a

Mời các bạn bấm vào cuối trang BÀI ĐĂNG CŨ HƠN để đọc tiếp. Những bài viết về trường Trung học Bán Công Định quán được đặt trong thư mục KÝ ỨC HỌC TRÒ.

Thứ Năm, 15 tháng 1, 2015

Hà Tiên phần 2



Hà Tiên – Điểm cực Tây của đất nước     
(P2)  Lung linh Tiểu Hạ Long
 
Đầu tiên của phần này xin giới thiệu những hình ảnh trên Vietbando.


Đây là một góc nhỏ nơi vợ chồng tôi đã đi qua. Bắt đầu từ Ngã ba Lộ tẻ vào QL 80 cho đến cuối QL 80 là cửa khẩu Xà xía. QL nguyên bản màu vàng, nhưng đã bị tôi đánh dấu xanh lè đường đi (tới Mũi Nai), còn đoạn màu tím thì từ từ nói tiếp. Tôi gọi đây là bản đồ 1.



 

Phần trước tôi đã giới thiệu 6 trong số 10 cảnh đẹp của Hà Tiên thập vịnh. Còn lại 4 thì (gãi đầu) cho tôi thiếu nợ, vì 4 cảnh này nm tréo ngoe đường đi, nên dù muốn cũng phải chịu gác lại lần khác. Nhưng mượn lời của các bằng hữu trên Google, xin giới thiệu với các bạn


ĐÔNG HỒ ẤN NGUYỆT

Đông Hồ là hồ ở phía Đông thành Hà Tiên, ấn nguyệt là trăng in. Vào lúc trăng tròn khoảng 07-08 giờ tối, ra bờ hồ, nhìn thẳng về hướng Đông mà đợi, đợi đến lúc trăng lên, chúng ta sẽ được nhìn chiếc ấn nguyệt in tròn vành vạnh trên mặt hồ. Cảnh vật trên Đông Hồ rất đẹp, ánh trăng lung linh trên sóng nước mặt hồ mà ngày xưa Mạc Thiên Tích tưởng chừng tiên nữ lạc bước trần gian, đã làm nao lòng mạc khách đề thơ. Đông Hồ chứa nước từ sông Giang Thành đổ vào và ăn thông ra biển để có hai mùa mặn ngọt, là nơi lý tưởng cho nhiều loại thủy cầm sinh sống. Những loài thủy cầm này đã góp phần nuôi sống con người Hà Tiên trong biết bao thế kỷ qua. 


GIANG THÀNH DẠ CỔ (tiếng trống cầm canh bên bờ sông)

Giang Thành là thành lũy đóng ở bên sông. Dạ là ban đêm. Cổ là tiếng trống. Giang Thành Dạ Cổ là tiếng trống cầm canh ở chỗ đồn thú bên bờ sông, về ban đêm. –

Sau khi tiếp nối cơ nghiệp của cha, Mạc Thiên Tích tăng cường việc xây dựng và bố phòng chung quanh Phương Thành. Do vị trí địa lý, việc thông tin từ vùng phía Bắc về Hà Tiên rất khó khăn (lúc này kinh Vĩnh Tế chưa được đào, chỉ có sông Giang Thành). Ông đã cho đắp một con đường nhỏ, chủ yếu dùng cho việc liên lạc hỏa tốc, đủ một người một ngựa, bắt đầu từ Đá Dựng chạy dài đến bờ Bắc sông Giang Thành với nhiều vọng gác. Tục truyền, cứ bắt đầu một hồi trống gác đánh từ Hà Tiên đến hồi trả lại là đúng một giờ. Đường này còn có tên là lộ sứ Tự Đức, đến nay hầu như không còn để lại dấu vết. Giang Thành ngày nay chỉ là một địa danh thuộc xã Tân Khánh Hòa, huyện Kiên Lương, cách thị xã Hà Tiên khoảng 10km, là chỗ ngã ba tiếp giáp kinh Vĩnh Tế từ Châu Đốc chảy sang, liền với thượng lưu con sông Giang Thành


TRỪNG BA NAM PHỐ

Nam Phố nghĩa là bãi ở phía Nam, trừng ba tức là sóng lặng, nước yên.

Từ trung tâm thị xã đi về phía biển, bãi Nam Phố hiện ra là một vùng biển trời mênh mông, tĩnh lặng. Bãi Ớt bao la với cát vàng mịn, mặt nước trong xanh. Nơi này trước kia là một xóm chài của người Việt, có từ đầu thời kỳ thị trấn Hà Tiên được khai phá. Thiên nhiên ưu đãi cho bãi Ớt, du những tháng gió mưa trong vịnh Thái Lan, mưa giông hay sóng bạc đầu thì riêng ở Bãi Ớt, biển lại êm ru như mặt nước hồ thu. Ghe thuyền qua lại trên biển vào mùa này đều tìm đến đây trú ẩn.

Người ta cho rằng, sở dĩ Nam Phố có được 1 bãi biển thanh bình như vậy là do dãy núi bãi Ớt nhô hẳn ra ngoài khơi tạo thành bức bình phong khổng lồ. Vì thế, du khách vẫn có thể tắm biển an toàn hay tàu bè có thể chọn làm điểm tránh bão.


LƯ KHÊ NGƯ BẠC (xóm chài Rạch Vược)

 Lư Khê Ngự Bạc là cảnh thứ mười trong "Hà Tiên Thập Cảnh". Lư là loài cá Vược. Khê là khe, là rạch. Ngư là thuyền chài, người lưới cá, câu cá. Bạc là thuyền đỗ bến. Lư Khê Ngư Bạc là cảnh Rạch Vược, nơi thuyền ngư đỗ bến hay còn gọi là xóm chài Rạch Vược. 


Cách đây mấy thế kỷ, trong địa phận xã Thuận Yên, cách thị trấn Hà Tiên khoảng ba cây số có một con rạch nhỏ từ kinh Rạch Giá - Hà Tiên ăn thông ra biển, nơi đây loại cá vược tụ tập rất nhiều, len lỏi qua các khe núi Nhọn, núi Ông Đội và núi Nhỏ, tạo thành một cảnh sơn thủy kỳ thú. Mạc Thiên Tích đã cho dựng ở đây một ngôi "điếu đình" làm chỗ nhàn hạ buông câu, làm nơi tiêu dao ngoạn cảnh, nghỉ ngơi, di dưỡng tinh thần. Và nơi đây còn được gọi là Lư Khê Nhàn Điếu. Bây giờ con rạch Lư Khê không còn ăn thông ra biển và loài cá vược ở đây cũng không còn nhiều như xưa nữa. Vì từ khi Quốc lộ 80 được xây dựng thì con rạch đã bị lắp ngang.


      Xin xem bản đồ 2, những điểm này ngược đường nên tôi không đến được. Hy vọng mọi người có nhiều thời gian hơn để thưởng thức.




     Mười cảnh đẹp của Hà Tiên đã xong rồi, xin giới thiệu đến Tiểu Hạ Long của chúng ta. Thiệt tình là ông trời cực kỳ rảnh rỗi, sau khi qua 1 vòng Hà Tiên, tôi đã phát biểu ý kiến như vậy. Ha ha ha, cầu mong ông thông cảm cho con, đừng sai Thiên Lôi giáng một búa, đây là con khen mà.


         Không phải một mình tôi nghĩ vậy đâu, trước đây đã có nhiều, rất nhiều người chắc cũng nghĩ giống vậy, tôi chỉ là hậu bối sinh sau đẻ muộn thôi, nhưng Hà Tiên quả là một món đồ chơi xinh xắn của tạo hóa; cứ giống như ông trời tha hết cảnh đẹp của Việt Nam, nắn lại nho nhỏ xinh xinh rải hết trên cái tỉnh Kiên Giang này. Giống y người ta chơi hòn non bộ, ông trời tay trái nắn tay phải gom đặt để lên bàn ngắm nghía thỏa thích. Từ bãi biển, núi non, thạch nhũ, trầm tích, hang động, thạch thất, sơn môn và cả chùa chiền lăng tẩm. Xin hãy nhìn tiếp vào  bản đồ 3 và 4  dưới đây để thấy thêm 1 Hạ Long thu nhỏ



 



   Quần thể đảo ở khu du lịch này bao la bát ngát, riêng quần đảo Bà Lụa trên bốn chục đảo lớn nhỏ, mà có những hòn đảo quá nhỏ nên trên bản đồ không có đủ (xin xem tên các đảo ở Wiki).



             Sở dĩ tôi phải khiêng mấy cái bản đồ vô đây để mọi người nhìn thấy cả rổ quần đảo xinh xinh be bé mà ông trời đã rất rảnh rỗi ngắt nhéo nắn thả xuống vùng đất này, như tôi đã nói ở trên, nhỏ quá tới nỗi mà bản đồ còn chưa thèm viết lên cho hết. Từ Hà Tiên nhìn ra biển, rất thẳng tắp là quần đảo Hải tặc (tên trong bản đồ là Hòn Cướp), đứng che chắn rất ngô nghê cho đảo ngọc Phú Quốc xa xa. Tôi không được hân hạnh ghé vào thăm cái nhóm đảo có nick rất khiêu khích này, cũng bởi vì thời gian quá ít, chỉ search google đưa ra làm hàng cho mọi người ngắm thôi.



      
        Quần đảo Hải Tặc gồm 14 đảo lớn- nhỏ, thuộc vùng biển Tây Nam là nơi có đường biên giới Việt Nam- Campuchia chạy qua. Do địa hình hiểm trở, lại nằm trên tuyến đường thông thương quan trọng nên một thời gian dài, đây là nơi lý tưởng để cướp biển đồn trú, tấn công các tàu buôn qua lại, cách đây khoảng 300 năm rất nổi tiếng với nhiều vụ cướp biển có tổ chức ở qui mô lớn. Các tàu buôn của Trung Quốc và phương Tây đã từng là nạn nhân của những vụ rượt đuổi táo tợn trên biển . Năm 1981, người dân ở quần đảo đã bắt giữ hai người nước ngoài khi họ đang lén lút trong hẻm núi với la bàn, bản đồ và dụng cụ đào vàng. Họ khai rằng vì có được tấm bản đồ kho báu của bọn hải tặc được vẽ cách đây 300 năm nên đã tìm mọi cách để đổ bộ lên quần đảo này.

      Ngày nay, quần đảo Hải Tặc đã bình yên và thu hút khách du lịch vì vẻ đẹp nguyên sơ. Đặc biệt có 1 cột mốc đánh dấu chủ quyền từ xa xưa để lại.






Ở đây đảo nào cũng có đặc điểm giống nhau là có cây rừng che phủ đến 80%, nơi giáp với nước mặn là ghềnh đá trơ trọi và hoang sơ.  người dân trên đảo còn làm nhiều nghề khác như đóng tàu, chế biến hải sản, buôn bán...Chỉ có 6 hòn đảo có người sinh sống gồm hòn Đốc, hòn Tre Nhỏ, hòn Giang, hòn Đước, hòn U và hòn Đồi Mồi, với tổng cộng khoảng 400 nóc nhà và 2.000 người, còn lại là đảo hoang. 


       Từ bến tàu Hà Tiên, có thể dễ dàng tìm 1 chiếc tàu tới quần đảo này, nhưng chúng tôi không thể lựa chọn được mà phải đi ngược hướng về phía Rạch Giá để thăm thú cảnh quan của đất Ba Hòn.


        
      Trả phòng Khách sạn ở Mũi Nai, vợ chồng tôi bắt xe ôm chạy ra chợ Hà Tiên, thuê khách sạn Hà Tiên 300k/ngày , quăng đồ đạc vô đó.  Công nhận KS ở đây rẻ bèo, trừ 1 cái 4 sao cao cao xanh ngắt không dám đụng tới thôi, còn lại từ 150 cho tới 400 lềnh khên. Cô lễ tân lấy bản đồ ra hướng dẫn cho tôi đường đi tới điểm tham quan. Theo QL 80 tới Ba Hòn chừng hơn 20 km, nhưng từ đó để vào các điểm Hòn Chông, Hang Moso, chùa Hang và bến tàu thì cũng hơn 10 km  (là cái đoạn tím tím trên bản đồ số 1). Giá xe ôm 1 người đi + về là 150k, còn taxi 600k/chuyến đi về, nên nếu đi đông người (5-7) thì lại quá rẻ.


          Dọc theo biển về hướng Nam, đầu tiên là một cụm thắng cảnh nổi tiếng của Hà Tiên là Hòn Chông. Hòn Chông thuộc xã Bình An, huyện Kiên Lương. Cùng với Hòn Trẹm và Hòn Phụ Tử, Hòn Chông là một trong những cảnh đẹp của danh thắng Ba Hòn nổi tiếng ở đất Kiên Giang. Cảng Hòn Chông cũng là 1 cảng lớn, kín đáo che chở sóng gió cho tàu bè qua lại.


           Hòn Chông ngày xưa là một hòn đảo, dần dần phù sa bồi đắp nối đảo với đất liền nên trở thành núi. Sở dĩ có tên gọi như vậy, là vì núi này bao gồm nhiều tảng đá nhọn trông xa như một bàn chông. Hòn Chông cao 221 m, đây từng là nơi trú ẩn của Nguyễn Ánh khi bị Tây Sơn truy lùng. Hiện nay, thỉnh thoảng người ta còn tìm được một số tiền kẽm mà Nguyễn Ánh đã cho đúc trong hang động này. Hòn Chông cũng từng là căn cứ khởi nghĩa của Nguyễn Trung Trực năm 1876.

          Cách Hòn Chông vài km là hang động Mo So thuộc ấp Ba Núi, một trong những điểm tham quan thu hút đông đảo du khách. 

Giống như một Phong Nha thu nhỏ, Mo So có một dãy hang động ẩn hiện giữa một vùng đồi núi điệp trùng, có một thung lũng rộng bên trong, nắng và gió theo khe đá lọt vào hang động tạo ra không gian thông thoáng.

 Những hang động ăn thông, luồn với nhau hình thành những ngóc ngách bí hiểm. Có chỗ hang chỉ vừa một người lách qua, có chỗ phình ra rộng rãi. Do sự tác động kéo dài của sóng biển đã xoáy sâu vào núi hoặc trổ hướng thông nhau thành hang chân sóng và hang động lớn rất lạ mắt, có chiều sâu hun hút, nhiều mạch nước ngầm chảy thành suối mát lạnh lan tỏa. 

Ngày nay, đường đi dễ dàng nên có nhiều khách du lịch tìm đến Mo So để ngoạn cảnh và tìm hiểu lịch sử vì trong 2 cuộc kháng chiến, những hang động Moso là căn cứ địa tốt nhất.
 

         Phía đông của Moso là dãy núi Bình An còn nhiều rừng, dân ở đây thỉnh thoảng còn gặp những con vật sót, hiếm.  Quần thể khu du lịch Chùa Hang, Hòn Phụ tử cũng không xa.
 

          Chùa Hang có từ đầu thế kỷ 18, nằm trong lòng hang núi, Chùa Hang cao 181m thuộc sơn hệ Hòn Chông. Chùa có tên chữ là Hải Sơn Tự nằm trọn vẹn trong một hang rất lớn có hai cửa rộng: cửa hướng Tây thông ra biển, cửa hướng Bắc nối tiếp với con đường dẫn vào Chùa từ đất liền.


             Trước khuôn viên Chùa là khoảng sân rộng chạy dài tới chân núi An Hải, hang núi khá rộng, chổ hẹp nhất cũng vừa khoảng 3-4 người đi qua được. Đây là hang động thiên nhiên nằm trong ngọn núi đá vôi bị xâm thực cách nay hàng ngàn năm, lần theo vách hang có rất nhiều vỏ hến, vỏ sò bám đầy trên vách. 


Chùa Hang nằm phía trong đó, rẽ phải chánh điện là đường dẫn vào hang, lần theo con đường tối hai bên là đất đá nhám, dựng đứng có hai pho tượng phật Thích Ca mang phong cách tượng phật Thái Lan. Vào thời Mạc Thiên Tích đã cho hai hoàng tử Xiêm La lánh nạn nơi đây, hai vị hoàng tử này đã lập chùa trong hang, tạc tượng Phật để thờ, tính đến nay hai pho tượng phật Thích Ca đã an vị hơn 300 năm ở Chùa Hang.









      Trước cửa hang phía Nam có miếu thờ bà Chúa Xứ, đến cuối hang, ra ngoài bãi cát mịn, nước trong xanh nhìn ra xa là Hòn Phụ Tử sừng sững mọc lên giữa biển. Tương truyền, thời thực dân Pháp mới đến Việt Nam, mỗi lần chúng muốn ghé vào cửa Chùa Hang đều bị cụm Hòn Phụ Tử “trôi” ra chặn lại, sau đó chúng dùng đại bác bắn đỉnh núi phía tay phải. Hiện nay đỉnh núi ấy còn dấu bể bên chóp, Hòn Phụ Tử được tạo thành bởi một khối đá cao và một khối đá thấp, khối cao khoảng 30m gọi là Hòn Phụ, khối thấp cao khoảng 25m hơi nghiêng về hướng đông gọi là Hòn Tử, hiện nay ông cha già quá đã nằm dài, vết đứt phẳng nghiêng xuống phía trước, không xù xì, tóm lại như bị lưỡi cưa máy làm cái xoẹt, còn để lại ông con một mình thu thủi đứng ngắm trời xanh. (sự tích Hòn Phụ tử nhiều người biết rồi – không nói lại nữa).







             Ở đây có những chiếc tàu (thuyền/ghe) nhỏ  và lớn sẵn sàng chở bạn đi tham quan các Hòn, các núi đá vôi nho nhỏ xinh xinh nằm rải rác.  Bên tay trái là Hang Kim Cương được hình thành do nước biển xâm thực tạo thành hang động ăn sâu vào chân núi đá vôi, trải qua các thời kỳ nước mưa rỉ xuống tạo thành nhiều thạch nhũ có hình thù rất đẹp và lạ mắt. Tương truyền nơi đây chính là nơi vua Gia Long từng ẩn náu. Rời khỏi hang có một vách núi nhô ra biển gọi là mũi công chúa Ngọc Du. Chuyện kể rằng khi đoàn thuyền của Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi chạy đến đây, tướng Tây Sơn đuổi kịp nhảy lên thuyền của công chúa Ngọc Du thì đồng thời công chúa cũng gieo mình xuống biển. Sau đó Nguyễn Ánh trở lại và lập đàn tế đặt tên là Mũi công chúa Ngọc Du.




      Phía đông Chùa Hang là Giếng Tiên. Đây là hang động trong núi ăn ra biển, bị mưa và sóng biển xâm thực tạo thành, cửa hang nằm hướng ngoài biển, muốn đến phải đi tàu khoảng 10 phút.  Điều đặc biệt nhất là trong hang này lại có một giếng nước ngọt nằm trên vách đá, nước có quanh năm không bao giờ cạn và cũng không bao giờ tràn ra ngoài. Nguồn nước mát lạnh và tinh khiết nên được người dân địa phương tin đó là giếng nước thiêng do trời đất ban tặng.



             Cách hòn Phụ Tử khoảng 1 km, hòn Trẹm quay 3 mặt ra Vịnh Thái Lan. Trước đây là Hòn (trong miền Nam giống gì cũng hòn hết) nhưng nay đã dính liền với chân núi, ngày đêm lộng gió , sóng vỗ dạt dào. Do địa thế giao thông thuận lợi, hòn Trẹm đã trở thành hòn sang chảnh nhứt khu này, vì có cả resort 4 sao. Lợi thế của Hòn Trẹm là đứng trên cao để ngắm toàn vùng , gần như dãy Moso, hòn Phụ tử, chùa Hang, hòn Kiến vàng; Xa hơn chút như quần đảo Bà Lụa; và mờ mờ nhân ảnh là Hòn Nghệ
 




          Đến Ba Hòn, bạn có thể tin chắc rằng bạn sẽ được thăm thú những cảnh biển đẹp như huyền thoại mà giá cả cũng như phương tiện đều không phải là chuyện đáng quan tâm. Tất nhiên tôi không nói nếu đi trúng nhằm ngày lễ. Nói chung nếu chọn ngày lễ thì đừng nói Hà Tiên hay bất cứ nơi nào trong cái đất nước Việt Nam này. Xin thưa mọi chi phí đều tăng gấp 3 trở lên. Còn ngày thường , chuyện kiếm một chiếc tàu lớn thì 50 người,  nhỏ thì 1 – 2 người để làm một vòng trời mây non nước biển là chuyện rất dễ dàng, thậm chí có thể giao đứt quyền lựa chọn cho tài xế taxi hay xe ôm, tất nhiên số người càng đông thì chi phí càng giảm.

 

            

      



 Quần đảo bà Lụa  gồm khoảng 40 đảo lớn, nhỏ ngoài khơi cách mũi Hòn Chông - Bình An 7km về phía Tây và cách Ngã Ba Hòn 15 km về hướng Đông.


 



           Trong số trên 40 đảo của quần đảo Bà Lụa chỉ có 10 đảo có cư dân sinh sống, cá biệt có đảo chỉ có một gia đình.

 
 
       Tên của những hòn đảo được đặt tuỳ theo hình dạng, cùng với những truyền thuyết, giai thoại như: Hòn Heo, Hòn Dê, Hòn Ngang, Hòn Đước... Biển xung quanh quần đảo Bà Lụa cạn sợt, nhiều nơi nước ròng có thể đi được từ đảo này sang đảo khác, nước ngập không quá lưng người lớn. Bãi biển ở đây toàn sỏi với hình dáng màu sắc khác nhau.. Ở Hòn Nhum còn có khá nhiều kỳ đà, trăn, rắn, cùng với một số loài chim sống ở rừng và biển, tạo nên sự đa dạng về sinh học. 




            Do quần đảo Bà Lụa có rất nhiều đảo, rất khó có thể đi hết tất các đảo vì vậy chỉ nên lựa chọn một vài hòn đảo đẹp. Ba Hòn Đầm (gồm Hòn Đầm Dương, hòn Đầm Đước, hòn Đầm Giếng) là nơi được nhiều người ghé khám phá. Lý do nào lại có thêm chữ đầm thì tôi không biết, nhưng có nghe giang hồ đồn láo là chỗ này hồi xưa mấy ông Tây bà đầm khoái kéo nhau ra đây nghỉ mát, cũng có người nói do 3 hòn này kết nhau lại thành hình tam giác, ở giữa là đầm nước (đầm nên nước chỉ ngang lưng), thiên hạ xúm nhau lội bì bõm. Đầm Dương có bãi tắm đẹp, có rất nhiều loại hải sản tươi ngon, thậm chí có cả sân bãi rộng có thể đậu được trực thăng. Bình minh và hoàng hôn và trên quần đảo Bà Lụa là những thời khắc đẹp nhất của thiên nhiên, xứng đáng là một Hạ Long thu nhỏ.












      Xa và rộng, đông dân cũng như giàu có là Hòn Nghệ. Hòn Nghệ nằm hơi xa chút về phía Nam, cách Ba Hòn 24 km đường chim bay, nhìn thấy ổng thu lu cuối bản đồ. Nhưng hòn Nghệ lại là nơi có nếp sống bình bình an an nhứt. Dân cư ở đây hiền lành, tự hào tối ngủ không cần mền, cửa nhà không cần đóng, xe không cần khóa.








     Phong cảnh say đắm nhất ở Hòn Nghệ là núi Lầu Chuông, nơi có bức tượng Phật Bà uy nghi, tự tại chiều cao 20m, như ngọn hải đăng định hướng cho tàu bè. Gần đó có hòn đá Chum kỳ lạ, lấy một hòn đá nhỏ gõ vào sẽ vang lên những âm thanh ngân nga như tiếng chuông chùa. 

 




 

         

            Trên đỉnh Lầu Chuông là ngôi chùa Liên Tôn, giống như chùa Hang, điều đặc biệt của chùa Liên Tôn là toàn bộ kiến trúc cấu trúc nằm trong lòng hang sâu u tịch, rất tốt cho việc tĩnh tâm tu hành, nhưng vẫn có đầy đủ ánh sáng nhờ cửa hang được mở ra từ trên cao.









 


       Từ đỉnh Lầu Chuông, trèo xuống sườn núi phía Bắc rồi vượt qua một vách đá thẳng đứng, là đến hang Gia Long  (ai tròn trịa đừng đi hướng này, chịu khó lội nước dễ hơn). Trước cửa hang là khối đá lớn mang hình một chú voi, trên vách đá trong hang vẫn còn dấu triện của vua Gia Long với những nét hoa văn tạo cùng những hàng chữ nho còn rất rõ. Hang Gia Long còn có một lối thông ra biển. Mỗi vách đá trên đường đi đều ghi dấu thời kỳ biển tiến, biển lùi từ hàng ngàn năm qua.


 


 


         Đến đây, chắc các bạn cũng đã đồng ý với tôi khi kết luận là ông trời thiệt là rảnh, đem mọi cảnh quan xinh đẹp của đất nước Việt Nam, nắn nắn nhéo nhéo đặt lên trên bàn ngắm. Từ núi non, bãi biển, thạch nhũ đá vôi cho tới trùng trùng hoang đảo, cái nào cũng xinh xắn, cũng nhỏ nhắn, cũng thiệt là mát con mắt nhìn. Đừng đòi hỏi ở đây nét hùng vĩ của Phong Nha, của Ninh Bình, của Ngũ Hành Sơn hay ánh vàng rực rở biển miền Trung. Nơi này là sân chơi mini của tạo hóa, nhỏ thôi nhưng đẹp, rất đẹp .




















 



 


 








 
        Hết một vòng lủ khủ hòn cũng tới lúc phải trở về Hà Tiên, vợ chồng tôi quyết định kéo dài thêm chuyến đi, thẳng tiến đảo ngọc Phú Quốc khi biết chỉ cách 1h tàu cao tốc. Thôi đành 1 liều ba bảy cũng liều. Hẹn các bạn phần tiếp theo: Phú Quốc trong suy nghĩ của tôi.


   



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét