về với phái đoàn Nhật. Hai lần đều về với phái đoàn Nhật. Lần thứ hai tôi về để hát một bản nhạc chính cho một cuốn phim của Nhật về một ký giả người Nhật chết tại biên giới Việt-Miên.

Những ngày ở Việt Nam chị làm gì?

Cứ buổi sáng tôi ngồi với anh Sơn, đến nửa đêm thì tôi về.

Ðất nước Việt Nam như ngày nay, chị có thể về đó sống được không?

Hai lần về tôi chỉ sống với anh Sơn. Tôi chưa có nhiều tiếp xúc với bên ngoài nên tôi không biết thực sự đời sống ở đó giờ như thế nào.

Tên tuổi Khánh Ly và Trịnh Công Sơn gắn liền với nhau từ khi những băng nhạc "Hát cho quê hương Việt Nam" với những ca khúc cho hòa bình, ra đời tại miền Nam trước năm 1975. Nhưng thời đó nhiều bài hát của Trịnh Công Sơn không được Bộ Thông tin cho phép phổ biến, thưa chị có đúng không?

Gần như đa số những bài đó không được phép hát. Nhưng lúc đó người ta vẫn hát khắp nơi.

Chị đã cất tiếng với những bài hát cho hòa bình, khi hòa bình rồi thì chị nghĩ gì?

Tôi rất mơ ước ngày Việt Nam thống nhất, hòa bình, cuộc chiến không còn nữa. Bởi vì tôi đã chứng kiến quá nhiều. Những người thân của tôi, tôi đã mang xác về. Những người bình thường ai cũng mơ ước một đời sống bình thường. Dẫu là nghèo, dẫu là khổ nhưng mà họ có nhau. Có chồng, có vợ. Có mẹ, có con. Có cha con. Ðó cũng là mơ ước không phải của mình anh Trịnh Công Sơn mà là mơ ước của tất cả mọi người. Rồi hòa bình đến, ngày thống nhất đến. Chuyện gì sẽ xảy ra đâu ai biết được. Tôi còn nhiều câu hỏi và tôi sẽ hỏi về những chuyện đã xảy ra sau cái ngày gọi là thống nhất, hòa bình.

Chị nói anh Sơn hay nhắc đến chuyện tử tế với mọi người. Thế thì trong con người anh ấy, có tính tình gì đáng ghét không?

Anh Sơn dễ tin người và dễ tha thứ. Ai nói gì anh ấy cũng tin hết.

Nhiều người đã hát nhạc Trịnh Công Sơn, giọng hát Khánh Ly có một kỹ thuật, hay bí quyết gì để mãi gắn liền với những dòng nhạc đó?

Ðó là ý Bề Trên. Nếu không có tôi thì anh Sơn cũng sẽ nổi tiếng, bằng cách nào mình không biết. Mà không có Trịnh Công Sơn thì chắc chắn là tôi cũng chỉ lình bình thôi. Vì thế tôi phải nói rằng, Trịnh Công Sơn là cái hình, tôi chỉ là cái bóng theo anh Sơn đến cuối đời thôi. Có sống thêm một kiếp nữa tôi vẫn xin làm cái bóng của Trịnh Công Sơn.

Sau khi chị rời Việt Nam, chị liên lạc được với Trịnh Công Sơn lần đầu khi nào và bằng cách nào?

Tôi gửi thư qua bên Tây (Pháp) nhờ gửi về cho anh Sơn, báo cho biết là mình còn sống. Sau 30-4 mọi người đồn là tôi chết ngoài khơi Vũng Tàu cùng với gia đình Phạm Duy, Mai Lệ Huyền, chị Thanh Thuý. Anh Sơn có làm bài "Rơi lệ ru người". Ðó là bài duy nhất chính miệng anh Sơn nói là làm bài này cho Mai (Phạm Thị Lệ Mai là tên thật của Khánh Ly). Còn bình thường anh ấy không bao giờ nói anh ấy làm bài nhạc cho ai cả.

Còn bài "Em còn nhớ hay em đã quên," cũng có suy diễn là Trịnh Công Sơn viết cho chị.

Không biết. Vì anh ấy không nói. (Hát): "Em còn nhớ hay em đã quên..." Em là những người em của anh Sơn, rồi bạn bè của anh Sơn. Trong nhạc Trịnh Công Sơn, mình nhìn đâu cũng thấy có mình hết. Làm như anh Sơn nói về cuộc đời của mình, nói giùm mình những điều mà mình không nói được. Mà thực ra có phải anh ấy viết cho mình hay không mình cũng không biết nữa. Vì anh ấy không bao giờ nói là viết bài này cho người này hay cho người kia. Phú có hỏi, anh Sơn cũng chỉ cười thôi, không bao giờ anh ấy gật đầu, hay lắc đầu.

Chị có biết chuyện sau 1975 Trịnh Công Sơn phải đi lao động, đi kinh tế mới.

Có biết.

Bằng cách nào?

Chính anh Sơn viết thư cho tôi khi anh đang trong tình trạng đó.

Anh ấy có than thở gì không?

Anh Sơn không bao giờ than thở một điều gì. Vui anh ấy cũng cười nhẹ nhàng thôi. Buồn thì anh ấy nuốt hết vào lòng. Tôi nghĩ anh là một người gánh trên vai, một đôi vai quá gầy, một hạnh phúc quá lớn và một nỗi thống khổ cũng không kém.

Có một số bài hát anh Sơn viết sau năm 1975, như bài "Em ở nông trường, em ra biên giới." Từng chống chiến tranh, sao giờ lại cổ vũ, đó có phải là Trịnh Công Sơn không?

Anh ấy làm đúng chứ. Anh Sơn viết bài đó, ôm đàn đi hát để an ủi những người đi làm thuỷ lợi, đi ra nông trường biên giới. Họ đâu phải là những người miền Bắc đâu, mà là những sinh viên học sinh miền Nam phải đi đào mìn, đào bom, làm thuỷ lợi. Anh ấy hát để an ủi người ta. Bài đó có câu: "Có những bước chân đi không về..." Với một người ốm yếu như anh ấy, không tiền bạc, quyền lực, thì anh chỉ còn tiếng nhạc với tất cả tấm lòng để làm cho mọi người vui.

Nhạc Trịnh Công Sơn sau 1975 chị thích những bài nào?

Có người cho rằng những bài hát của Trịnh Công Sơn sau này không hay bằng ngày trước. Ngày xưa nào là "trời ươm nắng cho mưa hồng", (Hát): "Ðường phượng bay mù không lối vào / hàng cây lá giao tình với nhau..." Ngày ấy cây lá còn lãng mạn, thơ mộng. Tuổi mình giờ lớn rồi, trải qua bao nhiêu dâu bể, tang thương thì nhạc cũng vậy thôi. Nghe những bài nhạc của anh Sơn sau này phải nghe kỹ, chịu khó suy nghĩ một tí mới hiểu được anh Sơn nhắn gửi điều gì. Như bài "Lặng lẽ nơi này", "Vẫn có em bên đời", hay "Vườn xưa", (Hát): "Vườn xưa vắng, giọt than cuối đông / trời chợt nắng vườn đây lá non / người lên tiếng hỏi người có không / người đi vắng về nơi bế bồng / đừng phai nhé một tấm lòng son..." Tuyệt vời nhất là: (Hát) "Em ra đi nơi này vẫn thế / vẫn có em trong tim của mẹ / vườn xưa vẫn có tiếng mẹ ru / có tiếng em thơ có chút nắng trong tiếng gà trưa..." Ðiều quan trọng nhất là "vẫn có những ước mơ" trong đầu người ta. Phú có đọc được những giấc mơ của một người không? Không. Phú có giết được những giấc mơ của người ta không? Không. Trong nước cấm vì bài này viết cho Khánh Ly. Ngoài này cũng không cho hát.

Còn bài nào nữa không?


(Hát): "Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên / chợt nghĩ quê hương lại nghĩ lại mình / tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống / vì đất nước cần một trái tim..." Ðất nước chỉ cần một trái tim thôi mà không có. (Hát): "và như thế tôi đến trong cuộc đời / tôi sống trong cuộc đời / bằng trái tim của tôi..." Như thế còn muốn cái gì hơn nữa. Ðòi hỏi cái gì hơn nữa ở một người nhạc sĩ đã rút hết tâm trí để nhắn gửi những lời đó.


Thế hệ ca sĩ trẻ sau này như Hồng Nhung, Quang Dũng, Mỹ Linh cũng thể hiện nhạc Trịnh Công Sơn, chị có nhận xét gì về những giọng ca đó với nhạc Trịnh Công Sơn?

Tôi rất yêu những người hát nhạc Trịnh Công Sơn. Bởi vì tôi muốn nhạc Trịnh Công Sơn được mãi mãi có người nghe và nhớ đến anh ấy. Một cách tự nguyện, tôi mang ơn những người hát nhạc Trịnh Công Sơn.

Ở Việt Nam giờ có khu vườn tưởng niệm Trịnh Công Sơn ở Bình Quới, chị có biết gì về nơi đó?

Khu đó họ cho anh Sơn lâu rồi. Anh Sơn tính làm khu nhà tình thương cho bạn bè, những ai không may hay thiếu thốn thì về đó ở. Anh Sơn rất thương bạn. Tiền bạc, quần áo, có là cho bạn. Mỗi lần đi Canada cũng vậy, trước khi về là các em của anh Sơn chia nhau đi mua quà cho bạn của anh ấy. Nhiều ít cũng là tấm lòng. Tôi có nói với anh Sơn là mai mốt em già, em về anh cho em một chỗ em ở.

Ðã sống qua cuộc chiến, nhìn lại chị có được kết luận gì?

Tôi thấy nó vô ích quá, phi lý quá. Cả hai miền bị mất mát quá nhiều mà đáng lẽ những điều đó không nên để xảy ra. Nhưng những người quyền lực hơn mình mà người ta không nói thì mình nói làm gì. Có người bảo tôi: "ca nương bất tri vong quốc hận". Tùy cái lòng của tôi, tôi đau cái nỗi đau chung của quê hương, không ai ép buộc được tôi. Ai cần tôi đóng góp, tôi làm. Tôi làm rất nhiều công tác xã hội, thiện nguyện, nhưng nhiều khi họ trả lại cho tôi bằng những cái tát tai. Tôi thấy cả hai miền đều làm những điều đáng nhẽ không nên làm.

Hồi ký của chị sắp ra đời chưa?

Nó không phải hồi ký đâu. Chỉ là ghi lại những kỷ niệm, những điều tôi biết về anh Sơn. Những điều mà chúng tôi nói với nhau, chia sẻ với nhau. Tôi muốn nói đúng, và sửa lại những cái sai mà người ta viết về anh Sơn. Nhiều người đã viết sai cả về chi tiết, về thời gian. Có người không hề là bạn anh Sơn, không hề thân mật tới độ như vậy mà bây giờ cũng nói là bạn anh Sơn, nuôi anh Sơn trong nhà thương, lo cho anh ấy cả tháng trời. Tôi chỉ muốn sửa lại những điều viết sai về anh ấy... Tôi đòi hỏi công đạo cho tất cả mọi người vì thế tôi không kết án ai. Tôi không bao giờ lấy sự may mắn của mình để kết tội những người bất hạnh ở lại. Bởi vì đối với tôi điều đó thiếu văn hoá và vô đạo đức. Mình phải thông cảm hoàn cảnh của người ở lại. Ðó là điều quan trọng nhất mà nhiều người đã quên. Ai cũng cho Tôi là đúng, cái Tôi đáng ghét. Cái Tôi là cái gì mà lên án, phê phán, chỉ trích người nọ, người kia. Sống không thương người ta, chết rồi làm cái gì? Làm văn tế ruồi à. Tôi thấy cái vô lý ở chỗ đó.

Mơ ước của chị trong quãng đời còn lại là gì?

Mơ ước thứ nhất là được đi theo anh Sơn một cách bình an. Như trong một giấc ngủ, sớm chừng nào tốt chừng ấy. Ðiều thứ hai là tôi mơ ước mọi điều tốt đẹp, thực sự tốt đẹp cho Việt Nam, cho những người nghèo khổ ở Việt Nam.

Nguồn: Tạp chí Văn (California) số 92, tháng 8 năm 2004


Nhưng phải nói rằng với Trịnh Công Sơn, Khánh Ly mới làNgười Tình muôn đời. Dường như toàn bộ tình ca Trịnh là viết riêng dành cho giọng hát Khánh Ly . Nói theo cách của Hoàng Phủ Ngọc Tường  thì “với Sơn, Khánh Ly luôn luôn là giọng hát Người Tình”.  Sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm Quy Nhơn, Trịnh Công Sơn được bổ lên dạy học ở  Bảo Lộc. Và Trịnh đã gặp Khánh Ly với cái tên Lệ Mai ở phòng trà Tulipe Rouge, Đà Lạt. Thế là “nên duyên” . Nhạc Trịnh Công Sơn bắt nguồn từ triết học hiện sinh và tư tưởng Phật học, nhưng lại chọn riêng một  NGƯỜI TÌNH để  gửi – đó là Khánh Ly.   Trịnh nghe Khánh Ly hát, nhận ra ngay  giọng hát của cô ca sĩ này phù hợp với những bản nhạc tâm thức  của mình . Trịnh Công Sơn kể : “Gặp gỡ ca sĩ Khánh Ly là một may mắn tình cờ, không phải riêng cho tôi mà còn cho cả Khánh Ly…Tôi đã mời Khánh Ly hát và rõ ràng giọng hát của Khánh Ly rất hợp với những bài hát của mình. Từ lúc đó Khánh Ly chỉ hát nhạc của tôi mà không hát nhạc người khác nữa. Khánh Ly kể lại giai đoạn cơ cực  nhưng đầy hạnh phúc ấy: “Thực sự tôi rất mê hát. Không mê hát thì tôi không có đủ can đảm để đi hát với anh Sơn mười năm mà không có đồng xu, cắc bạc nào, phải chịu đói, chịu khổ, chịu nghèo, không cần biết đến ngày mai, không cần biết tới ai cả, mà chỉ cảm thấy mình thực là hạnh phúc, cảm thấy mình sống khi mình được hát những tình khúc của Trịnh…” Những ngày tháng cuối năm 1965 đó, bằng cây đàn guitar thùng đơn giản, Trịnh Công Sơn và Khánh Ly đã làm say đắm hàng ngàn khán giả mỗi đêm diễn. Hình như họ sinh ra để có nhau, vì nhau, vì những bản tình ca.

Hồi đó,  Trịnh Công Sơn, với dáng người mảnh khảnh, cặp kính trắng, giọng Huế nhỏ nhẹ. Đêm đi hát, khuya về kê ghế bố ngủ với bạn bè ở Quán Văn hay Hội Họa sĩ Trẻ. Bên cạnh đó hình ảnh Khánh Ly, khi hát đi chân đất – nữ hoàng chân đất của một thời – giọng hát da diết diễn tả nỗi trầm thống vô vọng: “tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”. Hai người đi với nhau tạo nên hình ảnh “đôi lứa”, một đôi trai-gái trong tình bạn hồn nhiên, trong sáng.   Trong dư luận, họ cũng không bị nghi ngờ hay tai tiếng, dù người đời có kẻ thắc mắc, tò mò… Những tâm hồn phóng khoáng và “hiện đại” thì gạt phăng đi loại “tò mò bệnh hoạn ấy” “ . Và đặc biệt, Trịnh Công Sơn là người tăm tiếng mà không tai tiếng. Sơn nói: “Tôi và Khánh Ly chỉ là hai người bạn. Thương nhau vô cùng, trên tình bạn” . Khánh Ly viết: “Một mối liên hệ cao hơn, đẹp đẽ hơn, thánh thiện hơn là những tình cảm đời thường” ; hay :” Trịnh Công Sơn là một nửa đời sống của tôi”…Tình cảm, tình yêu thánh thiên  của Trịnh Công Sơn- Khánh Ly thời đó như là một biểu tượng  phá vỡ lề thói Nho giáo trói buộc tình cảm nam nữ. Đó chính là Bá Nha-Tử Kỳ thời hiện đại !

Năm 1975, Khánh Ly rời Việt Nam  sang định cư ở Mỹ, còn Trịnh thì cương quyết ở lại Việt Nam, vì “Việt Nam là nơi duy nhất tôi có thể sống và sáng tác. Ở nước ngoài, tôi không nghe ra tiếng nhạc trong đầu mình, tôi không nghe được câu thơ tôi viết ra. Tôi thích đi nước ngoài, nhưng nếu ở lâu, tôi sẽ khô cạn và chết mất. Hơi ấm của dân tộc Việt Nam giống như nước cần thiết cho hoa vậy”. Đau nỗi đau chia ly, Trịnh Công Sơn đã viết ca khúc:” Em còn nhớ hay em đã quên”,  mà ai nghe hát cũng nghĩ là viết tặng Khánh Ly:  Em còn nhớ hay em đã quên / Nhớ Sài Gòn mưa rồi chợt nắng / Nhớ phố xưa quen biết tên bàn chân …

Năm 1982, Trịnh Công Sơn sang Canada  thăm em và đã gặp Khánh Ly. Sau lần gặp, Khánh lý viết: ” Có ai trong chúng tôi nghĩ rằng có một ngày nào đó phải thương nhớ nhau từng phút giây. Tuy vậy bằng cách nào đó, chúng tôi vẫn ở trong trí tưởng của mọi người, như ngày đầu ngồi với nhau, vào đời nhau bằng những bản tình ca” ( Hoàng Phủ Ngọc Tường-  Trịnh Công Sơn và cây đàn lia và hoàng tử bé).

Trong  hồi ức về Trịnh Công Sơn “Những kỷ niệm còn mãi  trontôi”,nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ kể rằng, trong căn nhà ở Khu chung cư Nguyễn Tường Tộ, Huế, anh Sơn ngồi, tay cầm cây bút xạ, mũi viết vẫn còn hướng xuống mặt bàn, khuôn mặt anh thảng thốt. Anh viết hai chữ Khánh Ly  đầy cả một tấm giấy gần kín mặt bàn. Có lẽ anh Sơn viết rất lâu nên nó mới nhiều đến thế… Thấy Mỹ Dạ đến anh Sơn cho dạ xem  tập ảnh chụp Trịnh Công Sơn chụp chung với Khánh Ly. Trong đó có bức Khánh Ly ngồi trong lòng Trịnh Công Sơn, trên hai bắp đùi. Rồi anh Sơn  hỏi: ” Dạ có biết  ai chụp hình cho tụi mình không ?. Dạ lắc đầu. Anh Sơn bảo: ” Chồng của Khánh Ly đấy .”. Đúng là NGƯỜI TÌNH muôn đời của Trịnh Công Sơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét