Giọng hát Khánh Ly vẫn trẻ theo năm tháng
Tác giả: Chi Mai
KD: Tối nay, ca sĩ Khánh Ly sẽ biểu diễn tại Hà Nội. Xin được đưa bài viết này lên để bạn đọc đọc và chia sẻ với “nữ hoàng chân đất” nổi tiếng này.
Giữa lòng Sài Gòn, Khánh Ly hát các nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn. Dù chỉ đang ở buổi tập, bà chìm đắm trong ca từ, giai điệu như thể trước mặt là đám đông khán giả.
Chiều 5/5, tại phòng trà Đồng Dao, TP HCM, Khánh Ly có buổi tập dượt cho đêm “Live concert Khánh Ly” (diễn ra tối 9/5 ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Mỹ Đình, Hà Nội). Đặt chân đến sân bay Tân Sơn Nhất vào sáng 1/5, chiều cùng ngày, bà có ngay buổi làm việc cùng đạo diễn, giám đốc âm nhạc, ban nhạc và êkíp thực hiện. Suốt thời gian lưu lại Sài Gòn trước khi bay ra thủ đô, hầu như ngày nào nữ danh ca cũng có bàn bạc, tập luyện nhằm chuẩn bị những gì tốt nhất cho đêm nhạc tái ngộ.
Sự cẩn trọng là không thừa, bởi sau 39 năm, đây là lần đầu tiên Khánh Ly đứng trên sân khấu hát cho khán giả quê nhà. Chương trình âm nhạc này là một trong những chương trình được khán giả chờ đợi trong nhiều năm qua, và được đánh giá là sự kiện lớn của làng âm nhạc trong nước năm 2014. Sau vài lần lỗi hẹn, sô diễn của “tri kỷ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn” đã thành sự thật.
Khánh Ly tập nhạc cùng ca sĩ Hà Anh Tuấn tại phòng trà Đồng Dao. Bà sẽ lần lượt song ca với 4 nam ca sĩ
khách mời góp mặt trong chương trình theo lời đề nghị của bà. Ảnh: Cao Trung Hiếu.
|
Khánh Ly xuất hiện tại buổi tập chiều 5/5 với phong thái quen thuộc như nhiều người từng tiếp xúc với bà nhận xét: giản dị, vui vẻ, cởi mở, tác phong nhanh nhẹn đồng thời rất chừng mực. Vóc dáng gọn gàng của người chăm tập thể thao cùng việc chọn mặc chiếc sơ mi màu sẫm trang nhã, chiếc quần tây ống túm đơn giản khiến bà trẻ hơn rất nhiều so với tuổi gần 70 (nữ danh ca sinh năm 1945). Giữa một êkíp làm việc toàn người trẻ, bà rất thoải mái, tự tin trao đổi về công việc.
Trong lúc chờ ban nhạc chuẩn bị trên sân khấu, bà rút điếu thuốc lá, loại thuốc lá nhẹ dành cho nữ, thong thả hút. Với nhiều người phụ nữ, quy luật “cái tuổi nó đuổi xuân đi” là không thể cưỡng lại. Với Khánh Ly, dù nếp nhăn hiện hữu ở khuôn mặt ở bà, người ta vẫn thấy rõ dáng dấp của một Lệ Mai của ngày nào, tràn đầy sức sống và hơi có chút khí phách ngang tàng của người sớm biết buồn với cuộc đời.
Khi nghe những tiếng nhạc thử âm thanh trên sân khấu, ánh mắt bà hướng ra khung cửa sổ đầy nắng của phòng trà trong chiều Sài Gòn. Chỉ cách vài bước chân, ngoài khung cửa kia là đường Pasteur, một trong những con đường xưa nhất TP HCM, đang tất bật với dòng xe cộ nườm nượp. Không xa lắm phòng trà này là con đường Lê Duẩn, nơi ngày xưa có trụ sở rạp Norodom, địa điểm mà ở tuổi 11, Khánh Ly một mình đi nhờ xe chở rau từ Đà Lạt về Sài Gòn tham dự cuộc thi tuyển lựa ca sĩ nhi đồng do đài Pháp Á tổ chức. Năm đó, bà đoạt giải nhì với bài hát Ngày trở về của Phạm Duy. Và cũng không xa lắm, cách vài ngã tư với chừng hơn 15 phút đi bộ, là Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân Văn TP HCM, tiền thân là Đại học Văn khoa Sài Gòn, nơi Khánh Ly cùng Trịnh Công Sơn có những buổi hát cho phong trào sinh viên tranh đấu tại quán Văn. Quán Văn ngày ấy dựng lên ở một khu sân hoang của đại học, nơi những ca khúc của Trịnh Công Sơn, qua tiếng hát Khánh Ly, lưu dấu trong lòng bao thế hệ người yêu nhạc.
Về chỉ vài ngày, bà đã kịp đi lại những con đường xưa, tìm lại kỷ niệm khi đi ngang qua chỗ quán Văn ngày nào, quán Cây Tre, nhà thờ Đức Bà, hát ở Tòa tổng giám mục, đi nhà sách, thăm mái ấm Mai Tâm – Bình Triệu…
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 vui mừng hội ngộ với Khánh Ly tại Sài Gòn. Ảnh:Quang Thành.
|
Chính vì giọng hát của nữ danh ca gắn liền với ký ức của một thế hệ, chuyến trở về và hát của bà đón nhận khá nhiều ý kiến trái chiều. Trong khi nhiều người đến với đêm nhạc như tìm lại chiếc vé trở về hoài niệm, cũng có nhiều người e ngại, ngày tái ngộ họ chỉ có thể tìm vết tích tàn phai của một giọng hát từng được ngưỡng mộ qua sách báo, băng đĩa.
Trước đó, chia sẻ với báo chí, nhạc sĩ Hoài Sa, giám đốc âm nhạc của chương trình khẳng định, các bản phối của những nhạc phẩm trình bày trong đêm “Live concert Khánh Ly” có phong cách acoustic (mộc) nhằm gợi nhớ hình ảnh nữ hoàng chân đất bên chiếc loa thùng ngày nào in đậm trong ký ức của một thế hệ khán giả. Sự tiết chế còn là để tôn trọng kỷ niệm của người nghe. Và Hoài Sa cũng không quên cẩn thận “nhắc khéo” khán giả: ở tuổi gần 70, người nghe cũng cần chuẩn bị tinh thần với một Khánh Ly không còn được như xưa.
Thế nhưng, nếu ai có mặt trực tiếp ở buổi tập của Khánh Ly sẽ không tránh khỏi cảm giác ngạc nhiên, giọng hát của bà khi cất lên ngay lập tức xua ngay những mối lo xa. Khánh Ly hát sảng khoái, rõ ràng không khác gì với khi người ta nghe bà hát qua băng đĩa nhiều năm nay. Kinh nghiệm sân khấu dày dặn giúp bà xử lý, che khuất được nhược điểm mà tuổi tác mang đến. Bản năng ca hát của người yêu âm nhạc giúp bà có thể lên những nốt cao, hạ những nốt trầm khá ngọt, theo đúng chất của riêng bà, hay theo cách gọi nôm na của nhiều khán giả ái mộ, giọng hát của “nữ hoàng cần sa” vẫn giữ nguyên sức hút.
Trong hơn 2 giờ ráp nhạc, tập song ca cùng 4 nam ca sĩ khách mời là: Tuấn Ngọc, Thái Châu, Quang Thành và Hà Anh Tuấn hoặc khi hát đơn ca, bà đều đắm mình trong từng ca từ. Nhất là với những ca khúc của Trịnh Công Sơn, người nhạc sĩ mà bà khẳng định “là một nửa đời sống của tôi”. Bà hát liên tục, chỉ ngừng trong chốc lát để dàn nhạc nghỉ ngơi, để uống nước chanh pha sẵn mang theo hoặc hút điếu thuốc. Bà hát hết sức như thể ngồi phía dưới sân khấu phòng trà đang là những khán giả thực thụ nghe mình hát chứ không phải ở buổi tập nội bộ.
Khi người của ban tổ chức, có lẽ sợ Khánh Ly mệt và muốn bà giữ sức cho đêm diễn chính thức, nhắc khéo bà khi tập chỉ cần “giả bộ” hát thôi, Khánh Ly bật cười, nói: “Tập là phải hát thật chứ không giả bộ nha”. Và rồi cứ như thế, bà lại say sưa trình bày các tiết mục. Mỗi khi bà kết thúc một bài tập, vài người ngồi dự khán phía dưới nhiệt tình vỗ tay. Khi đó, Khánh Ly cúi đầu: “Xin cám ơn khán giả”.
Không nói ra, nhưng trong cách ứng xử nửa đùa nửa thật của bà pha sự tự tin và tự hào. Giọng hát ấy, dĩ nhiên không phải của một Khánh Ly 16-17 tuổi ngày nào tung tẩy giữa phòng trà ở Đà Lạt mờ sương, hay hút hồn người nghe giữa quán Văn Sài Gòn. Nhưng có một điều chắc chắn: thời gian chưa dám “chạm” mạnh vào chất giọng liêu trai, khàn, sâu, đầy bản năng, đầy cuốn hút của bà.
“Khánh Ly hát rất rõ lời, nói một cách nôm na là Khánh Ly hát rất ‘tròn vành đủ chữ’, không uốn giọng, không nuốt chữ, hồn nhiên như thể con người đã biết hát trước khi biết nói vậy”, lời nhận xét này của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng dành cho Khánh Ly vẫn đúng đến ngày hôm nay (trích sách Trịnh Công Sơn và cây đàn lya của hoàng tử bé).
Chương trình tái ngộ khán giả của Khánh Ly lần này chưa có thông tin về buổi diễn ở Sài Gòn, Huế hay Đà Lạt, thay vào đó là Hà Nội. Hà Nội – nơi bà sinh ra, nơi có những kỷ niệm tuổi thơ êm đềm như món bánh mì paté gan cháy ở phố Hàng Bông, nơi bà tha thẩn ven bờ hồ để rồi những lời nhạc Phạm Duy len vào tâm hồn thơ trẻ, nuôi dưỡng một tình yêu trong trẻo đầu đời với âm nhạc, văn học, thơ ca, nơi bà in khắc ký ức về người cha ruột thân thương….
Để rồi những ký ức ấy mãi mãi là hành trang quý giá đi cùng bà suốt chặng đường dài dâu bể của đời “người đàn bà hát” nhiều nước mắt và nỗi buồn.
Và vì thế, với Hà Nội, sự trở về của Khánh Ly cũng là hợp lẽ
Cháy vé liveshow Khánh Ly: 12 triệu đồng/1 cặp vé mời
Không chỉ khán giả thủ đô mà nhiều khán giả ở khắp mọi miền đất nước đã đặt vé để được nghe Khánh Ly hát (vào đêm nay 9/5 tại Trung tâm hội nghị quốc gia, Hà Nội).
Vậy nên, từ 5 ngày trước, theo ca sĩ Hà Anh Tuấn, người đã góp phần trong việc mời Khánh Ly về Việt Nam (và cũng là một trong 4 ca sĩ khách mời của đêm nhạc, cùng Tuấn Ngọc, Thái Châu, Quang Thành) thì vé show diễn đã “cháy” không còn một tấm nào.
Ngay khi Khánh Ly vừa đặt chân đến Hà Nội, bao cảm xúc đã ùa về trong chị. Hà Nội nơi quê cha đã gắn liền với tuổi thơ Khánh Ly. Chị tâm sự: “60 năm (1954 - 2014) đã quá đủ dài để phải nhớ, phải trở về một lần nơi đã được sinh ra, được lớn lên”. Vậy nên chị đã tranh thủ tất cả thời gian lưu lại những khoảnh khắc hoài niệm về một tuổi thơ buồn vui và bồi hồi sau bao nhiêu năm đổi thay khi vừa đặt chân đến Hà Nội.
Khánh Ly thăm hồ Gươm, Hà Nội sáng 8/5 - Ảnh: Quang Thành
Ca sĩ Quang Thành khi cùng Khánh Ly ra Hà Nội, cho biết: “Điều mà chúng tôi ngạc nhiên và cảm động là vì sao các bạn yêu nhạc còn rất trẻ, đã nhận ra ngay khi vừa thấy Khánh Ly. Nhất là các bạn trẻ đang chạy xe cũng dừng lại và xin chụp hình cùng chị. Có lẽ nhạc Trịnh qua giọng ca Khánh Ly đã trở nên quen thuộc với họ, nên họ như đã yêu chị từ lúc nào rồi”.
Trước khi về với Hà Nội, có thêm một điều thú vị mà Khánh Ly chắc hẳn nhớ mãi, đó là cuộc hội ngộ giữa chị cùng nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Ông đã trải lòng mình khi gặp Khánh Ly: “Không có Mai (tên thật của Khánh Ly) thì làm gì có bài Không. Mà không có bài Không làm gì xuất hiện Nguyễn Ánh 9 nhạc sĩ”. Vậy là 45 năm kể từ ngày người đàn (Nguyễn Ánh 9), người hát (Khánh Ly), tại Queen Bee Saigon, họ hội ngộ nhau trong niềm xúc động.
Theo Thanh niên
Sự kiện ca sỹ Khánh Ly về nước biểu diễn sau 39 năm xa quê hương đã gây được sự chú ý của khán giả trong suốt 1 tháng qua. Và ngày 9/5, liveshow của Khánh Ly sẽ chính thức diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội với sức chứa khoảng 4000 người.
Ngay sau khi thông tin Khánh Ly về nước hát ở tuổi 'thất thập cổ lai hy' với giá vé đắt đỏ dao động từ 900 đến 3,5 triệu đã khiến không ít người choáng váng. Bởi số tiền đó bằng với thu nhập một tháng lương của công nhân viên chức thế nên có nhiều người đã đặt ra câu hỏi nghi vấn rằng, có nên bỏ một đống tiền chỉ để đi nghe giọng hát nay đã phều phào?.
Tuy nhiên với số ít những người lo ngại giọng ca một thời Khánh Ly sẽ không còn đủ sức để thể hiện tốt những ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì nhiều fan hâm mộ trung thành đã không tiếc khi bỏ một số tiền lớn để mua vé.
Hôm 8/5, Báo giáo dục Việt Nam đã nhận được phản hồi từ một độc giả về việc khó mua vé đêm nhạc Khánh Ly. Theo độc giả này cho biết thì chị đã gọi điện đến 3 số hotline bán vé của liveshow Khánh Ly đều nhận được câu trả lời là đã hết vé hạng trung và chỉ còn vé mời với giá dao động 5 đến 6 triệu đồng.
Phóng viên Báo giáo dục Việt Nam cũng đã liên hệ với phòng vé và cũng đã nhận được câu trả lời tương tự. Như vậy với sự ủng hộ của đông đảo khán giả, ca sĩ Khánh Ly chắc chắn sẽ có một đêm nhạc đáng nhớ sau nhiều năm xa quê hương.
Khánh Ly thăng hoa cùng nhạc Trịnh trên sân khấu Hà Nội
Vắng bóng cố nhạc sĩ, nhưng tiếng hát của Khánh Ly và nhạc Trịnh vẫn song hành, thăng hoa như hình với bóng trong đêm nhạc tại Hà Nội, tối 9/5.
Trước đêm nhạc Live concert Khánh Ly diễn ra tại Hà Nội vào tối 9/5, có ý kiến cho rằng, với giá vé từ 900.000 - 3.500.000 đồng thì thật vô lý khi bỏ ra một số tiền lớn để nghe một giọng hát nay đã phều phào. Đáp lại sự vô lý đó, nhiều khán giả quê nhà vẫn ủng hộ Khánh Ly trở về sau 60 năm. Khán phòng Trung tâm Hội nghị Quốc gia kín chỗ. Từ 19h, từng đoàn người, hàng nối hàng bước vào đêm nhạc với tâm trạng hào hứng, để gặp lại giọng ca mà họ mến mộ thuở nào. Thậm chí, ban tổ chức còn phải bố trí xếp thêm ghế phục vụ khán giả, còn vé chợ đen thì khan hiếm.
Khánh Ly trên sân khấu Hà Nội, tối 9/5.
Lần đầu tiên hát ở quê hương sau 39 năm, Khánh Ly không giấu nổi sự hồi hộp như những ngày còn đứng hát trước nhiều sinh viên trong sân cỏ trường Đại học. Chỉ khác một điều, ngày ấy, để che giấu cảm giác run run, thiếu bình tĩnh, Khánh Ly đã phải vịn vào vai Trịnh Công Sơn khiến ông nhắc nhở "đứng hát cho nghiêm chỉnh". Còn nay, trên một sân khấu lớn, trước hàng nghìn khán giả chờ đón, Khánh Lyđứng một mình, cất nỗi hồi hộp vào trong chính ca từ, giai điệu của nhạc Trịnh để đáp lại tình cảm mà mọi người dành cho. Khi ca khúc đầu tiên cất lên, người hâm mộ bất ngờ vì qua bao nhiêu năm tháng, giọng caKhánh Ly vẫn vậy, liêu trai và đầy cuốn hút. Dù đôi lúc, những nốt cao như một thách thức đối với tuổi già, nhưng bù lại, sự tiết chế và kinh nghiệm đi hát nhiều năm đã giúp bà nhanh chóng lấy lại cân bằng. "Tôi xin lỗi bởi sự có mặt của tôi làm khổ cho nhiều người quá. Đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy tại sao mình lại được yêu thương như vậy. Tôi cảm nhận được rằng tình yêu có khi lại là gánh nặng cho người được yêu" - Khánh Ly chia sẻ. Nhưng có lẽ, áp lực mà công chúng vô tình đặt lên vai không khiến Khánh Ly phải lo lắng quá nhiều. Vì đến với âm nhạc, bà vẫn luôn mang trong mình niềm hạnh phúc khi được đứng trên sân khấu, hát bằng bản năng và đầy đam mê. Hệt như những năm 1960 đầy cơ cực, dù hát không có đồng xu, cắc bạc nào, bà vẫn cảm thấy mình cực kỳ hạnh phúc và được sống trong những tình khúc nhạc Trịnh. Ở tuổi thất tuần, Khánh Ly cho rằng mọi vui, buồn đều đã đi qua, chỉ có tình yêu và kỷ niệm là ở lại.
"Không ai sống mà không có tình yêu và kỷ niệm. Nếu không có một trong hai thứ đó thì sống cũng chẳng còn ý nghĩa" - Khánh Ly mở đầu trước khi đưa khán giả Hà Nội bước vào cõi tình của Trịnh Công Sơn với Tình sầu. Người ta thường nói, trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn, ngôn từ đa phần rất khó hiểu. Riêng Tình sầu là một trong số ít các ca khúc được ông viết rất thực với lời ca mộc mạc. Mạch cảm xúc buồn thương, chia ly tiếp tục được Khánh Ly nối liền bằng Biển nhớ. Cũng có khi lại là tiếc nuối:"Lúc đưa em về là biết xa nghìn trùng" trong Như cánh vạc bay. Đó cũng là nét đặc trưng đầu tiên mà người ta nhớ tới nhạc Trịnh, xuyên suốt trong thế giới âm nhạc của ông là tình yêu lừa dối và một nỗi buồn thê thiết phận người. Nhưng, người ra đi lại giống như lẽ tất nhiên của đời người, vì vậy, các nhạc khúc củaTrịnh Công Sơn tuy bi mà không lụy. Giống như lúc đương thời, Trịnh Công Sơn vẫn luôn biết cách chủ động dừng lại để giữ cho mối tình đẹp mãi với những lưu luyến của thuở ban đầu.
Khánh Ly đã may 4 chiếc áo dài chuẩn bị cho đêm nhạc Hà Nội.
Qua tiếng hát Khánh Ly, tình yêu của Trịnh Công Sơn được tóm gọn và bao trùm vạn vật, từ tình yêu lứa đôi, cho tới thiên nhiên, đất trời, tình phụ tử và cả những tha thiết quê hương. Âm nhạc Trịnh Công Sơn không thiếu những bóng hồng. Trên sân khấu ngày trở lại, Khánh Ly đưa khán giả Hà Nội về gặp Diễm xưa - hay nói chính xác là "Diễm" của Trịnh Công Sơn ngày xưa, khi nhạc sĩ gốc Huế bất chợt rung động trước hình ảnh một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến Trường Đại học Văn khoa ở Huế. Một ca khúc khác, cũng thấp thoáng bóng dáng người đẹp là Hạ trắng. Theo Khánh Ly, đây là một nhạc phẩm mà bà rất thích vì có một câu đặc biệt có ý nghĩa: "Áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau". Giọng ca sinh năm 1945 tâm sự: "Chỉ cần một lời thôi nhưng gửi gắm biết bao nhiêu ý nghĩa. Tôi hy vọng rằng thế hệ trẻ cũng sẽ được như vậy, tình cảm qua đi, nhưng cái nghĩa thì còn mãi".
Giống như một ca khúc không phải của Trịnh Công Sơn, nhưng lại được Khánh Ly thể hiện rất ngọt cùng Tuấn Ngọc trên sân khấu Thủ đô - Niệm khúc cuối. Sáng tác của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên như một lời hẹn ước trăm năm của riêng đôi lứa. Từng chịu nhiều đau khổ trong tình cảm, Khánh Ly hát như dành cho chính bản thân mình với đủ cung bậc cảm xúc của người phụ nữ sớm trải qua đường tình lận đận. Năm 17 - 18 tuổi, Khánh Ly đã có một đời chồng và hai đứa con. Sau này, bà mới nhận ra rằng thứ tình cảm đó không phải là tình yêu mà chỉ là chớm rung động trong cảm xúc. Với tất cả tâm tư, tình cảm dành cho những đứa con, bà chọn thể hiện bài hát Ca dao mẹ để nói lên hết nỗi lòng. Còn tình cảm với đất nước,Khánh Ly gói gọn trong tiết mục song ca cùng Hà Anh Tuấn - Xin cho tôi, làm lay động trái tim của hàng nghìn khán giả. Hai giọng ca thuộc hai thế hệ khác nhau, hòa quyện và ăn ý trong một tình khúc da vàng, mà sợi dây nối kết lại là những cuộn trào tình yêu quê hương. Khánh Ly cũng thổ lộ rằng, bà yêu những ca khúc da vàng nhiều hơn, vì trong đó có tình yêu, thân phận và cả quê hương, xứ sở.
Khánh Ly song ca cùng Hà Anh Tuấn.
Sau 60 năm trở về Hà Nội, nơi chôn rau cắt rốn của Khánh Ly, nơi có những kỷ niệm thơ ấu êm đềm ở số nhà 176 Hàng Bông, bà dường như vẫn vẹn nguyên tình cảm với mảnh đất nghìn năm này. Trở lại nơi mình sinh ra, Khánh Ly đã có dịp dạo bước ven Hồ Gươm, ôn lại kỷ niệm xưa mà ít ai nhận ra bà bởi phong cách giản dị. Qua những năm tháng sống ở Đà Lạt mù sương, Sài Gòn nắng gió, nhưng lúc Khánh Ly cất lên tiếng hát "Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ", khán giả Thủ đô vẫn cảm thấy rất ấm lòng bởi tình cảm nồng nàn của người con xa quê. Ca khúc Nhớ mùa thu Hà Nội là cách đểKhánh Ly tri ân khán giả đã đến đây và nghe bà hát.
Trong hành trình tìm về kỷ niệm, các nam ca sĩ khách mời như Thái Châu, Tuấn Ngọc, Hà Anh Tuấn và Quang Thành đóng vai trò là người dẫn dắt, nối kết Khánh Ly với người hâm mộ. Thái Châu đón chàoKhánh Ly trở về bằng ca khúc Về đây nghe em (Trần Quang Lộc) và nguồn gốc của cái tên "Nữ hoàng chân đất" mà mọi người dành tặng. Nếu như Hà Anh Tuấn hát lại ca khúc một thời Khánh Ly mê mẩn Áo anh sứt chỉ đường tà (Phạm Duy), thì Tuấn Ngọc thể hiện tình cảm chân phương, mộc mạc cùng Áo lụa Hà Đông và Hãy yêu nhau đi. Cuối chương trình, Khánh Ly tiết lộ: "Có người từng hỏi tôi ai là người hát nhạc Trịnh hay nhất. Đến giờ tôi có thể nói rằng đó chính là ông Trịnh Công Sơn. Ông Sơn rất yêu bài Mưa hồng, nên ông hát hay hơn Mai (tên thật của Khánh Ly)". Còn ước mơ của Khánh Lylà lúc nào cũng được ở bên cạnh Trịnh Công Sơn, hát với nhau ở khắp mọi nơi, nhưng cuối cùng nó lại không thành hiện thực. Nói thêm về người nhạc sĩ tài hoa bạc mệnh, Khánh Ly ngậm ngùi: "Lần này tôi trở về, ông Sơn đi vắng. Ông đi xa, nhưng tôi tin ông sẽ không thất vọng khi đã giao cho tôi những bài hát của ông". Tiếp đó, bà hát ca khúc Như một lời chia tay để kết thúc chuỗi kỷ niệm reo mầm từ khi gặp Trịnh Công Sơn vào năm 1964 đến tận bây giờ.
Nữ danh ca hạnh phúc trước sự chờ đón của khán giả tại quê nhà.
Giọng ca Khánh Ly càng cuối lại càng cuốn hút, càng hát càng mê say. Thế nên dù chương trình kéo dài hơn 2 tiếng, kết thúc khá muộn vào lúc gần 23h, nhưng đa phần khán giả đều nán lại để thưởng thức trọn vẹn. "Tôi mong quý vị yêu mến tôi, nếu có yêu nhau thì hãy yêu ngay. Đừng để khi xa rồi mới nói tiếng yêu thì sẽ muộn lắm" - Khánh Ly nói trước khi hát ca khúc Nếu có yêu tôi như một lời giã biệt mà không hẹn ngày tái ngộ. Rồi, Khánh Ly lại trầm ngâm cúi đầu, ôm gối, thể hiện ca khúc cuối cùng Một cõi đi về, thi thoảng, bà ngước mắt nhìn lên ánh đèn follow trên sân khấu. "Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi/ Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt/ Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt/ Rọi suốt trăm năm một cõi đi về" - Khánh Ly hát trong tâm trạng đầy xúc động. Hơn ai hết, bà là người thấm thía câu nói nổi tiếng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về triết lý nhân sinh quan: "Thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng". Nếu đây là lần trở về cuối cùng của Khánh Ly, thì bà vẫn có thể yên tâm rằng tiếng hát của bà và nhạc Trịnh, giống như nốt nhạc quyện với lời ca, mãi mãi neo đậu trong tình yêu của những người yêu nhạc.
Khánh Ly tự sự chinh phục khán giả Thủ đô
›› Khánh Ly đi thử áo dài chuẩn bị cho đêm diễn›› Khánh Ly mang hoa hồng vàng đến viếng mộ Trịnh Công Sơn›› Khán giả chờ đón Live Concert của Khánh Ly›› Hé lộ cát-sê khủng mời Khánh Ly về nước biểu diễn›› Ca sĩ Khánh Ly về nước biểu diễn: Đừng mong gặp lại giọng hát thanh xuân của 40 năm trước›› Vì sao Khánh Ly lại chọn Hà Nội để trở về?
GiadinhNet - Tối qua (9/5), tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội đã diễn ra liveshow của nữ danh ca gắn liền với những sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đây là lần trở về danh chính ngôn thuận của Khánh Ly sau 39 năm rời xa đất nước Việt Nam và 60 năm rời xa Hà Nội, nơi bà được sinh ra.
Phải nói, có mặt ở Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội tối qua mới cảm nhận hết được độ nóng của giọng ca này đối với khán giả Hà Nội. Chương trình 20h mới bắt đầu nhưng từ 19h, 5000 ghế ngồi trong khán phòng của Trung tâm đã gần như kín chỗ. Khán giả của Khánh Ly không chỉ có những người già mà có cả những người trẻ và những người trung thành với dòng nhạc Trịnh.
Khánh Ly với chiếc áo dài trắng do NTK Nguyễn Công Trí thiết kế
Đúng 20h, Khánh Ly xuất hiện trên sân khấu với chiếc áo dài màu trắng sữa và mái tóc buông xõa. Lúc bà mới bước những bước chân đầu tiên ra sân khấu, dưới hàng ghế khán giả, những tràng vỗ tay cứ ngân dài ra không chịu dừng lại. Khánh Ly thoáng bối rối bởi bà không ngờ người dân Thủ đô lại dành cho bà nhiều tình cảm đến vậy.
Bà chia sẻ, đây là lần đầu tiên bà đứng trên sân khấu Thủ đô mặc dù bà là gái Hà Nội gốc. Nhà của bà khi xưa ở 138 phố Hàng Bông. Khoảng 9 tuổi bà theo gia đình vào Đà Lạt nên bà chưa kịp cảm nhận được một Hà Nội đẹp với những cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, bầy sâm cầm nhỏ, mái ngói thâm nghiêng… Chỉ đến sau này, khi được tiếp xúc với nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, ông mới cắt nghĩa cho bà những vẻ đẹp rất Hà Nội trong những câu hát của ông.
Khánh Ly và 4 khách mời trong chương trình
Thế rồi, với những cảm xúc miên man của ngày hội ngộ, Khánh Ly cất lên những bản nhạc Trịnh quen thuộc như: Tình nhớ, Biển nhớ, Như cánh vạc bay, Gọi mãi tên nhau, Hạ trắng, Tình sầu… Đã 70 tuổi, Khánh Ly khiến người xem có cảm giác bà vẫn vẹn nguyên với hình ảnh cô gái Khánh Ly thuở 18 chân đất áo dài trắng theo Trịnh Công Sơn rong ca trên các nẻo đường. Chất giọng khàn khàn đặc trưng của người đàn bà “nghiện” khói thuốc; nét mê mỵ, liêu trai của một người đàn bà đã đi qua bao bến bờ hạnh phúc và khổ đau… rất riêng của Khánh Ly không hề thay đổi.
Trong khi đó, 4 nam ca sỹ được lựa chọn là khách mời của liveshow như: Quang Thành, Hà Anh Tuấn, Thái Châu, Tuấn Ngọc… lại khiến khán giả có một chút thất vọng nhè nhẹ. Các khách mời, mỗi người hát chung với nhân vật chính của đêm nhạc 1 bài và hát đơn ca một bài. Tuy nhiên, giọng hát của họ như trở nên lạc nhịp khi đứng trên sân khấu này, kể cả danh ca Tuấn Ngọc. Cũng có thể, đêm nhạc này không phải là của họ nên họ không tự tin thể hiện hết mình. Cũng có thể họ tình nguyện “làm nền” cho Khánh Ly để bà thực sự thăng hoa với không gian và cảm xúc riêng.
Tuấn Ngọc cũng bị "lép vế" trước giọng ca đàn chị
Trong đêm nhạc, không chỉ hát, Khánh Ly còn nói, nói rất nhiều. Bà tâm sự về những bí mật của cuộc đời bà, tâm sự về những kỷ niệm bà có được với Trịnh Công Sơn và cả những nghĩ suy của bà trước ngày trở về… Những lời sẻ chia chân thật, dí dỏm được lồng trong từng bài hát khiến đêm nhạc trở nên gần gũi, sống động… dù sân khấu và dàn âm thanh rất đơn giản, gọn nhẹ.
Cho đến khi khách mời và nhân vật chính đã nời chào tạm biệt, khán giả vẫn không chịu đứng dậy ra về. Khánh Ly cũng cảm thấy bịn rịn không muốn chia tay nên nước mắt cứ thế trào ra. Để thoát khỏi giây phút ấy, bà đã cầm micro hát thêm ca khúc "Một cõi đi về". Ca khúc tựa như một lời tự sự của bà gửi gắm đến khán già. Bà vừa hát, vừa ôm đầu, vừa lấy tay lau nước mắt…khán giả cũng sụt sùi theo. Cứ thế, thời gian như ngừng lại để cảm xúc kéo dài.
Một số hình ảnh trong đêm diễn tối qua:
Hà Tùng Long
Photo: Lý Võ Phú Hưng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét