a

Mời các bạn bấm vào cuối trang BÀI ĐĂNG CŨ HƠN để đọc tiếp. Những bài viết về trường Trung học Bán Công Định quán được đặt trong thư mục KÝ ỨC HỌC TRÒ.

Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

HOA - Kỹ thuật



Kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa phong lan 

1- THIẾT KẾ VƯỜN
Nếu trồng lan kinh doanh cần thiết kế khung giàn lan làm bằng sắt chắc chắn, đảm bảo bền, chống gió bão. Giàn che ánh sáng dùng lưới màu xám hay xanh đen. Giàn đặt chậu làm bằng sắt, giàn treo làm bằng tầm vông hay sắt ống nước. Xung quanh vườn cần dựng hàng rào chắn chắc chắn hay rào bằng lưới B40. Thiết kế hàng trồng theo hướng Bắc Nam để vuông góc với dường đi của ánh nắng. Các chậu lan cần chọn cùng cỡ kích thước, cùng giống, cùng độ tuổi, bố trí theo từng khu vực để dễ chăm sóc. Nước tưới phải sạch, có rãnh nước dưới dàn lan để tạo khí hậu mát cho vườn lan. Nếu trồng lan để chơi trên lan can, mái hiên, sân thượng cần chú ý rằng tiểu khí hậu các nơi này thường bị khô nóng do ảnh hưởng của các kết cấu bê tông, mái tole… xung quanh. Cần đặt thêm các chậu cảnh khác như cau, mai chiếu thuỷ, nguyệt quế… để giảm bớt ảnh hưởng của các yếu tố này. Cần che bớt ánh sáng mặt trời, tránh ánh nắng chiếu toàn bộ, nhất là vào buổi chiều.

2- CHỌN GIỐNG
Loài thích hợp cho trồng lan kinh doanh là Dendrobium, Phalaenopsis, Oncidium, Vanda, Cattleya… đây là những loài ra hoa khoẻ, đẹp và bền cây, cho thu hoạch liên tục. Nếu trồng lan để chơi, giải trí nên trồng Dendrobium, Vũ nữ, Hồ điệp; đây là những loài dễ chăm sóc và ra hoa. Có thể nhân giống bằng nuôi cấy mô hay tách mầm. Điều kiện môi trường nuôi cấy mô phong lan với nhiệt độ 22-27oC, cường độ ánh sáng thích hợp, pH từ 5-5,7. Khử trùng mô bằng Starner 20 WP cấy bằng Clorox hoặc Hipocloritcalci, bổ sung các chất điều hòa sinh trưởng. Có thể tách mầm từ các chậu lan lớn, mỗi phần để 2-3 nhánh. Dùng dao sắc khử trùng bằng cồn, vết cắt cần gọn, sau cắt bôi vôi vào vết cắt cho nhanh lành sẹo.

3- CHUẨN BỊ GIÁ THỂ VÀ CHẬU
Có thể than gỗ, xơ dừa, vỏ lạc làm giá thể để trồng lan. Than gỗ nung cần chặt khúc, kích thước 1 x 2 x 3cm, than phải ngâm, rửa sạch, phơi khô. Xơ dừa xé cho tơi ngâm khoảng 1 tuần cho bớt tanin và mặn, phơi khô. Mụn dừa cũng cần rửa sạch phơi khô. Vỏ dừa chặt khúc 1 x 2 x 3 cm xử lý bằng nước vôi 5%. Chậu trồng bằng nhựa hay đất nung, kích cỡ tuỳ loại và độ tuổi.

4- KỸ THUẬT CHUYỂN CHẬU
Nếu dùng lan cấy mô thì khi lan mô đạt khoảng 4cm cần chuyển ra ngoài. Cây mô rửa sạch để trên miếng lưới hay rổ kê trên chậu nước để giữ mát cho cây con. Giai đoạn trồng chung trên giàn lấy xơ dừa bó xung quanh cây lan cấy mô, dùng dây thun cuốn lại rồi đặt lên giàn. Sau khi trồng trên giàn được 6-7 tháng thì chuyển sang chậu nhỏ. Khoảng 6 tháng thì chuyển sang chậu lớn. Sau mỗi lần chuyển chậu khoảng 1 tuần mới được bón phân. Việc thay đổi chậu còn tùy kích cỡ của cây, mức độ thối, hư mục rêu bám… Nếu trồng lan để chơi, lan lâu ngày ra hoa ít cần dỡ lan ra khỏi chậu, cắt bớt các rễ già và quá dài, chuyển sang chậu mới, thay giá thể mới, lan sẽ sinh trưởng tốt và ra hoa trở lại.

5- CHĂM SÓC LAN
Lan là cây trồng dễ chăm sóc nếu chúng ta đảm bảo được các điều kiện thuận lợi cho lan phát triển. Các yếu tố quan trọng nhất đối với lan là ánh sáng, nước tưới, độ ẩm, chậu hay giá thể và dinh dưỡng.
- Chiếu sáng:
Mật độ chiếu sáng ảnh hưởng rất lớn tới quá trình sinh trưởng, phát triển và ra hoa của lan. Thiếu nắng cây lan vươn cao nhưng nhỏ và ốm yếu, lá màu xanh tối, dễ bị sâu bệnh tấn công, cây ít nảy chồi, khó ra hoa, hoa nhỏ và ngắn màu sắc không tươi, hoa nhanh tàn. Thừa nắng lan thấp cây, lá vàng có vết nhăn và khô, mép lá có xu hướng cụp vào, dễ ra hoa sớm khi cây còn nhỏ nên hoa ngắn, nhỏ, cây kém phát triển. Nếu nắng gắt quá lá sẽ bị cháy, khô dần rồi chết.

Lan có yêu cầu khác nhau về mức độ chiếu sáng tùy theo loài lan và tuổi cây. Lan Hồ điệp (Phalaenopsis) ít chịu nắng nhất, có thể chịu được 30% nắng, lan Cattleya chịu được 50% nắng, lan Dendrobium hay Vanda lá hẹp chịu được 70% nắng, trong khi lan Vanda lá dài và Bò cạp chịu được tới 100% nắng. Lan con từ 0-12 tháng đang trong giai đoạn tăng trưởng thân lá chỉ cần chiếu sáng 50%, lan nhỡ từ 12-18 tháng cần chiếu sáng tới 70% và thời điểm kích thích ra hoa có thể cho chiếu sáng nhiều hơn, thậm chí bỏ dàn che để chiếu sáng tự nhiên. Hướng chiếu sáng cũng rất quan trọng đối với lan. Lan đặt ở hướng Đông nhận ánh nắng buổi sáng sẽ tốt hơn nhiều so với lan đặt ở hướng Tây nhận ánh nắng buổi chiều. Chính vì vậy nếu trồng lan trên sân thượng hay ban công ở phía Tây lan kém phát triển và ít hoa. Khi trồng lan cần bố trí hàng theo hướng Bắc – Nam để cây nhận được ánh sáng phân bố đầy đủ nhất.

- Phân bón:
Dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng đối với lan. Khi lan đầy đủ dinh dưỡng cây tươi tốt, ra nhiều hoa, hoa to đẹp, bền trong khi thiếu dinh dưỡng lan còi cọc, kém phát triển, không hoặc ít có hoa. Lan cần 13 chất dinh dưỡng khoáng, thuộc các nhóm đa, trung và vi lượng: Dinh dưỡng đa lượng gồm Đạm (N), Lân (P) và Kali (K). Dinh dưỡng trung lượng gồm Lưu huỳnh (S), Magiê (Mg) và Canxi (Ca). Dinh dưỡng vi lượng gồm Sắt (Fe), Kẽm (Zn), Đồng (Cu), Mangan (Mn), Bo (B), Molypđen (Mo) và Clo (Cl).

Thiếu đạm, cây còi cọc, ít ra lá, ra chồi mới, lá dần chuyển vàng theo qui luật lá già trước, lá non sau, rễ mọc ra nhiều nhưng cằn cỗi, cây khó ra hoa.

Thừa đạm, thân lá xanh mướt nhưng mềm yếu, dễ đổ ngã và sâu bệnh, đầu rễ chuyển xám đen, cây khó ra hoa.

Thiếu lân, cây còi cọc, lá nhỏ, ngắn, chuyển xanh đậm, rễ không trắng sáng mà chuyển màu xám đen, không ra hoa.

Thừa lân cây thấp, lá dày, ra hoa sớm nhưng hoa ngắn, nhỏ và xấu, cây mất sức rất nhanh sau ra hoa và khó phục hồi. Thừa lân thường dẫn đến thiếu Kẽm, Sắt và Mangan.

Thiếu kali, cây kém phát triển, lá già vàng dần từ hai mép lá và chóp lá sau lan dần vào trong, lá đôi khi bị xoắn lại, cây mềm yếu dễ bị sâu bệnh tấn công, cây chậm ra hoa, hoa nhỏ, màu không sắc tươi và dễ bị dập nát.

Thừa kali, thân lá không mỡ màng, lá nhỏ. Thừa kali dễ dẫn đến thiếu magiê và can xi.
Thiếu lưu huỳnh, lá non chuyển vàng nhạt, cây còi cọc, kém phát triển, sinh trưởng của chồi bị hạn chế, số hoa giảm.
Thiếu magiê, thân lá èo uột, xuất hiện dải màu vàng ở phần thịt của các lá già trong khi hai bên gân chính vẫn còn xanh do diệp lục tố hình thành không đầy đủ, cây dễ bị sâu bệnh và khó nở hoa.
Thiếu canxi, cây kém phát triển, rễ nhỏ và ngắn, thân mềm, lá nhỏ, cây yếu dễ bị đổ ngã và sâu bệnh tấn công.
Thiếu kẽm, xuất hiện các đốm nhỏ rải rác hay các vệt sọc màu vàng nhạt chủ yếu trên các lá đã trưởng thành, các lá non trở nên ngắn, hẹp và mọc sít nhau, các đốt mắt ngọn ngắn lại, cây thấp, rất khó ra hoa.
Thiếu đồng, xuất hiện các đốm màu vàng và quăn phiến lá, đầu lá chuyển trắng, số hoa hình thành ít bị hạn chế, cây yếu dễ bị nấm tấn công.
Thiếu sắt, các lá non chuyển úa vàng sau trở nên trắng nhợt, cây còi cọc, ít hoa và dễ bị sâu bệnh tấn công.
Thiếu mangan, úa vàng giữa các gân của lá non, đặc trưng bởi sự xuất hiện các đốm vàng và hoại tử, các đốm này xuất hiện từ cuống lá non sau lan ra cả lá, cây còi cọc, chậm phát triển.
Thiếu bo, lá dày, đôi khi bị cong lên và dòn, cây còi cọc, dễ bị chết khô đỉnh sinh trưởng, rễ còi cọc số nụ ít, hoa dễ bị bị rụng, không thơm và nhanh tàn.
Thiếu molypden, xuất hiện đốm vàng ở giữa các gân của những lá dưới, nếu thiếu nặng, các đốm này lan rộng và khô, mép lá cũng khô dần, cây kém phát triển.
Thiếu clo, xuất hiện các vệt úa vàng trên các lá trưởng thành sau chuyển màu đồng thau, cây còi cọc, kém phát triển.
Lan rất cần phân bón nhưng không chịu được nồng độ dinh dưỡng cao, vì vậy bón phân cho lan phải thực hiện thường xuyên và tốt nhất là bằng cách phun qua lá. Phân bón cho lan phải chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng đa, trung và vi lượng với thành phần và tỷ lệ phù hợp với từng thời kỳ sinh trưởng và phát triển của cây. Nguyên tắc chung là lan trong thời kỳ sinh trưởng thân lá mạnh cần đạm cao, lân và kali thấp, trước khi ra hoa cần lân và kali cao, đạm thấp trong khi lan nở hoa cần kali cao, lân và đạm thấp hơn.

Phân bón thích hợp cho các thời kỳ này là Đầu Trâu 501, 701 và 901, đây là loại phân có đầy đủ và cân đối đa, trung, vi lượng và các chất điều hòa sinh trưởng. Nồng độ và liều lượng phun tùy thuộc tuổi và thời kỳ phát triển như sau:
- Lan mới trồng 0-6 tháng hoặc lan mới ra chồi non sau cắt hoa: Phun phân bón lá Đầu Trâu 501 (30-15-10) nồng độ 500 ppm (0,5 g/lít). Giai đoạn trước 3 tháng phun định kỳ 3 ngày/lần, từ 3-6 tháng định kỳ 7 ngày/lần.
- Lan mới trồng 6-12 tháng hay lan cũ có chồi mới đang phát triển mạnh: Phun phân bón lá Đầu Trâu 501 (30-15-10) nồng độ 2.000 ppm (2g/lít), định kỳ 7 ngày/lần.
- Lan mới trồng 12-18 tháng hay lan cũ có chồi đã thành thục chuẩn bị ra hoa: Phun phân bón lá Đầu Trâu 701 (10-30-20) nồng độ 3.000 ppm (3g/lít), định kỳ 7 ngày/lần. Giai đoạn này cần giảm nước tưới và bỏ bớt mật độ giàn che để năng mức độ chiếu sáng nhằm kích thích ra hoa.
- Khi vòi hoa xuất hiện: Phun phân bón lá Đầu Trâu 901 (15-20-25) nồng độ 2.000 ppm (2g/lít) nhằm thúc hoa nở to, đẹp, giữ hoa lâu tàn.

- Tưới nước: Lan rất cần nước cho quá trình sinh trưởng phát triển. Nếu thiếu nước cây sẽ khô héo, giả hành teo lại, lá rụng nhưng không chết, nụ có thể trước khi nở hoa. Thừa nước, cây dễ bị thối đọt nhất là với các giống lan có lá đứng mọc sít nhau. Quá nhiều nước rễ có rong rêu và nấm bệnh phát triển mạnh. Nước tưới cho lan không quá mặn, phèn và clor dưới ngưỡng cho phép, pH 5,6. Chỉ tưới nước đủ ẩm, nên tưới vào sáng sớm hay chiều mát, tránh tưới buổi trưa khi trời đang nắng nóng. Sau những trận mưa bất thường, nhất là mưa đầu mùa cần tưới lại ngay để rửa bớt các chất cặn đọng lại trên thân lá.

- Phòng trừ sâu bệnh: Lan là cây cũng dễ bị sâu bệnh, nhất là trong điều kiện chăm sóc kém, điều kiện môi trường không thuận lợi. Tùy theo từng loại sâu bệnh mà dùng các loại thuốc thích hợp. Liều lượng và nồng độ phun cần theo đúng hướng dẫn trên bao bì sản phẩm. Nếu lan bị các loại sâu hại thân lá có thể dùng các thuốc chứa hoạt chất Fenitrothion, Trichlorfon như Ofatox 400EC, hoạt chất Cartap như Patox 95SP hay Captafon, Captan hoặc Actara 25WG. Lan bị rệp sáp, rệp trắng, rầy mềm dùng Supracid 40ED/ND, Suprathion 40EC, Bitox 40EC hay Ofatox 400EC. Lan bị nấm, vi khuẩn hay virus gây nên tình trạng cháy lá từng đám, vết cháy lan tròn dần, bệnh thối rễ dùng Zinep, Starner 20 WP hay Benomyl.

6- THU HOẠCH VÀ BẢO QUẢN
Hoa cắt cánh ngâm trong dung dịch giúp hoa lâu héo khoảng 15 phút, sau đó bọc lại bằng giấy báo.



HOA MAI NGÀY TẾT

Trồng cây mai nhứt định là Tết phải có hoa, vì cây mai mỗi năm chỉ ra hoa rộ có một lần, vào mùa Xuân mà thôi. Người trồng mai phải chăm sócnhư thế nào để cây mai ra hoa đúng Tết Nguyên Đán, để trang trí làm đẹp ngôi nhà, để hưởng một mùa xuân tươi vui hạnh phúc với lòng mong ước một năm mới được nhiều may mắn!
 1-     Tết là phải có mai!
Đến Tết mà mai không có hoa là vô dụng, uổng phí công chăm sóc cả năm trời. Nhất là năm nhuần, kéo dài đến 13 tháng, đến nay đa số cây mai đều có tán lá gần già, mà hễ khi già rụng lá là cây mai ra hoa sớm hơn Tết.
Vào tháng 5 âm lịch, nên trảy lá cây mai, nếu có ra một ít hoa để trang trí chơi giữa năm cũng tốt. Kế đến mùa mưa là mùa tăng trưởng, bón thêm phân chuồng hoai và phân bón hóa học NPK 30-10-10, cây mai ra thêm chồi lá mập mạp xanh tươi. Đến tháng 6 tháng 7 âm lịch, nên bón thúc thêm phân DAP cho lá mau già và để kích thích ra nụ hoa. Tiếp tục chăm sóc tưới nước đều cho cây mai, đến gần tháng 12 âm lịch, quan sát cho thật kỹ nụ mai lớn nhỏ cỡ nào là quan trọng và chuẩn bị lo trẩy lá. Có 3 trường hợp:
Thứ nhất là: lá mai còn xanh, nụ mai còn nhỏ; Năm nay là năm nhuần, nên trường hợp này ít có, chỉ có đối với cây mai đã được trẩy lá trước vào giữa năm mà thôi. Nếu nụ mai còn nhỏ quá thì nên tưới thúc thêm phân hóa học NPK loại 15-30-15, hoặc NPK 6-30-30, để kích thích ra hoa, pha gới 10 gr với 8 lít nước, mỗi tuần tưới 1 lần, đều hết từ ngọn đến rễ.
Thứ hai là: lá mai đã vàng, nụ mai khá to, thì có thể ra hoa sớm; Trường hợp này phải tưới thêm phân bón lá, loại NPK 30-10-10, pha 1 gói 10 gr cho 8 lít nước, mỗi tuần tưới 1 lần, để dưỡng cho lá mai xanh tươi trở lại, không cho lá mai rụng sớm, nhằm giữ hoa không cho nở sớm.
Thứ ba là: lá mai đã già, nhưng vẫn còn hơi xanh, nụ hoa lớn vừa, là lý tưởng, chỉ cần tưới nước bình thường sáng sớm và chiều mát, giữ cho lá mai đừng vàng úa rụng sớm, đợi đến cỡ ngày 15 tháng chạp, là trảy lá, chớ không nên tưới thúc phân gì cả.

2. Ngày trảy lá mai:
Gần đến ngày rằm tháng chạp, quan sát lá mai và nụ mai lại một lần nữa:
Thứ nhất, thấy lá mai đã già, nhưng nụ mai còn hơi nhỏ, có thể sẽ nở trễ hơn Tết, nên trảy lá sớm cỡ từ ngày 10 đến 12 tháng chạp, nghỉ tưới nước một ngày cho khô nhựa, rồi tưới thúc thêm phân NPK loại kích thích ra hoa mạnh như 10-55-10; Cũng pha 10 gr cho 8 lít nước, khoảng 5 ngày tưới 1 lần, rồi tiếp tục tưới nước lại bình thường, đến cỡ ngày 23 tháng chạp thấy nụ hoa bung vỏ lụa là hoa sẽ nở đúng Tết, nên đổi qua tưới loại phân NPK 6-30-30 để giữ cho hoa to đẹp và lâu tàn.
Thứ hai, thấy lá mai hơi vàng, nụ mai to vừa, là rất đúng. Trường hợp này nên trảy lá mai vào ngày rằm tháng chạp, cũng ngưng tưới nước một ngày, rồi tiếp tục tưới nước lại bình thường, mỗi ngày một lần vào sáng sớm hoặc chiều mát, đến ngày 23 tháng chạp khi thấy nụ mai bung vỏ lụa rồi, là hoa mai sẽ nở đúng Tết. Cũng có thể tưới thêm phân hóa học NPK 6-30-30 như trên cho hoa.
Thứ ba, thấy lá mai vàng úa sắp rơi rụng, nụ mai đã khá to, có thể hoa mai sẽ nở sớm hơn Tết. Trường hợp này nên trảy lá trễ, đợi đến cỡ ngày 20 tháng chạp hãy trảy lá, cũng ngưng tưới nước một ngày, rồi tưới thêm phân NPK loại 5-0-2, hoặc ure loãng, pha 1 muỗng cà phê cho 8 lít nước, 5 ngày tưới một lần, để kích thích cho cây mai ra lá non, đồng thời cũng hãm cho hoa nở trễ. Bây giờ cũng phải canh tưới nước làm sao cho đến ngày 23 tháng chạp, ngày đưa ông Táo về trời, mà nụ mai nở đầy cành và luân phiên nở suốt cả tuần lễ mới hết. Nếu thấy cây mai có lá non nhiều quá thì nên lấy kéo nhỏ cắt tỉa bỏ bớt.
3. Trường hợp đặc biệt
Thứ nhất là thúc cho hoa mai nở sớm, nghĩa là đến ngày 23 tháng Chạp mà nụ mai sẽ nở trễ hơn Tết. Theo nguyên tắc: nóng thì hoa nở sớm, nên phải đem cây mai ra để ngoài nắng, không tưới nước vào sáng sớm và chiều mát nữa, mà phải tưới nước vào giữa trưa, hoặc tưới nước ấm cỡ 30-40oC. Tối có thể thắp thêm một bóng đèn tròn treo cách xa để sưởi ấm. Thúc cho cây mai nở hoa sớm thì rất dễ, đến gần Tết có thể phun thêm một lần thuốc rầy, như Methyl Parathion, hay Monitor là hoa mai, sẽ nở ngay.
Thứ hai là hãm cho hoa mai nở trễ, nghĩa là chưa đến ngày 23 tháng chạp, mà nụ mai đã bung vỏ lụa trấu rồi, thì hoa mai sẽ nở sớm hơn Tết. Theo nguyên tắc: lạnh thì hoa nở chậm, muốn hãm cho hoa mai nở chậm lại, thì phải đem cây mai vô để nơi râm mát, tưới thêm phân bón lá 30-10-10 hoặc 5-0-2 và phân lạnh như phân urê pha loãng, để hãm cho hoa mai nở trễ, cũng có thể lấy vải đen bao trùm cây mai lại. Nhưng thực tế, muốn làm cho cây mai ra hoa chậm lại là rất khó, còn tùy theo môi trường nơi trồng cây mai có mát mẻ hay không nữa.
Trên đây là kinh nghiệm của bản thân tôi, sau nhiều năm trồng và bán mai Tết, xin giới thiệu để các bạn tham khảo, canh ngày trảy lá mai, và chăm sóc cây mai để ra hoa đúng Tết.

HOA ĐÀO NGÀY TẾT

Thú chơi đào Tết của ông cha ta đã có từ rất lâu đời, Đào có 3 loại: đào phai (hoa đơn, màu hồng nhạt), đào bạch phát nhiều tán (loại đào này hiếm, ít ngời có) và cành sum xuê, đào bích (hoa kép, to, cánh dày, màu hoa đỏ tươi) Đào bích là loại đào đẹp, được nhiều người ưa thích nhất.

Song nhiều người do không biết được đặc tính của cây đào, kỹ thuật trống, chăm sóc nên có năm đào nỡ sớm, có năm nở muộn không đúng vào dịp Tết hoặc có năm đào chỉ ra nụ rồi thâm đen không nở được gọi là đào mù. Thật đáng buồn! Để năm nào đào cũng ra nhiều hoa và nở hoa vào đúng dịp Tết Nguyên đán cổ truyền, người trồng đào và chơi đào cần nắm bắt được đặc tính của cây đào là chịu hạn hơn chịu nước. Đào trồng nơi đất trũng, bội chi về nước, rễ thối, cây dễ bị chết. Trồng trong bóng dâm, ít ánh nắng, đất ẩm, lá sẽ xanh tốt quanh năm, đến mùa rất ít hoa. Vì vậy để năm nào đến mùa đào cũng có nhiều hoa ta phải trồng đào ở nơi cao ráo, quang đãng. Hàng năm, sau mỗi mùa thu hoạch hoa, cần bón bổ sung thêm phân chuồng, NPK cho cây để cây phát nhiều tán cành sum xuê. Mua hoa năm sau hoa to, sắc màu đẹp,năng suất cao hơn.

Thông thường thì đào ra hoa rải rác từ trung tuần tháng chạp năm trước đến trung tuần tháng giêng năm sau. Song không phải năm nào cũng vậy, thực tế cho thấy năm thời
tiết nắng ấm đến sớm, đào nở sớm hơn, năm thời tiết rét kéo dài, đào nở muộn hơn. Vì vậy nhiều năm Tết đến đào đã tàn hoa hoặc Tết song hoa đào mới nở, không có hoa đào chơi
Tết, nên muốn có hoa đào chơi đúng vào dịp Tết, người trồng đào, chơi đào phải biết điều chỉnh cho hoa đào nở theo ý muốn.

Ngoài việc thiến đào, theo kinh nghiệm cổ truyền, trống và chơi đào nhiều năm, tôi đã có một số biện pháp điều chỉnh cho đào ra hoa vào đúng dịp tết như sao: vào trung tuần tháng 11 âm lịch, tôi tiến hành tuốt bỏ toàn bộ lá đào trên cây để cây tập trung dinh dưỡng làm nụ, đảm
bảo nụ hoa ra nhiều, đều, mập, hoa to, cánh dày, màu đẹp. Theo dõi năm nào thời tiết nóng thì tuốt lá muộn hơn vài ngày, năm nào thời tiết rét thì tuốt lá đào sớm hơn thời điểm trên
vài ngày. Sau khi tuốt lá đào xong, nếu trời nắng nóng kéo dài, ta phải làm giàn che và phun nước lạnh thường xuyên toàn bộ tán, thân cây đào, hãm cho đào không ra hoa sớm. Nếu trời rét kéo dài, ta cũng phải làm giàn che cho đào và hàng ngày tưới nước ấm vào quanh gốc đào để đảm bảo đủ nhiệt độ kích thích cho đào ra hoa đúng kỳ hạn.

Vời cách làm như trên tôi thấy năm nào đào trong vườn nhà cũng ra hoa nhiều, hoa to, màu sắc đẹp và đúng dịp Tết như sau: Vào trung tuần nở rộ từ ngày 28 - 29 tháng chạp đến ồng 4 - 5 tháng giêng, đúng vào dịp đón Tết mừng Xuân.

KỸ THUẬT TRỒNG HOA HỒNG
Kỹ thuật trồng hoa hồng Pháp


Hoa hồng Pháp là loại hoa thông dụng, bình dân, cỡ hoa to, màu đỏ tươi, lâu tàn. Trồng hoa hồng Pháp cho thu nhập cao, 1 sào Bắc bộ (360 m2) có thể thu nhập 5-6 triệu đồng/năm.
 1. Nhân giống và thời vụ
 Hoa hồng Pháp được nhân giống chủ yếu bằng phương pháp ghép mắt nhỏ có gỗ hoặc ghép nêm, ghép đoạn cành trên gốc ghép là cây tầm xuân (hoa hồng dây, hoa hồng dại).
Vào tháng 2-3, chọn ngày ấm (nhiệt độ >200C), cắt cành tầm xuân bánh tẻ có đường kính từ 0,5-1,5cm, dài 10-15cm bằng kéo sắc chuyên dùng. Nhúng hom tầm xuân trong dung dịch thuốc kích thích Atonic 1% hoặc Orgamin 1% trong 5 giây, sau đó giâm trên luống cát nhỏ đã chuẩn bị, có mái che nắng phía trên, với mật độ 5x5cm, tưới ẩm liên tục đảm bảo độ ẩm 75-80% độ ẩm đất, độ ẩm không khí đạt trên 90% ít nhất trong 20 ngày đầu. Sau khi giâm khoảng 45-60 ngày, các hom tầm xuân ra rễ dài 4-5cm thì tiến hành giâm vào bầu nilon có đường kính 7-10cm, cao 20-25cm, có đục lỗ thoát nước ở đáy. Giá thể làm bằng đất phù sa, bùn ải hoặc đất thịt nhẹ giàu dinh dưỡng 60-70% + phân chuồng hoai được ủ mục trong 2 tháng với 2% super lân Lâm Thao. Đặt bầu ươm hom giống vào vườn ươm được bố trí nơi cao, thoát nước, có giàn che bớt 60-70% ánh sáng trực xạ. Mật độ ươm với khoảng cách 15 x20 cm/bầu. Mỗi hom chỉ để 1 mầm sát mặt đất, tưới đạm + lân pha loãng với nước sạch, khi mầm có đường kính 0,3-0,5cm, cao 20-30 cm thì tiến hành ghép.
Cách ghép mắt nhỏ có gỗ như sau: Trên gốc ghép, ở độ cao cách mặt đất 10 - 15cm, chọn vị trí không có nhánh hoặc mầm ngủ, tiến hành mở gốc ghép có dạng hình lưỡi ở gốc ghép. Trên cành ghép, chọn vị trí có mầm ngủ, cắt lấy mắt ghép dạng hình lưỡi có một phần gỗ tương tự như trên gốc ghép. Đặt mắt ghép vào gốc ghép và dùng dây nilon cuốn lại, lưu ý cuốn kín dây từ dưới lên trên một lượt để tránh nước mưa thấm vào và cố định dây ghép. Sau ghép 15-25 ngày tiến hành cởi dây ghép, nếu mắt ghép còn sống thì sau 2-3 ngày tiến hành cắt ngọn gốc ghép, áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc cây con sau khi ghép như tưới đủ ẩm, tưới phân đạm, kali pha loãng, phòng trừ sâu, bệnh kịp thời. Khi mầm ghép mọc cao 7-10 cm thì tiến hành đưa cây giống trồng ra ruộng sản xuất.
Thời vụ trồng: Vụ thu trồng tháng 9-10. Vụ xuân trong tháng 2-3.
2. Trồng và chăm sóc
Chọn ruộng đất cát pha, thịt nhẹ, đất phù sa chủ động tưới tiêu. Hoa hồng yêu cầu độ pH: 6-7, nếu đất chua (độ pH dưới 5,5) cần bón 20-25 kg vôi bột/sào, vãi trước khi làm đất. Cày bừa kỹ, nhặt sạch cỏ dại, lên luống ruộng 70-80 cm, cao 25-30cm, trồng hàng đôi. Hai hàng đơn cách nhau 35-40cm, cây cách cây 30 cm.
Lượng phân bón cho 1 sào hoa hồng như sau: Phân chuồng hoai mục 7-10 tạ, phân lân super 20-25kg, đạm urê 10-15kg, kali clorua 3-5kg (năm đầu bón ít đạm và kali, năm thứ 2-3 bón nhiều hơn).
Cách bón
Bón lót lúc trồng toàn bộ phân chuồng, phân lân vào chính giữa luống. Bón thúc bằng cách tưới đạm và kali loãng lần thứ nhất sau trồng 15-20 ngày. Sau đó khoảng 15-20 ngày bón thúc 1 lần bằng đạm và kali cách gốc 15cm. Hoa hồng sau khi trồng được 3-4 tháng thì bói hoa. Kỹ thuật điều khiển ra hoa rộ vào những ngày có nhu cầu lớn như ngày lễ, tết, ngày rằm, mồng 1 (âm lịch) bán được giá cho thu nhập cao thuộc về kinh nghiệm riêng của từng nông dân.
Đốn tỉa thân cành: Sau khi mầm chính lên cao 20-25cm, thì tiến hành bấm ngọn, chỉ để 4-5 cành cấp 1 toả đều xung quanh tạo thành bộ khung chính của cây. Thường xuyên tỉa bỏ các lá già, cành tăm hương để tán cây được thông thoáng, giảm sâu, bệnh hại.
Theo kinh nghiệm của bà con nông dân, để chăm sóc hoa hồng có nhiều bông với chất lượng cao cần thao tác một số biện pháp kỹ thuật sau:
- Nên bón nhiều phân chuồng hoai mục, phân vi sinh, bùn ao phơi ải và phân tổng hợp NPK (loại 12:5:10) của hãng Apatit Lào Cai, lân Lâm Thao cho hoa hồng thay phân đơn đạm, lân, kali cây sẽ tốt bền hơn.
- Thường xuyên phun một trong số các loại phân bón qua lá các loại như: A-H 502; Kích phát tố hoa trái Thiên nông, Atonic định kỳ khoảng 10-15 ngày/lần, cây sinh trưởng tốt, hoa nở số lượng nhiều, tập trung, kích thước hoa to, màu sắc sặc sỡ, khi sử dụng lâu tàn được người tiêu dùng tín nhiệm.
Nếu cây sinh trưởng quá tốt, chậm ra hoa bà con cần: Tỉa bớt cành la, cành tăm, cành vóng cho tán thông thoáng, ngừng bón đạm, ngừng tưới nước, bón lượng lớn kali (7-10kg/sào), để khô đất 10-15ngày, sau đó chăm sóc bình thuòng, cây sẽ nhanh phát hoa.
- Sau khi bấm ngọn cành tơ (cành non) khoảng 35-45 ngày (tuỳ vụ, tuỳ nhiệt độ, độ ẩm đất, lượng phân bón thúc cho cây và kinh nghiệm của người trồng cây) thì cây phát hoa. Như vậy muốn có hoa hồng phục vụ tết Nguyên đán, và những ngày sau tết, đầu tháng giêng thì cần bấm ngọn cành non vào khoảng đầu tháng 11 âm lịch hàng năm.
Về năng suất hoa, sau trồng 1 năm tuổi cho thu 4-5 nghìn bông/sào/năm. Hoa hồng 2 năm có thể cho 10-15 nghìn bông/năm. Năm thứ 3 sản lượng hoa giảm dần còn khoảng7-10 nghìn bông. Năm thứ 4 cây hoa tàn sinh trưởng kém nên tiến hành trồng mới.
Kỹ thuật bao hoa
Nếu không bao hoa, để tự nhiên thì hoa nở không đều, thu bán không đồng loạt. Dùng giấy chuyên dùng màu trắng không ngấm nước (của Trung Quốc sản xuất), quấn chặt vừa kín bông hoa chuẩn bị nở theo hình chóp nón (khi bỏ giấy ra, sau 1-2 giờ bông hoa sẽ được nở bung ra).
Kinh nghiệm phòng trừ một số sâu, bệnh hại chủ yếu như: Các loại rầy, rệp dùng thuốc Aciara 25EC; Sutin 5EC. Nhện đỏ dùng Sokupi 0,36AS; Ortus 5EC; Pegasus 500EC. Bệnh thán thư, bệnh sương mai, lở cổ rễ hại thân, cành lá, hoa dùng thuốc Alpine 80WP + Cavil 50WP hoặc Ridomin 72% + Carbenzim 50WP.
Cuộc Sống Việt _ Theo cuctrongtrot.gov.vn
Kỹ thuật bón phân cho cây hoa hồng
Hoa hồng là cây ưa khí hậu mát, nhiệt độ thích hợp trong khoảng 18-25oC. Là cây hoa lâu năm, nếu hồng ghép trên gốc hồng dại thì có thể cho thu hoạch bông tới 10 năm và hơn nữa.
1.      Đặc điểm chung

- Hoa hồng là cây ưa khí hậu mát, nhiệt độ thích hợp trong khoảng 18-25oC. Là cây hoa lâu năm, nếu hồng ghép trên gốc hồng dại thì có thể cho thu hoạch bông tới 10 năm và hơn nữa.

- Yêu cầu đất trồng phải tơi xốp, thoát nước tốt, giàu hữu cơ và dinh dưỡng. Cây hoa hồng có thể trồng được quanh năm nhưng ở miền Bắc thích hợp nhất là vụ Xuân (tháng 2-3).

- Mật độ thích hợp với hoa hồng cắt cành 70.000 - 80.000 gốc/ha.

- Các giống tốt và phổ biến hiện nay: xanh Long Mỹ, đỏ Hà Lan, đỏ Ý, đỏ Pháp, cam, hồng, phấn, vàng trắng, cá vàng, trắng, tối....
2. Bón phân

Hoa hồng là cây cho giá trị kinh tế cao, vào thời kỳ thu hoạch rộ, mỗi ha trồng cắt cành thu khoảng 30.000 bông, cứ 2 ngày thu 1 lần. Thời điểm không rộ cho thu 10.000 bông/đợt. Do vậy hoa hồng cắt cành đòi hỏi lượng phân rất cao.

Nhà vườn thâm canh hoa hồng cắt cành Đà Lạt thường đầu tư 20-30 triệu đồng tiền phân bón/ha/tháng.

Việc bón phân cho hoa hồng ngoài việc phải đạt năng suất cao còn phải đạt màu sắc hoa đẹp, hoa lâu tàn và hương thơm. Tùy theo mức độ thâm canh, quy trình bón phân như sau:

Vườn hoa hồng cắt cành:

a) Bón lót khi trồng (lượng bón cho 1.000m2)

- Vôi bột hoặc đôlômít: 100-150kg.
- Phân chuồng hoai: 4-6 tấn.

b) Bón thúc cho gốc ghép (sau khi đặt gốc hồng dại):
- Compomix: 20-30 kg/1.000m2/lần. Bón 5 lần, định kỳ 1 tháng/lần kết hợp làm cỏ, vun xới.
c) Bón thúc sau khi ghép mắt:
Sau trồng 6 tháng thì tiến hành ghép mắt, sau ghép 15 ngày sẽ hạ giàn và bón thúc
+ Thúc mầm lần 1 (sau khi ghép 30-35 ngày): 5-6 tấn phân chuồng hoai/công.
+ Thúc mầm lần 2 (sau ghép 45-50 ngày): 40-60 kg NPK 13-13-13+TE Đầu Trâu cho 1.000m2
+ Thúc sau mỗi lần tỉa nhánh: 15-20kg NPK 13-13-13 + TE Đầu Trâu cho 1.000m2. Kết hợp phòng ngừa sâu bệnh.
+ Thúc định kỳ 15 ngày bón 1 lần, lượng bón 50-70kg NPK 13-13-13 + TE Đầu Trâu cho 1.000m2.
+ Bón phân magiê: Định kỳ 4-5 tháng bón 1 lần với lượng 1,5-2kg MgSO4/1.000m2 bằng cách trộn với phân NPK bón gốc hoặc hòa với nồng độ 0,3-0,5% để phun qua lá.
+ Phun qua lá: Phân bón thích hợp cho các thời kỳ phát triển của hồng là Đầu Trâu 501, 701 và 901, đây là loại phân có đầy đủ và cân đối đa, trung, vi lượng và các chất điều hòa sinh trưởng. Nồng độ và liều lượng phun tùy thuộc tuổi và thời kỳ phát triển như sau:

- Thời kỳ hồng tăng trưởng và sau cắt hoa: Pha 1-2 gam Đầu Trâu 501 trong 1 lít nước, phun định kỳ 7-10 ngày/lần.
- Thời kỳ hồng trưởng thành sắp ra nụ hoa: Pha 1-2 gam Đầu Trâu 701 trong 1 lít nước, phun định kỳ 7-10 ngày/lần.
- Khi hồng đã có nụ và dưỡng hoa khi đang nở: Pha 1-2 gam Đầu Trâu 901 trong 1 lít nước, phun định kỳ 7-10 ngày/lần.
d) Từ năm thứ 2, vào đầu chu kỳ bón 5-6 tấn phân chuồng hoai/1.000m2. Phân bón NPK 13-13-13+TE Đầu Trâu và phân bón lá sử dụng theo quy trình trên.
Hoa hồng trồng vườn :
a) Bón lót (lượng bón cho mỗi m2 đất trước khi đặt bầu): 3-4kg phân chuồng hoai 2-3kg tro trấu Đất trồng Compost Đầu Trâu 50-100 g lân Đầu Trâu Kết hợp với thuốc phòng trừ kiến, mối và sùng.
b) Bón thúc: thúc định kỳ 15-20 ngày/lần với lượng bón 40-60g NPK 13-13-13+TE Đầu Trâu cho mỗi m2 Sau mỗi lứa hoa cần tỉa cành và bón bổ sung 1kg phân chuồng.Phun phân bón lá Đầu Trâu 501, 701, 901 theo quy trình như trên.
Hồng trong bồn (chậu)
a) Chuẩn bị đất trồng: Sử dụng đất Compost Đầu Trâu, bỏ vài viên gạch nhỏ ngay lổ thoát nước của chậu để tránh bí nước. Cho hỗn hợp đất này vào bồn (chậu) sau đó đặt bầu sao cho bề mặt bầu ngang với mặt đất và đạt 8/10 so với thành chậu, lèn chặt đất lại.

b) Bón thúc định kỳ 20-30 ngày/lần với lượng: 30-50 g NPK 13-13-13+TE Đầu Trâu
Lượng bón trên tính cho mỗi chậu (1-2 bụi), với bồn cần tăng lượng lên theo số lượng bụi.
Phun phân bón lá Đầu Trâu 501, 701, 901 theo quy trình như trên.
Sau 2-3 tháng cần thay 1/3 đến 1/2 lượng đất cũ trong chậu (bồn) bằng hỗn hợp đất sạch Compost Đầu Trâu. Cần moi đất quanh chậu và phía trên, tránh làm đứt rễ. Tưới nước ngay sau khi thay đất.


KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY SỨ THÁI
Cây sứ sa mạc hay còn gọi là sứ Thái có tên khoa học là Adenium obesum Balt, thuộc họ Apocynaceae (họ trúc đào), có nguồn gốc ở các nước sa mạc Phi châu.
1. Giới thiệu:
Cây sứ trồng bằng hạt có thể ra hoa sau 8 tháng đến 1 năm. Hoa sứ thường có dạng hình phễu nhỏ, xoè 5 cánh to như loa kèn bên ngoài. Tuy nhiên khi đột biến có thể nở ra đến 6-7 cánh rất lạ, đẹp... Chùm hoa từ 3-10 chiếc, thường tập trung ở đỉnh. Trong một chùm hoa, hoa lớn nở trước hoa nhỏ nở sau, mỗi hoa nở khoảng 8-10 ngày mới tàn, cho nên rất lâu mới nở hết chùm hoa. Cây sứ rất nhiều nhánh, nhiều hoa nên hoa nở gần như quanh năm. Một cây có thể ghép lên nhiều giống có màu sắc hoa khác nhau.
Cây sứ dễ trồng, khả năng nhân giống nhanh, hoa đẹp, trên một cây có thể ghép nhiều giống sứ có các màu khác nhau. Ngoài vẻ đẹp của hoa cây sứ còn có thể uốn tạo thành cây kiểng, cây thế nhờ bộ rễ rất đẹp. Vì vậy cây sứ được rất nhiều người ưa thích, trồng sứ sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao.
2. Chọn đất trồng:

Cây sứ không kén đất. Các loại đất như đất cát, thịt, thịt nhẹ đều trồng được sứ với điều kiện là đất phải tơi xốp và thoát nước. Có thể trộn hỗn hợp đất trồng sứ như sau: 40 - 50% đất phù sa, cát pha hoặc thịt nhẹ, 50 - 60% chất hữu cơ như xơ dừa mục, vỏ đậu phộng mục, vỏ trấu mục. Nếu đất chua có thể bổ sung thêm vôi, phân lân. Tất cả trộn đều và có xử lý một số thuốc trừ nấm để sát khuẩn, ủ thành đống để sử dụng dần.

3. Cách trồng:

Có 2 cách trồng sứ là gieo hạt và giâm cành. Nhưng hiện nay đa số người chơi sứ đều dùng phương pháp giâm cành. Sứ trồng trong chậu là khá phổ biến vì vừa đẹp vừa dễ chăm sóc nên ít người trồng thẳng xuống đất vườn.

Chậu trồng sứ cần đục lỗ ở đáy để thoát nước, có thể độn một ít đá, gạch nhỏ dưới đáy chậu, tránh làm đất trồng bịt kín lỗ, hoặc rễ sứ chìa ra ngoài lỗ thoát nước, lâu ngày lớn lên làm bít hết lỗ thoát nước. Dùng đất trồng hoa kiểng Compomix Đầu Trâu đổ đầy đến khoảng 2/3 chậu sau đó đặt cây sứ vào, sửa ở giữa chậu, bộ rễ xoè ra cân đối. Tiếp tục thêm đất sao cho đất chỉ ngập một phần rễ và gần ngang bằng miệng chậu. Bộ củ rễ to nếu có phải nằm lên trên miệng chậu, đất trồng phải thấp hơn miệng chậu, để khi tưới nước không tràn ra ngoài.

Cây sứ trồng lâu ngày, bộ rễ phình to, phải chuyển sang chậu mới to hơn, đồng thời nâng bộ rễ cho cao lên khỏi miệng chậu, dáng cây mới đẹp.
Sang chậu mới phải đặt cây cho ngay ngắn, nâng bộ rễ lên đồng thời uốn sửa cây theo ý muốn của người chơi sứ, bỏ đất vào khoảng ngang bằng miệng chậu, tưới đủ ẩm.

4. Cách sửa bộ rễ và tạo hình:


Cây trồng được 1 - 2 năm thì có bộ rễ khá to, người trồng phải uốn sửa cho đẹp. Bộ rễ cây sứ rất dễ sửa, nhất là cây sứ trồng từ hạt lại càng đẹp vì giữa thân và bộ rễ không có eo như sứ giâm cành hoặc chiết cành. Cây sứ trồng bằng hạt có thân và củ dính liền với nhau như thân người đứng, người nằm, người quỳ gối. Hàng năm vào mùa nắng, ít mưa có thể nâng toàn bộ bộ rễ lên khỏi miệng chậu để tỉa cho thế cây đẹp hơn. Sắp xếp bộ rễ để xoè ra hợp lý, tỉa bỏ bớt các rễ con không cần thiết, mỗi vết cắt đều phải được bôi vôi. Tuỳ theo dáng bộ rễ có thể sửa theo ý muốn của người chơi sứ. Khi uốn sửa bộ rễ thì không nên tưới nước, khi vết cắt hình thành mô sẹo mới được tưới nước. Cũng có thể nhổ hết cây sứ lên, rũ sạch đất, để nơi râm mát cho mềm bộ rễ, rồi mới uốn sửa và cắt tỉa theo hình các con thú, hình người... Để cho sứ lành sẹo mới trồng trở lại, chăm sóc nơi râm mát đến khi cây ra rễ đâm chồi nhánh mới đem ra nắng và tưới nước bình thường trở lại.

Muốn cây hoa sứ có dáng thế đẹp thì cần phải uốn sửa cẩn thận. Cây sứ lâu năm to cao, cành nhánh nhiều uốn thành nhiều tầng như kiểng cổ, kiểng thế. Cần tỉa bớt những cành nhỏ dư thừa, giữ các cành đúng thế, rồi uốn theo ý muốn.

5. Bón phân:

Các loại phân hữu cơ bón thích hợp cho sứ như phân trâu, bò, heo hoai mục, bánh dầu, dùng để bón lúc trồng hoặc khi thay chậu, sửa rễ. Phân vô cơ như đạm, lân, kali, NPK, phân bón lá dùng cho bón thúc định kỳ trong năm. Tùy theo tuổi cây có thể bón phân cho sứ theo loại phân và liều lượng sau: 

- Cây sứ sau khi ra ngôi (mới trồng từ cành giâm) - dưới 6 tháng tuổi: Hòa loãng 10-15gr phân NPK 20-20-15 + TE hoặc NPK 16-12-8 + TE trong 10-15 lít nước tưới đủ ẩm, cách nhau khỏang 15-20 ngày/lần. Kết hợp dùng phân bón lá Đầu Trâu 005 phun định kỳ 7-10 ngày lần nhằm kích thích ra chồi, lá, rễ. 

- Cây sứ từ 6 tháng - 1 năm: Bón thúc định kỳ 20-30 gr phân NPK 20-20-15 + TE hoặc NPK 16-12-8 + TE/chậu, cách nhau 20-30 ngày/lần. Kết hợp dùng phân bón lá Đầu Trâu 005 phun định kỳ 7-10 ngày/lần, kích thích ra chồi, lá, rễ. Có thể sử dụng Đầu Trâu 007 phun khi muốn cho sứ ra hoa. 

- Cây sứ trên một tuổi, có hoa ổn định: Bón thúc định kỳ 20-30 gr phân NPK 20-20-15 + TE hoặc NPK 16-12-8 + TE/chậu, cách nhau 20-30 ngày/lần. Kết hợp dùng phân bón lá Đầu Trâu 005, phun định kỳ 7-10 ngày lần, kích thích ra chồi, lá, rễ. Đầu Trâu 007 kích thích ra hoa và Đầu Trâu 009 có tác dụng dưỡng hoa lâu tàn.
6.Tưới nước:
Sứ là cây chịu nắng, điều này rất phù hợp với thời tiết miền Nam, tuy nhiên cũng rất sợ úng nước, cho nên chỉ khi nào nắng khô đất mới tưới. Cây sứ vừa mới trồng, mới sang chậu hoặc cắt cành để giâm không nên tưới nhiều nước. Tưới nước cho sứ phải dùng vòi phun nhuyễn, bình phun hoặc hệ thống bơm phun.
7. Điều khiển ra hoa:

Muốn cây sứ có nhiều hoa thì không để cành sứ quá dài, cành phải được cắt sau mỗi đợt hoa tàn, cắt nhiều lần, mỗi lần chỉ cắt cao thêm một đoạn ngắn, nhiều đoạn ngắn sinh thêm ra nhiều nhánh, nhiều nhánh sẽ có nhiều hoa. Muốn sứ ra hoa vào dịp tết cần căn cứ: Nếu lượng mưa đều trong năm, khí hậu ôn hòa thì cắt cành sứ vào dịp rằm tháng 7 âm lịch. Nếu trong năm nắng nhiều, mưa ít, hạn hán kéo dài thì cắt cành sứ muộn hơn vào khoảng đầu tháng 8. Kết hợp phun định kỳ các loại phân bón lá có hàm lượng lân và kali cao như Đầu Trâu 007, Đầu Trâu 009, Đầu Trâu 701, Đầu Trâu 901. Khi thấy lá sứ chuyển từ màu xanh sang màu vàng rồi rụng, ở đầu đọt ngưng phát triển lá non có những mụn lốm đốm là thời kỳ cây đang hình thành nụ.
8. Phòng trừ sâu bệnh:

Cây sứ xanh tốt thường có nhiều sâu bệnh chính như:

- Sâu xanh: Nếu thấy trên đọt lá có những đốm đen, đó là do sâu cắn phá, ăn đọt lá non tạo thành. Nhất là sâu xanh, lúc còn nhỏ màu trắng, lớn lên màu xanh, loại sâu này ăn rất nhanh, 2-3 ngày hết cả đọt lá, có thể ăn đứt cả ngọn cây. Dùng một trong các loại thuốc Trebon, Mipcin, Vibasu, Bassa.

- Rầy bông và bọ sứ: Rầy bông thân nhỏ dẹp, có nhiều lông tơ khắp chung quanh, bọ sứ thì lớn hơn gấp đôi gấp ba rầy bông, thân hình bầu dục, cũng mang rất nhiều lông tơ và lông đuôi khá dài, thường cắn hút nhựa trên đọt lá và tiết ra một chất nhựa ngọt cho kiến ăn, đồng thời cũng làm rơi rụng rất nhiều phấn màu trắng trên ngọn cây; lâu ngày làm hư thối cả ngọn sứ. Loại rầy và bọ gây hại trên ngọn cây làm hư ngọn cây, trên trái làm hư trái, nhỏ thì rụng, trái lớn thì làm cong queo hạt lép sau này gieo không mọc lên cây con. Khi thấy phải phun thuốc không cho đẻ trứng. Nếu phát hiện rầy, lấy cọ nhỏ quét sạch cả rầy và phấn trắng.
Dùng thuốc Vicidi-M 50 ND, Visher 25 ND, Vidithoate 40 ND…

- Rệp, nhện đỏ: Nhện đỏ có thân màu đỏ, cũng có nhiều lông tơ, mắt thường khó thấy được, chích hút nhựa lá non, làm cho lá non trở lên đỏ nâu rồi rụng, đọt cây trơ trụi. Hàng tháng nên phun thuốc một lần để phòng ngừa. Thuốc trừ có thể là: Trebon, Bi 58, Kelthane, Viphensa 50ND, D-C Ttron Plus….

- Bệnh thối nhũn: Bệnh thối nhũn là phổ biến nhất ở cây sứ Thái, rất khó trị. Lúc đầu có thể là một chấm đen rồi lan ra rất nhanh, nếu không phát hiện kịp cây sẽ bị thối mềm nhũn. Nhất là trong mùa mưa, có thể làm cho chết cả cây chỉ sau vài ngày.

Nguyên nhân: Có thể do vi khuẩn gây ra, khi độ ẩm quá cao hoặc do các vết thương từ sâu rầy gây ra.
Phòng trị: Cắt bỏ hết chỗ nào bị thối mềm nhũn, đến hết chỗ lõi cây có đốm đen, nếu không sẽ tiếp tục lây lan thối hết cả cây, lấy vôi bôi vào vết cắt để sát trùng. Dùng thuốc Batocide 12WP, Viben-C, Newkasuran 16.6 BTN…

- Bệnh đốm vàng trên lá: Lá sứ sau khi gặp mưa hoặc gió lớn thường sinh ra nhiều đốm nhỏ trên lá màu vàng hoặc nâu như bị phỏng, rồi lan nhanh ra cả lá, sau này sẽ khô quéo lại hoặc rơi rụng. Có khi ăn vào thân cây làm cây mềm thối nhũn từ trên cành xuống qua thân, khi lan đến gốc là cây chết. Có thể do nấm gây ra và lây lan rất nhanh ra cả cây.
Phòng trị: Bệnh thường phát triển vào mùa mưa nên khi thấy lá vừa bị đốm vàng là phải cắt bỏ ngay và phun thuốc trừ nấm như Topsin, Appenearb, Dithane, zineb, oxyclorua đồng… Cây sứ bị bệnh rất khó trị nên phải thường xuyên theo dõi để phòng trừ kịp thời.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét